Bảo vệ vườn cây, hoa màu mùa mưa lũ

07:09, 05/09/2012

Trước mùa lũ về, bên cạnh kế hoạch phòng chống lụt bão của chính quyền các cấp, nhiều người đã có kế hoạch riêng chủ động bảo vệ vườn cây ăn trái, hoa màu, thậm chí tăng thu nhập vào mùa nước nổi.


Anh Mai nới rộng rãnh thoát nước mưa cho mấy liếp rau màu.

Trước mùa lũ về, bên cạnh kế hoạch phòng chống lụt bão của chính quyền các cấp, nhiều người đã có kế hoạch riêng chủ động bảo vệ vườn cây ăn trái, hoa màu, thậm chí tăng thu nhập vào mùa nước nổi.

Hơn chục năm nay, anh Dương Văn Mai ấp Tân Xuân (Tân Ngãi) đã chủ động làm đê bao khép kín có bề ngang 3m bao quanh 2.000m2 đất rẫy trồng rau dền, rau muống, đậu bắp,... Dọc thân đê, anh trồng các loại cây rễ có độ bám đất tốt như: nhãn, bưởi, xoài… để vừa giữ đất bờ bao vững chãi vừa tăng thêm thu nhập. “Xung quanh ấp này đã có bờ bao lớn nhưng từ ngày bắt đầu làm rẫy thì tui đắp thêm bờ bao riêng, phòng khi mưa lũ nhiều vẫn không bị ngập”– anh nói.

Vừa đào đất nới rộng rãnh nước giữa các liếp rẫy, anh vừa tiếp chuyện chúng tôi: “Cả nhà tui sống ổn nhờ mấy liếp rẫy này cho thu nhập hơn 200.000 đ/ngày. Bởi vậy năm nào mưa lũ gần về, tui cũng nới rãnh vầy hết. Ngày thường thì bắt liếp trồng màu bề ngang 2m, đường rãnh thoát nước 0,5m, nhưng giờ thu nhỏ liếp lại và nâng cao thêm, nới rộng rãnh thoát nước ra 0,5m nữa để mưa lớn vẫn có chỗ chứa nước, không gây ngập úng. Nhờ vậy, hàng năm liếp rẫy của tui vẫn “khỏe ru”, thậm chí còn cho thu nhập gấp đôi so ngày thường nhờ rau mùa lũ giá cao”. Không chỉ có thể an tâm trồng rau màu, mùa lũ anh còn trồng thêm cúc, vạn thọ để bán vào các ngày rằm và dịp tết... Chỉ tay về phía các liếp rau, anh vui vẻ: “Hiện luống rau muống, rau dền này đang cho thu hoạch. Tui cũng đã gieo được 2 thiên cúc, vạn thọ bán rằm tháng 10. Sắp tới sẽ xuống thêm cải xanh, cải ngọt… và gieo thêm 5 thiên bông bán dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng”.

Ông Nguyễn Văn Mới– Phó trưởng ấp Tân Thạnh (Tân Hội) cho biết, ấp Tân Thạnh có khoảng 36,5ha nhãn và gần 11ha mặt nước nuôi thủy sản nên năm nào cũng vậy, trước mùa mưa lũ (khoảng tháng 7 âl) thì bà con đều gia cố cống bộng. Những đoạn sạt lở nhẹ thì các hộ sẽ đắp đất, đoạn bị lở mạnh hoặc có nguy cơ sạt lở mạnh thì báo cho ấp để kịp thời có biện pháp khắc phục. “Nhà tui cũng có vài trăm mét vuông mai vàng, lại ở ngay một cống lớn giáp Rạch Cái Đôi nên gần mùa lũ thì phải kiểm tra, gia cố, một mặt để bảo vệ vườn mai của mình, mặt khác cũng là góp phần bảo vệ vườn cây, ao nuôi của những hộ khác”.

Cũng ở Tân Hội, chú Phạm Văn Hải- một nông dân ở ấp Mỹ Phú cho biết: “Ấp tui hiện có khoảng 11 cái cống nên cứ đến ngày đầu tháng 7 âl hàng năm là tui thường kiểm tra, tu bổ lại nắp cống và vận động các hộ khác cùng làm. Biết là để bảo vệ vườn cây, ao cá của mình nên ai cũng tích cực lắm, nhiều khi chưa cần vận động họ đã tự làm rồi!”

Không chỉ vậy, nhiều nông dân còn tự nguyện góp sức, bỏ tiền túi để tu bổ các công trình chung của xóm. Như chú Lê Văn Nghiệp (ấp Tân Bình) thấy cống nước trước nhà bị hư, chú xuất tiền mua ván, mua đinh sửa lại và lội xuống móc đất đắp bờ đê cao thêm 5 tấc. Chú nói: “Nhờ Nhà nước làm đê bao khép kín nên 9- 10 năm nay mới không ngập nữa. Cống ở ngay trước nhà, mình thấy hư thì mình cứ sửa, mưa lũ sắp về rồi, chủ động để bảo vệ tài sản cho mình và xóm giềng luôn”. Không chỉ vậy, chú còn thủ sẵn máy bơm nước để sẵn sàng “ứng chiến” nếu nước tấn công vô phía trong đê bao.


Đoạn đê bao Phạm Chí Trường thuộc cồn Giông (Tân Hội) vừa được gia cố năm rồi, năm nay lại bị sạt sâu thêm khoảng 4 tấc, rất cần gia cố trước mùa lũ.

Phía sau vườn chú Nghiệp, máy múc đất nạo vét kinh đang chạy xình xịch. Ông Văn Ái Hữu- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội cho biết: Công trình nạo vét kinh thủy lợi nội đồng này dài khoảng 900m, do Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long làm chủ đầu tư, được khởi công hơn nửa tháng nay, vừa giúp khai thông dòng chảy, vừa giúp người dân bảo vệ hoa màu, vườn cây ăn trái và chủ động nguồn nước tưới tiêu. Hiện ấp Tân Bình có 2 tổ sản xuất, đây là tổ sản xuất số 1. Ông Hữu cho biết thêm: Nhờ chủ động nâng cấp đê bao xung yếu, nạo vét kinh, sửa chữa cống bộng trước và sau mùa lũ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” mà khoảng 140ha cam sành đã được chủ động về nước. Nông dân có thể xử lý ra trái mùa nghịch, bán giá cao. Hiểu được những lợi ích đó, nên nông dân sẵn sàng góp công, góp sức cùng địa phương khi cần và còn có những giải pháp riêng để bảo vệ vườn cây, ao cá của mình.

Theo ông Nguyễn Thanh Cần- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long): Xã có hơn 90% đã được làm đê bao kết hợp đường giao thông và hàng năm nâng cấp thêm. Năm nay cũng đã được duyệt kinh phí nâng cấp khoảng 100 triệu đồng, trong tháng 9 sẽ thi công. Riêng đoạn Giáo Canh- Bà Thảo (ấp Vĩnh Phú) hơi thấp, năm rồi bị ngập gây ảnh hưởng năng suất cây trồng của mấy chục hộ dân. Chủ trương của thành phố là làm đê bao chống ngập kiên cố cho đoạn này nhưng có thể năm tới mới khởi công nên hiện địa phương đã đề nghị đơn vị thi công gia cố tạm thời bằng đê đất để bà con bảo vệ vườn tược, hoa màu. Bên cạnh, địa phương cũng vận động nhân dân chủ động đắp “bờ nếp” để bảo vệ tài sản trong mùa lũ.

Bài, ảnh: TUYẾT XUÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh