Đình làng Tân Quới (xã Tân Quới, TX Bình Minh), là một trong những thiết chế văn hóa truyền thống tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ. Không chỉ mang giá trị kiến trúc cổ kính, đình còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, gắn liền với hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và gìn giữ bản sắc văn hóa cộng đồng.
![]() |
Các nghi lễ truyền thống được thực hiện đầy đủ, trang nghiêm. |
Chứng tích lịch sử đấu tranh hào hùng…
Theo các bậc cao niên trong Ban Phụng tự đình Tân Quới, đình được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, với lối kiến trúc mang đậm phong cách Nam Bộ xưa, được dựng hoàn toàn bằng các loại gỗ quý như căm xe, gõ, cà chất… tạo nên sự bề thế, vững chãi và trang nghiêm. Năm 1852, dưới triều vua Tự Đức, đình được sắc phong Thành hoàng bổn cảnh, chính thức trở thành nơi thờ tự thiêng liêng, gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của người dân trong vùng.
Điểm đặc biệt của đình Tân Quới là vị trí địa lý khá kín đáo, cách dòng sông Hậu khoảng 3km, ngang sông Trà Mơn- một nhánh nhỏ của sông Hậu. Với địa thế vừa thuận tiện giao thông đường thủy vừa tách biệt khỏi trung tâm đô thị, nơi đây từng là điểm tập kết, hoạt động an toàn cho phong trào cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa chống Pháp.
Vào năm 1945, khi nạn đói hoành hành tại miền Bắc khiến hàng triệu người thiệt mạng, ông Nguyễn Văn Huynh (đảng viên Chi bộ Phong Hòa) cùng ông Nguyễn Thành Khâm (cựu học sinh Trường Collège Cần Thơ) đã triệu tập một nhóm học sinh- sinh viên yêu nước thành lập “Đoàn ca kịch cứu tế nạn đói miền Bắc”.
Đoàn có 15-20 người, họ tự sáng tác kịch bản, tổ chức tập luyện, tự lo ăn ở, để sớm ra mắt vở diễn vận động quyên góp cứu đói cho đồng bào.
Sau hơn nửa tháng tập luyện, đêm 26/5/1945, tại võ ca của đình làng Tân Quới, đoàn đã công diễn vở cải lương đầu tiên phản ánh thực trạng xã hội lúc bấy giờ, đồng thời thể hiện tấm lòng tương thân tương ái của người dân miền Nam đối với miền Bắc ruột thịt. Vở diễn được quần chúng đón nhận nồng nhiệt, mở ra chuỗi lưu diễn đến các đình làng lân cận như Tân Lược, Phong Hòa, Mỹ Thuận… Số tiền thu được đều gửi ra Bắc góp phần cứu đói.
Không dừng lại ở đó, vào ngày 26/8/1945, Đội Thanh niên Tiền phong của làng Tân Quới đã tổ chức cướp chính quyền tại đình với lời thề “Chúng con nguyện dấn thân vì Tổ quốc, vì Nhân dân để cởi xiềng xích nô lệ,…”.
Sau khi cướp chính quyền thành công, chính quyền mới được thành lập, đình làng Tân Quới trở thành trụ sở cách mạng, nơi huấn luyện dân quân, rèn vũ khí, tổ chức sinh hoạt, cất giữ quân nhu và trở thành doanh trại của lực lượng du kích địa phương. Lúc cao điểm, lực lượng du kích có đến 36 đội viên nam, được tuyển chọn từ chính Đội Thanh niên Tiền phong.
Đến ngày 31/1/1946, giặc Pháp bất ngờ tấn công xã Tân Quới, lục soát đình và phát hiện vũ khí còn sót lại. Sau đó, chúng đốt phá, chánh điện bị thiêu rụi hoàn toàn. Tuy nhiên, tinh thần cách mạng và tín ngưỡng của người dân không bị dập tắt. Ban tế tự và người dân trong làng vẫn bí mật thờ cúng, tiếp tục nuôi giấu cán bộ, hỗ trợ kháng chiến trong điều kiện khó khăn, khốc liệt.
Chung lòng giữ gìn nét đẹp văn hóa đình làng
Trải qua thăng trầm lịch sử, với tinh thần đoàn kết và ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống, người dân Tân Quới đã chung tay góp sức phục dựng lại ngôi đình. Đến nay, khu chánh điện đã được trùng tu, bài trí thờ tự trang nghiêm. Võ ca- sân khấu xưa, nơi từng diễn ra những vở cải lương cứu đói đầy cảm xúc, cũng được sửa chữa để phục vụ các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng.
![]() |
Phong tục rước sắc thần bằng ghe được duy trì cho đến ngày nay. |
Ông Nguyễn Văn Bon- Trưởng Ban Quản lý đình Tân Quới cho hay: “Từ trước đến giờ đình Tân Quới luôn được chính quyền địa phương, Ban Quản lý đình cũng như bà con Nhân dân ra sức bảo vệ, dựng xây. Năm 2008, đình Tân Quới được công nhận Di tích Lịch sử- văn hóa cấp tỉnh. Trải qua nhiều lần tôn tạo đình ngày càng khang trang nên bà con Nhân dân vô cùng phấn khởi”.
Hiện nay, bước vào khu chánh điện, du khách có thể thấy bàn thờ được bài trí công phu. Trước tiên là bàn thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực- được đưa vào thờ tự từ năm 1990. Tiếp đến là bàn thờ Hội đồng, nơi đặt linh vị Hoàng đế Tự Đức trong một tủ gỗ chạm trổ tinh xảo.
Hai bên là các bàn thờ Tả ban- Hữu ban, cùng với bàn thờ chính giữa dành cho Thành hoàng bổn cảnh với chữ “Thần” viết bằng Hán tự đặt trong một khánh thờ trang trọng.
Hàng năm, đình Tân Quới tổ chức nhiều lễ cúng theo phong tục đình làng Nam Bộ như lễ khai sơn (7 tháng Giêng), lễ đưa ông Táo (23 tháng Chạp), cúng chiến sĩ trận vong, lễ Hạ điền (rằm tháng 4), lễ Thượng điền (rằm tháng 11)... Đặc biệt, tục rước sắc thần bằng ghe vẫn được duy trì đều đặn, thể hiện sự gìn giữ nét văn hóa đặc trưng gắn liền với đời sống sông nước miền Tây.
“Vào các kỳ lễ Hạ điền, Thượng điền chúng tôi sẽ tập trung đi rước sắc thần tại hộ gia đình ông Hà Bửu Mạnh (thuộc gia tộc Hà Bửu vốn có uy tín trong vùng) về lại đình. Mặc dù giờ đường sá thông thoáng, dễ dàng di chuyển bằng xe nhưng Ban Quản lý đình và bà con Nhân dân vẫn quyết tâm gìn giữ việc rước sắc thần bằng ghe như một nét đẹp truyền thống từ ngàn xưa của tổ tiên truyền lại”- ông Nguyễn Văn Bon cho biết thêm.
Ông Hà Bửu Mạnh vui vẻ cho hay: “Tôi là truyền nhân đời thứ 4 trong gia tộc Hà Bửu giúp cất giữ sắc thần. Đối với cả gia tộc và tôi đây là niềm vui, niềm vinh hạnh rất lớn lao. Trước đây vào mỗi dịp rước sắc thần bà con 2 bên bờ sông thường sẽ lập bàn thờ vọng cúng kiếng”.
![]() |
Nhiều trường học trong khu vực thường tổ chức các chuyến tham quan thực tế tại đình nhằm gieo mầm kết nối, giữ gìn văn hóa truyền thống cho các em học sinh. |
Đình làng Tân Quới ngày nay không chỉ là di tích mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc mà còn là nơi kết nối cộng đồng, gìn giữ giá trị văn hóa- tâm linh của người dân địa phương. Cô Nguyễn Thị Bé Bảy vừa trộn xôi vừa tươi cười nói: “5 năm nay, cứ hễ đến ngày cúng là tôi cùng bà con đến đình phụ dọn dẹp, bày biện bếp núc, nấu nướng đãi khách xong lại dẹp vệ sinh sau lễ. Thường thì bữa chính khách đến rất đông khoảng 700 người, nên mình phải chuẩn bị kỹ càng, đâu ra đó”.
Trong bối cảnh hiện đại hóa ngày càng mạnh mẽ, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đình Tân Quới không chỉ là việc làm cần thiết mà còn là cách để nối dài mạch nguồn văn hóa, hun đúc tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước- những phẩm chất đã gắn bó mật thiết với người dân Nam Bộ suốt bao thế hệ.
Bài, ảnh: XUÂN NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin