Tâm tình của giáo viên dạy nghề lao động nông thôn

07:11, 16/11/2012

Họ là những người thầy giúp học viên có được cái nghề. “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” đã có nghề có nghiệp thì học viên có thể phát triển kinh tế gia đình. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hãy cùng vinh danh những người thầy dạy nghề đang trực tiếp giúp cho những lao động nông thôn có thêm thu nhập.

Họ là những người thầy giúp học viên có được cái nghề. “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” đã có nghề có nghiệp thì học viên có thể phát triển kinh tế gia đình. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hãy cùng vinh danh những người thầy dạy nghề đang trực tiếp giúp cho những lao động nông thôn có thêm thu nhập.


Chị Trang (trái, hàng đầu) vui vẻ bên lớp học nghề của mình. Ảnh: TL

Chú Nguyễn Văn Mẫn (chú Sáu Mẫn ở Phường 9- TP Vĩnh Long)

Là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Vĩnh Long, chú Nguyễn Văn Mẫn (Phường 9- TP Vĩnh Long) luôn tìm cách để giúp hội viên phát triển kinh tế.

Hội Sinh vật cảnh tỉnh có khoảng 4.400 hội viên, phần lớn bà con trồng hoa kiểng nhưng chưa biết cách chăm sóc sao cho đúng. Ngoài việc tổ chức 30 lớp tập huấn kỹ thuật tỉa trồng cây cảnh miễn phí hàng năm, chú còn trực tiếp đi khắp các xã- phường trong tỉnh và sang các tỉnh khác để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và cách trồng sao cho đạt hiệu quả, tạo việc làm cho bà con, tăng thêm thu nhập. Giúp bà con có việc làm, tăng thêm thu nhập là niềm vui của chú.


Niềm vui của chú Sáu là giúp nhiều bà con tăng thêm thu nhập.

Theo chú, muốn dạy nghề cho bà con đạt hiệu quả, trước hết phải có lòng đam mê nghề và cũng như nắm vững kỹ thuật cách chăm sóc hoa kiểng. Chú thường hay nói với mọi người: Nghệ thuật và kỹ thuật đi đôi với nhau nhưng trước hết phải có kỹ thuật, biết cách chăm sóc “tính nết” của từng loài thì mới có cây tốt mà làm nghệ thuật cây cảnh, cây kiểng được.

Nhờ được chú truyền đạt kinh nghiệm tận tình nên nhiều bà con, hội viên được nâng cao tay nghề, có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình. Chú cho rằng: “Muốn cho cây cảnh có giá trị kinh tế cao, trước hết người trồng không chỉ biết cách tỉa, tạo dáng mà cần phải biết cả kỹ thuật chăm sóc. Nhìn thấy bà con có những tác phẩm giá trị, bán có giá cao, tôi thấy vui vì đã góp được chút ít công sức cho bà con”.

Chị Huỳnh Thanh Trang (xã Hòa Lộc- Tam Bình)

Đến thăm lớp dạy nghề ở xã Hòa Lộc, có hơn 30 chị em đang tỉ mỉ ngồi học cách đan giỏ. Trước khi trở thành giáo viên của Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình, chị Trang cũng đã từng có khoảng thời gian dạy nghề cho những chị em trong xóm.

Dù vất vả, khó khăn nhưng nhìn thấy chị em sau khi học nghề có việc làm, cải thiện cuộc sống gia đình, thoát nghèo, vậy là thấy “ham”, say nghề hồi nào không hay.

Suốt 7 năm nay, không quản ngại đường xa mùa mưa hay nắng, cô giáo Trang vẫn đi đến các địa phương trong tỉnh để dạy nghề. Nơi nào có nhu cầu học nghề thì chị lại tham gia đứng lớp hướng dẫn.

Ấn tượng nhất là lớp học ở xã Tân Phú (Tam Bình), các học viên quý mến cô giáo nên thường hay mang quà vào lớp tặng cô. Quà có khi chỉ là con cá hay những mớ rau nhưng chứa đựng tình cảm của học trò nông thôn dành cho cô giáo.

Đa phần học viên là lao động nông thôn có tuổi tác, học vấn không đồng đều nên chị phải kiên nhẫn và dồn tâm huyết để dạy nghề. Để khuyến khích học viên, chị trả tiền công cho chị em nào tạo ra được sản phẩm hoàn chỉnh. “Chính vì thế mà học viên cứ thích đăng ký học lớp dạy nghề của cô Trang”- chị chia sẻ.

Với những cống hiến trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn. Năm 2011 chị đạt giải nhất hội thi giáo viên dạy nghề giỏi cấp tỉnh.

Không chỉ dạy nghề giỏi mà chị Trang còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Các học viên chị Huỳnh Thanh Huyền (Trà Côn, Trà Ôn) cho biết chị cũng học nghề do chị Trang dạy, sau khi lành nghề thì về phụ chị Trang kiểm hàng.

Chị cho rằng nghề làm TTCN này rất hiệu quả vì “dễ làm mà thu nhập cũng khá”. Người làm giỏi thì mỗi ngày thu nhập thêm 70- 80 ngàn, còn làm bình thường thì khoảng 50- 60 ngàn đồng.

Chú Trần Văn Tám- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình cho biết: “Cô Trang là giáo viên có tay nghề giỏi. Từ khi cô Trang đi dạy và tạo việc làm thì nỗi lo không biết làm gì để có thu nhập lúc nông nhàn của chị em không còn, đời sống lao động nông thôn được nâng cao”.

Thầy Phạm Quốc Trạng- giáo viên Trường TC Nghề Vĩnh Long

Thầy Phạm Quốc Trạng là giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn tại Trường Trung cấp nghề Vĩnh Long, với thầy luôn xem dạy học là một niềm vui. Là thầy giáo của các cậu học trò có khi bằng hoặc hơn tuổi mình, thầy Trạng phải “sử dụng cách dạy và giáo trình theo học sinh”.

Bởi lẽ, nhiệm vụ của người thầy là “dạy sao cho học viên hiểu và làm được”- thầy Trạng cười. Hơn 9 năm làm thầy đào tạo nghề với các môn dạy thuộc ngành Công nghệ ôtô, thầy Trạng luôn tâm niệm: “Đối tượng đầu vào của TC nghề và lao động nông thôn không giống nhau, vì thế, cách tiếp thu chương trình, tâm lý học cũng khác”.


Thầy Phạm Quốc Trạng (phải) luôn dạy HV làm nghề gì cũng cần có cái tâm.

Thông thường, lớp học của thầy Trạng bắt đầu bằng học lý thuyết rồi áp dụng ra thực hành theo nhóm. Thầy Trạng nói: “Cho một nhóm thực hành theo mẫu, rồi sau đó cho các nhóm khác đồng loạt làm theo”.

Theo thầy thì nghề sửa xe cũng rất quan trọng, các khâu sửa chữa không rành làm sai có thể gây hư tổn, cháy,… có khi không sửa được mà làm xe càng hư trầm trọng thêm. “Vì vậy, đã dạy thì phải dạy thiệt kỹ”- thầy Trạng nói thêm.

Không đơn giản là tận tâm, thầy Trạng luôn chú ý, quan tâm và giúp đỡ các học viên “học đến hiểu”. Thầy cười: “Dạy nghề là truyền đạt nghề lại cho HV, sao cho các bạn vừa vững lý thuyết mà lại giỏi thực hành để có việc làm ổn định”.

HV Lê Văn Hiển (Tam Bình) cười tươi nói về thầy Trạng: “Thầy dạy kỹ lắm! Lại tận tình nữa, ai có thắc mắc gì hay làm chưa được gì thì thầy cũng sẵn sàng chỉ dẫn. Dạy lớp lao động nông thôn, miễn phí mà thầy tận tình lắm!”

 

Đối với giáo viên, cán bộ quản lý xuống cơ sở để dạy nghề từ 15 ngày trở lên trong tháng được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung. Người dạy nghề (cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… tham gia giảng dạy) được trả tiền công 25.000 đ/giờ. Người dạy nghề là tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học, nông nghiệp được trả công 300.000 đ/buổi.

Bài, ảnh: LINH HUỆ


 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh