Có một nghề đàng hoàng để kiếm thêm thu nhập là mong muốn chung của những học viên đang theo học lớp sửa xe máy Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long. Đêm đêm, lớp sửa xe dành cho lao động nông thôn lại sáng đèn để thắp sáng niềm tin cho thanh niên vào một tương lai có việc làm ổn định.
Có một nghề đàng hoàng để kiếm thêm thu nhập là mong muốn chung của những học viên đang theo học lớp sửa xe máy Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long. Đêm đêm, lớp sửa xe dành cho lao động nông thôn lại sáng đèn để thắp sáng niềm tin cho thanh niên vào một tương lai có việc làm ổn định.
Học viên thực hành trên xe máy tại Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long.
Chúng tôi đến thăm lớp học vào buổi tối và thật bất ngờ khi kém 5 phút nữa mới đến giờ học mà thầy và 27 học viên của lớp đã có mặt đầy đủ, nụ cười tươi roi rói. Khóa học sửa xe của trường trong thời gian gần 3 tháng, mỗi tuần 7 buổi (tối từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng chiều ngày thứ 7).
Niềm vui và sự hào hứng thể hiện rõ trên từng nét mặt của các học viên dù ban ngày họ phải làm nhiều việc vất vả mưu sinh. Học sửa xe tuy thời gian ngắn cũng chia làm 3 phần cơ bản: sửa xe số, sửa xe tay ga và sửa xe phun xăng điện tử.
Khuôn mặt rám đen vì nắng gió, anh Hồ Thanh Sơn ở xã Hòa Phú (Long Hồ) hiện đang làm công nhân cho một công ty ở Khu công nghiệp Hòa Phú xởi lởi: “Làm công nhân thì không thể làm cả đời được. Công việc và thu nhập cũng không ổn định”. Thế là anh nghĩ “mình phải đi học một cái nghề để phát triển bản thân và tăng thêm thu nhập cho gia đình”.
Nghĩ là làm, anh Sơn đến Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long và được tư vấn học nghề sửa xe máy. Anh Sơn cười: “Tui cũng thích nghề này, học thấy hợp và nắm được đỡ đỡ rồi”. Ở công ty làm ăn sản phẩm, cứ có hàng thì làm, không hàng thì nghỉ, thu nhập bấp bênh nên anh Sơn phải về nhà chạy xe ba gác kiếm thêm.
Cũng đồng suy nghĩ như anh Sơn, anh Lê Thanh Nhàn ở Tân Lộc (Tam Bình) tuy đã có nghề… tay mặt là hớt tóc nhưng vẫn đăng ký đi học sửa xe ở trường. Anh Nhàn cho biết: “Sau này học xong, tôi sẽ về nhà mở cửa hàng bán phụ tùng, kiếm thêm người cùng sửa xe.
Chứ với đồng lương công nhân của vợ, tiền hớt tóc tôi kiếm được hàng ngày, phải chắt chiu lắm mới nuôi nổi 2 con đi học”. Anh Nhàn thở dài “đến tụi nó lớn, càng tốn nhiều hơn”.
Dù các học viên ở đây chỉ mới đi được có nửa chặng đường nhưng trông ai cũng có vẻ rành nghề. Bởi thao tác thực hành nhanh nhẹn, tháo ráp, kiểm tra vận hành xe,… rất thông.
Đang hì hụi một mình cùng chiếc xe số, anh Lê Văn Hiển ở Tân Lộc (Tam Bình) chia sẻ: Hồi trước, anh làm công nhân ở Bến Lức (Long An) để phụ giúp gia đình. Làm được một thời gian, anh nhận ra là làm công nhân cũng không dư dả gì mà gia đình lại thiếu người chăm sóc nên anh quay về quê và quyết định học nghề.
Anh cười nhìn lên: “Học ở ngoài không nhanh mà cũng không chất lượng bằng thầy trong trường dạy đâu à nha!” Anh Hiển giải thích: Học ở ngoài vừa mắc lại bị tiệm giấu nghề không muốn dạy nhiều vì “sợ mình cạnh tranh mà”. Anh Hiển còn nói thêm: “Học ở ngoài làm gì cũng cỡ năm hơn mới xong”!
Song song với thực hành, học viên còn được học lý thuyết để cứng tay nghề.
Hầu hết những học viên ở đây đều cho rằng, học ở trường có dụng cụ, xe thực hành đầy đủ, thuận tiện nên mau rành nghề. Anh Nguyễn Hùng Lực ở Ngãi Tứ (Tam Bình) nói: “Nhờ lớp học không tốn tiền nên cũng đỡ lắm.
Tui hỏi thăm rồi học ở ngoài tiệm, cỡ 5 triệu mà lại lâu ra nghề nữa”. Cũng nhờ học nghề không tốn tiền nên gia đình mình đỡ mệt hơn. Anh Lực tặc lưỡi, vợ anh là thợ may hàng gia công, lương tròm trèm 2 triệu/tháng.
Nhờ có những lớp đào tạo nghề thế này mà nhiều lao động nông thôn được học cái nghề để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Anh Nguyễn Hùng Lực nói: “Nhiều thanh niên ở xóm tui cũng khoái học mấy vụ này lắm, có cái nghề lận lưng vẫn tốt hơn chứ”.
Chúng tôi ghé chợ Phước Yên (Long Hồ) để xem tiệm sửa xe Hiệp- tiệm có hai cha con đã từng là học viên của lớp sửa xe khóa năm 2011. Anh Nguyễn Văn Hiệp cười nói: Tiệm làm ăn cũng được, nhờ học cái nghề bây giờ cha con tui mở tiệm sửa xe. Cái tiệm coi vậy chứ là thu nhập của cả nhà à nghen.
Ông Nguyễn Thanh Toàn- Trưởng Phòng Đào tạo Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long cho biết: Nhà trường có đầy đủ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cho chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn, có thể đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và đi đến tận nơi đào tạo.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin