Dạy nghề cho phụ nữ nông thôn

04:11, 09/11/2012

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trung ương Hội và Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm các huyện tổ chức các lớp dạy nghề lưu động miễn phí cho nhiều lao động nữ nông thôn.


Tranh thủ nông nhàn, phụ nữ nông thôn đan thảm lục bình kiếm thêm thu nhập.

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trung ương Hội và Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm các huyện tổ chức các lớp dạy nghề lưu động miễn phí cho nhiều lao động nữ nông thôn.

Nhờ vậy, hàng ngàn chị đã được đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, chuyển giao kỹ thuật tạo việc làm tại các khu công nghiệp, địa phương hay tại nhà.

Linh động trong đào tạo nghề

Những lớp dạy nghề lưu động về tận xã, ấp và liên kết với các cơ sở sản xuất để sau khi học nghề, người lao động có việc làm ngay là cách làm tốt nhất hiện nay. Từ đó, những tổ nhóm, đan giỏ ny-lông, đan găng tay bóng chày, nấu ăn, xe lõi lác, đan thảm lục bình, may gia công, dạy kết hoa voan,… phát triển khắp các vùng nông thôn.

Nhờ các lớp dạy nghề, hàng ngàn lao động nữ nông thôn có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 600.000– 1.500.000 đ/người/tháng. Điển hình là 4 làng nghề đan thảm lục bình và sản xuất bánh tráng giấy tại 3 xã Ngãi Tứ, Bình Ninh và Tường Lộc.

Chúng tôi về xã Ngãi Tứ (Tam Bình) thăm lại làng nghề đan thảm lục bình. Những người đan lục bình phần đông là phụ nữ, tranh thủ thời gian nhàn rỗi ngoài công việc đồng áng và nội trợ để kiếm thêm thu nhập. Tay thoăn thoắt đan từng sợi lục bình khô để làm thành thảm đĩa, chị Bé Tâm (ấp An Phong) cười vui: “Đan thảm này để có công ăn chuyện mần lúc huỡn rỗi. Đan hoài cũng ghiền, mình chịu khó học, khi quen tay rồi mình đan nhanh và đều lắm. Ngày tui làm kiếm bậy hai ba chục ngàn cho con đi học”.

Đẩy cặp kính lão trễ xuống sóng mũi, bà Năm cho biết: “Già ở không làm gì, thấy con cháu mần cũng hay, phụ mần để dành tiền dưỡng già, ăn trầu”. Còn chị Hồng Anh thì nhẩm tính: “Ở nhà quanh năm trồng rẫy, cơm nước không hà, rảnh đan vậy kiếm được 1 triệu tháng, cũng đỡ nghen!”

Chị Huỳnh Thanh Trang- giáo viên dạy nghề tiểu thủ công nghiệp- cho biết: “Khóa học thường khoảng 1 tháng, ngày lao động học được 15 ngàn, nhưng với nghề này chỉ cần làm vài ngày là họ đan sản phẩm có tiền rồi. Dù nghề này không khó học nhưng chị em phải thực sự có nhu cầu học nghề, chịu khó, tỉ mỉ mới theo được nghề, để có những sản phẩm đẹp, đạt chuẩn xuất khẩu”.

Nhận thấy mức sống trên địa bàn TP Vĩnh Long cao nên việc mở các lớp dạy nghề thủ công như đan thảm lục bình, đan giỏ mũ chỉ phù hợp với lao động nông thôn, nên BCĐ thực hiện Đề án 1956 đã linh động mở thêm các lớp dạy nghề nữ công gia chánh, thẩm mỹ, tin học,… Không cần phòng ốc sang trọng, các vật dụng từ nồi, chảo, dao kéo, chén, dĩa đến các mẫu vật thực hành đều được các học viên tự túc mang đến.

Chị Nguyễn Thị Yến Xuân- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 3 cho biết: “Với đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, các chị có nhu cầu trên địa bàn đã được dạy nghề miễn phí. Giáo viên là những đầu bếp chuyên nghiệp đang làm việc tại các nhà hàng. Đặc biệt, học viên nghèo khi tham gia còn được hỗ trợ 15.000 đ/buổi”.

“Các lớp nữ công gia chánh phù hợp với các chị sống ở các phường. Sau khóa học, nhiều chị đã tìm được việc làm như phụ nấu đám tiệc, mở quán ăn. Có 4 phường- xã thành lập “CLB nấu ăn”; 11 phường- xã đều có tổ nhóm nấu ăn, thường xuyên nhận nấu đám tiệc.


Nghề “làm đẹp” thu hút nhiều lao động nữ.

Nhiều chị có thu nhập ổn định, vượt qua khó khăn trong cuộc sống và việc linh động thay đổi hình thức này đã đáp ứng được yêu cầu của lao động”- Phó Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ TP Vĩnh Long Nguyễn Ánh Nguyệt chia sẻ. Chị Huỳnh Thị Dệt (Khóm 3- Phường 5) cho biết: “Lúc trước tôi chỉ nấu ăn cho gia đình, nhưng sau khi học lớp dạy nghề này, tôi mạnh dạn nấu đám tiệc nhà họ hàng.

Tuy không chuyên nghiệp nhưng tôi “tủ” được nhiều món ruột. Lần trước nấu đám giỗ, bà con khen tôi nấu ngon, nghe mà mát cả ruột. Nếu chị em nào chưa biết nấu ăn thì trong vòng một tháng học, các chị đã có thể chế biến gần 30 món ăn để “chiêu đãi” gia đình và bạn bè”.

Nhờ học lớp nữ công gia chánh, chị Kim Tuyết (Phường 4- TP Vĩnh Long) đã mở quán cháo lòng, được nhiều người ăn khen ngon. Còn chị Bèo (Phường 1- TP Vĩnh Long) thì có nhiều “mối quen” gọi đi nấu đám tiệc và còn được mời đi trợ giảng lại cho các lớp nữ công gia chánh nên “thu nhập kiếm được cũng kha khá”.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Hiện nay, mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 được tổ chức dưới 2 dạng: nông nghiệp và phi nông nghiệp, thu hút nhiều lao động nữ, đặc biệt là các nghề tiểu thủ công, may công nghiệp…

Theo đánh giá của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, các mô hình dạy nghề trên bước đầu mang lại kết quả trong việc tạo thêm việc làm mới và giúp nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian lao động ở nông thôn. Cụ thể, với các mô hình dạy nghề nông nghiệp, sau học nghề 100% lao động có việc làm.

Đối với các nghề phi nông nghiệp, 93- 98% lao động có việc làm, thu nhập của lao động cũng tăng thêm từ 1,5- 2 lần. Đối với phụ nữ, từ đầu năm đến nay, đã có trên 140 lớp đào tạo các nghề, giải quyết việc làm cho gần 9.000 lao động nữ.

Theo các lao động nữ, đề án đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn thật sự đã mang nhiều kết quả. Tạo điều kiện cho các chị học và làm việc ngay tại nhà mình, giúp phụ nữ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: HẠ NGHI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh