Giảm nghèo ở đô thị

03:08, 08/08/2012

TP Vĩnh Long tập trung đông dân cư. Với nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cao; nhưng thành phố cũng phải chịu áp lực lớn về vấn đề đô thị hóa, trong đó thực hiện các chính sách đối với các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

TP Vĩnh Long tập trung đông dân cư. Với nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cao; nhưng thành phố cũng phải chịu áp lực lớn về vấn đề đô thị hóa, trong đó thực hiện các chính sách đối với các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Ý chí thoát nghèo

Dân số TP Vĩnh Long là 137.289 người, chiếm khoảng trên 10% dân số của tỉnh. Đầu năm 2011, thành phố có 1.367 hộ nghèo, đến cuối năm 2011 chỉ còn 1.247 hộ nghèo (3,24%), hộ cận nghèo là 980 (2,54%). Bên cạnh đó, thành phố cũng đã thực hiện tốt các chính sách người cao tuổi, người già cô đơn, trẻ em khuyết tật, không nơi nương tựa, giải quyết việc làm góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, khi đi vào thực tế một số trường hợp cụ thể vẫn thấy còn nhiều bất cập trong vấn đề thoát nghèo bền vững cũng như thực thi các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay. Điều này cũng bắt nguồn từ đặc thù hộ nghèo đô thị, có những khó khăn riêng, có những áp lực riêng mà ở những địa bàn nông thôn không có. Cũng phải công nhận, quá trình đô thị hóa luôn diễn ra theo hai xu hướng trái ngược nhau, là vừa tạo cơ hội về công ăn việc làm, tiền công lao động ở đô thị luôn cao hơn ở khu vực nông thôn. Nhưng người nghèo đô thị phải đối mặt với nhiều khó khăn về môi trường, nhà ở, gánh nặng con cái, hạn mức chi tiêu luôn cao hơn người nghèo nông thôn. Do đó, công tác giảm nghèo ở thành phố vừa có những thuận lợi, vừa có những khó khăn riêng.

Ngay trong ngày nghỉ cuối tuần, chị Đỗ Thị Mỹ Trinh- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 3- vẫn tranh thủ đi xuống địa bàn Khóm 2. Khóm trưởng Cao Thị Tuyết Hương, cho biết Khóm 2 là địa bàn khá phức tạp mà ngay cả người trong thành phố không quen vẫn bị lạc đường. Đây cũng là khóm đông dân với 1.282 hộ, trong năm 2011 đã thoát nghèo 10 hộ, hiện còn lại 53 hộ nghèo. Điều đáng mừng là các hộ thoát nghèo khá bền vững. Chị Mỹ Trinh cho rằng: “Muốn thoát nghèo bền vững, thì đòi hỏi chính bản thân người nghèo phải có ý chí vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm học nghề thực sự và cả gia đình đều nỗ lực hết sức, họ phải luôn luôn tìm ra cách làm giàu hợp lý và hợp sức”.


Người nghèo “tự trọng” Nguyễn Nhựt Trường Sơn: “Ngại mắc nợ Nhà nước lắm!”


Điển hình, có gia đình anh Huỳnh Chí Linh (40 tuổi) và chị Trần Thị Sang. Hai vợ chồng cưới nhau, không có miếng đất cất nhà, nghề nghiệp không ổn định, rồi lại sinh con. Những khó khăn ngày càng thêm chồng chất. Làm nghề hồ nay đây mai đó, có khi cuối tuần mới lãnh lương mà trong nhà không còn hột gạo, phải đi mượn từng lon, thức ăn thì nhảy xuống sông mò hến, bắt cá lây lất qua ngày. Có thời gian chị Sang phải bồng con về bên ngoại tận Bạc Liêu làm nghề vá lưới mướn, ban ngày đi vá, tối lãnh thêm về vá tiếp cho đến khuya. Anh Linh thì vẫn đi phụ hồ ở Vĩnh Long. Đến khi được vay vốn hỗ trợ 2 triệu, rồi 5 triệu và 10 triệu, chị bắt đầu nuôi heo, nuôi bò, vậy mà dành dụm trả hết nợ, còn mua được 100m2 đất, cất căn nhà đàng hoàng. Đứa con trai lớn giờ đã có thể phụ cha đi làm hồ, trong thời gian chờ đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Chị Sang mở quán nước nhỏ, phụ hợ tiền chợ. Chị khoe vừa sắm thêm chiếc “tay ga” gần 30 triệu đồng, còn chiếc xe cà tàng thì hai cha con làm “cái chân” hàng ngày. Chị cho rằng, thoát nghèo được cũng nhờ hỗ trợ vốn của Nhà nước, nhưng chính bản thân vợ chồng rất… sợ nghèo, sợ thiếu nợ, nên nỗ lực làm ăn tiết kiệm, mới có thể vươn lên thoát nghèo bền vững được. Chớ ngồi chờ tiền hỗ trợ này kia thì suốt đời ngóc đầu không lên.

Anh Lộc ngu ngơ không nhớ cả tuổi mình, nhưng biết chí thú làm ăn, nên vẫn thoát nghèo tốt.

Chị Tuyết Hương còn giới thiệu với tôi một hộ vô cùng đặc biệt- anh Lê Văn Lộc. Khi hỏi anh bao nhiêu tuổi, suy nghĩ hồi lâu, anh bảo: “Không nhớ nữa”. Có 2 đứa con thì một đứa cũng ngơ ngơ như anh, nên không học hành gì được. Một tay vợ anh phải lo toan mọi thứ, nhưng lương công nhân ở công ty thủy sản chỉ trên 2 triệu đồng. Đến khi thành lập tổ thu gom rác, bà con thương tình giao cho anh phụ trách. Được cái anh làm việc rất cật lực, chăm chỉ, chiều về vợ anh đi gom rác phụ anh nên khóm quyết định giao cho anh phụ trách thêm địa bàn 7 tổ với trên 300 hộ dân, thu nhập cũng được khoảng 2,5 triệu đồng. Gia đình anh Lộc hiện đã có cuộc sống khá ổn định, bà con ai nấy đều mừng cho anh.

Cần có những điều chỉnh hợp lý

Chị Lê Thị Kiều Oanh- Phó Chủ tịch UBND Phường 4, nhận xét: “Đa số hộ nghèo trong phường hiện tập trung vào những gia đình đông con, ít học, không nghề nghiệp. Nhưng khi vận động học nghề thì rất khó khăn, ai cũng muốn có chuyện gì làm thuê làm mướn, kiếm tiền liền. Càng nghèo lại không biết tính toán tiết kiệm, không suy tính lâu dài…” Chúng tôi ghé một hộ ở Khóm 2, căn nhà nhỏ xíu có đến 8 người. Những thanh niên sức vóc lại không có việc làm nên giữa trưa vẫn bày tiệc nhậu tại nhà.

Chị Nguyễn Thanh Thủy- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Phường 2 cho biết: “Thường đến tháng 9, tháng 10 hàng năm là xét hộ nghèo và có trường hợp cả nhà cùng nghỉ đi làm trước đó mấy tháng, cứ ở không ăn nhậu, để được hưởng ưu đãi hộ nghèo”. Do đó chị bức xúc cho rằng: Chính sách đối với hộ nghèo thể hiện tính nhân văn, truyền thống yêu thương, đoàn kết của dân tộc, nhưng vẫn có nhiều kẽ hở. Việc tập trung ưu đãi quá nhiều cho hộ nghèo đã bị một số người lười biếng, ỷ lại và lợi dụng mà không chịu phấn đấu vươn lên. Trong khi có những hộ khó khăn về vốn, rất cần sự hỗ trợ để họ vươn lên làm giàu vì họ là những người có nghề nghiệp, biết chí thú làm ăn. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Cúc ở Phường 2 hay gia đình anh Nguyễn Nhựt Trường Sơn ở Phường 3… Họ là những người chịu làm ăn, biết vươn lên và tự động trả sổ nghèo để dành cho người khác, vay tiền thì sợ “mắc nợ Nhà nước”.

Câu chuyện của gia đình anh Trường Sơn là minh chứng cụ thể cho “lập luận” của chị Thanh Thủy. Vợ chồng anh Trường Sơn là “một cặp” rất đẹp đôi, anh lại có nghề làm cửa sắt khá vững vàng, nhưng vì có đứa con gái lớn bị bệnh nên phải “hết tiền hết bạc”. Do khó khăn về vốn nên họ không thể trữ nguyên liệu nên làm ăn đôi khi bị lỗ khi lỡ nhận hợp đồng mà giá sắt tăng vọt. Số vốn vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách- Xã hội giúp anh xoay xở phần nào, nhưng không thể giúp anh có thể mở rộng cơ sở, vươn lên làm giàu được. Dù anh là người rất chí thú làm ăn, vì lo cho gia đình, lo cho con, anh phải làm việc có khi đến tận khuya.

Giải quyết vấn đề nghèo ở đô thị, chỉ có thể thực hiện từng bước. Và điều khó khăn nhất là tạo nên một ý thức vượt nghèo mạnh mẽ cho người nghèo, để chính người nghèo tìm cách vươn lên. Tất cả các chính sách xã hội dành cho người nghèo và sự hỗ trợ từ thiện cho dù có tác động lớn đến mức tối đa, cũng chỉ có vai trò “bà đỡ”. Xã hội trao cho người nghèo ngày càng nhiều cơ hội và điều kiện tốt để họ tự suy tính, tự vắt óc suy nghĩ tìm ra con đường vượt nghèo cho bản thân mình, chứ không phải chỉ tạo ra nhiều nguồn phúc lợi đơn thuần.

Những trường hợp thoát nghèo bền vững mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, tất cả họ đều có ý chí vươn lên mạnh mẽ, có lòng tự trọng trước sự giúp đỡ của xã hội. Họ luôn tìm kiếm việc làm, luôn tạo cho mình một nghề nghiệp ổn định, vững vàng. Không có sự hỗ trợ nào giúp những kẻ lười biếng có thể thoát nghèo được cả. Do đó, trong quá trình hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo cần có sự điều chỉnh hợp lý và cần thiết có những điều kiện kèm theo để những đồng vốn phúc lợi của xã hội đi đến đúng “địa chỉ” cần thiết.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh