Mưa thôn quê, mưa thành thị...

06:09, 07/09/2012

Mùa mưa đến. Mưa hiền hòa, mưa êm ả... Dân nông thôn vui vì có thêm lượng nước tưới cho cây trồng, cho sinh hoạt. Người thành thị mừng vì mưa làm tiết trời mát mẻ hơn với không khí oi bức của chốn đô thành. Nhưng mưa bất thường kèm theo gió mạnh (gọi là giông, lốc) thì cả dân quê lẫn ở thành đều ngao ngán vì những tai họa của chúng...


Mưa dầm kết hợp triều cường gây ngập nhiều tuyến đường ở TP Vĩnh Long trong năm 2011.

Mùa mưa đến. Mưa hiền hòa, mưa êm ả... Dân nông thôn vui vì có thêm lượng nước tưới cho cây trồng, cho sinh hoạt. Người thành thị mừng vì mưa làm tiết trời mát mẻ hơn với không khí oi bức của chốn đô thành. Nhưng mưa bất thường kèm theo gió mạnh (gọi là giông, lốc) thì cả dân quê lẫn ở thành đều ngao ngán vì những tai họa của chúng...

Mưa thôn quê gây tốc mái sập nhà

Hàng năm, mùa mưa trong tỉnh bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến hết tháng 12, trùng với thời kỳ gió mùa Tây Nam . Mưa ở ĐBSCL nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng chịu ảnh hưởng đồng thời gió mùa Tây Nam và áp thấp nhiệt đới xảy ra ở biển Đông. Vì vậy, trong mùa mưa thường có những trận mưa lớn kéo dài, dồn dập từ đợt này sang đợt khác vào các tháng đầu mùa mưa (tháng 5, tháng 6), có từ 1-2 trận mưa lớn (40- 50 mm/ngày), làm tăng lượng nước đệm trong thời kỳ từ tháng 7- 8 và làm tăng độ ngập sâu trong các tháng 9- 10. Tháng 9, tháng 10 là 2 tháng có lượng mưa lớn nhất trong năm, có thể trên 50mm. Trong mùa mưa, có những đợt không mưa kéo dài từ 7- 10 ngày (gọi là hạn Bà Chằng). Chính vì mưa không đều, mưa nắng đan xen, sau những đợt hạn ngắn hạn là giông, lốc nổi lên. Qua thực tiễn cho thấy, trong mùa mưa, dân nông thôn ngán nhất là giông, lốc gây hư hỏng nhà cửa, gây thương vong, gây ngập ruộng lúa mới gieo sạ và sắp sửa thu hoạch. Phần lớn nhà ở nông thôn là nhà bán kiên cố (nhà tường, nhà gỗ nhưng mái lợp bằng tôn, ngói, tôn fibro xi măng và giằng không chắc chắn), nhà không kiên cố (nhà lợp lá, lợp tôn...), nhà nằm ở đồng trống hoặc nơi trống trải nên dễ bị tốc mái, sập nhiều hơn ở thành thị.

Còn nhớ, vào cuối năm 2008 đầu năm 2009, mưa dầm kết hợp với triều cường đã làm cho 24.059ha lúa Đông Xuân mới sạ bị ngập chìm trong nước (trong đó có 2.667ha bị chết hoàn toàn và 1.543ha phải sạ lại). Đầu vụ lúa Đông Xuân 2010- 2011, tuy không bị ảnh hưởng bởi triều cường nhưng những đợt mưa to liên tục từ ngày 17- 20/11/2010 đã làm ngập chết hoàn toàn và phải sạ lại 14.433ha lúa xuống giống vào con nước mùng 10/10 âm lịch. Theo số thống kê của ngành chức năng, trong năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 339 căn nhà bị hư hỏng do giông, gió mạnh gây ra (gồm 87 căn bị sập, 252 căn bị tốc mái), thiệt hại 2,55 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, hoàn lưu bão số 1 và giông đã làm sập 57 căn nhà, tốc mái 436 căn và một số công trình công cộng khác ở các huyện Bình Minh, Bình Tân, Long Hồ, Tam Bình và TP Vĩnh Long, thiệt hại 3,3 tỷ đồng. Đây là số nhà bị hư hỏng do lốc cao nhất từ trước đến nay (không kể thiệt hại do bão số 9 vào năm 2006).

Mưa thành thị…tràn đường, ngập phố

Trái với nông thôn, trong mùa mưa dân thành thị ít sợ tốc mái sập nhà do giông, lốc vì phần lớn nhà kiên cố, nhưng sợ nhất là mưa lớn, mưa dầm. Vào mùa khô, thành phố trẻ Vĩnh Long trông thơ mộng, xinh đẹp. Thế nhưng vào mùa mưa, nước lên, ở nội thành còn nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Ngập làm cho cảnh quan thành phố xấu đi, ảnh hưởng các hoạt động kinh tế- xã hội... Trong đó, mưa là yếu tố chính gây ngập ở khu vực nội thành, nếu trùng với kỳ triều cường, lũ thượng nguồn tràn về thì ngập đô thị còn nghiêm trọng hơn, dân giàu hay nghèo đều bị ảnh hưởng. Lớp giàu thành thị, nhà cao cửa rộng, dẫu “mưa buốt phố, nước ngập đường” cũng an toàn, ngủ yên trong nhà cao, kín cửa. Chỉ tội cho lớp nghèo thành thị, nền nhà thấp, mưa dầm ngập nhà, ngập ngõ hẻm. Mùa mưa là thời kỳ gian khổ nhất của lớp nghèo thành thị: giao thông, hoạt động mưu sinh trắc trở, môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh...

Những năm qua cho thấy, khu vực bị ngập nặng do yếu tố chính là mưa là khu vực nội thành (gồm các Phường 1, Phường 2, Phường 3) và khu vực không gần các sông lớn (gồm Phường 8, Phường 9, Phường 5 và Phường 4). Khu vực này có cao độ mặt đất khá cao (từ 1,8- 2,2m) nhưng thường bị ngập nặng khi gặp trận mưa rào (trên 60mm) ngay cả lúc triều kém, lũ nhỏ. Ngập ở đây do kinh, rạch bị lấn chiếm, san lấp làm ách tắc dòng chảy, đường phố chưa có hệ thống cống thoát nước mưa hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả, máy bơm tiêu công suất nhỏ, không tiêu kịp hoặc không có máy bơm.

Còn nhớ năm ngoái, trận mưa chiều ngày 11/11 đã làm nhiều tuyến đường ngập từ 40- 50cm. Những đợt triều cường kết hợp với lũ lớn đầu nguồn sông Cửu Long tràn về và mưa lớn tại chỗ vào cuối tháng 9, tháng 10 dương lịch (tháng 8, 9 âm lịch) đã làm cho TP Vĩnh Long ngập nặng hơn bao giờ hết. Trừ những phường ở xa sông Cổ Chiên, những phường ở gần sông này đều ngập nặng, từ đường lớn đến đường nhỏ, ngõ hẻm, kể cả những đường mới nâng cấp, láng nhựa hoàn chỉnh. Phường 2 là phường nội ô nhưng hiện vẫn còn một số tuyến đường bị ngập do ảnh hưởng triều cường và càng trầm trọng hơn khi gặp phải mưa lớn như đường Lê Thái Tổ, đường Nguyễn Huệ (đoạn gần ngã ba Cần Thơ và chợ Phường 2), đường Lưu Văn Liệt... Ở Phường 8, khu vực từ đường Đinh Tiên Hoàng trở ra rạch Đội Hổ, trừ khu vực chợ Phước Thọ, do các mương, rạch thoát nước hầu hết đều bị lấp nên mỗi khi có cơn mưa “vừa phải” cũng bị ngập, trong đó trầm trọng nhất, triền miên nhất là đường Phan Đình Phùng.

Biến đổi khí hậu- nhiệt độ tăng, nước dâng, hạn hán, lũ, bão khôn lường. Mưa miền quê hay thành thị đều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân. Các giải pháp phòng, tránh mưa nói riêng và bão, lũ, thiên tai nói chung cần được triển khai ngay từ đầu và thường xuyên để giảm tổn thất thiệt hại.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh