Truyện ngắn:
Dòng sông mùa lũ

22:14, 26/10/2024

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Cô gái đứng một hồi lâu trên cầu. Bỗng cô leo qua lan can rồi gieo mình xuống dòng nước đang chảy cuồn cuộn…

- Có người tự tử! Mau cứu họ. Mau lên Đực ơi… Đực ơi!

Đực đang tóm mấy lưỡi câu để chiều tối đi cắm cá. Anh quay đầu nhìn ra sông. Đực vất cuộn dây gân vào khoang ghe, rồi cởi phăng cái áo quăng xuống sạp. Anh đứng trên mũi ghe lấy đà phóng nhanh xuống sông. Một tiếng “ục” thật ngọt. Đực sải tay bơi hết tốc lực xuôi theo dòng nước đang chảy cuồn cuộn. Anh chụp được cánh tay của người phụ nữ, xóc ngang hông cô ta và quay hướng vào bờ. Ông Tám cũng vừa chống ghe ra tiếp Đực.

- Hừ… con cái nhà ai mà dại dột quá! Chắc thất tình hay thi rớt gì đây?!

Ông Tám lầm bầm khi kéo cô con gái mình mẩy mềm dượi và ướt mem lên sạp ghe: “Đực! Mầy sốc nước cho nó nhanh lên!”. Đực ôm ngang hông cô gái, tay kia anh đỡ ngực cô ta và thụt tới, thụt lui mấy cái. Nước từ trong họng cô gái trào ra. Cái bụng cô ta xẹp xuống nhanh chóng với đôi mắt lờ đờ khẽ mở ra. “Hết chết rồi!… Mày lau mình nó cho khô. Tao nấu ít nước nóng, châm trà đổ cho nó uống…”- Ông Tám hối. Đực ngại ngần: “Ông ngoại ơi! Ông... Ông lau cho cổ. Tôi là con trai mà. Lau mình cho cổ kỳ lắm!”- “Có lau không? Một hồi nó trúng gió chết bây giờ. Tao với mày mang họa!”- Ông Tám gân cổ quát lên. Đực nghe ông Tám nói vậy, anh hoảng sợ. Đực vội vã lấy cái áo cũ lau mình cho cô gái. Bàn tay anh run run khi chạm vào ngực của cô. “Ôi! Trời ơi… hồi đó tới giờ mình chưa bao giờ gặp cái cảnh này!”- Đực thở dài sườn sượt.

Cô gái tỉnh lại sau khi được đổ mấy chung trà ấm đậm có pha đường cát. Cô lạ lẫm nhìn Đực và ông Tám: “Trời ơi!…Tôi chưa chết. Mấy người cứu tôi làm chi vậy? Tôi muốn chết mà…”- Cô gái mệt nhọc ứa hai hàng nước mắt. Đực quay mặt đi chỗ khác.

- Cháu có việc gì buồn mà muốn chết! Có việc gì cũng thong thả thôi. Sao lại dại dột như vậy?- Ông ôn tồn.

- Cháu… cháu buồn lắm! Cháu khổ lắm ông ơi!- Cô gái thều thào.

- Ông ngày xưa cũng khổ lắm! Nhưng ông đâu có muốn chết. Đến bây giờ ông già rồi, ông cũng chưa muốn chết đâu. Con trùn, con kiến còn muốn sống kia mà!

Đực lui cui sau khoang lái. Anh đang canh chừng nồi cháo cá. Cô gái đã thay đỡ bộ đồ cũ xùng xình của ông Tám, ngồi thu lu bó gối. Nước sôi bùm bụp. Những hạt gạo bum búp quần quận. Con cá lóc khá to vợn mình nhíu da lại theo nhịp nước sôi. “Cháo chín rồi ông ngoại ơi!”

Ba người ngồi trong khoang. Cô gái dựa lưng vào vách ghe mệt mỏi, bơ phờ. Cô xanh xao với tóc tai rũ rượi. “Cô ăn đi… Cô ăn đi cho lại sức, rồi ngày mai đi đâu đi!”. Cô gái im lặng thẫn thờ múc vài muỗng cháo lỏng cho vào miệng. Hình như cái vị nóng, ngọt, thơm phức của cháo cá nấu với ít gừng băm, chút tiêu đâm giập, vài cọng hành lá xắt nhuyễn, làm cho cô tỉnh táo lại. “Cô ráng ăn đi… Cháo nấu nhiều lắm. Cá bự lắm. Ăn hết cá, tôi mần nữa cho cô ăn…”- Đực thật thà nói với cô gái. Cô gái nhìn ông Tám và Đực với cặp mắt biết ơn và cô cuối xuống húp nhỏ nhẻ chén cháo nóng ấm trông có vẻ khá ngon lành!

Chiếc thuyền của hai ông cháu người chài lưới chở theo cô gái ngược dòng sông trở về nhà. Xa xa, bên phải phía hạ nguồn của con sông, có vầng sáng rộng, mờ mờ ánh lên trên khoảng không gian của thành phố. Ngọn đèn của cái tháp đài truyền hình như đốm than đỏ hồng lẻ loi giữa bầu trời nhàn nhạt ánh sao. Cô gái cho biết nhà cô ở xa lắm. Cô không thể trở về nhà. Mẹ kế và những đứa em cùng cha khác mẹ với cô đã xua đuổi cô. Cha cô bị tai biến nằm một chỗ. Cô buồn rầu nhớ lại:

- Mày đi cho đã… rồi trở về đây làm gì? Tao đã khổ sở với thằng cha mày. Gả mầy cho ngoại quốc tưởng ngon lắm! Sao lại trồi đầu về. Về rồi lại đi… Sao không đi luôn mà trở lại đây làm gì. Tính báo cô, báo kiếp hả?- Người phụ nữ mập đẫy đà, miệng quang quác.

- Con về để thăm ba con với mấy em… thưa dì…

- Không cần! Không cần đâu. Nhà này không chứa gái…- Người mẹ kế xua tay, giọng chanh chảnh.

Mai chẳng biết về đâu khi cô chẳng còn nơi nương tựa. Mẹ Mai đã chết khi cô mới 12 tuổi. Mẹ kế của Mai lúc mới về đây, bà ta giả vờ thương yêu, chiều chuộng đứa con riêng của chồng, để làm vừa lòng người đàn ông góa vợ. Rồi Mai lớn dần lên thành thiếu nữ… Tình thương của cha đối với cô, bị mẹ con người đàn bà kia chia sẻ và nhạt dần theo năm tháng. Mai sống âm thầm trong ngôi nhà có nhiều kỷ niệm vui buồn thuở ấu thơ như chiếc bóng. Những khi hồi tưởng về mẹ, Mai khóc một mình! Giá mẹ còn sống thì cô đâu phải như thế này!

Lúc cha Mai bị tai biến nằm một chỗ. Bà Giang dịu ngọt dụ dỗ Mai, gả cô cho một người ngoại quốc đã lớn tuổi. Mai thương cha. Muốn có tiền chữa bệnh cho cha. Cô ưng thuận. 18 tuổi tròn, Mai có chồng xa xứ. Một sự phũ phàng, nghiệt ngã đến với Mai khi nàng về nhà chồng ở xứ người. Những đứa con của chồng Mai khinh khi cô ra mặt. Mai có một gã em chồng rất đáng sợ! Hắn thường nhìn cô lom lom, không giấu sự thèm khát. Một hôm, nhà vắng vẻ, hắn đã dùng sức mạnh cưỡng hiếp cô. Mai hoảng sợ, thất thanh kêu cứu. Gã em chồng hung bạo chẹn cổ Mai, dọa giết. Mai ú ớ, run sợ trong tuyệt vọng… Những chuyện ấy thỉnh thoảng tái diễn! Chồng cô có lần bắt gặp nhưng lại dửng dưng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mai rất đau đớn, nhục nhã. Hình như có một sự thỏa thuận rất đáng kinh tởm về số phận của cô! Mai bị ám ảnh và suy nhược. Cô dần dà rất hoang mang và sợ hãi trong ngôi nhà u ám ấy. Một hôm, thừa cơ hội đi chợ, Mai đã trốn. Cô tìm đến cơ quan đại diện cho những người nước mình, kể lại hoàn cảnh bị ngược đãi. Những người ấy đã tìm cách đưa Mai hồi hương… Lúc trở về, Mai cũng còn chút đỉnh tiền bạc mà cô đã lén lút dành dụm khi còn ở bên ấy. Bà Giang vẽ duyên tiền thuốc men, khóc than về khoản nợ nần trị bệnh cho cha cô. Mai tận tình săn sóc cha. Cuối cùng, Mai trắng tay sau một thời gian trở về quê. Và. Cô không thể ở lại với người kế mẫu cay nghiệt nếu không có tiền! Mai lên thành phố… cô xin vào làm ở một quán cà phê với số lương bèo bọt, không đủ cho Mai chi dụng giữa chốn phồn hoa đô hội, dù cô rất cố gắng gói ghém! Một vài cô tiếp viên cũ, từng trải, đã rủ Mai đi làm tiếp viên ở nhà hàng karaoke máy lạnh. Sẽ có tiền nhiều hơn nếu biết chiều khách!... Dần dà Mai biết uống rượu, biết son phấn, điểm trang cho bắt mắt. Có nhiều cô gái- đa phần từ những miền quê nghèo khó lưu lạc như cô. Mỗi người một hoàn cảnh. Ai cũng muốn có được nhiều tiền. Có khi bằng mọi giá! Cô bị cuốn vào lối sống phù hoa, thác loạn trong những căn phòng âm u, lờ mờ ánh sáng. Cái chốn ấy ngổn ngang, bề bộn, nhớp nháp khi những người khách ra về để lại những ly bia dở dang và những món thức ăn thừa mứa. Rồi những cô tiếp viên đi trước đã bày vẽ cho Mai cách kiếm tiền từ những ông khách hám của lạ. Mai lần bước đi vào con đường u ám với ý nghĩ “mình chẳng còn gì để mất!”.

Trong một lần cơ quan chức năng kiểm tra một khách sạn. Mai bị bắt và bị đưa đi phục hồi nhân phẩm. Người ta khám sức khỏe cho cô để phân loại những người bị nhiễm và không nhiễm HIV. Rất may, cô không dính vào căn bệnh thế kỷ này… Ra trại, Mai trở về quê. Và lại bị bà mẹ kế cùng những đứa em của mình xua đuổi.

***

- Cháu cứ tạm thời ở lại đây đi. Khi nào muốn đi đâu thì đi… Ôi! Trên đời sau có những số phận đáng thương như vậy!- Ông Tám bùi ngùi…

- Nếu ông cho cháu ở lại đây… Cháu sẽ nấu cơm cho ông và anh Đực ăn. Cháu sẽ…

- Có cháu cũng vui nhà, vui cửa thôi… Thằng Đực nó mồ côi từ nhỏ. Chẳng ai biết cha mẹ nó đâu! Ông đã lượm nó trên bờ mẫu ngoài ruộng đem về nuôi lúc nó còn đỏ hỏn. Tội nghiệp bà ngoại thằng Đực! Bả thương nó hơn con đẻ. Nhưng bà ngoại nó đã đi theo ông bà mấy năm nay rồi!- Ông Tám nhìn lên bàn thờ vợ.

- Sao anh Đực lại kêu ông bằng ông ngoại, mà không kêu bằng cha?

- Hồi đó, ông có đứa con gái nhỏ, nếu tính ra phải bằng tuổi mẹ thằng Đực- ông chỉ đoán vậy- Nhưng con gái ông đã sẩy chân chết đuối khi ông chở nó đi giăng câu. Ông sơ ý để nó ra mũi ghe, rồi nó lọt xuống sông bị nước lũ cuốn trôi. Năm đó lũ lớn lắm, nước chảy dữ lắm! Cá tôm từ Biển Hồ cũng về nhiều lắm…- Ông Tám bùi ngùi kể- Vợ ông đi chợ bán cá về hay được, bà ấy chết lên chết xuống! Về sau, cách đây hơn 20 năm, ông lượm được thằng Đực. Bà ấy bảo là trời có mắt, trời biết thương người. Ông trời đã thường lại cho bà! Thằng Đực chắc là cháu ngoại của bà!

Chừng nửa tháng sau, có người ở ấp đến nhà nhắc ông Tám nếu ông muốn cho Mai ở lại nhà thì phải xin giấy tạm trú đàng hoàng.

Biết chuyện, Mai rưng rưng nói với ông Tám:

- Chắc cháu phải đi thôi… Cháu ở đây làm phiền ông với anh Đực quá!

- Cô Mai cứ ở lại đây, rồi sẽ tính sau… Cô đi… biết đi về đâu?- Đực nhìn trời nói, lòng anh buồn hiu.

- Phải. Cháu cứ ở lại… Rồi mình lo giấy tờ cho đầy đủ- Ông Tám cứ nói đại như thế. Chứ xưa nay ông cũng không rành mấy chuyện giấy tờ! Cả Đực cũng vậy. Hai ông cháu năm dài, tháng rộng lênh đênh trên sông chài cá, câu tôm. Chỉ quanh quẩn xóm giềng, nào có đi đâu!

Mai đã ở lại cái nhà lá cuối xóm Muồng Cụt. Thật lòng cô cảm mến Đực và thương ông Tám lắm! Phần ông Tám và Đực cũng vậy. Họ thấy ngôi nhà ấm hẳn lên từ khi có Mai về ở.

Những ngày sống nơi cái xóm vắng vẻ này, Mai cảm thấy tâm hồn mình yên ắng lại. Những buổi bình minh nắng vàng tươi thật đẹp trên cánh đồng mênh mông rập rờn lúa xanh trải rộng. Những buổi trưa, tiếng gà gáy gợi nhớ êm đềm về một tuổi thơ đã đi qua trong quá khứ. Và, những lúc hoàng hôn, ráng chiều đỏ ửng phía chân trời xa… Mai bồn chồn, trông ngóng ông Tám và Đực trở về. Mai thỉnh thoảng thoáng hồng đôi má khi nhớ về Đực: “Người đâu mà hiền như cục đất. Mình nói gì ảnh cũng nghe… chẳng đối đáp nhiều lời. Chỉ nhăn miệng cười!”. Khi ông Tám và Đực đi giăng câu, bủa lưới, Mai ở nhà. Cô phơi củi, róc lá dừa, vun vén mấy giồng khoai trước sân. Giàn bầu trên mô đất cao bên hè do Mai chăm sóc đã đâm tược xum xuê. Và loáng thoáng trong vòm lá xanh tơ, mượt mà như thoa mỡ, đã có những nụ hoa bum búp…     

***

Chú Ba trưởng ấp nói với ông Tám:

- Tôi có để ý con nhỏ này, từ lúc nó về đây ở. Con bé làm gì tôi không biết. Nhưng qua lời ăn tiếng nói, tôi thấy nó cũng đàng hoàng. Chắc không phải là người xấu… Nếu có gì thì cũng do hoàn cảnh mà thôi. Những người như vậy ta nên giúp đỡ. Bây giờ tôi nói như thế này ông chịu không. Ông cưới nó cho thằng cháu ngoại ông đi, ráng làm vài mâm cho làng xóm biết. Ở đây chính quyền và bà con sẽ giúp đỡ.

- Cậu Ba nó nói nghe chí lý quá. Tôi sẽ bàn với thằng Đực và con Mai xem ý tụi nó như thế nào...- Mặt ông Tám rạng rỡ.

Đám cưới của Đực và Mai chỉ có vài mâm, diễn ra ấm cúng và khá vui vẻ. Năm sau, họ dẫn nhau về quê làm thủ tục giấy tờ. Công việc cũng êm xuôi. Họ có ghé qua nhà cũ của Mai. Ông Tân- cha Mai đã mất chừng vài tháng sau, kể từ ngày cô đi khỏi nhà lần thứ ba. Bà Giang xởi lởi. Nhưng chẳng ai mà biết trong bụng bà ấy nghĩ gì. Có điều bà ta- tạm gọi là biết điều, đã an táng ông chồng cạnh ngôi mộ người vợ trước của ông theo lời trăng trối. Bà này được cái là mê tín dị đoan nên không dám làm trái ý người đã chết. Hai vợ chồng Mai ra mộ đốt nhang cho cha mẹ.

Buổi chiều dần khép lại. Nắng vàng như giăng lưới, bao trùm lên cánh đồng mênh mông hiu quạnh. Mai lưu luyến nhìn đôi mộ đất lơ thơ mấy đám cỏ may của cha mẹ cô… Mai bùi ngùi, đỏ hoe đôi mắt. Cô bỗng thấy như in ngày còn bé. Tóc cô cắt “bum bê”. Cô đội cái nón vải tròn, cặp ba lô trên lưng, ngang hông đeo bình nước có sợi dây vắt chéo. Cha cô cõng cô đến trường trong mùa nước lũ. Trống trường tan, Mai thấp thỏm trông cha đến rước… Mẹ cô thường gói cho cô những củ khoai nóng hổi thật ngon, rồi cẩn thận bỏ vào bọc cho cô đem theo để ăn. Mẹ sợ cô đói bụng! Nước mắt Mai lăn lã chã trên đôi gò má bao giờ cô chẳng hay!... Đực cầm tay vợ an ủi.

Đực và Mai xuống ghe, trở về xóm Muồng Cụt để chuẩn bị cho mùa giăng câu, đặt lưới, bởi lũ ở thượng nguồn cũng đã tràn về mênh mông bờ bãi. Cuộc đời của những người dân quê ở đây thầm lặng, thanh bình và yên ả. Có lẽ. Họ đã biết chung sống với lũ từ bao đời nay…

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh