Chúng tôi đến những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer vào những ngày Tết Sel Dolta và cảm nhận cuộc sống mới đang từng ngày khởi sắc trong đời sống của đồng bào Khmer. Được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bà con đang ra sức phát triển kinh tế và tham gia xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi đến những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer vào những ngày Tết Sel Dolta và cảm nhận cuộc sống mới đang từng ngày khởi sắc trong đời sống của đồng bào Khmer. Được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bà con đang ra sức phát triển kinh tế và tham gia xây dựng nông thôn mới.
Vùng đồng bào Khmer ngày càng khang trang.
Đổi thay từ cách nghĩ
Đồng hành với đồng bào dân tộc, thời gian qua chính quyền và đoàn thể các cấp đã tranh thủ các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ đồng bào dân tộc Khmer phát triển sản xuất. Nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và được hỗ trợ chăn nuôi cộng với bản thân cần cù, chịu khó, anh Thạch Xây (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) đã tạo được nguồn thu cho gia đình và vươn lên thoát nghèo. Hiện, gia đình anh có 6 công ruộng, nuôi bò và còn vựa thêm bia nước ngọt bán tại nhà. Anh cười phấn khởi: “Nhờ Nhà nước cho vay tiền cộng với tui lo mần nên nhà mới thoát nghèo. Mình mần siêng, con mình được ăn học mới sướng, không ráng mần, trông chờ Nhà nước hoài kỳ lắm”. Với 4 công ruộng, vợ chồng ông Thạch Min (xã Loan Mỹ- Tam Bình) siêng lao động, trồng màu xen canh trên đất lúa, tạo thu nhập. Từ đó, ông đã mua thêm được 5 công đất ruộng. Xung quanh vườn, ông tận dụng trồng rau, kiếm “tiền chợ”. Đồng thời, ông còn chăn nuôi dê, mỗi năm xuất chuồng hàng chục con dê thịt.
Ông Sơn Chum (ấp Phù Ly II, Đông Bình- Bình Tân) là một nông dân bình thường như bao nông dân khác tại vùng quê này. Điều mà chúng tôi muốn nhắc tới ông là năm qua, hưởng ứng chủ trương kiên cố hóa thủy lợi nội đồng, ông đã tình nguyện hiến 1.200m2 đất trong tổng số 2.000m2 đất của gia đình mình. Không chỉ vậy, sau khi đồng ý hiến đất, ông tích cực vận động 15 hộ gia đình khác cùng thực hiện chủ trương này. Ông là người hiến nhiều nhất trong số các hộ bị ảnh hưởng từ công trình này, bởi lẽ đất ông nằm xuôi theo công trình.
Ông Thạch Tường- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Bình cho biết: “Đây là công trình quan trọng để dẫn nước tưới tiêu cho khoảng 400ha đất sản xuất của người dân 2 ấp Phù Ly I và Phù Ly II. Khi họp dân vận động, xã cũng nêu lợi ích mà công trình đem lại. Khi đến vận động, ông Sơn Chum là người hưởng ứng đầu tiên mặc dù số đất của ông hiến là không nhỏ so với tổng số diện tích đất của mình”. Ông Sơn Chum tâm sự: “Già rồi, đất đó cho con mần cũng có gạo ăn nhưng Nhà nước cần mà, mình hiến đất đó nhiều người được nhờ lắm. Tui cũng có nghề thợ mộc, giờ cũng phụ hợ người ta mần nhà, phụ nối đòn tay nhà, được trả công chút đỉnh. Bà nhà thì bữa nào khỏe lội bán cốm dẹp”. Ông còn nghĩ xa, Nhà nước làm cũng để lo cho dân, mai mốt ruộng mình có nước để sạ, khi thu hoạch chở lúa về cũng tiện hơn.
Tự lực vươn lên
Toàn tỉnh hiện có gần 22.000 đồng bào dân tộc Khmer, chiếm khoảng 2,1% dân số của tỉnh. Đồng bào Khmer hiện sống tập trung ở 48 ấp, 10 xã và 1 thị trấn thuộc 4 huyện: Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm.
Chạy dọc trên các tuyến đường đan liên ấp của xã, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê có đông đồng bào Khmer sinh sống. Nhà nước đầu tư xây dựng những trung tâm cụm xã, xây dựng chợ, cầu đường giao thông. Nhiều phòng học được đầu tư, trạm y tế xã được xây dựng kiên cố hóa. Và, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, địa phương đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer trong sản xuất và đời sống, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng đổi mới.
Ông Thạch Thương trao đổi việc chuẩn bị Tết Sel Dolta cùng sư cả Thạch Sô Phép ở chùa Mới (Trà Côn).
Sự thay đổi đó thể hiện trong cách nghĩ và sự tự ý thức vươn lên của cộng đồng dân tộc Khmer. Nhờ siêng lao động nên với vài công ruộng ba mẹ cho ra riêng, ông Thạch Thương (ấp Ngãi Lộ B, xã Trà Côn- Trà Ôn) đã tích cóp mua dần được 15 công ruộng. Không chỉ thế, ông còn mua máy xới đất để “vừa tự xới đất nhà vừa xới đất mướn cho bà con xung quanh”. Khi kinh tế đã ổn định, ông tham gia vào Ban quản trị chùa để vận động đồng bào phật tử phấn đấu làm ăn, nhiều hộ khó khăn trước đây giờ đã thoát được nghèo.
Ông Trịnh Công Toàn- Ban Hoằng pháp chùa Mới (Gia Kiết, Tân Mỹ- Trà Ôn) cho biết: “Chùa thường xuyên nhắc nhở đồng bào phật tử phấn đấu làm ăn và trong làm ăn phải dứt khoát và tính toán để phát triển bền vững”. Cũng theo ông, hiện nay một số hộ khó khăn do chí thú làm ăn đã thoát được nghèo. Như trường hợp các hộ Thạch Hân, Thạch Tài, Thạch Hựu,… từ chỗ không có đất sản xuất nay đã mua đất, gầy dựng được mô hình chăn nuôi với 4- 5 con bò. Không những thế, ở vùng này chỉ mấy năm trước thôi kiếm một em học đại học không ra, bây giờ có trên 10 em.
Ông Sơn RyTa- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Sự thay đổi của đồng bào dân tộc Khmer thể hiện ở chỗ ngoài việc chí thú làm ăn, họ còn biết tính toán nên làm thế nào để tăng cao thu nhập cho gia đình. Như ở xã Đông Bình, mấy năm nay thường xuyên có khoảng trên 200 người dân tộc Khmer mỗi sáng được một công ty thủy sản bên TP Cần Thơ đưa rước làm việc. Với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng, ngày càng có nhiều bà con đồng bào Khmer tham gia và nhiều người có cuộc sống ổn định”.
Cũng theo ông Sơn RyTa, trong thời gian tới, song song với việc hỗ trợ, tỉnh sẽ kết hợp các chùa Khmer hướng dẫn đồng bào cách thức làm ăn để tăng thu nhập. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đồng bào Khmer cùng hưởng ứng các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư và các phong trào thi đua yêu nước khác.
Có thể nói, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và ý thức tự lực vươn lên, đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào Khmer đã được đổi thay, để mỗi khi tết đến, đồng bào đón mừng trong sự sung túc và không khí đầm ấm hơn.
Bài, ảnh: THANH QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin