Nhiều năm qua, ở ấp An Định (xã An Nhơn- Thạnh Phú- Bến Tre) không có mặt bằng để xây dựng trường mẫu giáo (MG), các em học sinh phải học nhờ nhà của người dân. Để giúp trẻ có nơi học, bà cụ Huỳnh Thị Lai đã hiến 600m2 đất để xây dựng trường MG.
Trường Mẫu giáo An Nhơn sẽ có thêm 2 phòng học cho con em vùng này.
Nhiều năm qua, ở ấp An Định (xã An Nhơn- Thạnh Phú- Bến Tre) không có mặt bằng để xây dựng trường mẫu giáo (MG), các em học sinh phải học nhờ nhà của người dân. Để giúp trẻ có nơi học, bà cụ Huỳnh Thị Lai đã hiến 600m2 đất để xây dựng trường MG.
Trường MG An Nhơn nằm trên con lộ K22 vừa rải đá theo tiêu chuẩn cấp 5 đồng bằng, cách Quốc lộ 57 chưa đầy trăm mét. Từ đây, đi thêm 3 cây số nữa mới tới ấp An Định, nơi mẹ Lai sinh sống. Vừa đến nơi, tôi thấy một bà cụ già đang dọn nền nhà cũ. Cô Nguyễn Thị Dung- Hiệu trưởng Trường MG An Nhơn, cho biết: “Má Lai dỡ nhà để xây trường MG đó anh!”
Bà cụ ngước nhìn chúng tôi rồi nói: “Không có dẫn nhà báo làm ì xèo kỳ lắm à!” Cô Dung nhanh trí: “Không má ơi! Mấy anh em tới thăm, cám ơn má đó mà!”
Bà cụ đi sang nhà mới xây kế bên còn thơm mùi sơn, vào bếp nhóm lửa nấu nước pha trà mời khách. Vừa làm bà cụ vừa hát: “Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng. Mưa rét run người nắng rám màu da…”
Tôi bắt đầu câu chuyện:
- Vậy là ngày xưa gia đình mình nuôi chứa bộ đội hả cụ?
- Ừ! Tui tham gia phụ nữ Cứu quốc năm 18 tuổi à nghen.
- Vậy cụ năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Tám mấy! “Tuổi thân con khỉ ở lùm, lội qua lội lại té ùm xuống sông”. Bây đừng hỏi chuyện đời xưa, tao quên ráo trọi. Văn nghệ, hát tài tử chơi thôi.
Rồi cụ Lai kể chuyện nọ xọ chuyện kia, quên quên, nhớ nhớ:
- Ba tao hồi xưa làm lục bộ xã (cán bộ hộ tịch) chỉ có 2 con. Tao chị hai (Huỳnh Thị Lai). Em trai là Ba Thà đi bộ đội hy sinh sau Đồng khởi. Ông nhà là Hai Lâm (Lê Văn Tâm), Bí thư xã An Nhơn. Ổng tuổi Dần (1926) là con một.
Gạt nước mắt, cầm trên tay kỷ vật là chiếc đồng hồ, giọng cụ nghẹn ngào cho biết, người con đầu tên Lê Văn Sơm, sinh năm 1951, tham gia bộ đội, phụ trách đường dây vận tải bí mật trên sông Cửu Long từ Nam Vang về Ba Lai. Anh Sơm hy sinh vào ngày 1/11/1970. Hai con gái của cụ Lai lấy chồng xa, cụ hiện đang ở với người con trai út Lê Văn Tèo. Chồng cụ bị một trái đạn bắn trúng mang trọng thương. Sau giải phóng, vết thương tái phát nên mất và được công nhận liệt sĩ. Vì thế mẹ chồng cụ được phong tặng Mẹ Việt
Cụ kể thời gian khổ nhất, sau Mậu Thân 1968, bom giặc tàn phá nhà cửa cháy hết, gia đình bồng túm nhau qua cù lao Long Hòa (trên sông Cổ Chiên, thuộc địa phận Cầu Ngang- Trà Vinh) sinh sống. Cụ không nhớ rõ, chỉ rươm rướm nước mắt đọc mấy câu tự sáng tác:
Trơ trơ như ốc mượn hồn
Không nơi đùm đậu dập dồn sóng xao
Sóng xao lòng dạ chẳng nao
Mong ngày độc lập dâng trào niềm tin
Bà cụ Huỳnh Thị Lai.
Bà cụ này lạ thật, không kể lể dài dòng, cuộc đời được tóm tắt trong những câu thơ nằm lòng. Cụ đưa cho tôi xem mấy cái sổ lãnh tiền, bất ngờ tôi phát hiện cái sổ thương binh 3/4 mang tên Huỳnh Thị Lai. Cụ cho biết:
- Sau Mậu Thân, bộ đội ở nhà này đông lắm! Có một tên đầu hàng dẫn lính về vây bắt anh em. Nó bắt không được nên nhốt tui vô khám, đánh giập chân tay, xương sườn… Vậy đó! Thôi bây có biết đàn tài tử, tao làm “vài ba hột” chơi! Nhìn đứa cháu nội mới tan trường, bà cụ chọc: “Mày là học trò đôi ba chữ nhấp nhem, Đừng có thấy trai mà thèm để chữ trôi sông nghe con!”
Bất chợt tôi hỏi:
- Cụ ơi! Hiến đất cho cô Dung cất trường vầy cụ có tiếc không?
Cụ đổi mặt giận:
- Con Thúy Vy, cháu nội tao, con thằng Út Tèo, 5 tuổi, học MG gởi nhà người ta. Họ đâu có vừa lòng, phiền lắm con ơi! Con nít ấp này còn đông lắm, học gởi mích lòng. Tiền ăn hết, tiếng còn hoài! Thấy mấy đứa nhỏ, muốn học mà ngồi nhà người ta chờ, thấy tội quá bây ơi!
Bà cụ Lai đơn giản là vậy. Bí thư Đảng ủy xã An Nhơn cho tôi biết thông tin, đang làm hồ sơ cho cụ để được phong Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hai phòng học MG ở ấp An Định đang chuẩn bị khởi công. Chỉ vài tháng nữa ngôi trường MG sẽ mọc lên ở trên nền nhà cũ của bà cụ Lai. Người mẹ nông dân chân chất, cả đời cống hiến cho cách mạng, cống hiến cho xã hội vì những lý do hết sức đơn giản, vì mọi người chớ không nghĩ về mình.
Bài, ảnh: TẤN ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin