Họa sĩ Lê Thiết Cương - "Vừa tài hoa vừa thực tế, vừa cao ngạo vừa dễ gần"

10:16, 18/07/2025

Sự ra đi của họa sĩ Lê Thiết Cương không chỉ là mất mát với giới mỹ thuật, mà còn để lại khoảng trống đặc biệt trong lòng bạn bè văn nghệ sĩ khắp cả nước - những người từng được ông chia sẻ, truyền cảm hứng và nâng đỡ.

Họa sĩ Lê Thiết Cương - một trong những gương mặt đặc biệt của mỹ thuật đương đại Việt Nam - đã trút hơi thở cuối cùng lúc 18h55 ngày 17/7/2025, tại nhà riêng trên phố Lý Quốc Sư, Hà Nội, sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư. Sự ra đi của ông không chỉ là mất mát với giới mỹ thuật, mà còn để lại khoảng trống đặc biệt trong lòng bạn bè văn nghệ sĩ khắp cả nước - những người từng được ông chia sẻ, truyền cảm hứng và nâng đỡ.

Họa sĩ Lê Thiết Cương
Họa sĩ Lê Thiết Cương

Người nghệ sĩ sống trọn với bản ngã

“Tạm biệt họa sĩ Lê Thiết Cương. Vậy là anh đã lên chuyến đò ngang ở bến làng này để sang làng kế cận…”, nhà nghiên cứu Lý Đợi viết. Theo ông, họa sĩ Lê Thiết Cương là người theo đuổi chủ nghĩa tối giản suốt hơn nửa cuộc đời, nhưng không rập khuôn. Có lúc ông vẽ rất ít mà chứa nhiều ý tứ, có lúc cầu kỳ mà vẫn mang tinh thần tối giản - một lối sáng tạo “hai chiều xuôi ngược” giúp ông luôn giữ được bản sắc riêng.

Lý Đợi nhận định: “Có lẽ chính nhờ hai chiều xuôi ngược này đã giữ Lê Thiết Cương ở lại với cương vị nghệ sĩ, hơn là vươn tới tinh thần tu sĩ”. Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi, trong ông luôn tồn tại sự pha trộn giữa tài hoa và thực tế, cao ngạo mà lại gần gũi, biết sống đơn độc mà vẫn thích quần hùng, buông lỏng mà cũng đầy hà khắc - những nghịch lý làm nên bản thể độc đáo của người nghệ sĩ này.

Ảnh: FBNV 
Ảnh: FBNV 

Sinh năm 1962 tại Hà Nội, Lê Thiết Cương được khích lệ bước vào con đường nghệ thuật từ những năm cuối thập niên 1980, khi thường xuyên lui tới chiếu rượu của thi sĩ Đặng Đình Hưng. Sau này, ông vẫn giữ thói quen ấy, “lúc mệt mỏi nhất, anh vẫn cầm ly hầu rượu bạn bè, ngay cả với những người bạn vong niên, tuổi mới ngoài đôi mươi”.

Nhà thơ Hàm Anh gọi ông là “một con Người rất đặc biệt”: “Cho dù anh Cương bề ngoài đôi khi tỏ ra ngông ngạo, ghê gớm trong lời ăn tiếng nói nhưng lại là một người rất tình cảm, rất trân trọng và tình nghĩa với anh em bạn bè”.

Người sống hết mình cho nghệ thuật và bạn bè

Nhà thiết kế Đức Hùng kể lại một kỷ niệm xúc động: “Anh Cương mời mình ăn trưa với giọng vẫn đúng chất của anh muôn đời không khác: ‘Mày ăn đi, tao nấu ốc chuối đậu ngon lắm’”. Trong bữa trưa ấy, ông đã được họa sĩ tặng bức thư pháp hai chữ “Tơ Trời” – một sự đồng cảm nghệ sĩ chân thành và không vụ lợi: “Tao thích mày vì mày rất nghệ sĩ, Hùng nhé”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương sống trọn cho nghệ thuật đến tận những ngày cuối cùng. Nhà báo Trần Nhật Minh kể: “Anh vẫn cố ngồi ngắm mọi người uống rượu mạnh trong khói cigar cay cay lòng mắt… như để cố nén cơn bạo bệnh và cả những nỗi cô đơn đã từ lâu hành hạ”.

Ảnh: FBNV
Ảnh: FBNV

Trong giai đoạn cận kề cái chết, ông vẫn tổ chức ra mắt sách, triển lãm, làm tang lễ chu đáo cho người bạn vong niên Nguyễn Thụy Kha. Những tin nhắn của bạn bè nhận về chỉ là những câu trả lời “ngắn dần, thưa dần, lịm dần… là biết thật khó có phép màu”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại lần cuối nắm tay bạn: “Cầm tay Cương và biết là lần cầm tay bạn cuối cùng”. Theo ông, khi trở về nhà, “Cương mở to mắt nhìn quanh một thoáng rồi khép mắt chìm vào hôn mê… bên cạnh người mẹ, các con và bạn bè”.

“Cương đã đi một cách trọn vẹn đoạn đường ấy: sống đúng con người Cương ở nhiều nghĩa và không sợ hãi”.

Họa sĩ của sự tối giản - từ tranh đến đời sống

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, họa sĩ Lê Thiết Cương từng nói: “Gặp chủ nghĩa tối giản cũng là tôi gặp tôi”. Ông tiếp xúc với hội họa từ khi còn là sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nhưng không theo con đường của cha – nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên – mà rẽ sang hội họa một cách tự do, bản năng.

Ông yêu thích sơn mài truyền thống, nhưng lại ứng dụng tạo hình hiện đại, tối giản: “Chất liệu và kỹ thuật thì hoàn toàn truyền thống nhưng tạo hình thì hiện đại, tối giản, mảng phẳng, đậm nhạt…”. Triết lý ấy giúp tranh của ông được giới sưu tập yêu thích, được bạn bè trân quý, được giới chuyên môn đánh giá cao.

 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đánh giá: "Chuyên nghiệp và kỹ tính, họa sĩ Lê Thiết Cương tự nhận bản thân rất khó trong nghệ thuật. Không chỉ khó với người khác, mà khó cả với chính mình. Phải đòi hỏi cao với chính mình mới làm nghệ thuật được. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ sĩ và người tu hành phật giáo có một điểm chung: đi tu là trở về mình, nghệ sĩ là đi tìm mình. Nghệ thuật là thế. Khi tìm ra được vân tay của mình, là bạn có nghệ thuật. Bạn tìm thấy lòng mình là bạn có nghệ thuật. Tất cả những bậc thầy về nghệ thuật trên thế giới, đều là những người tìm được vân tay của mình".

Không chỉ là họa sĩ, ông còn viết sách, xuất bản 3 tập: "Thấy" (2017), "Người và nhà" (2024) và "Trò chuyện với hội họa" (2025). Trong sách, ông thể hiện sự trăn trở về văn hóa Việt, về sự mai một của làng nghề, về “sự không bán được” của nghệ thuật và cả về sự cô đơn của người nghệ sĩ.

“Tôi chưa từng thấy cái gì hay mà lại không bán được cả… Có ai mà lại chẳng từng có thời kỳ bị lặp lại mình? Vấn đề là có vượt qua được những bế tắc để đi tiếp hay không?”, ông viết. Những dòng ấy, giờ đọc lại, như một bản tóm lược cho cả cuộc đời và quan niệm nghệ thuật của ông.

Người cô độc giữa bạn bè - và được yêu thương đến phút cuối

Theo nhà thơ Hàm Anh, họa sĩ Lê Thiết Cương là “người nhiều bạn nhưng cũng rất cô độc”. Dù vậy, ông vẫn chọn sự cô đơn như một phần tự nhiên của đời sống nghệ sĩ. Nhà thơ kể: “Những gì gắn kết giữa anh Cương và mình có lẽ sâu đậm nhất vẫn là tập Màu tự nhiên và câu ‘tắt cả bóng tối’ mà anh lấy gọi mình thay cho tên…”.

Bài thơ Chiều suông rộng mà Hàm Anh viết tặng ông từ năm 2017 đã tiên báo một buổi chia tay lặng lẽ và thanh thản:

“không gì rộng bằng chiều suông giã rượu

giơ tay huơ… trống lạnh mấy gian…

em đi hết, những người kia đi hết

sân khấu buông, trong tối mắt dần lên…”

Ở chiều sâu khác, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhìn nhận: “Họa sĩ Lê Thiết Cương trở về miền tối giản riêng mình”. Ông gọi nhà 39 Lý Quốc Sư là “địa chỉ quen thuộc với văn nghệ sĩ cả nước”, nơi ông Cương sống chan hòa, sôi nổi nhưng cũng rất cô độc - một trạng thái phổ biến của những nghệ sĩ thực thụ.

Ảnh: FBNV
Ảnh: FBNV

Dù đã trút hơi thở cuối cùng, hình ảnh họa sĩ vẫn còn lưu lại qua những tâm tình sâu sắc: “Một đời làm nghệ thuật vẽ được mấy tranh đẹp, nhầm lẫn, sai lầm, mò mẫm là chính, hoang mang, ảo tưởng là chính… Nghệ thuật cũng sinh động như cuộc sống”.

Trong bài chia tay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Thần chết đã thắng Cương và lần lượt thắng tất cả chúng ta… Nhưng Cương đã đi một cách trọn vẹn đoạn đường ấy”.

Và khi ông nhắm mắt “về với mẹ”, nhiều người đã thấy đó không phải là một kết thúc bi kịch, mà là một sự trở về. Về với mái nhà tuổi thơ, với những tháng năm đẹp nhất, với nghệ thuật tối giản – và với chính bản thể thật của mình.

Không chỉ là nghệ sĩ, ông còn là người yêu văn hóa Việt đến tận gốc rễ. Trong các bài viết và cuộc trò chuyện, ông luôn nhắc đến việc cần tôn vinh nghệ nhân, giữ gìn tinh thần làng nghề, đề cao giá trị truyền thống đi cùng đổi mới: “Không có nghệ nhân tâm huyết thì không có thế hệ kế tiếp… cũng cần nhanh chóng thay đổi chính sách nhằm kích hoạt các nghệ nhân và các làng nghề truyền thống”.

Và cuối cùng, người nghệ sĩ ấy đã tìm được bình yên sau một hành trình nghệ thuật dài, sôi nổi, bất khuất và đầy chất thơ. “Tôi tìm mãi không thấy họa sĩ nào vẽ đẹp từ lúc bắt đầu đến khi chết”, ông từng viết. Nhưng trong mắt đồng nghiệp, bạn bè, công chúng yêu nghệ thuật - ông đã sống một đời đẹp như chính những đường nét giản dị mà thấm đẫm suy tư trong từng bức tranh của mình.

Theo Hà Phương/VOV.VN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh