Nhọc nhằn nghề móc cống

01:08, 28/08/2012

Với nghề móc cống, hàng ngày họ phải tiếp xúc với thứ nước đen xì xì mà người ta hay nói “dơ như… cống”, bốc mùi hôi thối và biết bao nguy hiểm chực chờ từ mảnh ve chai vỡ, bơm tiêm trôi xuống cống. Công việc cực khổ, nguy hiểm thế nhưng có người gắn bó gần cả cuộc đời với cái nghề móc cống này để cho thành phố không ngập úng và sạch hơn.

Với nghề móc cống, hàng ngày họ phải tiếp xúc với thứ nước đen xì xì mà người ta hay nói “dơ như… cống”, bốc mùi hôi thối và biết bao nguy hiểm chực chờ từ mảnh ve chai vỡ, bơm tiêm trôi xuống cống. Công việc cực khổ, nguy hiểm thế nhưng có người gắn bó gần cả cuộc đời với cái nghề móc cống này để cho thành phố không ngập úng và sạch hơn.


Nghề móc cống vất vả và nguy hiểm luôn chực chờ.

Nghề làm việc dưới mặt đất

Sáng sớm, dù trời nắng hay mưa thì đội móc cống của Công ty TNHH MTV Công trình công cộng Vĩnh Long vẫn quần sọt trần lưng múc từng xô đầy nước cống đặc quánh bởi bùn và cặn bã chất thải lên xe chuyên dụng. Những ai có chứng kiến công việc họ làm mới hiểu hết những vất vả trong nghề này. Vừa cạy nắp cống lên thôi là mùi hôi thối xộc lên, những người đi đường ngang qua đều bất giác bịt mũi, nín thở cố qua nhanh thật, vậy mà họ vẫn căm cụi làm. Anh Bùi Minh Đắc Phương Tài cởi trần nhảy thột xuống cống nước đen ngòm, lạnh ngắt, rồi múc từng xô nước màu đen sền sệt, nặng mùi đưa lên cho anh em ở phía trên đổ vào cái phuy chứa. Công việc thế cứ quay tròn khi hơn chục cái phuy chứa lớn đã đầy mới ngừng tay, thay người khác xuống.

Trong lúc chờ xe đến chở các phuy chất thải ấy đi, anh em ngồi xúm lại hút thuốc nghỉ mệt. Anh Tài bộc bạch: “Làm cái nghề móc cống cực khổ, độc hại lắm và thường công việc kết thúc trong buổi sáng vì chiều nắng thì hơi bốc lên rất nguy hiểm”. Rồi anh phân trần cho cái tật… hút thuốc của cả đội: “Sáng sớm trời lạnh, tiếp xúc với nhiều với mùi hôi nên ai cũng biết hút thuốc cho ấm và… bán mùi...”

Công việc khó khăn, vất vả là thế nhưng có người vẫn gắn bó gần hết cuộc đời mình với nghề, góp phần giúp cho hệ thống cống thành phố thông thoáng, không ngập úng khi mưa lớn. Bác Lương Hoàn Sơn năm này đã ngoài 50 tuổi nhưng có gần 30 năm làm nghề móc cống. Bác Sơn cùng với anh em vừa khiêng mấy thùng phuy lên xe xong, mồ hôi còn lấm tấm trên trán, mình mẩy lấm lem bùn sình quyện với mùi hôi đặc trưng của nước cống. Bác Sơn bảo: “Làm nghề nào cũng cực khổ, nhưng cái nghề móc cống đặc thù hơn là làm việc ở dưới mặt đất. Hàng ngày hít hơi độc hại, có nguy hiểm nhưng riết rồi cơ thể cũng quen mùi. Ngày trước khi mới vào nghề, ngày đầu tiên đi làm nhìn thấy những chất thải, mùi hôi ở dưới cống bốc lên là nôn ói về nhà bỏ ăn luôn, nhưng sau quen rồi thì nó trở nên bình thường. Xong công việc, ai cũng đầy mùi hôi hám, người khác không dám đến gần. Tui còn vài năm nữa là tới tuổi về hưu rồi, mình cố gắng cho trọn với cái nghề…”

Bác Trương Văn Thến thì có hơn 10 năm làm nghề móc cống. Bác Thến cũng lớn tuổi, sức khỏe yếu nên anh em ưu tiên cho ở phía trên chuyển xô. Bác Thến cho biết: Những tháng mưa nhiều, chất bẩn, rác trên mặt đường chảy xuống cống và chất thải từ nhà dân cũng đổ ra cống thường gây ứ đọng. Thời điểm này, anh em làm nghề móc cống vất vả, phải trầm mình dưới nước múc từng xô chất bẩn lên. Nước lũ về, anh em ngày đêm trực máy bơm nước ra sông, chống ngập úng…

Nguy hiểm chực chờ

Bác Sơn tâm sự: Nghề móc cống lương không cao nhưng hưởng đầy đủ các chế độ, cũng đủ sống. Nghề này không những cực khổ mà nguy hiểm chực chờ bởi hàng ngày tiếp xúc với nhiều chất độc hại nên anh em thường mắc các bệnh hô hấp; da bị nhiễm trùng, ghẻ lở. Làm xong về nhà có tắm 2- 3 lần mùi hôi vẫn không “buông tha”. Anh em làm nghề móc cống rất ngại tiếp xúc với người khác vì “nặng mùi cống”. Còn chuyện chất thải từ hộ dân chưa xử lý, xác động vật thối lâu ngày không phải là hiếm gặp. Mới vào nghề gặp cảnh đó là về nhà bỏ ăn luôn... “Anh em sợ nhất là kim bơm tiêm, mảnh ve chai vỡ, vì lỡ bị nó đâm vào tay hay chân thì sẽ làm độc nhiều ngày không lành được. Sợ hơn nữa là bơm kim tiêm của những đối tượng nghiện ma túy không biết có mang theo con “ếch” nào không…?”- Bác nói tiếp.


“Sao các anh không mang giày, bao tay bảo hộ”- tôi hỏi. Bác Sơn cho biết: “Mang giày xuống cống bị lún khó xoay trở lắm, còn mang bao tay thì vướng cũng khó làm. Anh em chỉ còn cách cố cẩn thận tránh bị kim tiêm, mảnh chai đâm vào người…”

Trước đây, một số anh em khi mới vào nghề chưa lường hết được nguy hiểm của công việc, hễ cạy nắp cống lên là nhảy xuống làm cho nhanh. Anh em đâu biết làm như vậy rất nguy hiểm, sẽ bị ngộp thở do lượng khí độc ở dưới cống chưa thoát ra ngoài kịp. Một nguy hiểm nữa là khi mưa lớn, nước lũ về tràn vào thành phố hoặc nước rút ra sông, không cẩn thận thì sẽ bị cuốn trôi vô cống… Và còn rất nhiều nguy hiểm hàng ngày đang chực chờ những người làm nghề móc cống.

Công việc cực khổ, hàng ngày đối mặt với nguy hiểm, nhưng những công nhân móc cống vẫn lặng thầm góp sức mình để giữ gìn cho thành phố không bị ngập úng, sạch sẽ hơn. Cũng vì vậy, qua bài viết này, mong là mỗi gia đình, mỗi chúng ta hãy giữ gìn vệ sinh chung- đó cũng là cách động viên và giúp cho các anh bớt nguy hiểm hơn khi hành nghề đặc thù này.

Bài, ảnh: NGỌC THUẬN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh