Ngày thằng Đen về, đồng Cỏ Xước đã thôi không còn những mùa xơ xác cháy. Người ta xẻ con kinh Trà Ích mười tám cây số dẫn nước ngọt từ dòng Cổ Nhai mênh mông về vùng đất chết, hai bên trồng bạt ngàn nhãn xuồng. Cây nhãn coi bộ chịu đất, vụ nào cũng sai trái. Trúng mùa được giá, người Cỏ Xước hổng mấy khi mà dư dả cái ăn. Gặp buổi giao thời mở cửa, cả xóm đồng lòng quy hoạch bài bản làm du lịch sinh thái miệt vườn. Bản sắc thu về kha khá ngoại tệ.
![]() |
Minh họa: Trần Thắng |
Bữa gã đàn ông quãng ngoài bốn mươi dáng tầm thước trắng trẻo tóc mớ bảy mớ ba dắt thằng con nhỏ tóc vàng mắt xanh cao quá hông cha bước vô cổng, tôi đang lui cui chuẩn bị bữa trưa cho đoàn khách ngoại quốc gần chục người. Người Âu Mỹ ngộ đời rất thích lội bùn đi cấy lúa và bắt cá gọi là trải nghiệm trong khi dân mình quanh năm cắm mặt ruộng cạn đồng sâu nên ngán. Sau cả buổi sáng lặn ngụp tận hưởng sự cực nhọc chân lấm tay bùn quần áo lấm lem, họ hồ hởi ăn hết mấy niêu cơm củi, nồi canh chua bông súng nấu cá bông lau cỡ đại và sáu ơ cá rô kho tộ.
Khi ơ cá cuối cùng được bưng ra thì đứa con gái út mười ba tuổi chạy vô, nói như sợ ai cướp lời: Má, cái chú kia nãy giờ để ý má dữ lắm. Nói có trời, từ ngày chồng đi ghe biển rồi bỏ thây nơi thềm lục địa Bãi Cát Vàng trong một trận tranh chấp không cân sức hồi con út mới lên ba thì tôi đã không còn nhìn xung quanh coi còn có ai dòm ngó mình nữa.
Ngoại lệ, lần này tôi không ngăn được mình ngó theo tay con út chỉ về phía cây tra lâm vồ. Dưới tán loài cẩm quỳ mùa nào cũng nở hai màu hoa, trông cái nhân diện sang trọng đẹp đẽ đứng kia tôi vẫn cảm giác ngờ ngợ một nét quê mùa nhưng không chắc đã từng gặp ở đâu đó. Một cái gật đầu lịch sự cúi chào. Tôi cũng chào lấy lệ như thường tình mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và du khách. Con út níu vạt áo bà ba màu lá cọ của tôi thẽ thọt: Nãy ổng chậm rãi phát âm Tiếng Việt chuẩn hỏi cô Sáu thợ chèo dưới bến coi má có phải tên hai Liên không, cô Sáu gật đầu biểu phải đó má.
Thì là ai đây? Tôi lục tìm trong ký ức cũng biết bao điều nhớ quên nhưng không nghĩ nỗi ra mình có mối quan hệ thân sơ hay quen biết nào với một Việt kiều trở về từ nửa vòng trái đất. Ngay lúc còn đang mải nghĩ thì người đàn ông tiến lại gần tôi, tự nhiên mà đưa bàn tay phải đập ba hồi lên ngực trái, giọng nghèn nghẹn: Em… là thằng Đen.
*
Hồi cậu út dẫn mợ về ra mắt ngoại, thằng Đen vẫn còn nằm trong bụng. Chưa kịp làm vài mâm cơm ra mắt tổ tiên thì cậu đã lên đường ra chiến trận. Trước khi đi cậu cầm tay ngoại dặn dò mà như trân trối: Con đi chuyến này rộng ngày dài tháng, chưa biết thể nào. Vợ con nay không còn ai thân thích, ngày giờ lại đang có mang. Nếu con có bề gì, mong má cũng thương đứa cháu trong bụng là máu mủ của con mà chấp nhận cổ là con cái trong nhà cho phải lẽ.
Nói rồi cậu vác ba lô lên vai quày quả đi. Những năm đó nơi đầu biên giới vẫn còn âm vang tiếng súng. Đạn pháo thường vô tình. Nhà chỉ còn lại phụ nữ trẻ em nên khuya nào ngoại cũng lọ mọ nửa đêm ra thắp nhang khấn vái bàn thờ. Giọng ngoại rì rầm: Ông và thằng hai sống khôn thác thiêng, đi theo phù hộ cho thằng út trở về lành lặn.
Những lúc như vậy, trong buồng, đứa con trai nhỏ của mợ hai Thuận bao giờ cũng giật mình eo éo khóc. Mợ hai tức tốc vùng dậy, vung tay phạt chan chát vào khắp mình mẩy anh Cùa. Vừa đánh mợ vừa nhiếc: Mày trù ếm ai mà khóc lóc khi người lớn đang vái van. Sao mày không chết đi cho rồi.
Quát xong mợ hai cũng ngồi thụp xuống nền đất mà khóc. Gần mười năm trôi qua nhưng nỗi day dứt trong lòng mợ về đứa con oan nghiệt vẫn hoài giày xéo tâm can. Anh Cùa không phải con ruột cậu hai Thuận. Mỗi lần nhìn con là mợ hai lại mồn một nhớ đến cái buổi chiều thê lương trong ngày khói lửa bị người ta cưỡng bức mà cha ruột đứa bé cũng đồng thời là kẻ thù. Gánh cùng lúc hai nỗi đau gọi trời không thấu đất không nghe nên mợ hai cứ lao đao giữa đôi bờ mê tỉnh.
Nghe tiếng đánh hét, ngoại chạy vội vô buồng can mợ rồi ôm anh Cùa vào lòng. Ngoại rầy: Con nít thì biết cái gì, bây giận bây trút vô nó là bây quấy. Anh Cùa sợ hãi núp sau chiếc bóng liu xiu của ngoại, tiếng khóc như xé đêm thâu, có dỗ thế nào cũng không chịu nín.
Từ ngày có mợ út, anh Cùa đỡ bị đòn mà ngôi nhà cũng bớt trống trải quạnh quẽ hơn trước. Những buổi trưa rảnh việc, mợ út ra sau hè gội đầu bắt chí cho anh Cùa. Xong mợ ngoắt anh vô nhà trong, mợ vừa may cho anh cái quần xà lỏn mới. Bữa nào hơi khỏe trong người, không bị hành bởi đứa nhỏ trong bụng, mợ út còn xay bột đổ bánh da lợn, món anh Cùa mê nhất có thể ăn trừ cơm. Có lần vuột miệng anh Cùa bảo: Phải thím là má con thì tốt biết mấy.
Mợ hai không biết vì thương mợ út còn trẻ mà chồng đã đi chiến trường xa lại đang bụng mang dạ chửa hay xót cho làn da trắng mái tóc đen mềm của người con gái hẳn chưa từng biết đến chuyện đồng áng mà việc nhà quán xuyến chu tất từ trong ra ngoài. Mỗi lần mợ út biểu để em ra ruộng cấy lúa với chị là mợ hai gạt đi, biểu: Thôi, thôi. Thím ráng tịnh dưỡng đẻ đứa cháu trắng trẻo mập mạp để nối dõi tông đường cho má.
Ngày mợ út chuyển dạ, mợ hai chầu chực ở buồng sanh suốt đêm. Đúng năm giờ sáng thằng Đen chui ra, cất tiếng khóc xé hừng đông tháng bảy. Bế đứa con trai nhỏ của người chị em bạn dâu trên tay, mợ hai mừng phát khóc; môi cứ run run lặp đi lặp lại: Họ Đặng có đích tử rồi má ơi! Ngoại nhìn mợ hai âu yếm nâng niu đứa trẻ rõ ràng chẳng máu mủ ruột thịt gì với mình mà thương đứt ruột. Dường như mợ hai đã trút được một phần nào đó gánh nặng vẫn luôn đeo đẳng trong lòng.
Nhưng ngày vui nhất trở thành buồn nhất khi chiều lại có tin về báo cậu út đã hy sinh. Mợ út còn yếu như cua lột vỏ nên cả nhà cắn răng giấu biệt. Không biết có phải vì linh tính, thằng Đen khóc suốt cả ngày dài. Mợ út thều thào: Sao em lo quá. Không biết anh Trực có xảy ra chuyện gì không. Ngoại ở ngoài rèm đau đớn ngồi thụp xuống không đứng lên được. Chỉ mợ hai nuốt ngược đôi dòng nước mắt, trấn an: Không có chuyện gì đâu. Mấy đứa nhỏ lúc mới sinh càng quấy khóc nhiều thì sau này số càng đỡ vất vả.
Nỗi buồn đau quá lớn, từ đó ngoại yếu hẳn, mấy năm sau thì mất. Mợ hai và mợ út, hai người đàn bà nương tựa vào nhau cùng chăm sóc các con. Một bữa quét dọn buồng mợ út, mợ hai nhìn thấy một bức ảnh rơi ra: Tấm hình đã cũ nhưng gương mặt trong đó dù có ra tro mợ hai cũng không thể nào quên được. Khó khăn lắm mới bật ra được thành tiếng, mợ hai hỏi mợ út: Mợ là sao với thằng Năng? Mợ hai cười khùng khục rồi lại khóc tu hu như người sắp phát điên khi biết cha của con mình chính là anh ruột mợ út.
Những ngày sau đó không khí trong nhà nặng nề hơn lúc nào hết. Không ai còn nói với ai một lời nào. Hai người đàn bà sống dật dờ như những bóng ma, sự im lặng như thuốc độc làm chết dần chết mòn trí lực và sức lực. Đỉnh điểm là trong một buổi chiều đồng hoang vắng ảm đạm, nhìn thấy mợ hai ngồi đốt giấy tiền vàng mả, ánh mắt quét qua thằng Đen khiến người nó co rúm, mợ út sợ điếng, nghĩ không thể nào tiếp tục ở lại nơi này. Một ngày, mợ dẫn thằng Đen lúc đó mới mười tuổi ra đi. Có người nói họ lên tỉnh, thấy mợ út làm công trong một xưởng may. Có người mang máng nhớ đã gặp họ bưng bê trong một quán ăn trên thành phố. Nhưng kể từ đó đã biệt mù tăm tít, ai có ngờ đâu vẫn còn có thể gặp lại trong phút giây này.
*
Nhìn những đứa trẻ là măng non của chúng tôi vui vẻ chơi đùa cùng nhau, Đen cười hiền bảo: Đúng là tình máu mủ phải không chị?
Đen kể hồi rời quê đi hai mẹ con xin phụ bàn cho một quán hủ tiếu trên thành phố. Hồi làm ở đó, có một người đàn ông ngoại quốc ngày nào cũng tới ăn. Sau này mới biết là ông ấy để ý mẹ. Mưa dầm thấm lâu lại thêm một thân một mình đàn bà đơn chiếc nuôi con chật vật trong khi người ta lại chu đáo và nhiệt tình với mình quá nên dần mẹ cũng có cảm tình. Một ngày ông ấy bảo sắp hết hạn ở lại vì công việc của ông ở đây đã xong xuôi, cũng nghĩa là ông sắp về nước. Ông hỏi mẹ có muốn sang đấy cùng ông không. Sau đó không lâu thì họ ra nước ngoài định cư, bị sự bận rộn và nhiều thứ lộn xộn khác cuốn đi, đến bây giờ Đen mới về lại được đồng Cỏ Xước.
Anh Cùa gặp Đen, vui mừng khôn xiết. Anh nhắc mãi: Ngày xưa thím út đối với anh kể cũng như ruột thịt của mình. Tôi với anh Cùa dẫn Đen ra thăm mảnh vườn rợp bóng cây, nơi mà ngày trước mấy anh chị em vẫn cùng chơi nhà chòi, trốn tìm, leo trèo không biết chán. Buổi chiều không ai bảo ai, chúng tôi lặng lẽ ra gò đất cao nơi ông bà nội, cậu hai và cậu út nằm. Giờ ở đó có thêm ngôi mộ mới của mợ hai. Chúng tôi thắp mấy nén nhang, mùi hương bay lên hòa với mùi khói đốt đồng hăng hắc. Bao ân oán cùng theo thời gian đi vào quên lãng. Tôi với anh Cùa và thằng Đen đã lớn lên từ trong sự tha thứ.
HIỀN DƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin