Với lòng yêu thương trẻ con, hơn 14 năm qua, cô Ngô Thị Đời và chồng- chú Lê Văn Hạnh (Phú Quới- Long Hồ) đã nhận chăm sóc trẻ cho những gia đình không có điều kiện gởi nhà trẻ. Đây cũng là một mô hình hoạt động có hiệu quả trong xã.
Với lòng yêu thương trẻ con, hơn 14 năm qua, cô Ngô Thị Đời và chồng- chú Lê Văn Hạnh (Phú Quới- Long Hồ) đã nhận chăm sóc trẻ cho những gia đình không có điều kiện gởi nhà trẻ. Đây cũng là một mô hình hoạt động có hiệu quả trong xã.
Từ lòng yêu trẻ...
Chúng tôi đến thăm nhóm giữ trẻ của cô Đời đang lúc cô chú đang cho các bé ăn trưa. Ở cái tuổi hơn 50, đáng lẽ ra cô chú đã được vui vầy bên con cháu. Thế nhưng không con cái, nên cô chú dành hết tình thương của mình cho những đứa trẻ trong xóm.
Không con cái, cô chú đã dành hết tình thương cho những đứa trẻ.
|
Cô Đời cho biết: Thấy nhu cầu về người trông nom trẻ để cha mẹ an tâm làm việc tại các khu công nghiệp, trong khi địa bàn chưa có nhiều nhà giữ trẻ, trường mẫu giáo nên cô chú đã quyết định nhận giữ trẻ tại nhà. Hầu hết phụ huynh gởi con ở đây đều là công nhân, xe ôm hay buôn bán. Từ nhận giữ 2- 3 trẻ rồi đến nhiều hơn, cô chú luôn hết lòng chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Đang dạy một bé gái cách tô màu, cô Đời nói: “Đây là bé Tuyền, lớn tuổi nhất “lớp”. Vợ chồng tôi nhận giữ bé Tuyền lúc 17 tháng tuổi, giờ bé đã được 5 tuổi. Chăm sóc trẻ con tuy hơi vất vả nhưng nhìn các cháu ngoan hiền, lớn lên từng ngày, vợ chồng tôi thấy hạnh phúc lắm”.
Hàng ngày, nhóm giữ trẻ nhận giữ từ 6 giờ sáng đến chiều tối. Có lúc công nhân tăng ca, cô chú giữ đến hơn 9 giờ khuya. Ở đây, các bé không chỉ được chăm sóc cẩn thận từ cho ăn, ngủ, tắm rửa, chơi, hát… mà còn được cô chú thương yêu như con ruột vậy. Từ tính tình, sở thích đến thói quen ăn ngủ của mỗi bé, cô chú đều hiểu rõ. Nào là bé My rất hay cười, bé Quang hay nghịch, bé Tuyền thì ngoan nhưng hơi trầm tính, bé Gia Bảo thì thích ăn canh chua… Chú Hạnh cho biết: “Lúc trước chú làm nghề hớt tóc, đã 27 năm. Giờ chỉ dồn sức chăm sóc cho trẻ. Tuy giữ trẻ có mệt đôi chút nhưng chỉ cần thấy các cháu khỏe mạnh, ngoan ngoãn, lớn lên từng ngày là bao mệt nhọc cũng qua đi”.
Chăm sóc, lo ăn uống cả ngày nhưng cô chú chỉ nhận 20.000 đ/bé/ngày. Vậy mà có khi những phụ huynh là công nhân sau khi nghỉ việc rước trẻ về rồi… quên luôn mấy tháng tiền giữ trẻ. Hơn 14 năm giữ trẻ, nhờ tình thương cùng sự chăm sóc chu đáo, cô chú đã dần nhận được sự tin tưởng của phụ huynh và được các trẻ quý mến. Hiện nay “lớp” của cô chú đã lên đến gần 20 bé. Chị Nguyễn Thị Bảo Vi- phụ huynh của bé Phúc cho biết: “Tôi gởi bé từ lúc 6 tháng đến nay bé 4 tuổi, đã vào mẫu giáo nhưng tôi vẫn tiếp tục gởi. Thằng bé mến chú Hạnh lắm, chú đi đâu cũng đòi theo. Từ khi gởi bé, thấy bé ngoan ngoãn, biết nghe lời người lớn, tôi rất an tâm”.
... Đến mô hình giữ trẻ
Nhận thấy nhóm giữ trẻ của vợ chồng cô Đời vừa giúp cho phụ huynh an tâm làm việc lại vừa tạo việc làm tại nhà, nên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã đưa vào mô hình giữ trẻ hơn một năm nay. Trước khi phát triển thành mô hình giữ trẻ, cơ sở vật chất của nhóm giữ trẻ còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Hội LHPN đã vận động hỗ trợ cho cơ sở bàn ghế, dạy cách trang trí phòng giữ trẻ, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy trẻ,... Đến nay, cơ sở đã đảm bảo điều kiện vệ sinh, môi trường sạch sẽ, thoáng mát, an toàn. Hội Phụ nữ còn phối hợp với Trung tâm Y tế huyện thường xuyên kiểm tra và tuyên truyền các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, nuôi giữ trẻ, phòng bệnh tay chân miệng. Cô Đời cười: “Được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chúng tôi biết thêm nhiều kiến thức phòng tránh bệnh và giữ trẻ tốt hơn. Cách thức chế biến và đổi món ăn; cách trang trí phòng giữ trẻ;cách rửa tay, rửa đồ chơi ngày càng được hoàn thiện và đảm bảo. Thấy các bé ở đây mau lớn và khỏe mạnh là chúng tôi vui rồi”.
Bé Khánh Hà 3 tuổi hiếu động nhưng rất ngoan, Hà khoe: “Con thích ở đây lắm, được ăn ngon mà chơi vui nữa. Con được chơi nhiều đồ chơi đẹp”. Ngồi tập viết chữ, Thảo My- cô bé hay cười nhất nói: “Con không có khóc nhè đâu. Ở đây cô chú thương con nhiều lắm”.
Cô Võ Thị Tuyết Nhung- Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Quới cho biết: “Đây là một mô hình giữ trẻ hoạt động có hiệu quả. Hiện xã đang mở rộng thêm mô hình”.
Bài, ảnh: HUỆ LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin