“Tiến quân” vào khoa học công nghệ

06:09, 12/09/2012

Khác với đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở nông thôn, ĐVTN thành thị có nhiều điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ (KHCN) hiện đại, tạo cơ hội cho TN đô thị học tập, lao động sáng tạo và nghiên cứu…


Có điều kiện tiếp cận KHCN, thanh niên có thể khẳng định bản lĩnh của mình trong thời đại mới.

Khác với đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở nông thôn, ĐVTN thành thị có nhiều điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ (KHCN) hiện đại, tạo cơ hội cho TN đô thị học tập, lao động sáng tạo và nghiên cứu…

“Mê” sáng tạo

Trong thời gian qua, phong trào cải tiến kỹ thuật của TN đô thị có bước phát triển mạnh mẽ. Việc tham gia đông đảo của ĐVTN công nhân, viên chức vào phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, “CKT” (chất lượng, kiểu dáng, tiết kiệm) với hàng trăm đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã tạo điều kiện để ĐVTN tiếp cận và ứng dụng KHCN, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

Đi đầu trong phong trào này phải kể đến Chi đoàn Sở KH-CN. Mỗi năm, Chi đoàn có hơn 10 sáng kiến cải tiến được cấp cơ sở công nhận, nhiều đề tài tham gia các hội thi cấp tỉnh được đưa vào áp dụng, điển hình như: đề tài “Phần mềm quản lý phương tiện đo” (đạt giải ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật Vĩnh Long lần I năm 2006- 2007, đạt Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng “Lao động sáng tạo”); “Phần mềm kiểm định hàng bao gói sẵn” (Giải ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Trần Đại Nghĩa tỉnh Vĩnh Long lần III năm 2010- 2011) của anh Nguyễn Thanh Sang- Bí thư Chi đoàn Sở KH-CN…

Được tiếp cận với KHCN, nhiều ĐVTN ra sức nghiên cứu và khẳng định bản lĩnh thông qua những sáng kiến hiệu quả như: “Cải tiến máy may bao trong dây chuyền đấu trộn gạo thành phẩm” của anh Nguyễn Duy Cương (Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long) được Trung ương Đoàn trao tặng danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” lần I năm 2010; phần mềm “Quản lý hoạt động thanh kiểm tra ngành thông tin truyền thông” của anh Nguyễn Minh Nghĩa (Sở Thông tin và Truyền thông)…

Anh Nguyễn Thanh Sang cho rằng: “Sáng kiến không phải là cái gì lớn lao, nếu quyết tâm học hỏi, suy nghĩ, chịu khó làm thì nhất định sẽ có sáng kiến”.

Là thành viên trong đội Bigfire tham gia cuộc thi Robocon do Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức, Phan Tấn Đạt- sinh viên năm cuối ngành Điện- Điện tử cho biết: “Hồi còn học phổ thông không có điều kiện tiếp cận KHCN, giờ lên đây học, được đi sâu nghiên cứu vào lĩnh vực này, em thấy mê lắm”. Đội của Đạt nỗ lực sáng tạo “robot bằng tay, thi robot tự động, thi robot thu thập” để thi đấu. Kết quả đã đạt giải cấp trường và được dự thi cấp quốc gia.

Tấn Đạt chia sẻ: “Tham gia cuộc thi, em được trao đổi, học hỏi thêm nhiều kiến thức. Thời gian tới, em sẽ nghiên cứu thêm nhiều kiến thức về KHCN vì chỉ có chiếm lĩnh tri thức KHCN mới làm chủ được tương lai”.

Ứng dụng sáng kiến KHCN

Sự phát triển nhanh của KHCN đã tạo điều kiện để TN đô thị đẩy mạnh ứng dụng sáng kiến KHCN vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy chưa phải là những công trình tầm cỡ nhưng lại có giá trị thực tiễn, có khả năng áp dụng rộng rãi.

Hàng năm, hiệu quả kinh tế từ các đề tài, sáng kiến đưa vào áp dụng mang lại tại các cơ quan, doanh nghiệp là một con số không nhỏ. Điển hình như các đề tài: sáng kiến “Cải tiến máy may bao trong dây chuyền đấu trộn gạo thành phẩm” đã làm lợi cho công ty trên 170 triệu đồng/ năm; sáng kiến “Quản lý hồ sơ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe” cán bộ tỉnh Vĩnh Long của anh Bành Quốc Hữu (Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông) giúp bác sĩ khám, kê toa, in toa thuốc trực tiếp lên chương trình không cần ghi chép bằng tay và có thể biết được các loại thuốc mình ra có còn trong kho hay không để nhanh chóng thay thế bằng loại thuốc khác; Đề tài “Xây dựng Website tích hợp cơ sở dữ liệu Thông tin KH và CN” của anh Lý Minh Phương (Sở KH-CN) đã phổ biến thông tin KHCN tại các mô hình cung cấp thông tin phục vụ xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn nông thôn tỉnh...

“Việc sáng kiến ra các chương trình phần mềm quản lý thiết bị tin học đã giúp tôi tiết kiệm được thời gian làm việc, quản lý truy xuất tài liệu nhanh chóng và có thể ứng dụng quản lý thiết bị tại các đơn vị khác”- anh Lý Minh Phương nói.

Anh Bùi Quang Viễn- Bí thư chi đoàn Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Các ĐVTN đều là kỹ sư nên có rất nhiều lợi thế trong việc tiếp cận KHCN. Với niềm đam mê trong công tác nghiên cứu KH đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác chuyên môn và phát huy được tinh thần xung kích vào KHCN của tuổi trẻ”.

Lâu nay, người ta vẫn tưởng những công trình nghiên cứu KHCN là sản phẩm của những nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm thế nhưng với bàn tay, khối óc của mình, tuổi trẻ TP Vĩnh Long đã cho ra đời nhiều đề tài nghiên cứu và sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ- THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh