Nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu lao động

07:11, 02/11/2012

Với nhiệm vụ đào tạo và giới thiệu việc làm cho người lao động tại địa phương. Những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình đã không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động...

Với nhiệm vụ đào tạo và giới thiệu việc làm cho người lao động tại địa phương. Những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình đã không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động...


Nâng cao trình độ giảng dạy giúp học viên nắm tốt kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng lao động. Trong ảnh: Lao động Công ty May Ngân Đình.
 

Bước đầu khả quan

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình- Ngô Thái Bình, điểm mới của dạy nghề nông thôn trên địa bàn huyện là hiện có nghề xây dựng dân dụng. Trong tháng 9, đã có 3 lớp dạy chuyên môn này, mở ở các xã Tân Lộc, Phú Thịnh và Tân Phú với hơn 70 học viên. Nhu cầu nhiều người dân lao động cần một nghề lúc vụ mùa nhàn rỗi, cộng với thực tế các địa phương cần lao động trong xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng, nên nghề này đã được trung tâm chọn mở lớp.

Tính đến hết tháng 9/2012, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện đã mở 71 lớp với 1.757 học viên theo học, so kế hoạch đạt hơn 140% và tổng số học viên có việc làm trong số này đạt hơn 1.400 người. Nghề đan là nhiều nhất với 32 lớp, gần 900 học viên. Các xã Ngãi Tứ, Bình Ninh và Loan Mỹ là những nơi phát triển mạnh, giải quyết đầu ra cho các lớp học nghề này. Điều đáng tự hào là đời sống của người lao động ngày càng được nâng lên, góp phần ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế địa phương.

Nói về công tác giới thiệu việc làm, anh Ngô Thái Bình cũng phấn khởi. Đến nay toàn huyện Tam Bình đã giới thiệu việc làm được khoảng 6.500 người, đạt gần 144% so nghị quyết, trong đó có việc làm tại huyện hơn 2.000 người. Hiện Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện cũng đã mở 6/10 lớp dạy nghề nông nghiệp so số đăng ký với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để kịp thời cập nhật tay nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, trong thời gian tới Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm cũng sẽ cố gắng tập trung mở lớp, tạo điều kiện cho lao động nông nhàn địa phương tiếp cận được với nghề, giải quyết việc làm.

Trong khi đó, chỉ trong tháng 9/2012, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình đã giới thiệu xuất khẩu cho 7 lao động. Tính đến nay, toàn huyện có 108 người đi lao động các nước. Trong đó, chủ yếu là các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc , Singapore , Nga,… Đối với các lao động được đi xuất khẩu lao động, trình độ tay nghề sẽ được nâng lên rõ rệt, kèm theo đó là tác phong công nghiệp ở nước ngoài. Khi về nước có thể đáp ứng rất tốt nhu cầu sử dụng lao động ở các doanh nghiệp trong nước.

Sau 2 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kết quả bước đầu có nhiều thuận lợi, nhất là công tác phối hợp chặt giữa trung tâm và các ban ngành đoàn thể địa phương trong tuyên truyền vận động tư vấn nghề cho người dân, vận động đi học lại khi họ bỏ học... Nhiều người dân (trong thời gian nhàn rỗi) có nhu cầu, tâm huyết học nghề được giải quyết. Các ban ngành chuyên môn, đoàn thể địa phương vào cuộc mạnh mẽ để tuyên truyền mục đích ý nghĩa, vận động người dân tham gia học nghề để “có nghề”, tạo thêm thu nhập cho cuộc sống lúc nông nhàn.

Tiếp tục nâng cao tay nghề

Đánh giá nhu cầu sử dụng lao động và tìm việc trong thời đại hiện nay, ngoài việc đào tạo, giới thiệu, tuyên truyền thì Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Tam Bình đang có những bước tiến trong việc nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn cho giáo viên, theo đó sẽ nâng cao tay nghề cho người lao động. Anh Ngô Thái Bình cho biết, trung tâm sẽ tiếp tục cập nhật nghiệp vụ dạy nghề cho các giáo viên để đảm bảo tốt công tác đào tạo. Hiện Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện có 19 giáo viên thuộc các ngành, trong đó có nhiều giáo viên được cử đi học nghiệp vụ sư phạm, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Trong thời gian tới, dự kiến chiêu sinh lớp dạy nghề cơ khí và sửa chữa lắp ráp cài đặt máy vi tính- căn cứ nội dung đề án phân luồng học sinh sau THCS của ngành giáo dục tỉnh để có thể đáp ứng nhu cầu học sinh sau lớp 9 muốn đi học nghề.

Nằm trong khuôn viên Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Tam Bình, Công ty May Ngân Đình với khoảng 70 nhân công may đang làm việc. Trong số đó, có rất nhiều lao động từng là học viên ngành may của Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm. Theo anh Trương Tuấn Khanh- quản lý của công ty cho biết: Đa số học viên sau khi hoàn thành khóa học sẽ làm việc tại công ty với mức thu nhập tương đối khá, tùy vào trình độ tay nghề. Theo đánh giá khách quan, đa số học viên đều có trình độ đạt so với nhu cầu.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, kết quả đạt được, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Tam Bình vẫn còn một số vấn đề khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, anh Ngô Thái Bình chia sẻ, vẫn còn một bộ phận người chưa thật sự muốn học nghề mà chủ yếu là “đi học để được hưởng trợ cấp”. Trong đó, đặc biệt là các ngành học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi. Do đó, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Tam Bình sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để khuyến khích lao động nông nhàn theo học có nghề, mặc khác là nâng cao trình độ, tránh trình trạng đề án thì có nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Bài, ảnh: MINH THÁI- KHÁNH NGUYỄN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh