Trước đây, muốn phủ giống heo, anh Nguyễn Chí Thành (ấp Hiếu Thạnh, Hiếu Thành- Vũng Liêm) phải vất vả đi “tiền trạm” đánh giá mức độ “động” của heo nái rồi tính chuyện “phân công” và khệ nệ dẫn mấy anh “Trư” đi… hành nghề. Sau đó, phải bồi bổ… “hồi dương”. Nay, kỹ thuật gieo tinh nhân tạo đã giúp anh tránh khỏi một số “tai nạn” nghề nghiệp và làm kinh tế hiệu quả hơn.
Trước đây, muốn phủ giống heo, anh Nguyễn Chí Thành (ấp Hiếu Thạnh, Hiếu Thành- Vũng Liêm) phải vất vả đi “tiền trạm” đánh giá mức độ “động” của heo nái rồi tính chuyện “phân công” và khệ nệ dẫn mấy anh “Trư” đi… hành nghề. Sau đó, phải bồi bổ… “hồi dương”. Nay, kỹ thuật gieo tinh nhân tạo đã giúp anh tránh khỏi một số “tai nạn” nghề nghiệp và làm kinh tế hiệu quả hơn.
Nghề “gieo tinh heo” giúp anh Thành có nguồn thu nhập khá.
|
Sau 7 năm phục vụ quân đội, năm 1976, anh Thành xuất ngũ. Được cha mẹ cho 2 công đất, anh trồng lúa nhưng không hiệu quả. Được đồng đội động viên, giúp đỡ, anh tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi. Lúc đầu, anh nuôi heo nái sinh sản, nhưng lợi nhuận không cao. Năm 2005, được cán bộ thú y hướng dẫn kỹ thuật, anh lập dự án vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cộng với vốn tích lũy, anh đầu tư trên 470 triệu đồng xây chuồng trại, mua con giống, thức ăn và thuốc thú y… Qua 5 năm, anh thu lợi nhuận gần 520 triệu đồng.
Theo ông Trần Văn Phal- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hiếu Thành: “Là Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp Hiếu Thạnh, anh Thành đã vận động đồng đội tham gia góp vốn xoay vòng, xây dựng quỹ hội (60 triệu đồng) để đầu tư sản xuất, kinh doanh... Đến nay, toàn ấp không còn hội viên nghèo. Nhờ đồng đội hỗ trợ vốn, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, khai thác tinh heo, anh Thành đã làm kinh tế hiệu quả hơn…”
Anh Thành kể: “Năm 1990, tui dẫn heo đi bộ để phủ nọc, chỗ xa thì chuyên chở bằng ghe, xe lam… và phải vất vả tập mấy anh “Trư” thuần thục các “chiêu” lên, xuống xe; nghe hiệu lệnh, tuân lệnh chủ… nhưng cũng có lúc nó cắn cả chủ. Cũng có lần anh bắt 5 con nọc về, nhưng chỉ “xài” được 2 con…”
Phương pháp thụ tinh nhân tạo đã giúp anh tránh khỏi một số tai nạn nghề nghiệp, hầu bao cũng rủng rỉnh hơn. Với giá bán 40.000đ/liều, nếu đích thân anh đi gieo tinh heo thì 170- 180 ngàn đồng/con/đợt. Trung bình, mỗi ngày anh bán được vài chục liều và đi khoảng 10 điểm, “bỏ túi” 400- 500 ngàn đồng/ngày. Ngoài đọc sách báo, mỗi năm anh còn đi tham quan các trại chăn nuôi học hỏi kinh nghiệm: xây hầm biogas; kỹ thuật lấy tinh, pha chế, bảo quản tinh và gieo tinh… Theo anh: “Với phương pháp thụ tinh nhân tạo, công việc khỏe hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, nếu gieo không khéo, sẽ không có kết quả…”
Trại của anh hiện có 15 con nái và 10 con nọc (gốc Canada). Hiện anh đang tìm mua con giống gốc thuần Mỹ và cập nhật liên tục giống mới để cải thiện chất lượng đàn heo ở địa phương. Tuy giỏi về kỹ thuật, nhưng anh thường nhờ người khác chích thuốc khi heo bệnh. Kinh nghiệm của anh là nếu làm mấy chàng “Trư” đau và sợ thì về sau khó lấy được tinh. Thậm chí, khi lấy tinh phải đội đúng cái nón và mặc bộ đồ “hợp nhãn” với nó mới được…
Nhờ làm ăn có uy tín, gieo tinh đạt chất lượng nên “tiếng lành đồn xa”. Với cái “a lô” bên cạnh, anh nói: “Khi nào người dân không còn nuôi heo nữa, thì tôi mới bỏ nghề”.
Anh còn cho biết: “Tui định sẽ mở rộng trại chăn nuôi lên 500m2 để đầu tư nuôi 20 con nái, 15 con nọc và cân đối theo yêu cầu khách hàng. Ngoài ra, khi nào có khả năng xây nhà máy chế biến thức ăn tui sẽ đầu tư nuôi heo thịt”.
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin