Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Phải chú trọng chất lượng

04:11, 09/11/2012

Năm 2012, do kinh tế khó khăn nên nguồn vốn thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ được phân bổ chậm. Đây là một trong những nguyên nhân làm tiến độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên cả nước diễn ra rất chậm.

Năm 2012, do kinh tế khó khăn nên nguồn vốn thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ được phân bổ chậm. Đây là một trong những nguyên nhân làm tiến độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên cả nước diễn ra rất chậm.


Nghề sửa kiểng hiện đem lại thu nhập cao, thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia.

Để đẩy nhanh tốc độ đào tạo nghề cho người lao động, tỉnh Vĩnh Long tăng cường chỉ đạo các trung tâm, cơ sở dạy nghề tập trung để hoàn thành kế hoạch năm 2012 theo 3 mục tiêu là chỉ tiêu, chất lượng và hiệu quả.

Năm 2012 tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch dạy nghề cho 13.500 lao động nông thôn. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Long mở được 306 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn như tiểu thủ công nghiệp; may công nghiệp; sinh vật cảnh; kỹ thuật nông nghiệp; kỹ thuật điện; sửa chữa xe máy; nữ công gia chánh;…

Tổng số học viên được hỗ trợ học nghề là trên 9.300 người. Qua hơn 2 năm triển khai Đề án 1956, tỉnh Vĩnh Long đào tạo nghề cho trên 19.600 lao động nông thôn, gần 80% lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề tìm được việc làm và xuất khẩu lao động nông thôn phù hợp với nghề được đào tạo.

Trong đó, các nghề tiểu thủ công nghiệp đảm bảo giải quyết việc làm tại nhà cho khoảng 90% lao động qua đào tạo. Các nghề như sinh vật cảnh, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi,… giúp trang bị kiến thức, thay đổi tập quán canh tác, cải tiến kỹ thuật sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng.

Do đó, việc tổ chức vận động chiêu sinh học nghề ngày càng thuận lợi, có nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề theo chính sách của đề án.

Đây là sự nỗ lực lớn của các cấp ủy Đảng thuộc tỉnh Vĩnh Long trong việc chỉ đạo xây dựng, quản lý các nội dung hoạt động đề án cho các cơ sở dạy nghề. Và cũng là kết quả từ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của các địa phương, đơn vị trong việc tuyên truyền, tư vấn học nghề, tổ chức nhân rộng các mô hình thí điểm, củng cố kiện toàn, thành lập thêm một số trung tâm dạy nghề, bổ sung biên chế cho các cơ sở dạy nghề công lập cũng như hỗ trợ kinh phí học nghề cho các đối tượng lao động nông thôn có thu nhập thấp.

BCĐ Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Long cũng chỉ ra những tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện.

Đó là công tác phối, kết hợp giữa các ngành, đoàn thể chưa đồng bộ, nhận thức của một số ban ngành, địa phương và một bộ phận người lao động về học nghề và việc làm còn hạn chế.

Đa phần người lao động trẻ vẫn có xu hướng học đại học, cao đẳng gây tốn kém nhưng hiệu quả việc làm chưa cao; một số lao động có tay nghề vẫn có xu hướng đi làm lao động phổ thông ở các thành phố lớn để có thu nhập ngay, chấp nhận thu nhập thấp chứ không muốn tham gia học nghề. Việc xác định và đăng ký nhu cầu đào tạo nghề chưa gắn với định hướng phát triển địa phương nên đôi khi tổ chức lớp nhưng không huy động được học viên.

Các cơ sở dạy nghề chưa phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng mô hình dạy nghề gắn với việc làm để thực hiện và nhân rộng.

Đồng thời, việc thực hiện phân bổ, giao chỉ tiêu kế hoạch kinh phí cho thực hiện đề án trên còn chậm, gây khó khăn cho công tác tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn của các cơ sở dạy nghề, ảnh hưởng kế hoạch dạy nghề được giao.

Xác định chính sách dạy nghề cho lao động là một trong những giải pháp thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, tính đến hết tháng 9/2012, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Tam Bình đã mở 71 lớp với trên 1.700 lao động nông thôn, so kế hoạch đạt hơn 140%.

Phó Giám đốc Trung tâm Ngô Thái Bình cho biết, với khó khăn về kinh phí thì ngay từ đầu năm UBND huyện đã cấp cho trung tâm kinh phí đào tạo nghề cho 21 lớp.

Khi kinh phí tỉnh về trung tâm đã phối kết hợp với UBND các xã- thị trấn lập danh sách cho các đối tượng học nghề, khẩn trương xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy rồi triển khai đồng loạt cho các xã- thị trấn. Đến nay, toàn huyện Tam Bình đã giới thiệu việc làm được khoảng 6.500 người, đạt gần 144% so nghị quyết, trong đó có việc làm tại huyện hơn 2.000 người.

Hiện Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện cũng đã mở 6/10 lớp dạy nghề nông nghiệp so số đăng ký với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để kịp thời cập nhật tay nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, trong thời gian tới trung tâm tập trung mở lớp, tạo điều kiện cho lao động nông nhàn địa phương tiếp cận được với nghề, giải quyết việc làm.

Hơn 4.100 lao động nông thôn là số mà tỉnh Vĩnh Long sẽ đào tạo trong từ đây đến cuối năm để hoàn thành kế hoạch dạy nghề cho 13.500 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 26,5% vào cuối năm 2012.

BCĐ Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo tập trung nâng cao nhận thức người dân đặc biệt là các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở nhằm giúp người dân học nghề theo nhu cầu, có việc làm.

Cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cho các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn để đào tạo lao động được tiếp cận nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp; việc dạy nghề phải chú trọng chất lượng, gắn đào tạo nghề theo địa chỉ để lao động tìm được việc làm.

Để kịp thời hoàn thành kế hoạch Đề án 1956 năm 2012, tiến tới sơ kết công tác ở các địa phương và họp giao ban toàn quốc sơ kết 3 năm triển khai thực hiện đề án, BCĐ Trung ương đã đề ra phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm 2012.

Theo đó, tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 theo hướng đảm bảo chất lượng, hiệu quả dạy nghề, tạo việc làm cho lao động. Các địa phương rà soát việc thực hiện quy trình xác định, phê duyệt danh mục nghề đào tạo; điều kiện của các cơ sở tham gia dạy nghề; xây dựng, phê duyệt mức chi phí đào tạo đối với từng nghề và số lượng lao động nông thôn học nghề phải phù hợp với nguồn lực được bố trí và năng lực đào tạo của địa phương.

Các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, thanh tra chất lượng, hiệu quả dạy nghề và phải bố trí biên chế cán bộ chuyên trách quản lý cho các phòng lao động- thương binh và xã hội.

Thành lập các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện, giao nhiệm vụ dạy nghề cho các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các địa phương chưa có trung tâm dạy nghề; tạo điều kiện cho người học nghề tiếp cận các nguồn vốn vay, tạo việc làm sau học nghề. Tập trung đăng tải các thông tin về thị trường hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho lao động nông thôn…

Theo phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thời gian tới, các tỉnh- thành tiếp tục kiện toàn hoạt động BCĐ Đề án 1956 các cấp, tăng cường công tác phối hợp các ngành liên quan; bố trí cán bộ chuyên trách; chú trọng công tác truyền thông, thu hút đồng bào dân tộc tham gia học nghề; hướng dẫn học viên lập kế hoạch vay vốn ưu đãi phục vụ học nghề và tạo việc làm; đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ, theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh