Truyện ngắn:
Tình yêu người lính

07:05, 24/12/2024
Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Đã bước sang tháng 12. Đó không phải là tháng đẹp nhất năm, nhưng An thích cái không khí của tháng 12, nó dịu dàng, thanh tao, cái se se lạnh của mùa đông pha chút nắng ấm còn sót lại. An đưa tay đẩy bật cánh cửa phòng làm việc. Cánh cửa tung ra, gió lùa vào man mác một nỗi niềm xa xôi nào, nó khiến An tự thấy mình lãng mạn hẳn, không còn là một chàng trai với tâm hồn khô cằn như những vùng đất nóng mà An bước chân qua. Tháng 12, chậu xương rồng nhỏ bé bằng bàn tay đã nở hoa, chậu cây mà cô người yêu bé nhỏ tặng An trong chuyến lên đơn vị thăm An vì thấy hơi lâu mà An vẫn chưa về thăm xóm nhỏ...


Sáng chủ nhật, có người ra vườn chăm hoa tưới rau, có người ngồi ở ghế đá dưới bóng cây trước sân đơn vị nói chuyện điện thoại với người yêu cho đỡ nhớ vơi thương. An ngồi nhìn ra sân, thấy vui, tim An rộn rã. Mấy đứa trẻ con ở khu nhà đối diện chạy qua sân cơ quan An chơi nhảy dây, đánh cầu, chơi sậm chơi sụi... Cũng có lúc An nghĩ về những đứa trẻ. Một lúc nào đó trưởng thành, An sẽ nắm tay người con gái mà anh yêu đi suốt đoạn đường. An sẽ làm đám cưới theo kiểu quân ngũ, An mặc quân phục, đội chiếc nón kêpi, tay cầm hoa trắng trao cho cô gái bé nhỏ mà An chọn làm bạn đời.


Có lần, cô ấy hỏi An:


- Nếu được chọn lại, anh có muốn trở thành quân nhân hay không?


Câu hỏi tưởng như ngô nghê nhưng nghĩ lại khiến An suy nghĩ rất nhiều, im lặng một thoáng, An đáp lại:


- Bây giờ thì vẫn muốn, nhưng có lúc, anh đã nghĩ đến một hướng đi khác cho cuộc đời của mình. 


Cô gái bé nhỏ cũng lặng đi. Cô hiểu. Ngày đó, An không chọn màu quân phục. An có một trời ước mơ riêng...


An thích hát, ngoài giờ học, anh thường ôm đàn rong ruổi theo đám bạn đi trình diễn những buổi acoustic tự phát trên vỉa hè. Trong anh ấp ôm giấc mộng về một ngày không xa sẽ trở thành ca sĩ đứng trên sân khấu lớn, trình diễn những bài hát mà An yêu thích, theo phong cách mà An đam mê. 


Vậy rồi giấc mơ đó đã vụt tắt trong một chiều nắng xuống. Hoàng hôn kéo theo giấc mơ vụn vỡ vào lòng vực sâu. Khi nghe An bày tỏ về sự lựa chọn của mình, vỗ vai An, ba An trìu mến nói:


- Ba không bắt ép con phải đi theo con đường nào. Đường đi là do con chọn. Ba chỉ tiếc rằng con không thể nối nghiệp ba và ông, không thể thành quân nhân. Đời ba ngưỡng phục nhiều người, trong đó có người lính khoác lên mình màu áo xanh, trong tư thế trang nghiêm trước quốc kỳ thiêng liêng của dân tộc...


Lòng An xốn xang. Ba không bắt buộc An, nhưng ba kỳ vọng ở An rất nhiều. Chính An là niềm hy vọng lớn nhất trong cuộc đời của ba. Đêm đã rất sâu, An ngồi bên bàn học, trăn trở. Ánh đèn vẫn leo lét tỏa sáng cả căn phòng, hắt ra tận hành lang. Mẹ mang vào cho An ly sữa, xoa đầu An, mẹ thều thào:


- Chọn con đường nào cũng được, miễn là con của mẹ vui vẻ, khỏe mạnh, và bình an như cái tên mà ba mẹ đã đặt cho con. Cố lên con trai!


Mùa thi đến...


Một ngày ba mẹ An bất ngờ và rồi vỡ òa trước sự lựa chọn của An. Trước ngưỡng cửa cuộc đời, chàng trai ấy chọn con đường quân nhân như ba và ông nội đã đi những bước chân rắn chắc, khỏe khoắn.


Ngày An nhận được giấy trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân, ông nội mừng rơi nước mắt. Trong buổi tiệc ăn mừng, ba An không nói gì, chỉ thoảng nhìn An và cười tủm tỉm. Ngà ngà say, ba bước đến vịn vai An vừa nói vừa rưng rưng nước mắt:


- Con trai, ba biết con sẽ lựa chọn con đường này! Không gì quý hơn việc mình sống phải cống hiến cho quê hương, Tổ quốc, con ạ! Màu áo quân nhân là màu đẹp nhất trong trái tim ba. Giờ thì con đang đi trên con đường đó. Con đường còn lắm gian nan, và chắc chắn phải đủ nghị lực, niềm tin và nhiệt huyết lắm con mới có thể làm tốt sứ mệnh mà Nhân dân và Tổ quốc giao phó. Nhưng ba và ông tin là con sẽ làm tốt!


An ôm ba. Trước giờ An thường ít khi thổ lộ tình cảm với ba mẹ, với gia đình. Song, không hiểu sao trong giờ phút này An lại muốn ôm ba thật chặt, muốn nói lời cảm ơn ba, cảm ơn gia đình. Gia đình chính là nền tảng vững chắc để An vào đời. Và giờ đây, An đã trở thành một quân nhân vững vàng trên con đường mà An đã lựa chọn.


Tháng 12, những cơn gió se se lạnh, đôi khi lùa vào đơn vị của An. Con đường nhỏ dẫn ra thao trường, con đường ra bờ ao mọc đầy rau muống, con đường ra vườn hoa, vườn rau, vuông sân sau đơn vị chỗ anh em thường túm tụm lại mỗi chiều rảnh rỗi, vừa đàn, vừa hát, vừa vỗ tay theo giai điệu những bài hát tuyệt vời về Tổ quốc mến thương, về truyền thống tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn và phát huy qua bao nhiêu thế hệ!


“Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch/ Bồi hồi đêm xuất kích chợt nghe tiếng pháo ran/ Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ/ Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào...”


Ai đó đang hát mấy câu trong bài Hành khúc ngày và đêm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Tiếng hát vừa hùng hồn, vừa trữ tình sâu lắng vọng vào căn phòng của An. An từ từ bước ra, đi về phía cuối hành lang. Ở đó, An bắt gặp cô gái nhỏ của mình. An sững sờ, anh trố mắt nhìn cô gái nhỏ đang ngồi trên ghế đá ôm đàn ghi ta và hát những câu hát gắn liền với cuộc đời người lính.


- Hân, em đến đây khi nào?- An bước đến nắm tay cô, khe khẽ.


- Vừa mới thôi, anh ạ! Em tập bài này hồi tuần trước, anh thấy em hát có ổn không? - Cô líu ríu hỏi.


- Hay lắm! Anh cũng đoán là giọng em. Giọng Hân thì không lẫn vào đâu được.


Cô đỏ mặt, nhìn ra ngọn nắng đang nhảy múa trước mắt. Ngoài sân đơn vị, mấy khóm hoa các đồng chí trồng đã kịp bung nở từng chùm, rung rinh trong nắng đẹp.


- Anh chỉ khéo nịnh. Người ta nói không sai, mấy anh quân nhân thường dẻo miệng, nói chuyện ngọt như mía lùi, khiến bao cô say lòng...


Hai người cười phá lên. Anh đưa tay đón lấy cây đàn ghi ta trên tay cô, rồi hai người cùng nắm tay nhau đi dạo trên con đường rợp bóng cây, ra tận thao trường. Ngoài thao trường nhấp nhô những ụ đất, những gờ tường, chiến hào... là chỗ để cho mấy anh lính trẻ tập luyện. Bây giờ đương mùa hoa nở, tháng 12, khóm cải già chẳng ai hái nay đã bung nở những chùm hoa vàng. Cô yêu hoa cải, vì nó đẹp, dịu dàng và giản dị chứ không kiêu sa như hồng, lan. An ngắt một chùm hoa cải cài lên mái tóc cô gái mà anh yêu da diết, người đã cùng An đi trên hành trình dài, hậu phương vững chắc của An. “Ai cũng cần có một hậu phương vững vàng”- mẹ An từng nói vậy. Hậu phương của ba là mẹ- người phụ nữ tần tảo một đời, đảm đang, thương chồng yêu con hết mực. Hậu phương của An là Hân- cô gái nhân hậu và hiểu chuyện, san sẻ và bao dung.


Nắm chặt tay cô, An mong rằng tình yêu của cả hai sẽ dài như dòng Cửu Long bất tận...


Hoa cải nở vàng trong nắng tháng 12, nhuộm lấm tấm thao trường.


- Hân này!- Anh khe khẽ- Có bao giờ em hối hận vì đã yêu một người quân nhân không em? Khi mà thời gian anh dành cho em ngày càng ít.


Cô không bước nữa. Cô đứng lại, nhìn sâu vào mắt An một lúc lâu, như để An thấy rằng cô yêu anh nồng nàn và chưa bao giờ thay đổi. Tình yêu ấy vẫn trong sáng như sương, thủy chung như cỏ cây với đất.


- Không đâu, anh! Em tự hào vì người em yêu là một quân nhân, lúc nào cũng thao thức với đất nước. Em yêu người quân nhân mặc quân phục, đi trong bóng quốc kỳ. Em yêu con tim đầy nhiệt huyết của anh...


An khẽ hôn lên má cô. Mùi thơm của cỏ dại quyện đâu đó trên làn tóc mượt mà óng ả của người con gái nhỏ.


Tháng 12, tháng đặc biệt trong cuộc đời của anh. Đó không chỉ là tháng mà anh chào đời cách đây 27 năm về trước, mà còn là tháng kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12)- tháng hồi cố về truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc. Cô đã lặn lội lên tận đơn vị của anh, đàn và hát cho anh nghe những bản tình ca người lính cũng vì cớ đó. Cô yêu anh da diết. Cô luôn là hậu phương vững chắc để anh nhìn về, tiếp sức để anh đi tiếp trên con đường mà anh đã lựa chọn.


Trong thanh âm dìu dặt của đất trời những ngày cuối năm, những ngày mà đường phố treo cờ đỏ sao vàng phấp phới bay chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, cô và An đã ngồi lặng bên nhau giữa muôn trùng hoa cỏ thao trường. An ôm đàn ghi ta và đàn những ca khúc cô thuộc. Dưới bầu trời xanh, tình yêu của họ cũng thẳm xanh, vút lên cùng mây, êm đềm tan vào đất. Tình yêu màu vô tận mây trời...
 •    HOÀNG KHÁNH DUY
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh