Truyện ngắn
Mận trắng trời tháng bảy

05:22, 27/07/2025

1/ Trời chuyển nắng. Mấy cây mận trước sân đã dập dìu kết nụ. Vài cành như muốn rưng rưng gió, khiến nụ hoa cứ e ấp mãi chẳng bung nở. Thanh tựa cửa trông ra, khà một hơi dài nóng rực. Mớ hơi nóng khiến lòng người bức bối. Ảm đạm quá, Thanh lẩm bẩm vài câu thật nhẹ rồi khẽ chìm trong mớ nghĩ ngợi mông lung. 

Minh họa: Trần Thắng
Minh họa: Trần Thắng

6 năm vật vờ từ ngày chồng mất, hình như 27/7 nào cũng hầm hập đến đỏ má, đỏ mắt, với tiếng chim rừng thỉnh thoảng vang vài nhịp lẻ. Cái vùng giáp biên này, chắc chỉ có những cánh rừng già là chịu nổi cái lặng lẽ tới tái tê ấy. 
Néo trùm nơi đây còn có bà Tịnh, là thương binh, có chồng liệt sĩ. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bà theo chân ông làm thanh niên xung phong. Hòa bình lập lại thì chỉ còn mỗi bước chân bà đi về.

Ông hy sinh trong một trận càn ác liệt.
Bà Tịnh thương Thanh, như cách người ta thương cái tuổi trẻ của mình trên hình hài người khác. Bà không phán xét, còn Thanh chỉ cần lắng nghe. Vậy là hai bà cháu xa lạ tìm được điểm giao thoa, cùng nương tựa tại mái nhà đơn sơ gần giáp biên giới. Thanh như con chim lẻ đàn tìm được bến đỗ. Cái thân phận mồ côi hờn tủi cũng không còn canh cánh trong tâm thức. 

Ngoài trời chợt mưa lất phất. Cái lạnh đột ngột luồn qua tán cây mận, xốc vào cổ áo. Thanh run khẽ người. Càng cuối hạ thì thời tiết nơi rừng núi càng khó ở. 

- Ngày thương binh liệt sĩ năm nay, chắc sẽ mưa bà nhỉ? Thời tiết dạo này lạ quá chừng. Đang nóng hừng hực thì chuyển mưa to, chẳng biết là tốt, hay xấu.Thanh nói vọng vào nhà. Bà Tịnh đang lau chùi mấy bóng đèn dầu hột vịt trên ban thờ. Cái mùi hăng hắc quen thuộc xộc vào mũi. Bà ừ nhẹ, tay vẫn thoăn thoắt. Tấm hình duy nhất của chồng cùng cái bằng Tổ quốc ghi công đã được bà cẩn thận lau bằng khăn khô từ hai hôm trước. Chỉ còn vài thứ cần dọn dẹp, nhưng bà vẫn chộn rộn không ngơi tay, như thể thời gian đang trôi nhanh quá đỗi.

Thanh thả vài câu vào gió: 

- Tháng bảy về tới đầu bản rồi. Hai ba hôm nữa là tới đầu cành mận, bà ha. 
Cô vẫn hay đùa thế với bà Tịnh kể từ ngày nghỉ việc, như một cách đong đếm thời gian. Trước, Thanh làm phụ bếp ở một quán ăn. Đợt này kinh tế suy thoái, quán ăn đóng cửa vì vắng khách. Vùng giáp biên vốn đã kém phát triển nay lại càng khó kiếm công việc. Thành ra, ngày giỗ cụ cũng được chuẩn bị sớm hơn, bởi sợ rảnh rỗi, hai bà cháu lại nghĩ vẩn vơ. 
Chẳng để buồn tay, cứ có thời giờ là Thanh lại lên khu rừng gần trạm gác để hái thuốc.

Hiệu thuốc trong bản thu mua giá thấp, nhưng có còn hơn không. Cái bằng y học cổ truyền cũng chưa tới nỗi gác xó. Nó cho cô thêm bữa no giữa mảnh đất cằn cỗi, cho bà Tịnh bớt mỏi gối những hôm trở trời. Nhưng nó chẳng chữa khỏi cơn đau lồng ngực của cô. 

Thanh thích những ngày lang bạt khắp đồi. Núi rừng quê hương trùng điệp những dải xanh trù phú. Xen lẫn trong mảnh đất của Tổ quốc là màu áo xanh của chiến sĩ bộ đội biên phòng. Cô hay bắt gặp họ trong những trưa đứng bóng hoặc chiều chập choạng tối. Lâu dần, cô cũng quen biết vài người. Họ thân thiện và hồn hậu như chính cánh rừng đang bảo vệ. Rồi cô nhớ tới Phong- chồng mình. Anh cũng là một chiến sĩ, nhưng không may hy sinh trong một lần truy bắt tội phạm ma túy. Từ ngày Phong mất, cô cũng ở lại mảnh đất này chẳng muốn đi đâu.

Mưa ngày một nặng hạt. 

Gió rào rạt rít thổi. Mũi Thanh lạnh cóng. Cô kéo cao chiếc áo cổ lọ, quay người vào bếp. Trên cái rá tre đang đựng mớ lá vừa phơi khô mấy nắng. Thanh lom khom đánh lửa, bắt chảo gang. Mớ thuốc này sẽ được sao bán trong vài ngày tới. 

Tiếng mở cửa rột roạt ngoài sân. Bước chân đều đặn truyền vào. Gian trước vọng lại tiếng bà Tịnh í ới gọi:
- Thanh ơi, lấy cho bà bịch trà móc câu. 
Bà ít khi uống trà, đa phần đều để dành đãi khách. Chẳng biết mưa gió thế này mà ai lại tới chơi. Thanh chùi nhẹ hai tay lên vạt áo. 

Gian trước, tiếng bà Tịnh đang xôn xao cười nói, thỉnh thoảng giọng nam trầm đáp lại đôi câu. Đẩy nhẹ màn che bằng hạt cườm, trong tiếng vang leng keng, Thanh nhẹ nhàng chào hỏi:
- Hóa ra là đội trưởng Tuấn. Bà, trà đây ạ. 
Cô có gặp người này vài lần lúc hái thuốc. 

Người đàn ông mặc bộ quân phục rằn ri gật đầu:
- Chào cô Thanh. Ngại ghê, mưa lớn quá mà không đem theo áo tơi, có hồ sơ trong người nên sợ ướt, thành ra…
- Ôi không có gì đâu. Quân dân cần giúp đỡ lẫn nhau mà!- Thanh vội lên tiếng. 

Cả một dãy nhà tranh lụp xụp, nhà bà Tịnh không phải đầu cũng chả phải cuối, nằm lưng chừng giữa. Cái lý do tá túc nghe hơi gượng gạo. Thanh ngoài cười nhưng bụng lại lẩm bẩm nghĩ thầm. 
Tuấn đặt túi lên bàn gỗ. Anh vuốt khẽ cái trán ướt nhẹp vì mưa. Đôi mắt Tuấn sáng trong như ánh lửa của đèn trời. Anh nhìn bà Tịnh, cười hiền:
- Sắp giỗ ông cụ rồi phải không ạ? Hai bà cháu đã chuẩn bị gì chưa?
- Ồ, cũng hòm hòm rồi đấy cán bộ- Bà Tịnh hồn hậu đáp- Giá mà trời bớt mưa thì cây mận trước sân kịp nở hoa, có thêm màu sắc, thế thì đủ đầy hơn.

Ngày ông cụ mất cũng là ngày Thương binh- Liệt sĩ. Nghĩ tới đó, bà Tịnh kéo khẽ cái khăn mỏ quạ, chùi khóe mắt. 
Tuấn gật gù. Rồi anh quay sang Thanh, gợi chuyện:
- Chân cô đã đỡ chưa? Có hái thuốc thì cũng đừng liều mạng quá. 
Thanh cười gượng đồng ý, tay trái theo phản xạ xoa cẳng chân còn hơi ê ẩm nhức. Hôm trước bị ngã ở triền dốc, may có Tuấn dìu cô và mang hộ gánh thuốc. Nếu không, giữa rừng thiêng nước độc, Thanh cũng chẳng biết kêu ai. 

Bà Tịnh loay hoay châm trà nóng. Hai người câu được câu không trò chuyện. Thanh chợt có chút câu nệ. Không khí nom chừng đè nén. Tuấn gãi đầu, loay hoay lôi một hộp cao nóng đặt lên bàn. 
- Cái này thoa vào sẽ đỡ nhức khớp chân hơn. Cô cầm lấy mà dùng. 
Thanh mím môi toan từ chối, mà lời tới đầu lưỡi lại chẳng thốt ra nổi. Tim cô chợt khựng lại một nhịp nhỏ. Tuấn đỏ bừng mặt, ngó khẽ bà Tịnh, rồi nhìn nhìn ngoài sân, nhanh tay dúi hộp cao vào tay Thanh. 

Mưa đã nhỏ dần. Anh với cái mũ cối cùng cặp hồ sơ, lựng khựng đứng dậy:
- Thưa bà, cháu về đây ạ. Mưa cũng ngớt rồi.
- Ê kìa, không ở lại ăn cơm với bà à?- Bà Tịnh bước nhanh tới, níu nhẹ lấy tay Tuấn.
Anh liếc nhanh về phía Thanh, rồi nhìn bà Tịnh, cười ngần ngại: 
- Thôi để hôm khác, cháu còn có việc trong người ạ. 

Bà Tịnh ừ ừ chậm rãi. Lưng Tuấn ngang qua bóng chiều tà, khuất dần sau dãy hàng rào tre khô. 
Thanh ngoái đầu ra. Ngoài sân tạnh dần. Cây mận rũ rượi sau cơn mưa. Vài con chim sẻ nhỏ tíu tít đậu trên cành lá. Mấy nụ hoa vẫn kín bưng, nhưng lóng lánh hơn dưới cái gột rửa của trời đất. 
*
2/ Đùng…
Tiếng nổ thình lình chui ra từ núi. Nước phun tóe như cái vòi rồng cỡ bự, quật ngã đám cây rừng. Mớ đất đá cuộn bùn lầy nhớp nhơ, đổ ào xuống như thác trời. Cả bản rung rinh như dời nhà, nhiều người nhập nhòe mắt chưa kịp tỉnh đã la ú ớ. 
Chạy mau!! 

Có ai đó hét lớn. Những người còn tỉnh vụt lao ra màn đêm như phản xạ khi thấy nguy hiểm, xô vào nhau hệt rắn mất đầu. Cơn lũ như trời giáng hồng thủy, cuồn cuộn trên không trung. Tiếng la khóc khiến lũ chim đang gật gù ngủ mơ cũng giật mình cất cánh. 

Thanh giật người toan lao ra. Định thần, cô vọt vào nhà, đẩy tỉnh bà Tịnh. Hai bà cháu dìu nhau bỏ của, bỏ cây mận và cả rổ dược liệu. Chẳng kịp cho sự nấn ná phải đem theo cái ảnh thờ của ông cụ. Nhanh quá. Chỉ chớp mắt né khỏi lưỡi hái tử thần, suýt soát ngay cổ lạnh căm căm. Bà Tịnh vừa chạy vừa khóc. Giọt nước mắt quyện cùng bùn đất, chẳng biết cái nào là nước mưa. Đã bao lâu bà chẳng khóc như thế, kể từ ngày ông hy sinh. 

Ầm vang.
Lại một tiếng nổ lớn. Mấy ngôi nhà bị kéo sụp. Bóng người với tay cầu cứu vô vọng le lói trong đêm. Bùn đặc sệt kéo họ chìm sâu, nghẹt vào miệng, mũi. Thứ yếm khí này khiến người ta khủng hoảng. Họ trợn to mắt. Vài người dần không thở được. Trời ơi. Thanh che miệng nức nở. Khốc liệt quá. Trời ơi.

Thanh dìu bà Tịnh chạy xông lên núi. Cái núi gần nơi hái dược liệu. Nước lũ cuồn cuộn gào thét. Họ chỉ mang một ý niệm duy nhất là chạy lên chỗ cao. Những đôi chân cùng tay bò lổm ngổm giữa đám đất đá. Vài đứa trẻ được mẹ địu trên lưng đang khóc òa như ai vừa dành cái bánh bột ngô nó thích.

Mấy thanh niên đỏ mắt nhìn nhà cửa cuốn trôi, toan thử chạy gần vớt ít đồ giữa cơn nguy ngập. Người bố già đánh vào đầu họ một cái rõ to, “Tỉnh chưa, tỉnh rồi thì cút lại đây ngay”. Đám thanh niên nhìn con trâu để dành cưới vợ, nhìn cái xe máy để khè gái bản bị đẩy theo dòng nước, ngây ra. Họ chỉ biết đứng nhìn. 

Bà Tịnh vốn có vết thương chiến tranh, đêm đó liền phát sốt. Cơn sốt chẳng báo trước giữa rừng thiêng nước độc, trong cơn lũ dữ. Bà run cầm cập từng hồi, người lại nóng ran. Chắc là ngấm nước mưa, Thanh vừa kéo áo lau mồ hôi cho bà, vừa lo lắng nghĩ. Làm sao đây? Thanh nhìn quanh, những bóng cây xào xạc như muốn nuốt chửng họ.

Thanh chẳng nhìn được rõ 5 ngón, nói gì đi hái thuốc hạ nhiệt. Bên tai như còn văng vẳng tiếng đất đá trôi. Cơn tuyệt vọng xộc lên mắt Thanh, trào ra những dòng ấm. Tay cô đỡ lấy bà Tịnh, môi trắng bệch chẳng còn chút máu. Cảm giác sống sót sau tai nạn cứ như đi trên mảnh dao bén chẳng biết bị cứa toạc khi nào. Lòng cô tràn đầy bất an. 
- Cái Nương đâu? 

Giọng một người chợt cất cao. Nương là cô bé học lớp một, hay bện hai bím tóc rồi cài hoa dại hái trên rừng. Thanh cũng quay quắt nhìn xung quanh. 
- Trời ơi, cái Nương đâu? Ông nó ơi. 

Người phụ nữ ngồi thụp xuống đất. Tay cô ta bấu lấy ống quần người đàn ông ban nãy, như túm lấy sợi dây cứu mạng. 
- Ngồi đàng hoàng. Ở yên đấy, để tôi đi tìm. 
Dứt lời, ông ta chạy vụt xuống núi. Mọi người trầm mặc nhìn nhau, chẳng dám khuyên lơn hay cổ vũ. Sống chết chỉ trong một ý niệm của ông trời. 

Bà Tịnh dần chuyển tỉnh. Cơn sốt vẫn hun nóng trán bà, nhưng không làm gục ngã bà lâu quá. Cái dẻo dai của lính Cụ Hồ đã in sâu vào xương tủy. Bà gượng ngồi dậy, nheo mắt nhìn quanh:
- Bao lâu rồi Thanh? 

- Có thể là vài tiếng, hoặc chỉ mới qua mấy mươi phút. Mọi thứ chóng vánh quá bà ơi. Con làm rớt cái đồng hồ trong cơn lũ, cũng đánh mất luôn định lượng về thời gian. Con chỉ biết mình còn sống. 
Bà Tịnh “ừ” thật khẽ. Trong bóng đêm, bà nhìn người phụ nữ câu lũ tấm lưng, cứ xẹt ngang trước mắt. Cô ta chờ người đàn ông cùng bé Nương trở về. Cô ta run lẩy bẩy qua mỗi tiếng chim rừng như cũng sắp phát sốt. Thời gian lâu như người sống ở hai thế kỷ. 

Tiếng mưa tí tách khiến ai nấy cồn cào như bị dùng hình tra tấn. Vài người lo lắng đã vụt chạy xuống núi. Vài người ngồi như chết lặng, nước mắt cứ im ắng tuôn như cái vòi quên khóa. Có nhà đông đủ thì ôm nhau sưởi ấm. Ai thiếu người thân thì hết đứng lại ngồi, nửa muốn chạy xuống tìm lại e sợ cơn lũ cuốn. Bà Tịnh và Thanh ngồi dựa vào nhau, bên một gốc cây cổ thụ.

Hai người nắm chặt tay nhau. Thỉnh thoảng, bà Tịnh ho khục khặc. Những tiếng ho khiến lòng người nôn nóng tới táo bạo. 
- Chẳng biết cái hình thờ của ông cụ sao rồi. Bà còn mỗi tấm ảnh đó để tưởng niệm. 
- Ông sẽ không trách bà đâu. Ông chỉ muốn bà sống thay ông trong những ngày hòa bình. 

Thanh nhẹ giọng. Tín niệm đó cũng là thứ duy nhất chống đỡ cô chạy băng lên rừng giữa cơn lũ quét. Phong luôn nói sẽ bảo vệ đất nước để Thanh sống trong tháng ngày hòa bình. Tuấn cũng vậy. Thanh chợt mím môi. Cô nhìn về màn đêm đen kịt dưới chân núi. Chẳng biết Tuấn thế nào. Có phải đang làm nhiệm vụ? 

Mưa nặng hạt dần. Mọi người chui rúc cạnh nhau để sưởi ấm. Vài đứa trẻ đói bụng khóc oe oe. Bà Tịnh đã ngủ cạn. Thanh ngồi xụi lơ. Mắt Thanh khô khốc. Cô không dám chợp mắt dù chỉ trong sát na. Sự ám ảnh hãy còn níu lấy cô trong từng nhịp thở. Người phụ nữ ngồi xuống cạnh cô. Hình như người đàn ông cùng bé Nương chưa về. Thanh dịch sang nhường cho cô ta chỗ trống ít ướt. Ngoài cái đó, Thanh chẳng còn đủ sức cho một lời quan tâm. 

Chẳng biết qua bao lâu, bà Tịnh đã tỉnh rồi ngủ lại mấy bận, trời dần sáng. Tiếng mọi người rầm rì nói chuyện truyền đến. Thanh xoa đôi mắt mờ căm. Đôi tay đỡ bà Tịnh đã mất dần tri giác, hệt như ngũ cảm trong cô bây giờ. Trơ lặng. Vài người đánh bạo xuống núi xem tình hình. Người phụ nữ ngồi cạnh cũng toan đứng dậy. Cô ta lao vụt xuống chân đồi như chẳng thể chờ thêm. 

Trời hửng dần. Chẳng còn tiếng thác đổ. Mọi người đói queo bụng, môi khô khốc vì khát. Họ quyết định xuống núi nghe ngóng. Cả đoàn đùm rúm nhau như cái lúc leo lên. Bà Tịnh cắn răng nhịn xuống cơn choáng váng. Trước mắt bà như tỏa từng làn khói xám. 

- Sống rồi! 
Vài người hô to. Họ thấy bóng lưng của bộ đội. Lũ tạm ngưng. Cán bộ xã đang lội bùn đi kiểm kê nhân số. Một nửa bản đã chẳng thể trở về. Chẳng ai biết họ đang ở đâu dưới đống đất đá. May thay nơi Thanh sống chỉ bị bùn lầy bám dính. Chắc là ông cụ phù hộ, bà Tịnh lẩm bẩm thế. 

- Trời ơi! 
Bỗng tiếng la xé lòng vang lên. Họ nhìn quanh, thấy người phụ nữ đang quỳ thụp dưới đống đổ nát. Tay cô cố lau sạch mớ bùn trên mặt chồng. Ống quần tối qua cô ta bám lấy, nay chôn sâu dưới đám đất bùn đặc quánh. Người đàn ông chẳng nhắm mắt, tay còn nắm chặt cái dây cột tóc hình hoa dại. Cạnh bên, Thanh thấy Tuấn. Người anh lấm lem, hai tay đang ôm một hình hài nhỏ đầy bùn đã chẳng nhìn rõ mặt, chỉ thấy hai bím tóc đang lung lay. Tất cả bỗng lặng người. Chỉ còn tiếng khóc của người phụ nữ. 

Như có sở cảm, Tuấn đưa mắt sang. Hai người đối diện giây lát, như có hàng vạn câu chữ được gửi vào. Cô thấy Tuấn mấp máy môi, “bảo trọng”, rồi quay người làm nhiệm vụ cứu trợ. Nơi mà sự sống cái chết cách nhau có một lớp bùn, chẳng có thì giờ cho tâm tình nam nữ. 
*
3/ Chẳng biết qua bao lâu. Vậy là tháng bảy cũng về tới cây mận. 
Cả bản im phăng phắc. Mọi người ủ rũ trong nhà, dấm dúi tựa vai nhau. Nhà nào bị sập, thì tới tá túc mấy nhà khác. Sau biến cố, họ hãy còn để sót cơn sợ trên hai vai run và đôi mắt đỏ quành quạch. Những đoàn cứu trợ đã rút về hết. Những mâm cơm lễ nay thành mâm cúng đầu thất. Khói nhang cùng mùi tử khí làm cả bản chìm trong đau thương. 

Thanh ngồi trước hiên, chốc lát lại nhìn ra đầu đường. May thay, căn nhà cùng cây mận trước sân còn nguyên vẹn. Thanh phóng mắt ra thinh không, như nhìn chăm chú điều gì, lại như chẳng nhìn gì cả. Cây mận rung rinh lá. Cô chợt nhớ tới Tuấn. Cả hai không nói thêm câu nào từ ngày ấy. Cũng phải. Trong hoàn cảnh này bộ đội làm gì có thời gian để nghỉ. 
Trưa dần tròn bóng. Trên bàn cơm, bà Tịnh gắp cho Thanh một miếng bánh phu thê. Thứ bánh sót lại sau cơn lũ. Cái bánh này được bà gói từ lá chuối, xin từ bàn thờ ông cụ sau khi nhang đã tàn. 

- Bà ăn đi. Con không hảo ngọt lắm.
Bà Tịnh khẽ phàn nàn:

- Chả lẽ khẩu vị của bây cứ quẩn quanh mãi ở sự đắng cay sao con?
Thanh chợt im bặt. 
Bà Tịnh thở dài:

- Bà biết bây còn nhớ người cũ. Nhưng cũng hơn 6 năm rồi. Bà tin chắc là bây biết ý của cậu Tuấn.
- …
- Bây nói gì đi chứ. 

Thanh ngập ngừng:
- Con hiểu ý bà. Nhưng là, con sợ. 

Bà Tịnh vuốt tóc Thanh, nhẹ giọng:
- Bà biết, bà biết hết. Nhưng chả lẽ bây từng bị hóc xương thì sợ luôn không ăn cá? Tuấn sẽ khác thằng Phong. Nó sẽ sống đời chết già với bây. Tin bà.

Thanh sà vào lòng bà Tịnh, òa khóc như một đứa trẻ. 
- Nếu bây cũng có ý với cậu Tuấn thì tiến tới đi. Bộ đội là những con người đáng quý, chả lẽ bây kỳ thị nó? Chỉ vì công việc của nó rình rập hiểm nguy? 

Cô chẳng biết đáp sao. Tiếng nấc nghẹn ngào thỉnh thoảng truyền ra từ lồng ngực bà Tịnh. 
- Trải qua sống chết trong gang tấc, bà thấy thời gian càng co ngắn lại- Bà Tịnh thở dài- Mẹ cái Nương giờ như điên dại, trong một đêm mất cả chồng lẫn con. Tối hôm trước cơn lũ bà vẫn nghe tiếng nó cãi nhau với chồng. Vậy mà giờ này, đã âm dương cách biệt khi chưa kịp nói với nhau mình làm hòa nhé. Thời gian ngắn lắm con ạ. Không lẽ, bây lại tính chờ tới kiếp sau mới quan tâm thằng Tuấn sao con? 

Thanh giật nảy mình, chỉ còn tiếng thút thít nhẹ. 
Mưa nhỏ hạt dần rồi ngừng hẳn. Cái khí lạnh của núi rừng hun hai cánh tay Thanh nổi từng mảng da gà. Cô ngẩng đầu lên khỏi vòng tay bà Tịnh, nheo mắt nhìn ra ngoài hiên nơi có mấy chùm hoa mận trắng xóa. 
Nở rồi. Chúng vươn mình khỏi cái giá lạnh, bừng tỉnh giữa mảnh sân nhỏ, không lâu nữa là mận có thể chín trĩu cành. Cây mận kiên cường bung nở giữa tiết trời biên giới. Cô chợt nghĩ tới sự đâm chồi sinh sôi.

NGUYỄN TRẦN THANH TRÚC

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh