Tấm gương “tàn nhưng không phế”

07:05, 01/05/2012

Rời quân ngũ, trở về đời thường với hơn 200 mảnh đạn cối lớn nhỏ khắp cơ thể (tỷ lệ thương tật 1/4), anh Võ Văn Lơn (ấp Vĩnh Phú, Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) đã minh chứng “thương binh tàn nhưng không phế...”


Với sự cần cù, siêng năng, yêu lao động, vợ chồng anh Lơn có nguồn thu nhập
 trên 300 triệu đồng/năm.

Rời quân ngũ, trở về đời thường với hơn 200 mảnh đạn cối lớn nhỏ khắp cơ thể (tỷ lệ thương tật 1/4), anh Võ Văn Lơn (ấp Vĩnh Phú, Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) đã minh chứng “thương binh tàn nhưng không phế...”

Năm 1979, anh Lơn nhập ngũ ở Sư đoàn 4, Quân khu 9 làm nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia. Trong một lần hành quân, bất ngờ địch phục kích, anh bị trọng thương nên phải giải ngũ về địa phương.

Khi lập gia đình, vì nghèo, vợ chồng anh phải ở nhờ và làm thuê kiếm sống. Cơ hội đã đến khi Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tân Ngãi làm dự án cho vay 5 triệu đồng và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Anh bắt đầu nuôi 2 con bò cái, 1 con heo nái. Xuất chuồng lứa đầu tiên, anh nuôi tiếp 4 con heo nái và để giống nuôi heo thịt cho lợi nhuận trên 30 triệu đồng/năm.

Tích lũy vốn, anh mua dần được 8 công đất và cất nhà, đào ao nuôi cá, thực hiện mô hình VACR. Cách làm này nhằm hạn chế ô nhiễm, tiết kiệm chi phí thức ăn nuôi cá, phân bón cho cây trồng… tạo ra mối liên kết bền vững.

Anh Trần Hải Đường- Chủ tịch Hội CCB xã Tân Ngãi cho biết: Thời điểm dịch nhãn chổi rồng bùng phát nhưng 4 công nhãn da bò của anh Lơn vẫn phát triển khỏe. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, xịt thuốc đúng thời điểm và đặc biệt chú trọng khâu làm đọt, ra bông đã giúp anh “ăn chắc” 40 triệu đồng/năm.

Mỗi năm anh trồng 2 lúa- 1 màu để đất không bị bạc màu. Riêng ao cá, lúc thì nuôi bèo làm thức ăn cho vịt, lúc nuôi cá trê, nay chuyển sang nuôi cá sặc rằn, mỗi năm thu khoảng 30 triệu đồng.

Anh “chạy vòng ngoài”, chị ở nhà lo buôn bán nhỏ, nuôi heo. Năm 2004, thấy nhu cầu sử dụng than ngày càng nhiều, vợ chồng anh làm than tổ ong cung ứng cho thị trường. Từ lấy công làm lời, kinh doanh có hiệu quả nên anh thuê thêm 6 nhân công với mức thu nhập bình quân khoảng 100.000 đ/người/ngày. Ngoài ra, anh còn mua thêm 2 máy cắt gạch, 1 máy trộn bê tông loại nhỏ để cho thuê.

Với một người bình thường, vươn lên từ 2 bàn tay trắng đã khó, với một thương binh mang trong mình hàng trăm mảnh đạn thì lại càng khó khăn hơn. Mỗi khi trở trời, cơ thể anh lại bị đau nhức, nhưng bệnh tật không làm người CCB này chùn bước. Hàng ngày, công việc của vợ chồng anh luôn bắt đầu lúc 4 giờ sáng và chỉ kết thúc khi màn đêm
đã buông...

Không chỉ lo “làm giàu”, anh còn nhiệt tình ủng hộ các nguồn quỹ, tham gia đóng góp công tác xã hội, giao thông nông thôn. Hàng năm, anh còn tặng 400kg gạo, 500 quyển tập cho hộ nghèo, con em CCB…

Hôm chúng tôi đến thăm, vừa tiếp chuyện vừa tranh thủ lại ghi những mặt hàng cần mua, anh cười vui: “Để tiện chút nữa đi giao hàng, sẵn lấy hàng về bán. Như vậy sẽ không uổng một chuyến đi, lại tiết kiệm chi phí”.

Cần cù, siêng năng, yêu lao động, biết sắp xếp công việc khoa học hợp lý- đó chính là bí quyết giúp anh vươn lên làm giàu. Anh được UBND TP Vĩnh Long bình chọn là “Công dân kiểu mẫu” và nhận được nhiều bằng khen của Tỉnh hội, UBND tỉnh. Năm 2009, anh Lơn được Hội CCB tỉnh Vĩnh Long cử đi dự hội nghị điển hình CCB làm kinh tế giỏi tại Hà Nội.

Chủ tịch Hội CCB xã Tân Ngãi Trần Hải Đường cho biết thêm: Mô hình làm ăn của anh Lơn rất dễ học, dễ làm, dễ tiếp cận, nhưng rất ít người có thể làm theo vì không có đủ
kiên nhẫn…

Cuộc nói chuyện kết thúc, vì anh còn lái xe chiếc xe tải loại nhẹ đi Sa Đéc (Đồng Tháp) giao hàng và mua hàng. Anh không quên kể về dự định sắp tới sẽ mở rộng trại nuôi heo và mua thêm chiếc xe tải loại 5 tấn để chở được nhiều hàng hơn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh