Người cao tuổi (NCT) sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Vĩnh Long không chỉ no đủ về vật chất mà lúc “mãn phần” còn được những người cùng cảnh ngộ tưởng nhớ qua ngày giỗ hội 19/9 hàng năm.
Người cao tuổi (NCT) sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Vĩnh Long không chỉ no đủ về vật chất mà lúc “mãn phần” còn được những người cùng cảnh ngộ tưởng nhớ qua ngày giỗ hội 19/9 hàng năm.
NCT và cán bộ trung tâm thắp nhang trước bàn thờ những người đã khuất.
|
Từ năm 2007 đến nay, ngoài việc được vui đón Tết Đoan ngọ, tết cổ truyền của dân tộc,… NCT ở Trung tâm BTXH Vĩnh Long còn được dự ngày giỗ hội- ngày dành để tưởng nhớ những người đã qua đời từng sống tại trung tâm. Anh Nguyễn Hòa Bình- Giám đốc Trung tâm BTXH Vĩnh Long, cho biết: “Chi phí tổ chức ngày giỗ hội do các nhà hảo tâm đóng góp, người cho tiền, người gửi thịt, bánh, trái cây,… vận động được bao nhiêu, chúng tôi làm bấy nhiêu. Năm nay, nguồn vận động kha khá nên lễ giỗ có phần tươm tất hơn. Dù đơn giản hay thịnh soạn thì lễ giỗ cũng được chúng tôi tổ chức đúng phong tục của ông bà xưa là một mâm cơm cúng đất đai, một mâm cơm đặt trên bàn thờ những người
đã khuất”.
Dì Mai (giữa) bồi hồi nhớ về những người bạn cùng cảnh ngộ trong ngày giỗ hội.
|
Hiện Trung tâm BTXH Vĩnh Long đang nuôi dưỡng trên 60 người già neo đơn, khuyết tật. Phần lớn các cụ không còn người thân, số còn lại “có cũng như không”. Vì sau khi đưa các cụ vào trung tâm, con cháu, họ hàng không một lần lai vãng nên lúc các cụ qua đời cũng chỉ có những người sống trong mái nhà chung và cán bộ trung tâm khóc thương, đứng ra lo hậu sự. “Lúc mới về đây nhận nhiệm vụ, chứng kiến cảnh một cụ già trên 70 tuổi ra đi, xác để ngoài sân giữa đêm khuya do trung tâm không có nơi dành riêng cho việc tẩn liệm, tôi nghẹn cả lòng. Do đó, tôi cùng với anh em trong Ban lãnh đạo mạnh dạn đề nghị Sở LĐ-TB & XH cho sửa một phòng gần khu NCT ở làm nhà quàng để các cụ có chỗ nằm ấm cúng trong ngày tang lễ. Trong đó, chúng tôi còn lập một bàn thờ để các cụ còn sống tới lui nhang khói, tưởng nhớ đến những người bạn cùng cảnh ngộ ngày nào”- anh Bình bùi ngùi, kể.
Được biết, từ năm 2000 đến nay, tại Trung tâm BTXH Vĩnh Long có 109 NCT qua đời và tất cả đều có chỗ “yên nghỉ” đàng hoàng. Trước đây, hầu hết các cụ khi mất đều được chôn ở nghĩa trang nhân dân, nhưng do không có người thân tới lui thăm viếng, thấy các cụ phải chịu cảnh “mồ hoang, mả lạnh” nên những năm gần đây, trung tâm tổ chức hỏa táng rồi đem tro cốt các cụ vắn số gửi vào chùa. Hàng năm, trung tâm còn đứng ra vận động Mạnh thường quân góp tiền, gạo, thức ăn,… làm đám giỗ hội cho những người đã mất. Việc làm này, không chỉ thể hiện cái tình của người làm công tác an sinh xã hội đối với những mảnh đời neo đơn, khốn khó mà còn là ngọn lửa hồng sưởi ấm nỗi lòng luôn khao khát yêu thương của các cụ đang sống ở Trung tâm BTXH Vĩnh Long. Và chính sự quan tâm, chia sẻ ấy đã giúp NCT ở trung tâm có thêm niềm vui để sống tốt, sống khỏe trong quãng đời còn lại. Như lời tâm sự của dì Nguyễn Thị Mai: “Gần 30 năm sống ở đây, tôi được chăm lo đủ đầy về vật chất, không phải chịu cảnh đói khát như lúc còn vất vưởng bên ngoài. Giờ có nhắm mắt xuôi tay tôi cũng an lòng vì biết những người ở lại sẽ luôn nhớ đến tôi qua ngày giỗ hội hàng năm giống như tôi luôn nhớ về những người bạn cùng cảnh ngộ đã từng sống và “ra đi” ở nơi này”.
Bài, ảnh: TRINH TUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin