Có một màu nắng tháng năm thật đẹp

08:41, 17/05/2025

Những ngày đầu tháng 5/1975, sau khi miền Nam giải phóng, với bao công việc bộn bề khi đất nước vừa sạch bóng quân thù đã để lại trong lòng nhiều văn nghệ sĩ những ấn tượng không phai. Cảm xúc đầy tự hào hòa trong niềm vui chiến thắng khi đất nước hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, non sông về một mối trở thành đề tài thu hút nhiều văn nghệ sĩ trong sáng tác. Có nhiều tác phẩm của các văn nghệ sĩ đạt giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật đã ra đời trong những ngày tháng 5 lịch sử ấy.

Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Ảnh: TL
Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Ảnh: TL

“Nắng tháng năm”

Với chất liệu bột màu, bức tranh “Nắng tháng năm” của họa sĩ Quách Phong, một họa sĩ kháng chiến, SN 1938, quê quán xã Mỹ An, huyện Mang Thít được tác giả hoàn thành sau ngày chiến thắng 30/4/1975 tại Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh, đã trở thành một tác phẩm hội họa được nhiều người biết đến. Hiện bức tranh này được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội.

Là một người được đào tào bài bản về hội họa, từ 1952-1954 ông theo học ở Trường vẽ Gia Định (ngày nay là ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh), năm 1954 khi Hiệp định Genève được ký kết, ông tập kết ra Bắc và tiếp tục học trung cấp tại Trường Mỹ thuật Hà Nội và sau đó được đặc cách lên học CĐ Mỹ thuật Việt Nam. Học đến năm thứ 3 (1962), Quách Phong được Bộ Văn hóa và Ban Thống Nhất tuyển chọn huấn luyện để trở về miền Nam công tác.

Năm 1963, ông trở lại miền Nam và bị thương khi tham gia Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Năm 1969, họa sĩ về công tác tại Phòng Hội họa Giải phóng, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam (đóng ở Bắc Tây Ninh). Thời kỳ này, các sáng tác của họa sĩ chủ yếu là vẽ ký họa, tranh cổ động, minh họa báo phục vụ tuyên truyền. Năm 1973, từ chiến trường, họa sĩ Quách Phong trở ra Hà Nội để dưỡng thương và tiếp tục hoàn thành chương trình CĐ Mỹ thuật còn học dang dở. Năm 1975, khi được cử đi học ngoại ngữ và chuẩn bị lấy hộ chiếu để đi học Cao học tại Bulgaria thì được tin quân ta đã giải phóng Đà Nẵng, Quách Phong liền lên Ban Thống Nhất đề đạt nguyện vọng xin được ở lại để vào chiến trường miền Nam. Chính vì vậy ông đã được chứng kiến khoảnh khắc quý giá của ngày 30/4/1975 lịch sử, giây phút Sài Gòn giải phóng.

Trưa ngày 30/4/1975, ông có mặt ở khu vực Dinh Độc Lập, trực tiếp chứng kiến cảnh đoàn xe tăng quân giải phóng tiến về thành phố giữa sự chào đón của lớp lớp người dân. Không khí thật rộn ràng. Khắp nơi cờ hoa rực rỡ. Ông liền vội lấy sổ tay ra ký họa nhanh làm tư liệu. Sau khi bức tranh hoàn thành, ông đặt tên tác phẩm là “Nắng tháng năm”. Trung tâm bức tranh là các chiến sĩ giải phóng quân ngồi trên những chiếc xe tăng, bên cạnh có những cô du kích, tự vệ với chiếc nón tai bèo quen thuộc. Một rừng cờ hoa hiện lên với những lá cờ đỏ sao vàng, cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Chiếm phần lớn diện tích bức tranh là hình ảnh những tà áo dài trắng của các nữ sinh và các em thiếu nhi đang vẫy tay chào đoàn quân giải phóng. “Nắng tháng năm”- phải chăng trong không khí mừng vui chiến thắng họa sĩ còn có ngụ ý nhắc đến chiến dịch cuối cùng mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh là để dâng lên vị cha già dân tộc trong tháng 5- ngày 19 tháng 5- ngày sinh nhật của Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

Sau này ông lần lượt giữ các chức vụ Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Dù hiện nay tuổi đã vào hàng U.90 nhưng họa sĩ Quách Phong vẫn say mê sáng tác, thực hiện những tác phẩm tranh hoành tráng về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng.

Khoảnh khắc không phai

Tháng 4/1975, không khí chiến thắng vang dội của quân giải phóng trên khắp chiến trường miền Nam khiến cho quân địch hoang mang, khiếp sợ. Chiều 29/4/1975, cố vấn Mỹ và nhiều chỉ huy quân đội Sài Gòn tại Côn Đảo đã vội vã lên máy bay tại sân bay Cỏ Ống và xuống tàu tháo chạy khỏi Côn Đảo.

Thông qua công tác binh vận, 3 giờ sáng ngày 1/5/1975, toàn bộ các khu trại giam được mở cửa và Đảo ủy lâm thời được thành lập, thay mặt cho chính quyền cách mạng quản lý mọi việc tại Côn Đảo. Ngày 4/5/1975, 2 chiếc tàu hải quân xuất phát từ cảng Rạch Dừa, Vũng Tàu đã cập cầu tàu Côn Đảo đưa lực lượng tiếp quản đảo và sau đó tổ chức đưa những người tù lên tàu trở về đất liền.

Khi hay tin tàu hải quân ra tiếp quản Côn Đảo, lúc quay về đất liền chở theo 36 tử tù và hàng trăm tù nhân bị địch bắt giam cầm sẽ cặp cảng quân sự Rạch Dừa (Vũng Tàu) vào ngày 6/5/1975. Lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam liền cử nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long (1926-1997) ra Vũng Tàu để kịp ghi lại sự kiện này.

Khi đứng trước cổng khu đón tiếp với máy ảnh sẵn sàng tác nghiệp, ông chợt thấy hình ảnh một bà mẹ người miền Nam đầu tóc bạc phơ đang ôm choàng một thanh niên trong bộ đồ đen và cả hai đều khóc nức nở.

Đó là khoảnh khắc bà mẹ vòng tay qua cổ và gục vào vòng tay người con, còn người con trai với khuôn mặt hốc hác, dáng người ốm yếu, bàn tay gầy guộc- hậu quả của những năm tháng bị giam cầm ở “địa ngục trần gian”- cũng không giấu được vẻ mừng vui, lẫn xúc động nghẹn ngào trong phút giây thiêng liêng mẹ con gặp mặt.

Bức ảnh sau đó được Thông tấn xã Việt Nam và nhiều tờ báo trong và ngoài nước sử dụng, như một biểu tượng hào hùng của cuộc chiến tranh 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam giành hòa bình, tự do, độc lập, Bắc Nam sum họp một nhà.

Được biết nhân vật người mẹ trong bức ảnh là bà Trần Thị Bính (1908-1999), quê quán huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, còn người con là tử tù Lê Văn Thức, SN 1941. Ông Thức sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng. Sau khi được kết nạp Đảng vào năm 1966, ông nhận nhiệm vụ của cấp trên xung phong vào hàng ngũ lính Việt Nam Cộng hòa với vai trò của một tình báo cài cắm hoạt động ngay trong lòng địch.

Bức tranh “Nắng tháng năm” của họa sĩ Quách Phong. Ảnh: TL
Bức tranh “Nắng tháng năm” của họa sĩ Quách Phong. Ảnh: TL

Khi về công tác ở một đơn vị bộ binh, đóng quân trong căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho. Tại đây ông được lệnh của Binh vận Khu 8- vẽ bản đồ chi tiết phục vụ cho quân giải phóng tấn công căn cứ này. Tuy nhiên sau đó người chỉ huy là Phó Ban Binh vận Khu 8, khi mang tài liệu về căn cứ đã bị địch bắn chết và thu được tấm bản đồ có nét chữ ghi chú mục tiêu của sĩ quan Nguyễn Văn Thức. Ông bị Tòa án quân sự chính quyền Sài Gòn tuyên án tử hình với tội danh “Hoạt động nội tuyến cho cộng sản”, đem giam ở khám Chí Hòa và một số nơi khác. Năm 1973, địch đưa ông ra Côn Đảo giam trong khu dành riêng cho tử tù.

Và sáng ngày 6/5/1975, khoảnh khắc người tử tù Nguyễn Văn Thức gặp lại mẹ già sau hơn 7 năm bị địch giam cầm, đã được nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long kịp thời ghi lại, trở thành một bức ảnh nổi tiếng trong và ngoài nước. Giá trị của bức ảnh không chỉ mô tả hạnh phúc đoàn tụ gia đình, mà còn mang giá trị thiêng liêng về sự hy sinh vô giá của biết bao gia đình, biết bao thế hệ vì hòa bình, tự do, độc lập.

TRẦN THẮNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh