Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện trong cả nước, đạt nhiều kết quả nhưng cũng có không ít khó khăn nảy sinh. Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về thực hiện đề án này, các địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm quý trong quá trình thực hiện.
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện trong cả nước, đạt nhiều kết quả nhưng cũng có không ít khó khăn nảy sinh. Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về thực hiện đề án này, các địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm quý trong quá trình thực hiện.
Phụ nữ nông thôn đăng ký học nghề tiểu thủ công nghiệp.
Khó đạt được mục tiêu
Năm 2012, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn hướng đến mục tiêu hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng cho 100.000 cán bộ công chức xã trong toàn quốc.
Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng năm 2012, các địa phương chỉ mới đào tạo được 135.397 người (đạt 28,4% so với kế hoạch); bồi dưỡng 9.696 cán bộ công chức cấp xã (đạt 9,7% so với kế hoạch). Tương tự, việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề chưa được đảm bảo.
Không những thế, việc cấp thẻ học nghề cho học viên ở 2 tỉnh thực hiện thí điểm là Thanh Hóa, Bến Tre cũng chậm so với tiến độ và ngay cả khi có thẻ học nghề, học viên sau học vẫn khó tìm kiếm việc làm.
Với kết quả này, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đánh giá rằng, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đều không đạt, nên kế hoạch năm 2012 nhiều khả năng không thực hiện được. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng khẳng định ở đa số địa phương, khâu tổ chức tuyên truyền và hình thức tuyên truyền không sát thực tế nên cả chính quyền và người dân đều chưa hiểu rõ về đề án.
Các cấp chính quyền không vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện đề án nên có sự lệch lạc trong đào tạo, không đi sát với điều kiện kinh tế- xã hội, điều kiện vùng miền của mỗi nơi. Hiệu quả sau học nghề của lao động nông thôn bộc lộ nhiều yếu kém, chất lượng không đạt, không đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng và xã hội.
Lý giải về việc này, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi cho biết: Thực tế là năm 2012 kinh tế đất nước khó khăn nên việc phê duyệt phân bổ nguồn vốn chậm, đến tận tháng 6/2012 mới có kinh phí.
Vì thế, nhiều địa phương bị động, không có nguồn thực hiện. Thêm nữa, chiêu sinh trong các trường đào tạo nghề hiện nay chưa đạt yêu cầu là do con em chúng ta chưa được thông tin nhiều nên số em chọn học nghề còn ít. Một vấn đề nữa là việc gia hạn thời gian chiêu sinh tới tháng 12 nên học sinh vẫn đang chờ nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 vào ĐH, CĐ trước khi bước vào học nghề, vì vậy số lượng còn rất thấp.
Đến thời điểm này, nhiều trường chưa đạt chỉ tiêu. Chính sách đào tạo nghề chưa tuyên truyền được nhiều cho nên gia đình cũng như chính bản thân các em sau khi tốt nghiệp THCS, THPT rồi vẫn chưa mặn mà với học nghề.
Để kịp thời hoàn thành kế hoạch Đề án 1956 năm 2012, tiến tới sơ kết công tác ở các địa phương và họp giao ban toàn quốc sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án, BCĐ Trung ương đã đề ra phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2012.
Theo đó, tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án theo hướng đảm bảo chất lượng, hiệu quả dạy nghề, tạo việc làm cho lao động. Các địa phương rà soát việc thực hiện quy trình xác định, phê duyệt danh mục nghề đào tạo; điều kiện của các cơ sở tham gia dạy nghề; xây dựng, phê duyệt mức chi phí đào tạo đối với từng nghề và số lượng lao động nông thôn học nghề phải phù hợp với nguồn lực được bố trí và năng lực đào tạo của địa phương.
Các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, thanh tra chất lượng, hiệu quả dạy nghề và phải bố trí biên chế cán bộ chuyên trách quản lý cho Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội.
Thành lập các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện, giao nhiệm vụ dạy nghề cho các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các địa phương chưa có trung tâm dạy nghề; tạo điều kiện cho người học nghề tiếp cận các nguồn vốn vay, tạo việc làm sau học nghề. Tập trung đăng tải các thông tin về thị trường hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho lao động nông thôn…
Sẻ chia kinh nghiệm
Năm 2012, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch dạy nghề cho 13.500 lao động nông thôn. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Long mở được 306 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn như tiểu thủ công nghiệp; may công nghiệp; sinh vật cảnh; kỹ thuật nông nghiệp; kỹ thuật điện; sửa chữa xe máy; nữ công gia chánh;…
Tổng số học viên được hỗ trợ học nghề là trên 9.300 người. Hơn 4.100 lao động nông thôn là số mà tỉnh Vĩnh Long sẽ đào tạo trong từ đây đến cuối năm để hoàn thành kế hoạch dạy nghề cho 13.500 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 26,5% năm 2012.
BCĐ Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo tập trung nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt là các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở nhằm giúp người dân học nghề theo nhu cầu, có việc làm.
Cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cho các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn để đào tạo lao động được tiếp cận nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp; việc dạy nghề phải chú trọng cất lượng, gắn đào tạo nghề theo địa chỉ để lao động tìm được việc làm.
Hậu Giang và Đồng Nai đều đặt kế hoạch cao nhưng đều đạt đến gần 73% kế hoạch đào tạo năm 2012. Với kết quả này, lãnh đạo của 2 tỉnh đã chia sẻ những kinh nghiệm trong hội nghị giao ban toàn quốc.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nêu những cách làm hay của tỉnh, trong đó có nhiều ngành nghề phù hợp được dạy cho lao động nông thôn, nhiều mô hình hay được nhân rộng khiến việc đào tạo nghề đạt hiệu quả khả quan.
Đại diện tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trong khi thực hiện đề án, vai trò của các cơ sở tạo việc làm sau dạy nghề rất quan trọng, vì đó là đầu ra cho lao động nông thôn sau học nghề, có việc làm mới có hiệu quả được.
Hậu Giang là tỉnh có lợi thế nông nghiệp nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp thuận lợi. Nghề nào có dự báo về nhu cầu việc làm thì các cơ sở mới được đào tạo, không dự báo đầu ra nhất quyết không đào tạo”.
Tỉnh Hậu Giang đã có cách làm hay khiến khâu vận hành, thực hiện đề án rất thuận lợi. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội của tỉnh này đã tham mưu UBND tỉnh giao hẳn việc đào tạo nghề nông nghiệp cho ngành nông nghiệp và PTNT vì các trung tâm đào tạo của ngành nông nghiệp có chuyên môn sâu, đào tạo sát thực tế hơn.
Các cơ sở dạy nghề của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ lo đào tạo nghề phi nông nghiệp, nhưng vai trò quản lý chung thì Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang vẫn là chủ chốt.
Ở Hậu Giang, lao động nông thôn xem học nghề là việc quan trọng, người học nghề chủ động “hùn” tiền hỗ trợ từ đề án để xây dựng mô hình, vừa học vừa hành. Các trung tâm đào tạo liên kết nhận hàng cho học viên gia công nên học viên yên tâm học nghề.
Với Đồng Nai, BCĐ thực hiện đề án của tỉnh luôn xác định đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng vùng, từng huyện trong tỉnh.
Xác định các ngành công nghiệp, du lịch, thương mại là thế mạnh kinh tế của Đồng Nai nên lao động nông thôn được đào tạo các nghề liên quan đến các ngành này, nhờ đó có thể giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động trong tỉnh. Ban chỉ đạo thực hiện đề án tỉnh Đồng Nai có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đoàn thể và cơ quan truyền thông nên thông tin đến với lao động nông thôn một cách đầy đủ, chi tiết nhất.
Đồng Nai còn phát hành sách tuyên truyền bỏ túi, đĩa CD tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn về từng địa phương, từ đó thông tin đến với người dân nhanh và rộng rãi.
Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội từng huyện của Đồng Nai phối hợp với các đoàn thể, địa phương về tận thôn, ấp để chiêu sinh, phổ biến các chế độ, chính sách, thông tin ngành nghề và cơ hội việc làm để người dân tự chọn nghề phù hợp với điều kiện bản thân.
Cách làm sát thực tế này của Đồng Nai đã giúp tỉnh thực hiện tốt và hiệu quả đề án, tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn có cơ hội học nghề và có việc làm ổn định.
Bài, ảnh: MAI ANH (tổng hợp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin