Cô Vân “nước màu dừa”

01:09, 04/09/2012

Đồng vốn ít ỏi, nghề nghiệp không ổn định nên cuộc sống gia đình cô Huỳnh Thị Vân (Phường 4- TP Vĩnh Long) luôn lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Không ngại khó, cô luôn trăn trở tìm một hướng đi mới vừa vốn ít lại vừa phù hợp với khả năng của mình.

Đồng vốn ít ỏi, nghề nghiệp không ổn định nên cuộc sống gia đình cô Huỳnh Thị Vân (Phường 4- TP Vĩnh Long) luôn lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Không ngại khó, cô luôn trăn trở tìm một hướng đi mới vừa vốn ít lại vừa phù hợp với khả năng của mình.

Từ nghề làm kẹo chuối đến nghề may, rồi bán vải, bán tạp hóa… giờ đây, cô mới có thể gọi là thành công khi sản phẩm mang tên nước màu dừa “Cô Vân” được đông đảo chị em nội trợ biết đến.


Mỗi ngày cô Vân thắng 20 lít nước màu, bỏ mối cho các chợ từ thành thị đến nông thôn.

Khi mới bắt đầu buôn bán nhỏ, cô cũng có làm thử nước màu để ở nhà dùng và bán thử, được một số khách hàng ưa chuộng, ủng hộ. Thấy “làm ăn được” cô nảy ý định lập cơ sở chế biến nước màu. Ban đầu, bắt tay vào việc thắng nước màu, cô không nhận được sự ủng hộ của gia đình, bởi “công việc vất vả mà biết có lời lãi được bao nhiêu”. Không nản chí, từ những nguyên liệu đơn giản: nước dừa, đường, muối, cô Vân đã tự mò mẫm tìm ra “công thức” thắng nước màu sao cho ngon, vừa trong, sánh và thơm.

Hỏi cô “bí quyết”, cô cười hiền lành: “Trải qua không ít lần thất bại, rồi nghề dạy nghề, cùng với sự tìm tòi, rút kinh nghiệm qua những lần thất bại, cuối cùng cô cũng tạo ra được chất lượng theo ý muốn”.

Thành công bước đầu đã giúp cô có động lực đi tiếp bước hai đó là tìm nơi tiêu thụ. Công việc tưởng chừng đơn giản, chỉ cần rao bán là xong nhưng cũng lắm khó khăn. Việc tìm nơi tiêu thụ cũng là cả một quá trình chịu thương, chịu khó. Hàng ngày, từ sáng sớm cô rong ruổi khắp nơi, từ chợ phố đến chợ quê để giới thiệu sản phẩm. Tối đến cô lại tất bật với việc thắng nước màu. Mỗi ngày cô thắng 20 lít nước màu, chồng cô giúp giao hàng ở các chợ. Cô cho biết: “Thắng nước màu quan trọng nhất là khâu canh lửa. Phải canh sao cho vừa lửa, đúng thời gian (3 tiếng/1 nồi 7 lít) nếu không sẽ không đạt được chất lượng mà trong làm ăn thì chất lượng giúp đảm bảo uy tín về lâu về dài”- cô chia sẻ.

Bước đầu chưa có nhãn hiệu, tên tuổi nên chưa có mối mang, khách hàng nhiều. Muốn tạo cho mình một thương hiệu riêng, không lẫn lộn với các sản phẩm trôi nổi ở chợ nên cô bắt đầu đăng ký học về an toàn thực phẩm, rồi đăng ký nhãn hiệu,... Có thương hiệu và hơn hết là chất lượng luôn đảm bảo nên giờ đây sản phẩm nước màu dừa “Cô Vân” đã được tiêu thụ khắp chợ huyện lẫn chợ thành và cả trong siêu thị. Mỗi tháng Siêu thị Co.op Mart nhận tiêu thụ 15 thùng (thùng 24 chai loại 200ml/chai). Cô Sáu Nam (một chủ cửa hàng tạp hóa ở Phường 2) cho biết: Hàng này bán chạy lắm, với giá 6.000 đ/chai 200ml, có nắp xịt, dễ sử dụng, bảo quản được lâu nên khách hàng rất chuộng.

Lấy công làm lời, từ số vốn ít ỏi cùng với sự kiên trì, hiện gia đình cô Vân đã lo đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày và thoát cảnh nợ nần, cuộc sống cũng khá hơn.

Không chỉ tích cực làm ăn, cô Vân còn kết hợp Chi hội Phụ nữ Khóm 5- Phường 4 làm những công tác từ thiện, như đi vận động tiền giúp đỡ phụ nữ nghèo, cất nhà tình thương, góp hụi xoay vòng vốn, tổ chức những ngày lễ lớn dành cho phụ nữ và thiếu nhi… Cô Giàu, hàng xóm của cô Vân khen: “Cô Vân rất chịu khó, dám làm việc mình nghĩ, tạo nhãn hiệu riêng cho mình, giờ cô có cuộc sống ổn định, tui cũng mừng lây cho cô”.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Lan- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 4 cho biết thêm: Cô Vân là một trong những phụ nữ tiêu biểu được nhận giấy khen của UBND TP Vĩnh Long vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập” (2006- 2011). Bản thân cô là một hội viên tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và hết lòng chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh