Tại ấp Phước Định 1 (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) có một người được nhân dân và chính quyền địa phương quý mến, cảm phục, bởi đã có nhiều công sức xây dựng giao thông góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương. Đó là ông Đặng Phước Thọ, mọi người thường gọi thân mật là chú Tư Lộc.
Tại ấp Phước Định 1 (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) có một người được nhân dân và chính quyền địa phương quý mến, cảm phục, bởi đã có nhiều công sức xây dựng giao thông góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương. Đó là ông Đặng Phước Thọ, mọi người thường gọi thân mật là chú Tư Lộc.
Con đường chú Tư Lộc “khai sinh”. Ảnh: HỒNG NAM (Long Hồ)
|
Ấp Phước Định có tuyến đường nhánh nối với Quốc Lộ 57, dài hơn 500m. Trước đây, đường vào mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì sình lầy đi lại khó khăn, bởi là tuyến đường nhánh rẽ nên Nhà nước chưa thể đầu tư. Thấy vậy, chú Tư Lộc đã tự nguyện đóng góp gần 50 triệu đồng để thi công. Từ việc làm của chú Tư, bà con trong xóm đã tích cực hưởng ứng, người góp công sức, người góp thêm tiền cùng nhau xây dựng con đường. Khi chúng tôi viết bài này thì tuyến đường đan này đang thực hiện những công đoạn cuối, với tổng kinh phí xây dựng hơn 60 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Khanh (ấp Phước Định I, xã Bình Hòa Phước) nhận xét về việc làm của chú Tư Lộc: “Đường hồi đó giờ lầy lội, mỗi lần mưa sình quá, ông đi vận động anh em phụ công cán cho có con đường sạch sẽ đi lại thoải mái. Anh em xúm lại phụ nhau làm. Anh em đồng lòng làm hoàn thành con đường”.
Bà Nguyễn Thị Tiễn (ấp Phước Định I, xã Bình Hòa Phước) tiếp lời: “Đường đi bị sình, chú Tư Lộc tổ chức đổ đường đan cho con cháu đi học. Thành ra ở đây lối xóm tụi tôi người hùn chút đỉnh đặng làm, người nào phụ được thì phụ. Cô thì phụ cơm, nước nôi...”
Chưa phải là hộ gia đình giàu có, thu nhập chính chỉ nhờ vào 5 công đất vườn trồng chôm chôm với thu nhập mỗi năm dao động từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng. Số tiền này chú vừa lo trang trải cuộc sống gia đình lại đang nuôi một người con học tại TP Cần Thơ. Thế nhưng với ước muốn làm sao có con đường khô ráo, sạch đẹp, chú đã bàn bạc cùng với vợ, bỏ ra gần 50 triệu đồng làm đường cho bà con trong xóm cùng đi lại dễ dàng. Ngoài ra, mỗi khi địa phương vận động đóng góp xây dựng làm cầu, làm đường, làm cống đập thủy lợi thì chú tích cực tham gia. Tính chung từ năm 2002 đến nay, chú đã đóng góp gần 63 triệu đồng và hơn 50 ngày công lao động để cùng với địa phương thực hiện các công trình nói trên.
Tiếp và tâm sự với chúng tôi, chú Tư nói: “Mình làm rồi bà con đóng góp thêm, trước là mình đi, sau bà con mình đi, sau này mình làm gương để bà con noi gương làm việc khác tốt hơn. Tình làng nghĩa xóm thấy cũng đoàn kết lắm, góp công góp sức hết mình”.
Ông Trần Văn Hà- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Phước nhận xét thêm về những việc làm của chú Tư Lộc trong thời gian qua: “Hàng năm, Hội Nông dân phát động phong trào thi đua sản xuất giỏi, hàng năm ông đều đăng ký và đạt danh hiệu sản xuất giỏi. Hiện nay ông đậy mủ gốc chôm chôm ra trái nghịch hiệu quả. Còn xã ấp vận động gì thì ông rất nhiệt tình, như giúp cho xã xây dựng đường đan rất khang trang, ngoài ra ông cùng làm đê bao. Nói chung, mọi phong trào ông đều đóng góp hết mình, rất đáng khen ngợi”.
Một lúc bỏ ra số tiền gần 50 triệu đối với một gia đình có thu nhập chính từ 5 công đất vườn chôm chôm là không nhỏ. Chính tấm lòng vì tình làng nghĩa xóm của chú Tư Lộc mà bà con có con đường đi, góp phần xây dựng cho quê hương ngày càng đi lên. Cuộc sống đang rất cần những người như thế.
PHƯỚC GIANG (Long Hồ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin