Nằm lọt thỏm sau đường Phạm Hùng, cuối ngọn con sông Bình Lữ nhưng chưa có nước sạch nên nhiều năm nay, một số hộ dân thuộc Tổ 15, Khóm 1 (Phường 9- TP Vĩnh Long) phải sử dụng nước “trữ” lại trong ao, xẻo quanh nhà. Tuy
Cô Bảy cho biết, ao này là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu cho các hộ khi nước kém.
Nằm lọt thỏm sau đường Phạm Hùng, cuối ngọn con sông Bình Lữ nhưng chưa có nước sạch nên nhiều năm nay, một số hộ dân thuộc Tổ 15, Khóm 1 (Phường 9- TP Vĩnh Long) phải sử dụng nước “trữ” lại trong ao, xẻo quanh nhà. Tuy nhiên, những năm gần đây, cỏ cây và rác rưởi lấp đầy sông, ngăn dòng chảy nên nguồn nước ngày càng ô nhiễm.
Cô Phùng Thị Bảy- một người dân Tổ 15 chia sẻ: “Tui ở đây 30 năm rồi, toàn xài nước sông. Trước còn chuyên chở đường sông thì nước trong nhưng giờ sông bị lấp bởi cây cối, rác rưởi,… đủ thứ nên nước ngày càng ít và dơ hơn. Nước múc lên khử trùng rồi mới dám xài mà còn nghe hôi đó. Bởi vậy, chỉ tắm giặt thôi, nấu ăn thì phải mua nước tinh khiết thùng 21 lít”.
Chỉ tay qua ao nước nhỏ nhà hàng xóm, cô Bảy nói thêm: “Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của mấy hộ khi nước kém đó. Cứ xúm nhau rửa thức ăn, tắm giặt,… biết là không đảm bảo vệ sinh nhưng đành chịu”. Cô còn cho biết thêm: “Mấy tháng nước rong còn có nước “rịn” vô ao chớ tháng Giêng, tháng hai âm lịch chỉ còn cách xin hoặc mua nước của mấy hộ câu đuôi, cực lắm!” Cũng theo cô Bảy, nước dơ còn bởi nhiều hộ nhà sàn quăng rác xuống sông.
Ở cạnh sông nhưng nhà cô Phùng Thị Dung- đối diện nhà cô Bảy- việc xài nước cũng bất tiện. Xua tay vẹt bớt đám cỏ và rác rến để xách nước đổ đầy khạp nhỏ, cô Dung than: “Nước lợn cợn vầy nè, dơ lắm! Có lúc tắm xong bị nổi mẩn đỏ liền, tội nhất là đứa cháu chưa đầy 1 tuổi!” Cô Dung cũng cho biết thêm: Cả nhà 5 người sống nhờ làm thuê (có khi chỉ chừng 30.000 đ/ngày) nhưng đâu chỉ mua gạo, còn mua nước nấu ăn, ít gì cũng hết 5 thùng/tuần, thiệt ngán!”
Không chỉ vậy, đường ở đây cũng rất bất tiện. “Đường đất ngoằn ngoèo, cầu ván thì chỉ như… cầu tạm. Nước lớn ngập cầu, người lớn cũng té mà tội nhất là mấy đứa học sinh”- cô Bảy nói. Huỳnh Tuấn Thanh- học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Lý Tự Trọng xởi lởi: “Mùa mưa đi ngang đây là em sợ lắm vì cầu rất trơn. Mà mùa nước thì còn sợ hơn vì phải lấy cây dò từng bước!” Dẫu vậy, mong muốn lớn nhất của các hộ này là “có nước sạch”.
Cô Bảy nói: “Có nước sạch để xài cho thoải mái trước đi rồi hãy làm đường. Trước nghe nói sắp có rồi nhưng sao chờ hoài chưa thấy?”
Nhiều người ngán ngẩm với nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn như thế này.
Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long, Trưởng Khóm 1, ông Ngô Thanh Hùng cho biết: Khóm 1 còn khoảng 5% hộ dân chưa có nước máy, phải câu đuôi hoặc xài nước sông không đảm bảo vệ sinh, riêng Tổ 15 còn mười mấy hộ “đa số là dân lao động hoặc buôn bán nhỏ, xin vô nước lâu lắm rồi mà chưa có”.
Ông cũng cho biết thêm, nguồn nước ô nhiễm là bởi ghe xuồng không còn lưu thông, sông bị lấp- dòng chảy yếu hơn. Mặt khác, do ý thức một số hộ còn kém nên quăng rác bừa bãi xuống sông (đặc biệt là một số hộ có nhà sàn dọc sông).
Ông Phạm Trung Chánh- Phó Chủ tịch UBND Phường 9 cho biết: Phường còn nhiều hộ chưa có nước máy sử dụng như ở Khóm 3, Khóm 1… Phường đã có đề nghị và Công ty TNHH MTV cấp nước Vĩnh Long đã khảo sát. Đồng thời phường đã tiến hành họp dân và đề nghị về trên đầu tư con đường giao thông qua khu vực này và đã có chủ trương chấp thuận đầu tư, phường đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Cũng ở Khóm 1, chú Lê Văn Hùng bức xúc: “Tui sống ở đây mấy chục năm rồi, mình đã lên thành phố, lại ở phường hẳn hoi nên trông có nước sạch xài cho sạch sẽ, văn minh chớ cứ xài nước trong ao, vũng như vầy hoài dơ không chịu nổi”. Thiết nghĩ, cần nhanh chóng có biện pháp đưa nước sạch đến với người dân để đảm bảo sức khỏe cũng như mỹ quan và văn minh đô thị.
Bài, ảnh:
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin