Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới

01:08, 14/08/2012

Buôn bán người (BBN) đang là vấn nạn của xã hội. Ở Việt Nam vấn nạn này đang diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng và quốc tế hóa. Hiện Chính phủ đã có đề án Phòng chống BBN nhưng để nâng cao hiệu quả và nhất thiết cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Phụ nữ cần nâng cao kiến thức, tự bảo vệ mình trước những lời mời gọi đầy hấp dẫn của kẻ BBN. Ảnh mang tính minh họa.

Buôn bán người (BBN) đang là vấn nạn của xã hội. Ở Việt Nam vấn nạn này đang diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng và quốc tế hóa. Hiện Chính phủ đã có đề án Phòng chống BBN nhưng để nâng cao hiệu quả và nhất thiết cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Thủ đoạn tinh vi

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ (PN) và trẻ em (TE) qua biên giới đang có diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi được thực hiện bởi sự câu kết chặt chẽ của các đường dây tội phạm trong nước và nước ngoài.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 1/6/2012, hiện trên toàn thế giới có tới 20,9 triệu người bị cưỡng bức lao động như “nô lệ thời hiện đại” trong đó Châu Á- Thái Bình Dương có 11,7 triệu người (chiếm 57% toàn cầu, Châu Phi chiếm 18% và Mỹ Latin chiếm 9%). Nạn nhân là PN và TE gái là 11,4 triệu người, chiếm 55%; trong đó có 4,5 triệu người (chiếm 22%) là nạn nhân bị khai thác bóc lột sức LĐ hay lạm dụng tình dục. Ông Nguyễn Ngọc Anh- Điều phối viên chương trình phòng chống BBN của các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết, nạn BBN có sức thu hút ghê gớm vì lợi nhuận thu được từ BBN mỗi năm lên tới 31 triệu USD. Các xu hướng BBN hiện nay không chỉ buôn bán PN và TE mà còn bao gồm buôn bán nam giới, BBN trong nội địa. Và ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp BBN để bóc lột sức LĐ, đẻ thuê, lấy nội tạng… Tại Việt Nam, từ năm 2005 đến nay đã có hơn 3.000 vụ BBN với hơn 5.000 đối tượng và gần 6.200 nạn nhân. Riêng năm 2011 và 6 tháng năm 2012, Bộ Công an đã phát hiện gần 700 vụ, 1.000 đối tượng với 1.260 nạn nhân.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng việc buôn bán PN và TE qua biên giới đang trở thành vấn đề bức xúc, nhức nhối và đáng quan tâm của xã hội. Nạn nhân của các vụ BBN đa phần đều là PN và TE có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hạn chế về nhận thức, thất nghiệp hoặc việc làm không ổn định, gia đình tan vỡ do hôn nhân, thiếu sự quan tâm của gia đình. Một số trường hợp PN bị bán do sự hám lợi ích vật chất cả 2 phía: kẻ BBN và nạn nhân; một số TE bị bán do chính cha mẹ. Bên cạnh, cũng có một số PN và TE bị bạn bè, người thân lôi kéo thậm chí dụ dỗ, lừa dối đi kiếm sự giàu sang ở vùng đất hứa,… Riêng Vĩnh Long đã có 23 trường hợp bị lừa bán sang các nước Trung Quốc, Campuchia, Malaysia,…

Phòng chống buôn bán PN và TE ra biên giới

Chị A.D. (47 tuổi, Bình Minh) tâm sự, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của chị, người môi giới lừa chị nói rằng sang Trung Quốc hái trà với tiền lương cao. Vừa sang biên giới chị bị lừa bán cho người Trung Quốc làm vợ. Những tháng ngày nơi đất khách, chị không những phải LĐ vất vả trên núi để trồng rẫy, chăn nuôi “lo” cho đại gia đình chồng mà còn thường xuyên bị đánh đập. Với mong muốn được trở về Việt Nam, chị cắn răng chịu đựng và “cắt củm” từng đồng tiền giấu được sau những phiên chợ, nhờ sự giúp đỡ của người đồng hương, chị tìm đường trốn về quê nhà. Sau đó, chị được nhận hỗ trợ nguồn vốn tái hòa nhập cộng đồng từ Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long để học nghề. Hiện chị bán tạp hóa tại trường học, bán quần áo chợ đêm, rảnh rỗi chị làm móng dạo nên cuộc sống ổn định hơn.

Với phương châm “phòng là chính”, công tác phòng ngừa tội phạm được triển khai sâu rộng và thiết thực. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội các tỉnh- thành phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là PN và TE nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ bản thân trước những thủ đoạn lừa đảo, tinh vi của tội phạm để bán ra nước ngoài. Lực lượng công an, biên phòng mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh quyết liệt, bóc gỡ các đường dây, băng nhóm tội phạm BBN quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia. 5 năm qua đã khám phá 1.292 vụ, bắt 2.257 đối tượng, giải cứu 1.526 nạn nhân. Trong số hơn 4.000 nạn nhân được tiếp nhận trở về, có 80% được giúp đỡ tư vấn tâm lý, nhanh chóng ổn định cuộc sống như hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn lãi suất thấp... Những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động hợp tác quốc tế phòng, chống BBN những năm qua đã được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Ông Vũ Chí Thực- Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, việc chống hành vi BBN không riêng gì của ngành công an mà phải toàn xã hội, cả hệ thống chính trị, trong đó đầu tiên là nhận thức của người dân. Đặc biệt là chị em cần phải tự nâng cao cảnh giác, tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình. Người dân nếu không nhận thức tốt vấn đề thì khó để giải quyết tận gốc được. Nhận thức là khâu đầu tiên, còn việc ngăn chặn ở cửa khẩu hay phối hợp giữa các ngành chức năng của nước ta và nước bạn thì chỉ là khâu cuối cùng. Trong cộng đồng, chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chung tay để ngăn chặn tình trạng này.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng muốn thực hiện đạt hiệu quả cao, cần có một khung pháp lý chung, Nhà nước cần có những giải pháp khả thi, đủ mạnh để làm công cụ cho các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân đấu tranh hiệu quả với bọn tội phạm. Đồng thời để bảo vệ, giúp cho các đối tượng kết hôn có yếu tố nước ngoài không bị lợi dụng, lừa gạt thì trong quá trình sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, Quốc hội cần hoàn thiện các quy định pháp luật về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhằm bảo vệ được quyền lợi và lợi ích của người Việt Nam khi kết hôn với người nước ngoài.

Tổ chức Liên Hợp Quốc cho biết, ước tính mỗi phút trên toàn thế giới có 2 người bị buôn bán; 125 người mỗi giờ; 3.000 người mỗi ngày và 1 triệu người mỗi năm. Nếu tính cả BBN vì mục đích bóc lột lao động, con số còn cao hơn rất nhiều. 

  Bài, ảnh: MAI ANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh