Tiền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác. Một ngày cuối tháng, ngồi nhâm nhi tô mì gói bạn có nghĩ xem tiền mình đã chạy đi đâu, tại sao người khác cuối tháng vẫn rủng rỉnh tiền?
Tiền điện thoại cũng là một khoản phí không nhỏ của nhiều bạn trẻ.
Tiền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác. Một ngày cuối tháng, ngồi nhâm nhi tô mì gói bạn có nghĩ xem tiền mình đã chạy đi đâu, tại sao người khác cuối tháng vẫn rủng rỉnh tiền?
Khi “túi bị viêm”
Những ngày cận lương có lẽ là những ngày héo hon nhất của nhiều bạn trẻ bởi túi tiền lúc này đã trống huơ trống hoác. Không ít bạn phải chạy vạy mượn tiền khắp nơi với suy nghĩ “vài bữa nữa có lương rồi trả có sao đâu” hay “tháng sau mình sẽ tiết kiệm hơn”. Nhiều bạn còn lên một kế hoạch chi thu để rồi… bể kế hoạch. Bởi, mỗi người có một cách phí tiền riêng mà khi sử dụng thì quên mất cái túi tiền của mình đang “phì nhiêu” hay “teo tóp”!
Bạn Văn Kim Thanh (Vũng Liêm) đã sống trong cái vòng luẩn quẩn “mượn- trả-mượn” từ thời sinh viên đến lúc đi làm như hiện nay. Là một anh chàng độc thân, Thanh cũng có nhiều bạn bè “thân độc” nên chuyện vui buồn hẹn nhau chỗ cũ lai rai là thường trực. Kim Thanh kể lể: “Đầu tháng có lương mừng… đi nhậu, cuối tuần họp xong… nhậu, có anh em nào trong nhóm buồn lại đi… nhậu,…”. Mỗi chầu cũng tròm trèm bạc triệu, các bạn dù chơi kiểu tiền ai nấy lo nhưng vẫn nhẵn túi như thường. Mà không đi nhậu thì Thanh cũng không biết làm gì. “Lẽ nào anh em cứ hẹn nhau đi uống cà phê hoài, cũng chán”- Kim Thanh phân bua.
Bên cạnh, nhiều bạn nam còn bị “viêm túi” do vung tay quá trớn để… ga lăng. Ngô Quốc Huy (Cần Thơ) với đồng lương thầy giáo và làm gia sư ngót nghét 7 triệu đồng một tháng mà cũng chẳng có dư. Quốc Huy đã từng kê ra các khoản chi của mình hàng tháng cũng độ 5 triệu đồng, còn dư khoảng 2 triệu vậy mà túng vẫn hoàn túng. Vẫn biết là nên tiết kiệm tiền nhưng Huy lại mắc bệnh ga lăng quá trớn. mỗi khi uống nước, đi ăn cùng bạn bè nhất là khi có nhiều bạn nữ Huy lại xung phong trả tiền. Huy cười: “Lúc được các bạn khen ga lăng mình rất vui”. Dĩ nhiên, đến khi túi tiền gần cạn kiệt thì Huy mới thấy buồn và nghĩ cách tiết kiệm.
Các bạn nữ thì thường mắc bệnh nghiện mua sắm, cứ lương càng cao thì nhu cầu mua sắm cũng cao theo. Không biết bao nhiêu lần Lưu Nhật Tú (TP Vĩnh Long) đã dặn mình “không được mua thêm quần áo nữa” để rồi cứ mua thêm và nghĩ “một cái này nữa thôi”. Quần áo, giày dép của Tú đã chất đầy cả tủ, lấn cả ra ngoài và “có mấy cái mua rồi về không muốn mặc nữa”- Tú nói. Dù đã lên kế hoạch cụ thể để tiết kiệm tiền và mua sẵn con heo bỏ ống nhưng đến nay chú heo đất vẫn đói meo và bao nhiêu dự án tương lai thì vẫn còn treo ở đó.
Tăng thu, giảm chi
Cách chữa bệnh “viêm màng túi” thì có nhiều nhưng có làm được hay không đó là một chuyện. Và bí quyết thành công không gì bằng ý thức tự giác, tự chủ của mỗi chúng ta. Từng sống chật vật thời sinh viên với bệnh viêm màng túi, Nguyễn Việt Hằng thắm thía cái cảnh “chạy gạo”. Rồi Hằng hiểu được là muốn đủ xài thì 1 là tăng thu, 2 là giảm chi dĩ nhiên muốn có dư thì phải áp dụng cả 2 phương án trên.
Hằng chia nhỏ số tiền hàng tháng ra để chi tiêu trong ngày, có cả khoản dự phòng và tiết kiệm. Hằng cho biết: “Khi lãnh lương về là mình tính ngay xem trong tháng cần xài bao nhiêu, dư bao nhiêu và đem số tiền dư ấy bỏ vào chú heo dễ thương”. Hằng giải thích: “Vì chú heo đất rất dễ cưng nên mình sẽ không nỡ đập, rồi biết tiết kiệm và xài đúng kế hoạch hơn”. Lẽ thường, những cái túi bị viêm khác nhau cũng được chữa theo những cách khác nhau mới mang đến hiệu quả cao nhất.
Bạn trẻ bán hoa tươi vào các ngày lễ lớn để tăng thu nhập.
Bạn Trịnh Vũ (TP Vĩnh Long) hiến kế: Liệt kê tổng số tiền bạn có trong tháng. Sau đó, tính toán tất cả những chi phí bạn đã sử dụng. Đánh giá xem khoản nào đúng, khoản nào phung phí. Đặt mục tiêu và khoản dư cho mình. Cuối cùng là “phải thực hiện cho bằng được”. Bạn Vũ cũng cho rằng: Bạn nào càng có nhiều thời gian rảnh thì càng phung phí tiền. Vì thế, hãy tạo việc làm thêm cho bản thân, tốt nhất là những việc vừa giải quyết thời gian nhàn rỗi, vừa có thêm tiền. Tiến sĩ Nguyễn Thắng (Tổng Giám đốc Tập đoàn Herbalife Việt Nam) trong cuộc trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Khoa học- Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh tiết lộ: “Một kinh nghiệm cho thấy những người quản lý tài chính tốt là những người quản lý thời gian rất tốt vì thời gian sinh ra tiền bạc. Do vậy, các bạn trẻ cần quản lý thời gian của bản thân nghiêm túc”.
Tiền bạc không mang lại hạnh phúc nhưng khó mà hạnh phúc khi chúng ta cứ mãi thiếu tiền. Vì lẽ đó, chúng ta hãy là những nhà tài chính giỏi để quản lý chi tiêu hiệu quả nhé!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin