Kinh nghiệm “xương máu” khi thuê nhà

02:09, 11/09/2012

Thuê nhà để ở cũng có lắm chuyện buồn phiền, nhưng không đến nỗi phức tạp lắm. Bởi nếu không thích thì cứ “cuốn gói” đi tìm chỗ khác. Nhưng thuê nhà để kinh doanh, buôn bán sẽ là cả câu chuyện dài nhiều tập. Lắm chuyện dở khóc dở cười, khi mà “tiền trao” rồi nhưng nhiều khi không “múc” được… miếng cháo nào. Hai câu chuyện nhỏ

Thuê nhà để ở cũng có lắm chuyện buồn phiền, nhưng không đến nỗi phức tạp lắm. Bởi nếu không thích thì cứ “cuốn gói” đi tìm chỗ khác. Nhưng thuê nhà để kinh doanh, buôn bán sẽ là cả câu chuyện dài nhiều tập. Lắm chuyện dở khóc dở cười, khi mà “tiền trao” rồi nhưng nhiều khi không “múc” được… miếng cháo nào. Hai câu chuyện nhỏ sau đây, giúp cho những ai “lần đầu” đi thuê nhà có chút kinh nghiệm.

Chị H. quê Thanh Hóa, có chồng về Vĩnh Long. Chồng chị đi làm cho cơ sở tư nhân mỗi tháng kiếm được khoảng 6- 7 triệu đồng. Chị thuê căn nhà trên đường Trần Phú (Phường 4- TP Vĩnh Long) để mở tiệm tạp hóa kiếm thêm thu nhập. Thuê nhà, sửa sang lại hết chục triệu, nhưng chỉ sau 3 tháng chị H. phải chịu thiệt cuốn đồ ra đi. Nguyên do là tiệm tạp hóa bán đắt, tiệm kế bên thường xuyên kiếm chuyện và xúi chủ nhà tăng giá gây khó khăn cho chị H. Từ đó, sáng nào mở tiệm ra buôn bán là có chuyện, tối ngủ cũng chẳng yên.

Đầu năm 2012, chị H. thuê được chỗ mới cách tiệm cũ chỉ khoảng 300m, nguyên căn nhà khá rộng, giá cũng mềm hơn. Rút kinh nghiệm thuê nhà lần trước, chị H. tìm hiểu kỹ về nguồn gốc căn nhà và chủ. Căn nhà sắp giải tỏa nên chủ nhà hợp đồng thuê không thời hạn, giá cố định, đến khi nào có lệnh giải tỏa thì chấm dứt hợp đồng và 2 bên cũng thỏa thuận. Chị H. yên tâm bỏ ra 16 triệu đồng nâng cấp nền cao ráo, trang trí nhà lại gọn gàng để cả gia đình làm nơi ở luôn. Vốn tính vui vẻ, hiếu khách nên tiệm tạp hóa của chị H. lượng khách đến mua nhiều.

Nhưng rồi chưa đến 5 tháng sau, chị H. gặp lại “điệp khúc buồn” như lần thuê nhà trước. Thấy tiệm tạp hóa đông khách, chủ nhà lại đòi tăng giá. Chị H. nhượng bộ một bước. Chủ nhà càng ngày tăng sức ép buộc chị H. trả lại nhà. Bị chèn ép quá vô lý, nên chị H. phản ứng và đôi lần 2 bên xảy ra xô xát. Chị H. nhất quyết thực hiện theo hợp đồng, chủ nhà bắt đầu tìm đủ mọi cách gây khó khăn. Trước tiên là cúp điện, vì câu chung đường dây chủ nhà. Nhà gần bên thương tình cho câu nhờ thì chủ nhà quay sang cúp nước. Nửa đêm gọi điện thoại phá giấc ngủ, lấy cây đập ầm ầm lên mái nhà và thậm tệ hơn còn giở trò “thiếu văn hóa”, cho chất thải hôi thối vào bịch ny-lông, cứ sáng ra là quăng trước cửa tiệm không sao buôn bán được. Đến nước này, thì vợ chồng chị H. đành phải cắn răng gạt nước mắt mà đi tìm nơi khác.


Thuê nguyên căn nhà là giải pháp khả thi. Ảnh minh họa.

Tương tự, trường hợp của chị Th. (Phường 4- TP Vĩnh Long) còn cay đắng hơn nhiều. Năm 2001, chị Th. lên TP Hồ Chí Minh thuê căn nhà ở góc đường Trần Quốc Toản- Pasteur (Quận 3) mở shop bán giày cao cấp. Theo hợp đồng, tiền thuê là 6 triệu đồng/tháng, thời hạn 3 năm và chị đặt tiền thế chân trước 6 tháng, sử dụng nguyên tầng trệt và gác lửng. Chị Th. đầu tư thêm vào căn nhà trên 72 triệu đồng và bỏ vốn ra cả trăm triệu đồng mua tủ, kệ, giày... Nhờ cung cách phục vụ tốt, tiệm giày nhanh chóng nổi tiếng và có nhiều khách quen, khách sang và cả giới nghệ sĩ cũng tìm đến mua. Kinh doanh đang phất lên thì đùng một cái chủ nhà tìm mọi cách lấy lại nhà. Mặc dù hợp đồng thuê nhà còn gần 2 năm nữa mới hết hạn, nhưng chủ nhà giở đủ trò để chị Th. “nhả” lại tiệm giày. Không còn chịu đựng nổi, chị Th. đành bán tháo những đôi giày mặc dù lỗ nặng. Một năm trời còng lưng, cuối cùng bao nhiêu lợi nhuận đều bị “gỡ tay”, lại còn thâm hụt vốn nặng nề. Tiền đầu tư vào căn nhà, coi như “tặng” không cho chủ nhà.

Chị Th. rút ra kinh nghiệm “xương máu” khi thuê nhà kinh doanh. Tuyệt đối không được ở chung với chủ nhà, đó là một sai lầm tệ hại. Ngoài chuyện dễ bị phá bỉnh, người thuê nhà luôn phải gánh khoản tiền điện, tiền nước giá cao. Trước khi quyết định thuê nhà, dù vị trí có ưng ý cách mấy cũng phải thật bình tĩnh, phải có thời gian tới lui tìm hiểu những người chung quanh, những người bán quán nước, mấy anh chạy xe ôm gần đó, nắm rõ nhất “bụng dạ” mấy chủ nhà, cũng như “tiền sử” của những lần thuê nhà trước đó, điều này rất quan trọng.

Làm ăn lớn mà gặp những chủ nhà tốt bụng, thì coi như “phước ba đời”. Cho nên, phải thật cẩn thận trong những điều khoản hợp đồng, đa số luôn bị đòi tăng giá khi làm ăn tốt. Trường hợp xấu nữa, là chủ nhà tìm mọi cách đòi lại để tự mình kinh doanh. Lúc đó thì chỉ có nước “bỏ của chạy lấy người”. Tâm lý những người muốn mở ra kinh doanh cái gì đó, thường dồn mọi tâm trí suy nghĩ phương thức kinh doanh, tính toán lợi nhuận, mà xem nhẹ vấn đề mặt bằng nên rất dễ bị trường hợp “tiến thoái lưỡng nan”, đi cũng dở mà ở cũng không xong.

Bài, ảnh: Q. THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh