![]() |
Minh họa: Trần Thắng |
Ngày sắp tắt. Những tia nắng sót dần tan ra hòa vào buổi chiều tím thẫm khi vầng dương đỏ ối dần dần chìm xuống nơi phía cuối dòng sông. Diệu cẩn thận đậy đệm mâm cơm chiều nóng hổi dưới lồng bàn rồi bước ra sân, mùi khói lam như còn vương lại trên áo, trên tóc chị.
Một làn gió mát thổi qua mang theo thứ mùi âm ẩm của đất sau cơn mưa đầu mùa. Hàng sao già kẽo kẹt rung rinh làm rơi trắng những bông hoa nhỏ chúm chím xinh xinh. Diệu nhoẻn miệng cười nhìn về đằng xa- nơi có một ông già hom hem đang chơi đùa cùng một bé gái ngồi bất động trên chiếc xe đẩy.
Mới đó mà đã 3 năm kể từ ngày Diệu đặt chân đến cù lao. Đã từng lênh đênh trên sông nước, luồng lách hết mọi rạch cùng kênh hẹp của vùng đất phù sa, vậy mà đó lại là lần đầu chị ghé lại rẻo đất nhỏ nổi lên nơi cuối dòng Ba Thắc trước khi đổ ra biển. Có ai mà ngờ, kể cả Diệu cũng không biết rồi mình sẽ ở lại mãi với đất này.
Ngước mắt nhìn ngun ngút nơi con nước bình lặng chỉ lăn tăn gợn vài đợt sóng nhỏ là khu chợ nổi giờ chỉ còn vài bóng thuyền chở khách du lịch gác máy nhấp nhô. Ký ức trong khắc giây chợt bừng sống dậy thể như vừa mới đây thôi, chiếc ghe mua dừa của vợ chồng Diệu vừa rẽ nước cập bến.
Diệu vẫn tưởng ấy là chặng nghỉ sau một hành trình dài. Kể cả trước đó mấy tuần trời chị cũng không thấy ở chồng có biểu hiện gì lạ. Được vẫn chăm chỉ lam làm, chịu thương chịu khó; ghe tấp bến nào là xốc vác chạy lên vườn ngước trật ót để thăm dừa.
Đôi bàn chân anh vẫn thoăn thoắt leo trèo như chân sóc. Vừa đếm dừa chuyền xuống ghe, Được còn dí dỏm hát hò. Đến như buổi sáng ngày hôm ấy, anh vẫn còn vui vẻ cưng nựng đứa con gái tật nguyền, ngọng nghịu gọi nó là cô con gái rượu của ba. Mãi đến khi anh đưa Diệu mấy tờ tiền giấy bạc lớn bảo lên bờ mua ký thịt ngon ngon làm cơm cúng giỗ ba má Diệu thì chị vẫn nghĩ đó là người đàn ông chí tình, chí hiếu.
Người đàn ông đã dang tay cưu mang Diệu khi ba má chị lần lượt bạo bệnh qua đời. Cứ tưởng cuộc đời của Diệu và chiếc ghe mua dừa rày đó may đây trong kiếp sống thương hồ của Được sẽ gắn bó trọn đời thì cái ngày ấy đến.
Trước khi Diệu quay đi với chiếc giỏ xách, chồng còn ân cần trao tay đứa con gái nhỏ. Được bảo: “Con nhỏ thích chỗ đông vui, mỗi lần cho lên chợ là mắt mũi sáng trưng”. Diệu cười đưa tay đỡ lấy con bé. Đứa con gái tội nghiệp mắc cơn sốt bại liệt từ hồi mới mấy tháng tuổi, may sống được, nhưng mất khả năng vận động suốt đời.
Hồi ấy Diệu vẫn thường tự trách vì mình thiếu hiểu biết về tiêm phòng con bé mới ra nông nỗi. Chồng phải nhẹ lời động viên mãi chị mới phần nào nguôi ngoai. Nhìn thấy Được vẫn bồng ẵm nâng niu con Nhàn như báu vật trên tay thì người mẹ như Diệu còn điều gì phải nghĩ.
Cũng như lúc đón lấy đứa con từ tay chồng bước lên bờ Diệu cũng đâu có nghĩ gì. Chị thong thả vào chợ mua thịt mua rau. Biết Được thích món bông so đũa nấu canh chua cá bông lau, Diệu sà ngay vào hàng cá tươi quyết lòng làm sang một bữa. Mải mê với những cuộc mua bán và để cho bé con thỏa sức ngắm chợ, khi Diệu trở lại bến sông thì mặt trời đã lên đến ngọn sào.
Những xuồng ghe ở chợ nổi vẫn dập dìu lại qua, duy chỉ có chiếc ghe mua dừa của Được là biệt dạng. Diệu ngồi giữa trời nắng, cứ đinh ninh có ai đó gọi bán dừa nên chồng dong ghe đi chốc nữa sẽ về. Chị cứ ngồi ngóng mắt trông ra bến đến sẫm chiều, con cá trong giỏ dần khô da trở nên nặng mùi mà chồng vẫn chưa trở lại.
Nhiều người bảo trông thấy chiếc ghe mua dừa qua ngả Trà Ôn thẳng lên Sài Gòn nhưng Diệu không tin. Lúc này chị đã bệt hẳn người xuống, bên cạnh là giỏ cá thịt hôi tanh. Cũng may đứa con gái thì ngoan, giữa bến sông thông thốc gió bụi bay lèn cả mắt thì nó vẫn cứ say sưa ngủ.
Một ông già chân đi thì thọt làm nghề chèo đò ở chợ nổi tiến lại bảo Diệu đừng chờ nữa, chiếc ghe mua dừa chắc sẽ không quay lại nữa đâu. Diệu ngước lên, đờ đẫn nhìn người đàn ông có gương mặt hiền từ, đôn hậu rất dễ dàng bắt gặp ở xứ sông nước.
Biết Diệu chẳng còn chốn nào nương thân, ông già bảo chị về nhà ông tạm đã, sáng ra rồi hẵng hay. Ông già sống một mình trong một mái tranh đơn sơ nhưng vô cùng gọn gàng, ngăn nắp. Nhà chỉ có hai vợ chồng, không con cái, nhưng năm trước bà vợ cũng đã bỏ ông bởi không qua khỏi căn bệnh ngặt nghèo.
Mỗi ngày, cứ hừng đông sáng khi ông ra chợ nổi đưa rước khách thì Diệu cũng đi theo. Nhiều tàu thuyền khắp mọi miền tạt vào cù lao để tiếp thêm nhu yếu phẩm cho chuyến đi nhưng không có chiếc ghe nào mà Diệu đang tìm kiếm. Hỏi thăm giới thương hồ xuôi ngược, có người thấy Được đón một người phụ nữ mặt hoa da phấn ở xóm Miễu rồi cả hai ngược đường lên vùng trên.
Diệu bảo với ông già: “Dẫu gì cũng phải một lần tạn mặt làm rõ một phen”. Ông dúi vào tay Diệu mấy tờ bạc biểu đi đi, nhưng nếu một ngày không còn biết nơi đâu để quay về thì đất cù lao này luôn rộng cửa. Ông tuy nghèo nhưng với mảnh vườn nhỏ đầy cây trái, dù chỉ cháo rau đơn giản nhưng có thể mẹ con Diệu sẽ không phải đói ngày nào.
Tiễn Diệu xuống phà, ông móm mém phẩy tay. Một nỗi bịn rịn dâng lên khiến Diệu không dám quay lại nhìn gương mặt xô đầy những nếp nhăn đang đơn độc giương đôi mắt mờ đục nhìn mải miết. Mấy tháng trời được ông đùm bọc, được có một căn nhà trên mặt đất để chui ra chui vào khiến Diệu cảm thấy mình như được trở lại những ngày còn ba má khi gia đình họ chưa thất thế đến nỗi phải cuốn hết đồ đạc lên ghe bỏ xứ mà đi.
Quãng thời gian đằng đẵng lênh đênh, đêm đêm ngủ cùng những con sóng xô bờ, nhiều lần Diệu quay quắt nhớ cái thuở bình yên và đôi lúc cũng thèm có một ngôi nhà ổn định để an cư lạc nghiệp. Nhưng khi day qua và chạm vào Được, Diệu lại tiếp tục bằng lòng với hiện tại miễn hai vợ chồng có nhau. Nhưng cái cuộc sống bình dị từng ngỡ là mỹ mãn ấy đến bây giờ chắc chỉ Diệu còn nhớ.
Phà lặng lẽ trôi, ông già vẫn chưa đi khỏi. Không dưng Diệu sợ phải quay đầu lại và tự nhiên nước mắt chị chảy dài. Khi chiếc ghe mua dừa tách bến và người đàn ông đành lòng bỏ lại vợ con, Diệu đã nghĩ chị là người bất hạnh nhất thế gian. Cho đến khi chị nghe ông già bộc bạch về cuộc đời người lính trận trở về với đôi chân thương tật.
Biểu Diệu sờ tay lên đỉnh đầu mình- nơi tóc không còn mọc, ông già bảo: “Ngay chỗ đó từng có một viên đạn sượt qua”. Ông không còn nhớ rõ đó là trong tình huống nào giữa những ngày đạn pháo giăng giăng, mùi thuốc súng khét lẹt chiến trường miền Đông khói lửa. Chỉ biết khi tỉnh lại, người y tá bảo: “May cho anh, chứ sâu thêm một phân nữa là nguy”.
Rồi hòa bình, ông trở về cù lao nơi chốn cũ, quê xưa. Người thân tản lạc không còn một ai. Ôm đôi chân thương tật cùng những vết thương cứ khi trái gió trở trời là đau nhức, ông ngày ngày vỡ đất, cất lại ngôi nhà. Ông lấy vợ là người đàn bà góa, chồng đã hy sinh trên chiến trận.
Những đứa con lần lượt ra đời nhưng cũng rất nhanh chóng đôi vợ chồng già phải chôn đi. Cái chất độc đã ngấm vào người suốt những năm tháng ở chiến trường Bù Đốp, Mã Đà khiến ông không thể có những đứa con bình thường được.
Vợ ông buồn bã héo hon năm dài tháng rộng rồi cũng không qua được cái án của trời. Những ngày mẹ con Diệu đến ở, ông như cảm nhận được cuộc sống có người thân. Đứa con gái khuyết tật của Diệu khiến ông nhớ đến những đứa con xấu số nên càng thương da diết. Có lúc vui miệng, ông bảo: “Hay bây ở lại làm con gái của tao”.
Diệu đi hôm trước thì hôm sau đã thấy dáng vẻ thiểu não về lại cù lao. Nhà không có người, ông già thấy buồn nên không ra chợ nổi đưa rước khách. Diệu về, chị đi vội ra bến sông nhưng chẳng thấy ông đâu. Hóa ra có những cuộc gặp trong đời tự nhiên như định mệnh. Người cần gặp Diệu đã gặp, dù có trăm ngàn thất vọng thì cũng không thể thay đổi được gì. Nhưng có những mối nhân duyên nếu chị không kịp giữ lại thì sẽ mất.
Diệu về nhà, thấy trước sau trống vắng. Không biết ông già đã đi đâu. Bên trong củi lửa lạnh tanh, bên âu trà chỉ có vài mảnh vụn bánh bông lan chắc người ta làm ít trứng nên khô khốc. Diệu đi hết ngoài vườn sân trước, liên thôi cất tiếng gọi: “Ông Tư ơi!”. Một bóng người từ đâu bước qua cổng rào dâm bụt với đôi chân thì thụp đưa tay đón đứa bé đang nhoẻn miệng cười, nhiếc yêu: “Chừng nào má bây mới chịu gọi ông bằng tía”.
Diệu bất giác mỉm cười khi chuyện của ngày xưa như thước phim vừa được phát lại trong tâm trí. Chị nhìn về căn nhà nhỏ, bến bình yên nằm giữa rừng cây sao chắn gió rồi ánh mắt lại hướng về phía đó, cất tiếng gọi: “Tía, mình về ăn cơm!”
HIỀN DƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin