Tên gọi Vũng Liêm có nghĩa gì?

03:12, 12/12/2017

Địa danh Vũng Liêm có cấu trúc "Vũng + X". "Vũng" có nghĩa tiếng Việt: "chỗ trũng có nước đọng"; "X" chỉ đặc trưng của thành tố đứng trước, có thể là từ chỉ sự vật hoặc từ chỉ đặc điểm. 

Địa danh Vũng Liêm có cấu trúc “Vũng + X”. “Vũng” có nghĩa tiếng Việt: “chỗ trũng có nước đọng”; “X” chỉ đặc trưng của thành tố đứng trước, có thể là từ chỉ sự vật hoặc từ chỉ đặc điểm.

Trong tiếng Việt, có các địa danh, như: “Vũng Bầu (Phú Quốc- Kiên Giang), Vũng Dứa (Cam Ranh- Khánh Hòa), Vũng Liêm (huyện của tỉnh Vĩnh Long), Vũng Mây (huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa), Vũng Rô (Phú Yên và Khánh Hòa), Vũng Tàu…”.

Về nghĩa, có các trường hợp: 1. nghĩa phương tiện như Vũng Tàu: nơi có tàu, ghe đậu lại; 2. nghĩa sự vật, như Vũng Dứa, Vũng Rô, Vũng Mây; 3. nghĩa hình dạng, như Vũng Bầu; 4. mờ nghĩa, như Vũng Liêm.

Về thành tố “Liêm” trong địa danh Vũng Liêm, có các khả năng được lý giải:

Đọc trại của Vũng Linh, để chỉ một vùng đất “linh thiêng” liên quan đến trận Láng Thé của Lê Cẩn và Nguyễn Giao năm 1872. Khả năng này thiếu cơ sở, bởi không có cơ sở ngôn ngữ cho sự chuyển đổi; mặt khác, địa danh này có trước năm 1872.

Trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức viết trước năm 1825 (năm mất của Trịnh Hoài Đức) có ghi: “An Phú là tên thôn, tục gọi là Vũng Liêm... Nơi đây, người Việt và người Thổ chung sống với nhau, họ chuyên nghề làm ruộng, phát cỏ cấy mạ và đắp đập bắt cá, dùng sức ít mà được lợi nhiều...”.

Theo Trương Vĩnh Ký, Vũng Liêm đọc trại âm từ tiếng Khmer là Combongling. “combong” có nghĩa như “vũng” của tiếng Việt; còn “ling” đọc trại âm thành “liêm”.

Khả năng này cũng thiếu cơ sở, bởi không có cơ sở của sự chuyển nghĩa của “combong” và “vũng”; mà lại có sự chuyển âm từ “ling” sang “linh”, rồi “liêm”; mà sự chuyển âm “ling” sang “linh” đối với người Nam Bộ tuy có khả năng cao, nhưng chuyển sang “liêm” thì khả năng này lại bằng không.

Nếu “lim” được hiểu là một loại gỗ rừng, thì sự chuyển đổi giữa “liêm” và “lim” có cơ sở hơn. Nhưng với miền Nam, thường là “liêm” chuyển thành “lim”.

Cũng không thể có sự kết hợp giữa “vũng” (thành tố Việt) và “liêm” (thành tố Hán). Hơn nữa, như Trịnh Hoài Đức có ghi: “Nơi đây, người Việt và người Thổ chung sống với nhau”, không thấy bóng dáng người Hoa. Tóm lại, đây là một địa danh thuần Việt mà nghĩa của từ “liêm” cần được khảo sát thêm.

THẠCH THẢO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh