Đào tạo nghề theo... đặc thù

02:11, 16/11/2012

Là huyện với nhiều địa bàn thuần nông, nên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Trà Ôn vì vậy cũng có xu hướng “xuôi” theo đặc thù của địa phương...


Với nhiều người dân xã Tân Mỹ, chăn nuôi bò- “nghề tay trái” để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ảnh: TL

Là huyện với nhiều địa bàn thuần nông, nên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Trà Ôn vì vậy cũng có xu hướng “xuôi” theo đặc thù của địa phương...

Đào tạo đặc thù, thí điểm

Xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gắn với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế- xã hội, ngành chức năng huyện Trà Ôn dự báo giai đoạn 2011- 2020 sẽ dạy nghề cho 20.788 lao động nông thôn.

Trong đó dạy nghề nông nghiệp cho 6.627 người, dạy nghề cho lao động nông thôn làm trong các lĩnh vực phi nông nghiệp và lĩnh vực khác cho 14.160 người. Huyện cũng xây dựng mục tiêu hàng năm đào tạo nghề khoảng 2.000 lao động nông thôn và phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 lên 35- 40% và đạt trên 55% đến 60% vào năm 2020.

Theo đề án, huyện sẽ đào tạo nghề cho 2.800 lao động nông thôn theo các mô hình thí điểm được chọn là: chuyên canh lúa, hoa màu, cây có múi,... Và có 3 nhóm lao động tham gia mô hình đào tạo thí điểm này: nhóm làm nông nghiệp ở vùng chuyên canh, nhóm trong các làng nghề truyền thống và nhóm chuyển nghề sang công nghiệp- dịch vụ.

Từ đầu năm đến nay, huyện Trà Ôn đã tổ chức khai giảng 26 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, có 758 học viên, đạt 100% kế hoạch. Ngoài ra các xã còn liên kết với Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm (Liên đoàn Lao động tỉnh), các trường chuyên nghiệp đã mở được 15 lớp ở các xã Vĩnh Xuân, Trà Côn, Nhơn Bình với các nghề cho 470 học viên. Trong đó riêng Trà Côn đã mở được 7 lớp với hơn 200 học viên.

Theo ghi nhận tại nhiều địa bàn, các lớp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp thu hút rất khá lượng người tham gia. 2- 3 năm nay, Trung tâm Dạy nghề và Giải quyết việc làm huyện đã triển khai đều đặn nội dung này với nhu cầu thiết thực từ đời sống nông thôn như: kỹ thuật chăm sóc cam, vỗ béo bò, trồng nấm rơm...

Chẳng hạn như, cây có múi với các kỹ thuật trồng chăm sóc cho ra trái nghịch vụ luôn có nhu cầu cao từ nông dân. Và trung tâm đã phối hợp tổ chức thường xuyên các lớp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp chuyên môn này. Thời điểm tháng 11, hiện có 5 lớp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho người dân có nhu cầu với 2 lớp trong số đó mở tại xã Thuận Thới.

Nhu cầu kiến thức của phần lớn lao động nông thôn thường “bám” với mảnh vườn thửa ruộng, là lý do để đào tạo nghề nông thôn “gắn” với thực tế như thế; dù vẫn xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn.

Gắn kết thực tế...

Theo Trung tâm Dạy nghề và Giải quyết việc làm huyện Trà Ôn, do đặc thù địa phương không có nhiều làng nghề công ty doanh nghiệp hoạt động, nên đào tạo nghề cho lao động nông thôn vì vậy cũng theo... đặc thù thực tế của địa phương, nghiêng về nông nghiệp.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn tạo ra “sự gắn kết” giữa những người phụ nữ, nông dân trong công tác hội, phong trào đoàn thể chia sẻ kinh nghiệm, cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Mỹ- Phạm Thị Tuyết Nhung cho biết hiện hội đã phối hợp mở 4 lớp dạy đan với 140 học viên theo học. “Dạy nghề như thế vừa giúp mấy chị có thêm thu nhập lúc nông nhàn, vừa giúp công tác hội “xôm tụ” và mạnh hơn” – theo chị Nhung.

Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân xã- Trần Đức Thanh, thì công tác chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp các mô hình nuôi trồng thời gian qua trên địa bàn cũng thực hiện đều khắp. Nổi bật hơn cả là các kỹ thuật về nuôi, phòng chống bệnh và vỗ béo bò. “Đa số người dân nhiều địa bàn trong xã chăn nuôi bò như nghề tay trái. Ở đây cứ 10 hộ có khoảng 6- 7 hộ có chăn nuôi bò” – lời anh Thanh.


Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp là yêu cầu của phần lớn người dân thuần nông. Trong ảnh: Lên liếp trồng cam sành cần đúng kỹ thuật mới đảm bảo sản xuất bền vững.

Người dân nông thôn đa phần vẫn còn ảnh hưởng bởi tập quán sản xuất, thời gian làm việc và các điều kiện: đi lại, việc gia đình, trình độ học vấn,... nên việc đăng ký học nghề để có trình độ, tay nghề và có việc làm chưa được đối tượng này xác định cụ thể trong khi đang thực sự có nhu cầu học nghề. Từ đó kết quả khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn đạt thấp so với kết quả thực tế tuyển sinh hàng năm.

Tuy nhiên, theo Đảng ủy UBND huyện, việc quán triệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” rộng rãi đến quần chúng nhân dân và người lao động bằng nhiều hình thức khác nhau đã giúp nhân dân lao động nâng hiểu biết chính sách chủ trương của Nhà nước nói chung, chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm của đề án nói riêng.

Từ đó làm nền tảng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: AN DĨ HIÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh