Từ tháng 4/2012, khu nông sản thực phẩm chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) được xây mới khang trang, chấm dứt cảnh ngập nước vào mùa mưa lũ và chia sẻ tình trạng quá tải ở chợ cũ trước đây (hiện là khu bách hóa tổng hợp). Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho biết, mua bán không thuận lợi, cuộc sống vất vả hơn do thu nhập bấp bênh, đồng lời teo tóp.
Từ tháng 4/2012, khu nông sản thực phẩm chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) được xây mới khang trang, chấm dứt cảnh ngập nước vào mùa mưa lũ và chia sẻ tình trạng quá tải ở chợ cũ trước đây (hiện là khu bách hóa tổng hợp). Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho biết, mua bán không thuận lợi, cuộc sống vất vả hơn do thu nhập bấp bênh, đồng lời teo tóp.
“Chợ lạ đời, chợ ế…” là cách nói của tiểu thương khu bách hóa tổng hợp. Theo họ, “lạ” ở chỗ các khu của chợ được xây cách nhau quá xa (khoảng 300m) và “chợ thị trấn gì mà cả ngày vắng ngắt”. Nhiều tiểu thương cho biết, từ khi bị tách đôi, sức mua đã giảm đi 70- 80%.
Chị Lê Thị T.N. - một tiểu thương bán tạp hóa buồn thiu: “Lúc chưa dời chợ, bán không kịp. Còn giờ ngồi từ sáng tới chiều trông mỏi mắt hổng thấy người mua. Đáng nói là chi xài gia đình trước giờ nhờ “bám chợ”, giờ chỉ lời chừng 20.000- 30.000 đ/ngày nên tất nhiên gặp khó”.
Chị cho rằng, do 2 khu chợ cách xa nhau như vậy nên bất tiện, trong khi chợ cũ không có hàng thiết yếu như rau củ, thịt cá để người mua ghé mỗi ngày như chợ mới. Thêm nữa, chợ cũ không có chỗ gởi xe và nhà vệ sinh nên càng bất tiện.
Tương tự, các quầy bán đồ nhựa gia dụng, bánh kẹo, vải vóc… cũng vắng khách. Dì Lệ- tiểu thương quầy bánh kẹo thở dài: “Lúc trước chưa tách ra, mua bán nhộn nhịp lắm, giờ thì ảm đạm, vắng tanh, tiểu thương đông hơn người đi chợ”.
Ngồi gần nửa buổi trời chỉ bán được đồ chụp cá 6.000 đ/cái, cô Võ T. M. (54 tuổi) chau mày: “Tui sống nhờ chợ mấy chục năm rồi chớ đâu có ruộng vườn gì. Mấy chục năm nay, chưa thấy lúc nào tình hình bán buôn lại tệ như vầy hết, ngày chỉ bán được 200.000- 300.000đ, trừ vốn liếng còn lời chừng vài chục. Trừ tiền ăn uống của hai vợ chồng ra, còn nuôi con học đại học, kéo dài như vầy không biết làm sao xoay trở nổi”.
Bi đát hơn là tình cảnh của cô Lâm Hai Khiều (70 tuổi) bán hủ tiếu và vài mặt hàng lặt vặt như nước rửa chén, xà bông,… Cô than thở: “Nói ra thiệt mắc cỡ, hồi trước tui chỉ bán hủ tiếu thôi mà tới vài chục tô/ngày. Giờ không tới 10 tô/ngày, nước chấm thì mỗi ngày chừng 5 lít. Lời chỉ 5.000- 10.000 đ/ngày- không đủ sống. Bởi vậy, thỉnh thoảng lại phải nhờ người con trai làm nghề hớt tóc cho thêm tiền. Tui không ngờ có ngày chợ lại ế như vầy”.
Các quầy mặt tiền ở chợ mới có phần sôi động hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quầy đóng cửa, số khác mở kinh doanh nhưng tiểu thương cũng than “ế quá!”
Từ khi có chợ mới, chị Võ Ngọc Thương nghỉ làm công nhân ở Sài Gòn với mức lương trên 2 triệu đồng/tháng để đăng ký vào bán tạp hóa cùng gia đình ở khu chợ mới, mong ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, mấy tháng nay, tình hình bán buôn không thuận lợi khiến chị vô cùng lo lắng. Chị nói: Không rầu sao được vì có ngày chỉ bán được chai nước mắm Nam Ngư giá 10.000đ nhưng lỡ đăng ký 2 quầy hơn 30 triệu đồng rồi, còn mặt bằng hàng tháng nữa, không biết tính sao bây giờ?
Tiểu thương nhà lồng chợ nông sản thực phẩm mong “xẻ” lối ngang, tách các quầy này ra để thoát khỏi tình trạng “trong hẻm”.
Cạnh đó, chú Huỳnh Thanh Thắng- bán tạp hóa cũng “rầu thúi ruột”: “Nhiều lắm chỉ bán được 50.000- 60.000 đ/ngày trong khi tui bị bệnh thận còn nuôi con bị tâm thần, thiệt là chông chênh quá!”
Theo các tiểu thương này, sở dĩ chợ mới bán buôn ế ẩm là do sự sắp xếp ngành hàng chưa hợp lý: “Bên trong nhà lồng bán tạp hóa, trong khi bên ngoài khu bán rau củ cũng bán đầy đủ như vậy nên người đi chợ mua ngoài đó tiện hơn vì vừa đỡ tốn thời gian lại khỏi phải coi chừng xe…” (chợ mới chưa có bãi giữ xe- PV).
Mặt khác, các quầy hàng trong nhà lồng san sát nhau, không có lối chẻ ngang khiến nhiều hộ trở thành “trong hẻm” nên khó bán.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hoàng Định- Trưởng Ban Quản lý chợ thị trấn Cái Nhum nói: Những phản ánh về tình hình bán buôn ế ẩm ảnh hưởng đến đời sống tiểu thương là có thật. Nguyên nhân, một phần do khó khăn chung của nền kinh tế, mặt khác, do chợ bị chia tách xa nhau gây bất tiện.
“Thường các chợ chuyển chỗ thường chuyển toàn bộ, riêng chợ này chỉ chuyển đi một phần. Trong khi, người dân đi chợ “tiện đâu thì mua đó” nên tiểu thương mất mối… Về phần sắp xếp ngành hàng và thiết kế chợ chưa hợp lý, do thiết kế 8- 9 quầy liên tục (không có lối xẻ ngang) chỉ bán cùng mặt hàng nên gây khó cho tiểu thương, nhiều quầy đã đóng cửa vì ế ẩm.
“Ban Quản lý chợ đã làm việc với Phòng Công thương và UBND huyện ghi nhận và xem xét”- ông nói. Ông cũng cho biết thêm, hiện tình trạng đã có phần ổn định hơn so với lúc chợ mới vừa đi vào hoạt động. Riêng việc chợ cũ không có nhà vệ sinh, Ban Quản lý đã báo Phòng Công thương thẩm định, có hướng đầu tư. Từ nay đến cuối năm, chợ sẽ chuyển sang HTX quản lý.
Ông Nguyễn Văn Tư- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nhum cũng cho biết: Có thể năm tới, khu bách hóa tổng hợp sẽ được xây mới, khu nông sản thực phẩm sẽ có đường mới đi qua và được xây thêm nhà giữ xe.
Thiết nghĩ, ngành chức năng cần nhanh chóng có biện pháp khả thi giải quyết những khó khăn, vướng mắc của khu chợ này để tình hình mua bán thuận lợi hơn.
Bài, ảnh:
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin