Yêu quê hương từ những bài văn, bài sử

07:11, 20/11/2012

Mấy mươi năm trong nghề giáo, thầy Nguyễn Văn Mười (giáo viên Sử- Trường THPT Lưu Văn Liệt) và thầy Lưu Quốc Hưng (giáo viên Văn- Trường THCS Mỹ Thạnh Trung) luôn cố gắng hết mình để môn xã hội được trở về đúng vị trí của nó. Các thầy là 2 giáo viên dạy môn xã hội vừa được trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú 2012.

Mấy mươi năm trong nghề giáo, thầy Nguyễn Văn Mười (giáo viên Sử- Trường THPT Lưu Văn Liệt) và thầy Lưu Quốc Hưng (giáo viên Văn- Trường THCS Mỹ Thạnh Trung) luôn cố gắng hết mình để môn xã hội được trở về đúng vị trí của nó. Các thầy là 2 giáo viên dạy môn xã hội vừa được trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú 2012.

Trả lại đúng vị trí cho môn xã hội

Không biết từ lúc nào, các môn xã hội đã dần mất vị trí và bị xem là môn phụ. Nhiều phụ huynh không cho con theo học các môn xã hội mà thích chọn khối tự nhiên. Thế nên, trên mạng mới lưu truyền câu “Dân ta phải biết sử ta. Nếu mà không biết thì… tra google”.


Thầy Nguyễn Văn Mười luôn tạo không khí vui tươi cho giờ học thêm hấp dẫn.

Nhiều lần chấm thi, thầy Nguyễn Văn Mười lại thấy nao lòng vì “nhiều học sinh (HS) còn nhầm tưởng Quang Trung và Nguyễn Huệ là 2 người”, hay những câu ngô nghê kiểu: “Đảng ta ra đời kể từ khi bà Trưng, bà Triệu dựng cờ khởi nghĩa”- Thầy Mười lắc đầu nói thêm: “Có nhiều HS còn khẳng định là môn Sử là môn phụ nên chỉ học qua loa, đợi có kết quả môn thi tốt nghiệp mới có quyết định học tiếp hay không”.

Còn môn Văn đối với học trò của thầy Hưng thì “có những bài tập làm văn thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ dài độ 3- 4 hàng”, sai lỗi chính tả, viết tắt lung tung,…

Một học trò của thầy Mười từng không chịu học sử, gần đây quay lại tìm thầy và kể cho nghe một câu chuyện làm anh ta xấu hổ. Vì là hướng dẫn viên du lịch, một hôm anh ta dẫn khách đến tham quan bảo tàng có tấm bản đồ “Quốc gia cổ vùng Nam ”.

Có người nước ngoài yêu cầu anh giải thích về tấm bản đồ. Anh không biết! Không ngờ, chính người nước ngoài này đã giải thích ngược lại cho anh nghe!

Theo thầy Lưu Quốc Hưng, Văn, Sử, Địa là những môn gắn liền nhau để giữ hồn dân tộc. Chế Lan Viên có viết: Đất nước mình còn nghèo lắm hỡi em yêu/ Cho đến giọt lệ cha ông xưa cũng có ích với ta nhiều/ Dẫu súng đạn nặng đường ra hỏa tuyến/ Trên đường dài, em giữ Truyện Kiều theo”... Phải chăng, văn hóa truyền thống của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng hào hùng đã góp phần làm nên chiến thắng?

Chúng ta đang hòa nhập cùng đà phát triển của thế giới với phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Làm sao để giữ nét đẹp riêng của dân tộc của ngay cả con người, chứ không đơn giản là học để có điểm hay tìm việc.

Các môn xã hội không chỉ là học cho qua, để lên lớp mà là học nguồn gốc của một quốc gia, dân tộc, học để trở thành một con người. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Đỗ Trung Quân viết “Quê hương nếu ai không nhớ- Sẽ không lớn nỗi thành người”.

Ngay cả những quốc gia phát triển nhất về công nghệ thì việc giáo dục truyền thống, giữ hồn dân tộc càng được giáo dục nhiều hơn nữa. Thử hỏi, một quốc gia sẽ ra sao nếu văn hóa, lịch sử dần bị lãng quên?

Giáo viên phải là người chủ động

Bao nhiêu năm đứng lớp, là bấy nhiêu năm thầy Mười và thầy Hưng cháy trong niềm đam mê và nhiệt huyết của mình. Không biết đã có bao nhiêu bạn bè đồng nghiệp đã nản mà bỏ nghề vì thời buổi kinh tế khó khăn, đời sống cơm áo gạo tiền đè nặng. Rồi chính các thầy lại tự khuyên mình: “Có thẳng căng như sợi dây đàn- Mới có được âm thanh kỳ diệu” để đưa đò cho bao thế hệ sang sông, cho HS yêu hơn những trang Văn, trang Sử.

Thầy Nguyễn Văn Mười hiểu rằng: “Vai trò của người thầy trong giáo dục HS là vô cùng quan trọng”. Cho nên: “đã chọn nghiệp này phải tận tụy với HS, chủ động sáng tạo cách dạy vui tươi, hấp dẫn, phù hợp sao cho các em tiếp thu một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất”.

Đó hẳn là lý do tại sao đã 32 năm nay thầy Mười vẫn bám nghề dù “Có lúc phải may đồ thuê kiếm thêm thu nhập gia đình”- thầy Mười nhìn xa xăm. Ở mỗi tiết học Sử, thầy Mười đều tìm cách nhập đề, giảng sao cho thú vị nhất bằng những sự kiện liên quan, và bằng cả văn thơ.

Bản đồ dạy học của thầy cũng là “bản đồ sống”: dạy đến đâu vẽ đến đó để HS cảm nhận sinh động hơn. Em Phạm Thị Ngọc Bích (THPT Lưu Văn Liệt) từng “thấy môn Sử dài và chán” nhưng từ khi được học thầy Mười thì em đã thay đổi hẳn nhờ cách dạy “cho HS hoạt động và tự mày mò tìm hiểu” của thầy.


Được đến trường mỗi ngày là niềm vui của thầy Lưu Quốc Hưng.

Muốn HS không xem thường các môn xã hội thì trước hết giáo viên không được xem thường, pha trò để HS giải tỏa những căng thẳng trong tiết học… là những điều mà thầy Lưu Quốc Hưng luôn làm gần 30 năm nay.

Hơn ai hết, thầy không muốn tiết học của mình là một buổi “gây mê” hay khủng hoảng của HS. “Những hình thức kỹ luật hay la rầy HS trước lớp không thể giúp HS tiến bộ hơn được”- thầy Hưng tâm niệm. Bên cạnh đó, thầy Hưng cũng là người đào tạo nhiều giáo viên và HS giỏi huyện, tỉnh.

Cô Nguyễn Thị Bích Tiên- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Thạnh Trung cho biết: “Tổ văn của trường do thầy Hưng làm tổ trưởng có 100% giáo viên giỏi, trong đó có 5 giáo viên giỏi tỉnh đều nhờ công sức của thầy”. Lớp học lôi cuốn, sinh động sẽ tạo được không khí thoải mái cho cả thầy và trò cùng “dạy tốt, học tốt”.

Nếu như mong muốn của thầy Hưng là đào tạo được một đội ngũ giáo viên Văn giỏi để tiếp tục dạy HS ngày một tốt hơn thì thầy Mười luôn mong muốn sao cho “môn Lịch sử được trả về đúng vị trí đích thực của nó”.

Hạnh phúc của các thầy là ngày ngày được đến trường để thấy những học trò yêu thương của mình, được đóng góp sức mình cho HS, đồng nghiệp cho trường, cho xã hội. Nói về những người thầy yêu Văn mê Sử như máu thịt, thầy Lý Đại Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Vĩnh Long nói: Thầy Nguyễn Văn Mười và thầy Lưu Quốc Hưng là 2 nhà giáo đã góp phần khiến cho nhiều HS yêu thích môn xã hội hơn.

Đồng thời, các thầy còn bồi dưỡng HS giỏi, hỗ trợ đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các giáo viên trong trường, huyện mình. Nền giáo dục rất cần, cần nhiều những người thầy như vậy.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh