Mang trong mình di chứng chất độc da cam (CĐDC)/dioxin nên cơ thể và đôi chân của anh Nguyễn Trung Tính (SN 1979, ấp Mỹ Lợi, Mỹ Hòa-Bình Minh) bị teo tóp dần, tay còng queo, lưng bị gù. Mọi hoạt động, đi lại của anh đều phải dựa vào đôi nạng gỗ. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực, anh đã vượt qua mặc cảm và nỗi đau để hòa nhập cộng đồng, lao động, cống hiến cho gia đình và xã
Dàn máy vi tính- phương tiện hỗ trợ Tính viết tin, bài cộng tác.
Mang trong mình di chứng chất độc da cam (CĐDC)/dioxin nên cơ thể và đôi chân của anh Nguyễn Trung Tính (SN 1979, ấp Mỹ Lợi, Mỹ Hòa-Bình Minh) bị teo tóp dần, tay còng queo, lưng bị gù. Mọi hoạt động, đi lại của anh đều phải dựa vào đôi nạng gỗ. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực, anh đã vượt qua mặc cảm và nỗi đau để hòa nhập cộng đồng, lao động, cống hiến cho gia đình và xã hội.
“Cuộc sống vốn là một con đường chông chênh, gập gềnh đối với những người không lành lặn như chúng tôi. Bệnh tật và khó khăn luôn đeo bám. Vì thế, sự đùm bọc, cưu mang, chia sẻ của cộng đồng luôn là điểm tựa để chúng tôi vươn đến cuộc sống tốt đẹp”- Tính đã bắt đầu câu chuyện như thế.
Sinh ra trong gia đình có 5 anh em. Gần 10 tuổi mà Tính vẫn chỉ có thể nhìn các bạn tung tăng đến trường rồi… ngồi khóc một mình. Ông Nguyễn Phương Minh- cha của Tính bồi hồi nhớ lại: Lúc đó, đường đi khó khăn, nhà lại cách trường cả chục cây số. Nhờ làm cán bộ xã nên tôi đã xin chỗ ở tập thể để con được đến lớp… Học xong THCS, lên cấp 3, Tính phải quá giang bạn vì nhà xa trường. Trong một lần đến lớp, không may bị tai nạn giao thông nên việc học dở dang từ đó. Mãi đến 10 năm sau, khi sức khỏe đã khá hơn, Tính xin học lớp bổ túc văn hóa và đã tốt nghiệp vào năm 2007.
Cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, niềm vui xen lẫn nỗi lo: “Mình phải làm gì để có thu nhập nuôi sống bản thân và phụ giúp cha mẹ lo cho các em?...”- Tính từng trăn trở. Để tìm được việc làm ổn định, phù hợp với sức khỏe của người mang trong mình di chứng quái ác từ CĐDC/dioxin không phải là chuyện dễ, nhưng Tính nghĩ: “Mình còn may mắn vì khối óc vẫn còn tư duy tốt…”
Vốn có khiếu viết truyện cười, viết văn từ năm lớp 8, các tác phẩm của Tính dần xuất hiện trên tờ báo địa phương. Đến khi trưởng thành, có đủ bản lĩnh cọ xát với thực tế thì niềm đam mê làm báo đã nhen nhúm và cháy bỏng trong Tính. Thời ấy, Tính chỉ viết tay rồi nhờ đứa em đưa ra bưu điện để gửi cộng tác. Ban đầu, chỉ là vài tin viết về an ninh trật tự địa phương, gương người tốt việc tốt…
Tuy việc đi lại còn nhiều khó khăn nhưng Tính luôn xông xáo.
Rồi Tính nghĩ đến những bài viết lớn hơn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người đọc báo. Với một người có chuyên môn muốn trụ vững với nghề đã khó thì với một người bệnh tật, mọi chuyện khó gấp bội… Không nản lòng, anh chọn cách mua báo về đọc để học cách bố cục, lập luận, cách viết cũng như thể hiện ngôn từ trên mặt báo. Qua nhiều lần viết rồi xóa, sửa, những bài viết của Tính dần được nhiều tờ báo ưu ái dành đất đứng. Hiện, anh là cộng tác viên thường xuyên của Báo Tiền Phong và nhiều tờ báo khác.
Theo ông Đồng Hồng Nam- Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Bình Minh: Với những người không may bị nhiễm CĐDC/dioxin, cuộc sống của họ tưởng chừng như đã hết, nhưng Tính vẫn vươn lên, tiếp bước con đường học vấn bằng nhiều cách khác nhau. Không chỉ học văn hóa, em còn học thêm vi tính để đáp ứng cho công việc của mình. Năm 2009, hội đã hỗ trợ 3,5 triệu đồng để Tính mua máy vi tính về đánh máy thuê và viết tin, bài, gửi mail đến các tòa soạn. Nhờ vậy, đỡ phải vất vả và tốn chi phí như trước nữa…
Mỗi khi hay tin trong khu vực có sự kiện hoặc hoàn cảnh thương tâm cần giúp đỡ, Tính sẵn sàng thuê xe ôm đi tới để có những bài viết kịp thời. Có khi tiền nhuận bút không thấm vào đâu nhưng Tính vẫn nhiệt tình tới lui giúp các hộ nghèo làm giấy tờ hoặc viết tin, bài kêu gọi sự hỗ trợ của nhà hảo tâm. “Có lẽ sự đồng cảm đã giúp Tính có đủ sự kiên nhẫn để làm những việc thiện như thế?”. Tính cười: “Mình cảm thấy hạnh phúc mỗi khi các bệnh nhân nghèo nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tiền trị bệnh. Đó cũng chính là động lực để mình viết nhiều về họ…”
Trong quá trình tác nghiệp, Tính cũng gặp lắm chuyện dở khóc, dở cười. Có lần xảy ra vụ án mạng ở Đồng Tháp, Tính đã thuê xe ôm đến tận nơi để bắt kịp thông tin, sau lại đó đón xe lên tận TP Hồ Chí Minh chỉ để chụp tấm ảnh nạn nhân nằm viện. Không chỉ vậy, Tính còn giả dạng người bán vé số để có thể đi sâu sát, nắm những thông tin, chụp hình ảnh chính xác, kịp thời về vụ phá đường dây cá độ bóng đá ở miền Tây. Tính nhớ lại: “Lần đó, tôi mua 10 tờ vé số nhưng không bán được tờ nào…”
Tuy việc đi lại của Tính còn nhiều khó khăn, nhưng anh luôn cố gắng làm thật nhiều và nhiều hơn nữa công việc mà anh đang đeo đuổi bằng cả đam mê và ý chí. Điều anh ao ước là luôn có sức khỏe tốt để có những bài viết kêu gọi sự hỗ trợ cho những mảnh đời nghèo khó, bất hạnh.
Hỏi về những dự định sắp tới, Tính tâm sự: “Dàn máy vi tính tui mua từ năm 2009 đến nay đã xuống cấp, chiếc máy ảnh mà tui chắt chiu dành dụm làm phương tiện kiếm sống nay cũng thường xuyên “trở chứng”. Có điều kiện tôi sẽ trang bị lại các phương tiện này để phục vụ công việc tốt hơn”
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin