Truyện ngắn
Khu vườn mơ ước

06:37, 19/07/2025
Minh họa: Trần Thắng
Minh họa: Trần Thắng

Căn gác xép của ông nội ngập trong mùi bụi và ký ức. Mai, mái tóc buộc cao, áo phông lấm lem, cẩn thận lật giở từng món đồ trong đống hỗn độn ông Ba để lại. Ông là cựu chiến binh thời chống Mỹ, vừa rời xa cô chưa đầy một tháng để lại một khoảng trống không tên. Trong ký ức, ông là người đàn ông ít nói, ánh mắt sâu thẳm, thường ngồi bên tách trà, nhìn ra khu vườn hoang sau nhà. Khu vườn ấy giờ chỉ còn cỏ dại um tùm xen vài cây tạp khẳng khiu.

Mai như người mộng du không biết mình tìm kiếm gì. Một mảnh ký ức? Hơi ấm của ông? Hay cách để hiểu người ông cô yêu thương nhưng chưa từng thấu hiểu?

Lật chồng sách báo cũ, cô phát hiện một chiếc hộp thiếc hoen gỉ, mép hộp long ra như bị thời gian gặm nhấm. Bên trong là tập thư ố vàng, giấy mỏng manh và một lá thư nổi bật, nét chữ loằng ngoằng, phai mờ. Dòng chữ đề: Gửi Minh, người bạn của tôi. Hơi thở Mai chậm lại. Mùi giấy cũ ngai ngái, hòa chút hương trầm mốc, xộc vào mũi kéo cô vào một miền ký ức xa xôi.

Cô ngồi bệt xuống sàn, tay run run mở lá thư. Những dòng chữ hiện lên như cánh cửa dẫn về thời khắc ông Ba là một người lính trẻ, đối mặt với chiến tranh khắc nghiệt. “Minh à, lại một đêm mưa rừng xối xả. Lạnh cắt da cắt thịt. Tiếng đạn réo không ngớt như con quỷ dữ gầm gừ quanh ta...”.

Cô hình dung ông với gương mặt trẻ trung, viết thư dưới ánh đèn pin nhỏ giữa tiếng bom đạn. Lá thư kể về nỗi gian lao, những đêm hành quân không ngủ nhưng xen kẽ là tình đồng chí ấm áp. “Mày còn nhớ không, cái lần mình đói lả, chỉ còn nắm cơm nguội giấu trong túi, mày cũng chia đôi cho tao? Hay những phiên gác, mình kể về quê hương, về ngày hòa bình...”.

Mai khựng lại khi lá thư chuyển sang nỗi đau tột cùng. “Và rồi, cái ngày kinh hoàng ấy đến. Tiếng nổ xé toang không gian, mày ngã xuống ngay trước mắt tao... Máu mày loang đỏ… Minh ơi! Giá như tao có thể làm gì đó...”. Nét chữ nguệch ngoạc như thấm đẫm nước mắt. Mai cảm thấy cổ họng nghẹn lại.

Nước mắt cô lăn dài, rơi xuống trang giấy làm nhòe những con chữ đã mờ. Ông nội, người đàn ông lặng lẽ bên hiên nhà lại sâu sắc đến vậy. Cô khóc, không chỉ cho ông, mà cho Minh- người bạn ông yêu quý đã ngã xuống, để lại ông với nỗi day dứt không nguôi.

Lá thư còn hé lộ ước mơ giản dị. “Mày bảo, ngày hòa bình mình sẽ về quê, xây ngôi nhà nhỏ, có khu vườn đầy hoa hồng, hoa cúc, cây ăn trái sum suê. Mày sẽ dạy con mày câu cá, tao sẽ dạy cháu tao trồng cây...”. Nhưng dòng cuối là lời tự sự dang dở. “Tao vẫn còn sống, Minh ạ. Với những vết sẹo không chỉ trên da thịt mà còn trong tim. Tao về quê nhưng ước mơ của chúng mình, tao chưa thể thực hiện...”.

Mai lật tiếp đống giấy tờ tìm thấy một tấm ảnh cũ: hai chàng trai trong quân phục bộ đội cười rạng rỡ bên bìa rừng. Một người là ông Ba, người kia hẳn là ông Minh với nụ cười tinh nghịch, đôi mắt sáng ngời. Cô còn tìm một cuốn sổ nhỏ, nơi ông ghi những câu về khu vườn mơ ước.

Một dòng viết: “Minh thích hoa cúc vì nó giản dị như mẹ ở quê”. Mai mỉm cười nhưng lòng đau nhói. Trong cuốn sổ còn có một trang viết về những ngày đầu trở về. “Quê mình vẫn còn đó, dù đông người nhưng tao vẫn thấy còn thiếu. Tao muốn trồng cây, nhưng mỗi lần cầm cái cuốc lại nhớ đến mày... Tao muốn kể chuyện, nhưng mỗi lần định kể cổ họng như nghẹn lại…”. Mai cảm nhận nỗi cô đơn sâu thẳm của ông, cảm thấy trái tim mình đập nhanh như được nối dài với nhịp đập của một thế hệ khác.

Cuối gác xép, cô tìm thấy một chiếc hòm gỗ nhỏ khóa cẩn thận. Chiếc chìa khóa đã gỉ sét nhưng vẫn mở được. Bên trong là một bức thư khác viết bằng nét chữ kỹ lưỡng hơn, gửi cho một người phụ nữ tên Liên, sau này được biết là vợ của Minh. “Liên yêu, anh về rồi. Nhưng anh không còn là Minh của em. Anh mang theo nhiều thứ em không thể hiểu. Anh sợ làm em khổ...”. Đó là lá thư tình chưa gửi. Mai nhận ra, đây là lá thư ông Ba viết thay cho Minh, gửi cho người yêu của bạn. Trong đó có cả địa chỉ, cả lời xin lỗi thay mặt người bạn đã khuất.

Cô bước ra khu vườn, lòng rối bời. Cuộc sống bận rộn của công việc văn phòng, áp lực thăng tiến, những buổi cà phê vội vã, khiến cô do dự. Liệu cô có thời gian cho giấc mơ xa xôi này? Một buổi chiều, cô nhận email từ sếp, là cô sẽ phải chuyển công tác ra thành phố lớn sau tinh gọn. Cơ hội lớn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc rời xa ngôi nhà, khu vườn, và ký ức của ông. Mai ngồi bên hiên, nhìn khu vườn hoang tàn, cảm thấy mình lạc lõng giữa hai thế giới: hiện đại và quá khứ.

Cô lại trở lên gác xép, lần này tìm thấy một tập nhật ký khác, viết bằng bút chì mờ: “Ngày mồng 3 tháng 4. Tao cố trồng một cây cam nhưng nó chết sau hai ngày. Tao không biết làm thế nào. Tao chỉ biết cầm súng chứ không biết…”. Những dòng sau ngày càng ngắn gọn. “Ngày 15 tháng 7. Mơ thấy Minh đêm qua. Nó bảo tao đừng bỏ cuộc. Nhưng tao mệt quá rồi”. Mai đọc, nước mắt lại trào ra. Cô hiểu rằng, ông đã luôn đau đáu với chính mình, với nỗi niềm và ước mơ dang dở.

Bà Lan, hàng xóm, bắt gặp Mai. “Ông Ba của cháu hồi mới về ít nói lắm. Nhưng cô biết, ông ấy đau. Minh là bạn thân như anh em. Ông hay ra vườn, muốn trồng cây nhưng sức yếu. Có lần ông kể, Minh muốn khu vườn ấy cho trẻ con vui chơi”. Bà Lan còn kể thêm: “Ông ấy từng đi tìm mộ Minh. Đi khắp nơi, hỏi ai cũng không biết. Rồi ông về nói với tao: Tôi sẽ làm khu vườn và Minh sẽ sống trong đó”. Lời bà Lan đánh thức Mai. Cô nghĩ về ông, về những ngày ông trở về từ chiến tranh, mang theo vết sẹo và nỗi đau.

Bà Lan dẫn cô đến một góc vườn nơi có một tảng đá nhỏ: “Ông ấy đặt tảng đá này bảo là mộ tượng trưng cho Minh. Mỗi năm vào ngày Minh mất, ông ấy ra đây ngồi cả ngày”. Mai quỳ xuống, chạm vào tảng đá. Cô cảm thấy sự kết nối sâu sắc như thể ông Ba đang thì thầm với cô: “Làm giúp ông con ạ!”.

Một lần nữa lục lọi gác xép, cô tìm thấy một huy hiệu kèm mẩu giấy từ một đồng đội: “Ba, mày phải sống, vì Minh, vì giấc mơ của tụi mình”. Cô còn tìm thấy một cuốn sổ tay nhỏ khác, ghi lại những loại cây Minh thích: “Hoa cúc vàng, hoa hồng đỏ, cây cam, cây ổi, cây mít. Minh bảo, mít ngọt nhất là mít quê nhà”. Đêm ấy, Mai nằm trong phòng cũ của ông Ba, nghe tiếng gió thổi qua khu vườn hoang vắng. Cô mơ thấy ông Ba và Minh, hai người đang cười nói bên khu vườn đầy hoa.

Mai quyết định điện cho sếp, giải thích rằng cô cần thời gian để giải quyết công việc gia đình. Sếp không hài lòng nhưng Mai không hối tiếc. Cô cầm cuốc, xới đất, nhổ cỏ, đôi tay chai sần. Mỗi nhát cuốc là lời thì thầm: Cháu sẽ làm được, ông ơi. Cô mua hạt giống hoa hồng, hoa cúc, cây táo, xoài, ổi, và một cây mít. Cô tỉ mỉ gieo trồng, tưới nước. Lúc mệt mỏi, cô ngồi bên luống đất tự hỏi mình làm điều này để làm gì? Nhưng một buổi sáng, cô thấy một chú chim nhỏ làm tổ trên cây khô, và một hoa cúc nở sớm, vàng rực dưới nắng. Mai mỉm cười, cảm thấy ông đang ở đó thì thầm rằng mọi thứ sẽ ổn.

Cô rủ vài đứa trẻ trong xóm đến giúp. Chúng háo hức gieo hạt, tưới nước, cười đùa rộn ràng. Một bé gái, cháu bà Lan, hỏi: “Cô Mai, sao cô trồng nhiều hoa thế?”. Mai kể về ông Ba, về ông Minh, về giấc mơ khu vườn. Đám trẻ lắng nghe, mắt tròn xoe. Một cậu bé nói: “Vậy ông Minh cũng ở trong vườn này à?”. Mai gật đầu: “Ừ, ông ấy sống trong mỗi bông hoa, từng trái ngọt”. Khu vườn trở thành nơi kết nối, không chỉ với quá khứ, mà với cả tương lai.

Nhờ bà Lan, cô tìm ra địa chỉ và gọi điện với bà Liên, người phụ nữ trong lá thư, giờ đã ngoài bảy mươi. Giọng bà run run: “Minh... tôi đợi anh ấy suốt đời. Tôi biết anh ấy đã... nhưng lòng tôi vẫn mong”. Bà Liên đến thăm khu vườn, ngồi bên tảng đá, kể cho Mai nghe về tình yêu đầu đời: “Minh hứa sẽ trồng cho tôi một vườn hoa cúc. Giờ có cháu, lời hứa ấy được thực hiện”.

Sau cuộc trò chuyện, Mai gửi gia đình ông Minh bức ảnh khu vườn và bản sao lá thư. Một tuần sau, người phụ nữ trung niên tự xưng là con gái ông Minh, đến thăm khu vườn cùng với cháu trai. Chị kể về cha mình, người yêu hoa cúc và mơ về một khu vườn cho con cháu. “Cha tôi mất khi tôi còn nhỏ nhưng mẹ tôi kể rằng cha luôn nói về người bạn tên Ba, và về khu vườn họ cùng mơ ước”. Chị nắm tay Mai, nước mắt lăn dài: “Cảm ơn em, vì đã giữ giấc mơ của cha tôi”. Đứa cháu trai, khoảng mười tuổi, hỏi: “Cô ơi, con có thể giúp cô trồng cây không? Con muốn ông sống mãi trong vườn này”. Mai ôm cậu bé, cảm thấy sợi dây vô hình nối cô với ông Minh, với ông Ba và với cả một thế hệ.

Khu vườn giờ là di sản sống động. Hoa hồng đỏ thắm, hoa cúc vàng rực, cây mít đầy trái. Đứng giữa một vườn hoa trái, Mai cảm nhận bình yên sâu sắc. Nắng chiều rải vàng, tiếng chim hót líu lo, tiếng trẻ con cười vang. Cô mỉm cười, lòng nhẹ nhõm. Ước mơ dang dở của ông Ba, của ông Minh giờ đã nở rộ, như lời nhắc rằng hòa bình là những mầm sống, những cánh hoa và sợi dây kết nối các thế hệ. Khu vườn không chỉ là nơi trồng cây mà là nơi trồng hy vọng, nơi hàn gắn những vết thương thời gian- nơi tình yêu thương được truyền lại qua từng mùa hoa nở.

LÊ QUANG HUY

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh