Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động có thể tự tìm việc làm hoặc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện giới thiệu. Lao động được học nghề có thể giải quyết thời gian nông nhàn, dần ổn định kinh tế gia đình và góp phần phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương…
Chị Trương Thị Chanh vui vẻ với thu nhập ngoài giờ của mình vì có thể phụ lo cho gia đình.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động có thể tự tìm việc làm hoặc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện giới thiệu. Lao động được học nghề có thể giải quyết thời gian nông nhàn, dần ổn định kinh tế gia đình và góp phần phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương…
Thu nhập thêm… ngoài giờ
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện đã tổ chức dạy cho các lớp nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp và nông nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là các ngành đào tạo công nhân xây dựng, điện dân dụng, sửa xe gắn máy, cơ khí hàn, đan tiểu thủ công nghiệp, may công nghiệp.
Theo anh Nguyễn Ngọc Khương- Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện, lao động sau khi học nghề đều đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Theo đó, lao động sẽ được Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện giới thiệu hoặc tự tìm việc làm, tỷ lệ người có việc sau khi đào tạo đạt tỷ lệ cao.
Trong đó, theo anh Khương, người lao động giải quyết thời gian nhàn rỗi ở nông thôn lại tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Út (xã Bình Phước) cho biết: Do được đào tạo bài bản, có bằng chứng chỉ nghề nên tìm việc làm rất dễ. Hiện chị đang may cho một công ty may trên địa bàn, với mức lương khoảng trên 2 triệu đồng. “Từ ngày đi may có được nguồn thu nhập ổn định, lo cho gia đình, con cái đi học đàng hoàng nên cũng đỡ. Trước chỉ làm vườn, may gia công ở nhà nên thu nhập bấp bênh, khó mà xoay xở nổi”.
Trong khi đó, chị Trần Thị Lài (thị trấn Cái Nhum) cho biết: Chị có mức lương hiện tại khoảng 2 triệu đồng, còn chồng cũng có việc làm ổn định tại một tiệm làm bánh nên kinh tế gia đình tạm ổn.
Có thu nhập, theo anh Khương thì không chỉ ổn định kinh tế gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương. Cụ thể, lao động học xây dựng có mức thu nhập 2- 4 triệu đồng/tháng, công nhân may trung bình 1,3 triệu đồng/tháng, đan tiểu thủ công nghiệp cũng 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tháng,…
Chị Trương Thị Chanh (xã Chánh An) cho biết, chị đã học nghề đan tiểu thủ công nghiệp được hơn 1 năm nay và đang “có hàng làm mỗi ngày”.
Chị cho biết: Nghề này rất khỏe, rảnh giờ nào thì làm giờ đó, có khi tối tối mấy chị em xúm lại làm cho vui, chứ không phí phạm bỏ trống thời gian. Không bằng làm vườn, đi làm công nhân nhưng nghề đan này có mức thu nhập cũng khá, người nào làm giỏi có thể được trên dưới 1 triệu đồng/tháng, đủ chi tiêu lặt vặt trong nhà.
Hiện tổ đan của chị có khoảng trên dưới 30 người là các chị em quanh xóm. Với mức thu nhập ngoài giờ này, chị em đỡ phần nào tiền chợ, tiền điện nước, tiền học hành cho con cái. Sắp tới, chị cũng sẽ tiếp tục truyền nghề cho các chị em khác để góp phần ổn định cuộc sống của chị em phụ nữ tại địa phương.
Cần chủ động liên kết, nâng cao hiệu quả đào tạo
Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện đã tổ chức giảng dạy nghề cho lao động nông thôn như 3 lớp công nhân xây dựng với tổng số 68 học viên tốt nghiệp; một lớp tin học văn phòng với 32 học viên; 5 lớp may công nghiệp với 102 học viên; đã và đang tổ chức 35 lớp tiểu thủ công nghiệp với 972 học viên; 1 lớp sinh vật cảnh với 25 học viên; các lớp trồng dưa dấu, nuôi lươn cũng đã thu hút 100 học viên.
Riêng công tác xuất khẩu lao động đã đưa 13 người đi các nước Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc với mức thu nhập bình quân 20- 30 triệu đồng/tháng. Đánh giá về chất lượng đào tạo, anh Khương nhận định: Chất lượng lao động nông thôn sau khi đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp.
Trong đó, đáng chú ý là lao động xuất khẩu nước ngoài có chất lượng tốt, chấp hành nghiêm các điều khoản hợp đồng, thân thiện, chịu khó và có tác phong công nghiệp cao.
Để đạt kết quả trên, tập thể cán bộ, công nhân viên, giảng viên đều đã và đang nỗ lực hết sức. Riêng cán bộ giảng dạy, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện đang cử đi học lớp đào tạo sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tình hình chiêu sinh các lớp dạy nghề vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các lớp dạy nghề trình độ sơ cấp. Do đó, một số lớp do thiếu học viên nên không thể tổ chức mở lớp, các học viên thật sự muốn theo học cũng khó đạt được nguyện vọng.
Ngoài ra, một số khó khăn khác như một số ngành nghề thu nhập chưa thật ổn định, nhu cầu tuyển lao động nông thôn ở một số ngành còn ít, tình hình thiếu giáo viên, kinh phí phân bổ cho công tác dạy nghề phi nông nghiệp còn chậm,…
Lao động nông thôn sau khi hoàn thành khóa học có việc làm đạt tỷ lệ cao.
Theo Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực hơn nữa, góp phần mạnh mẽ phát triển kinh tế gia đình, địa phương thì cần có những giải pháp thực tiễn.
Theo đó, Ban chỉ đạo Đề án 1956 huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội; cần có sự liên kết các ban ngành huyện có liên quan cho định hướng và mục tiêu đào tạo nghề; thống kê nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp; gắn kết kế hoạch dạy nghề vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương;…
Ngoài ra, có thể gắn đào tạo nghề theo địa chỉ như: thành lập hợp tác xã hoặc tổ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở mỗi xã, thị trấn. Cũng theo các giải pháp đề xuất, trong thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Mang Thít sẽ tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xây dựng nhiều dự án giúp các học viên sau khi hoàn thành khóa học được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mở rộng đầu tư phát triển ngành nghề…
Với những kết quả đạt được, cộng với những giải pháp thực tiễn, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, địa phương... không chỉ riêng ở Mang Thít mà còn ở các địa phương khác trên toàn tỉnh.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin