Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân gian

05:55, 08/07/2025

Văn hóa dân gian đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc. Trải qua gần 300 năm hình thành và phát triển, trên vùng đất Vĩnh Long đã sản sinh ra những giá trị lớn, đặc sắc về văn hóa, văn nghệ dân gian cần được nhận diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy. 

Di sản tri thức, văn nghệ dân gian viết trên lá buông của đồng bào Khmer. 
Di sản tri thức, văn nghệ dân gian viết trên lá buông của đồng bào Khmer. 

Quan tâm giữ gìn kho tàng tri thức dân gian

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, sau năm 1975, văn nghệ dân gian Vĩnh Long được các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, các cơ quan, trường ĐH… dành nhiều sự quan tâm.

Có thể kể các tác phẩm: “Vài nét về văn hóa dân gian ở Long Hồ” của Lương Minh Châu năm 1983; “Vài nét về cù lao An Bình qua ca dao, dân ca” của Nguyễn Trọng Dũng, Văn nghệ Cửu Long, 1987; “Chuyện vui Bác Tám Cồ” của Hồ Tĩnh Tâm năm 1997.

Một công trình sưu tầm, nghiên cứu công phu, đồ sộ về văn nghệ dân gian của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên địa bàn tỉnh Cửu Long là tập sách “Dân ca Cửu Long” của Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Giang, Thạch An, Sở Văn hóa Thông tin Cửu Long, xuất bản 1986. Công trình nghiên cứu này có tiếng vang lớn và giá trị học thuật cao… 

Đến năm 2003-2004, Sở Văn hóa-TT-DL tiến hành sưu tầm, nghiên cứu di sản Hán- Nôm. Công trình đã thu thập được nhiều sắc phong, chiếu chỉ, minh văn do triều đình ban cấp qua các thời kỳ. Hàng trăm hoành phi, câu đối, văn tế được lưu giữ, trưng bày tại các đình, đền, lăng, miếu, nhà dân trong tỉnh.

Đặc biệt, là 3.000 trang văn bản Hán- Nôm lưu giữ tại di tích Minh Hương Hội quán tại TP Vĩnh Long. Theo lời kể của ông Nguyễn Minh Phụng làm thủ từ tại Minh Hương Hội quán, khối tư liệu đặc biệt này được lưu giữ cẩn thận từ thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Pháp thuộc cho đến những năm gần đây.

3.000 trang văn bản Hán- Nôm lưu giữ tại di tích Minh Hương Hội quán có giá trị to lớn.
 

Nguồn tài liệu hết sức quý giá, đáng tin cậy này có thể dùng để nghiên cứu về kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ của Vĩnh Long mà cả vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ XIX đến nay. Hơn 3.000 trang văn tự tin cậy thật sự là bảo vật vô giá, chưa có nơi nào ở ĐBSCL còn lưu giữ được.

Năm 2006, Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp tổ chức đợt sưu tầm hát ru trên địa bàn tỉnh. Qua đợt sưu tầm đã ghi âm, ghi chép được trên 400 tác phẩm. Tuy các tác phẩm sưu tầm được trong đợt này tuy chưa phản ánh đầy đủ di sản hát ru còn lưu truyền trong dân gian nhưng đã thể hiện diện mạo của hát ru; mang đậm dấu ấn của ĐBSCL, là một bộ phận của di sản hát ru Việt Nam, hòa chung dòng chảy của nghệ thuật hát ru dân tộc. 

Năm 2010, ông Nguyễn Xuân Hoanh tiến hành nghiên cứu về di sản văn hóa ngôi nhà của người Việt ở Vĩnh Long. Đây là công trình khảo cứu chuyên sâu về kiến trúc ngôi nhà và các yếu tố phi vật thể liên quan đến mỹ thuật truyền thống, phong tục tập quán của cư dân khi xây dựng, sử dụng và bảo tồn ngôi nhà truyền thống suốt mấy trăm năm qua trên vùng đất Vĩnh Long.

Ngôi nhà của người Việt vừa là nơi cư trú, sinh hoạt, duy trì nòi giống vừa mang chức năng là một bảo tàng thu nhỏ của từng gia đình, họ tộc. Vì vậy, cho thấy hơn 100 ngôi nhà xưa, nhà cổ ở Vĩnh Long là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần làm nên diện mạo của một vùng đất. Tác phẩm “Ngôi nhà gỗ dân gian truyền thống của người Việt ở Vĩnh Long”, được xuất bản năm 2011.

Gần đây nhất, nhà văn, nhà báo Nguyễn Trọng Dũng đã xuất bản 2 tập sách “Chuyện ít người biết” (NXB Thuận Hóa, tập 1 phát hành năm 2023, tập 2 phát hành đầu năm 2025). Đây là tác phẩm tập hợp những câu chuyện dân gian, giai thoại, huyền thoại… của vùng đất Vĩnh Long, ĐBSCL từ thời khai hoang mở cõi, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và những năm gần đây.

Phát huy giá trị trong đời sống hiện đại

Năm 2013-2014, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh tổ chức cho giảng viên và sinh viên Khoa Văn học của trường đi điền giả và sưu tầm văn học dân gian tại tỉnh Vĩnh Long. Qua đợt sưu tầm, đoàn đã tiếp xúc với 1.976 người, thu về được 2.750 tác phẩm. Công trình “Văn học dân gian Vĩnh Long” của nhóm tác giả được giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2019. 

Công trình nghiên cứu của thầy và trò Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
Công trình nghiên cứu của thầy và trò Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn

Theo nhóm tác giả La Mai Thi Gia, Phan Xuân Diện, Lê Thanh Vy, về mặt đơn vị thể loại thì trong số gần 3.000 đơn vị văn học dân gian thu được qua sưu tầm điền dã tại Vĩnh Long có thể thấy chiếm đa số là thể loại ca dao, hát ru, tục ngữ, câu đố, trong đó dồi dào nhất là thể loại ca dao với gần 50% tổng số đơn vị tác phẩm.

Nội dung ca dao Vĩnh Long cũng chứa đựng hầu hết các chủ đề chung của ca dao cả nước như tình yêu quê hương, yêu lao động, yêu đất nước, con người, tình yêu trai gái, tình cảm gia đình và những suy tư của người lao động về những vấn đề nhân sinh trong cuộc sống. Có những câu ca dao đặc sắc riêng với sự xuất hiện của các địa danh hay sản vật địa phương, thể hiện “Vĩnh Long đất lịch người xinh/ Ruộng vườn tươi tốt dân tình hiền lương”. 

Nhóm tác giả nhận xét rằng, văn học dân gian Vĩnh Long cũng đã hiển lộ một chân dung khá trọn vẹn về một nền văn học cổ truyền với đầy đủ phương diện và đặc trưng thể loại cơ bản nhất. Quyển sách có thể được ví như một sự kiểm kê nghiêm túc về văn học dân gian truyền thống một cách kịp thời và đó cũng là một điều cần thiết để có những kế hoạch cụ thể hơn cho việc sưu tầm và nghiên cứu trong tương lai. 

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng phát biểu: “Văn nghệ dân gian là bộ gien nuôi dưỡng nền văn hóa dân tộc”. Văn hóa dân gian như một bức tranh đa sắc màu được dệt từ các câu chuyện, truyền thuyết và các biểu hiện văn hóa vừa kết nối mọi người với quá khứ, vừa giúp hiểu thế giới hiện tại xung quanh.

Khả năng ứng dụng của văn hóa dân gian không chỉ trong học đường mà còn ở nhiều lĩnh vực khác của đời sống như văn hóa, du lịch, kinh tế... Bảo tồn và tôn vinh văn hóa dân gian góp phần giữ gìn phát huy tài sản tinh thần quý báu mà tiền nhân đã dày công sáng tạo, trau truyền.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL

Những công trình nghiên cứu qua 50 năm qua cho thấy sự phong phú, đa dạng, cũng như trữ lượng đồ sộ của văn nghệ dân gian ở Vĩnh Long. Tuy nhiên, qua đó cũng thể hiện rõ là vẫn còn thiếu những công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện hơn về văn nghệ dân gian ở Vĩnh Long. Sự thiếu sót, chậm trễ này có thể dẫn đến sự mai một các giá trị văn nghệ truyền thống, nhất là trong thời kỳ hội nhập sâu với văn hóa, văn nghệ thế giới hiện nay. Thời gian tới, cần nghiên cứu, sưu tầm về các làng nghề truyền thống; nghiên cứu về các kỹ năng, vốn quý mà các nghệ nhân dân gian đang nắm giữ; sưu tầm thêm di sản tri thức, văn nghệ dân gian viết trên lá buông của đồng bào Khmer…

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh