HIỀN DƯƠNG
![]() |
Minh họa: Trần Thắng |
Người thanh niên lững thững bước xuống bến, qua phà Lục Sĩ Thành. Hỏi ông Tám Trang, người ở Kinh Ngây chỉ anh đi về phía ngôi nhà đúc vừa được phết lại lao xao mùi vecni. Đã 3 năm có lẻ. Vinh vẫn nhớ mang máng nhưng sợ nhầm. Thời gian dễ làm phai những dấu vết. Anh hít một hơi sâu trước khi cất tiếng gọi khẽ: Ông Tám ơi!
Một bóng ông lão lom khom bước ra. Đưa tay che ánh nắng làm mắt nheo, ông Tám thấy trong mình nôn nao kỳ lạ. Là mơ hay thực, nhân dạng người thanh niên ngó bộ sao mà giống thằng cháu nội mà ông vẫn hằng thương nhớ ngày đêm. Nhưng nó đâu thể nào đường hoàng đứng trước mặt ông được. Nó ở kia, giữa làn hương khói tỏa lúc nào cũng nguyên một gương mặt mỉm cười.
Người thanh niên bước tới cầm lấy tay ông vẫn đang từng hồi run lên, hồ hởi: Con là Vinh. Mắt ông già cụp xuống ép chặt lại mặc giọt nước vừa đánh rơi, giọng bồi hồi: Đúng rồi, bây không phải thằng Hiển.
Vinh dìu ông Tám vào trong. Bỏ ba lô xuống bộ ván gõ, anh tiến đến bàn thờ đốt mấy nén nhang. Khi ánh mắt hai anh em chạm nhau, Vinh khấn khẽ: Em đã về.
Mới đó mà đã hơn 10 năm kể từ ngày anh Hiển đi xa. Hồi đó Vinh chỉ là cậu bé 13, vẫn còn dại ngây, nhưng kỷ niệm về những ngày ít ỏi hai anh em bên nhau đến bây giờ vẫn không dễ gì quên được. Dù không cùng họ nhưng vẫn là từ một mẹ sinh ra. Nên khoảng cách địa lý có xa cũng không khiến sợi dây thâm tình đứt đoạn.
Vinh vẫn nhớ mùa hè cuối cùng anh Hiển sang xứ lạnh thăm anh và mẹ. Quà mang theo là một túi nhái nhỏ đựng nắm đất nâu cùng cát sỏi, nhắc Vinh đừng quên xứ sở quê nhà. Từ sau khi bác Hải, cha anh Hiển, đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường Tây Nam, ông Tám luôn giục mẹ: Bây còn trẻ quá, để thằng Hiển lại tao nuôi, lo mà tạo dựng gia đình mới đi. Mẹ cũng chần chừ suốt mấy năm trước khi đi bước nữa với một Việt kiều vốn là bạn từ thời trung học.
Vinh được sinh ra ở thành phố đêm trắng, nơi mà từ cửa sổ căn chung cư nhỏ của gia đình nhìn ra ngoài là thẳng tắp những hàng bạch dương. Gọi là Việt kiều nhưng cha Vinh vẫn phải làm công cật lực chẳng khác nhiều hồi ở quê hương. Vả chăng là đồng tiền ở đây có giá.
Nhiều năm tích góp cũng chỉ đủ để ông mua một căn hộ khiêm tốn cho 3 người có chỗ chui ra chui vào. Còn từ sáng sớm đến tối mịch vẫn phải è lưng vất vả mua bán ở chợ. Đêm nào ông cũng về vào lúc khuya khoắt khi Vinh đã ngủ, sáng ra khi đứa con trai nhỏ còn chưa dậy thì ông đã đi bộ hàng cây số giữa cái lạnh cắt da cắt thịt để trèo lên tàu điện ra chợ cho kịp giờ dọn hàng.
Khi Vinh lớn hơn một chút thì mẹ cũng theo ra chợ cùng cha. Anh ở nhà, tự vệ sinh cá nhân, ốp trứng úp mì gói cho bữa sáng trước khi đón xe đến trường tiểu học. Sau này, mỗi mùa hè mẹ dụm dành để mua vé máy bay đón anh Hiển sang chơi. Với Vinh, đó mãi mãi là những mùa hè rực rỡ.
Có lẽ bởi khoảng cách tuổi tác khá xa mà anh Hiển nuông chiều Vinh hết mực. Anh luôn kiên nhẫn lắng nghe những phát kiến mới của cậu nhóc mới lớn vốn khá hiếu động, bao giờ cũng bày ra lắm trò. Nhưng với những bài học Tiếng Việt thì anh luôn chú tâm và nghiêm khắc. Anh Hiển bảo: Dù có ở đâu, em cũng không được đánh mất tiếng nói bản xứ của mình.
Sau này khi cha Vinh mất vì lao lực, anh Hiển trở thành người cha thứ hai. Ngỡ cuộc đời về sau là những ngày tháng êm đềm thì bất thình lình anh Hiển trở về khi mùa thu hãy còn xa và ai mà biết đó là lần cuối cùng gặp gỡ.
Ngậm ngùi hồi tưởng về quá khứ, Vinh hít một hơi sâu để làn không khí dịu mát tràn vào cuống phổi xoa dịu đi cái nghèn nghẹn đến mất thở mỗi lần nhớ lại chuyện đã qua. Giá như anh Hiển chưa bao giờ bằng mọi giá đặt chân đến cánh rừng năm xưa- nơi người lính trận gửi xác dưới tầng tầng bụi mù khuất lấp đất sâu, thì có lẽ...
Ông Tám hỏi thăm, chuyện nọ xọ chuyện kia rồi thể nào lại quay về mớ ký ức ngày cũ. Mắt ông già trắng dã, tròng mắt kéo đám mây dần chuyển sang màu đỏ khi nhắc về chuyến đi định mệnh của anh Hiển ngày nào. Giọng ông trầm khàn cố nén một chút nghẹn ngào nơi cổ họng. Ông bảo: Nó đòi qua bển một lần chót nữa để coi có tìm được nắm xương tàn của cha nó không. Có điều trái mìn sót đã đưa hai cha con nó về cùng một bữa.
Giữa buổi chiều tà, ông già đưa tay kéo chiếc khăn rằn vắt vai lên chặm nước mắt. Gương mặt ông méo mó càng khô hóp lại, lẽ thường người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh luôn là chuyện đau lòng. Cặp vách, bà Sáu hàng xóm nhai trầu nhỏ nhẻ, đưa tay tém vuốt vành môi lem bã.
Cũng may mà tối lửa tắt đèn ông Tám vẫn còn ông bà Sáu kế bên hủ hỉ. Mỗi lần Vinh về, bà Sáu đều kéo Vinh ra hỏi nhỏ: Chứ má con bây có định về xứ không? Bà Sáu biểu: Anh Tám coi vậy chứ trong mình yếu lắm rồi. Mà ảnh coi bây như cháu ruột.
Vinh cười hiền, chăm chú nhìn đôi tay khẳng khiu của bà Sáu chẻ từng sợi lạt. Mái tóc thưa búi múi cau đã bạc gần hết nhưng vẫn còn khuya sớm nhọc nhằn. Bà Sáu xua tay, bảo: Chớ mấy đứa khách dưới chợ nổi khen Sáu còn mạnh tay mạnh chân bán buôn hàng họ khỏe re. Lưng bà nội tụi nó ở quê tuổi này đã còng mà Sáu vẫn còn ngồi gói bánh tét mấy chục đòn một ngày vẫn không đủ bán.
Tụi nó đòi “xin vía” Sáu để ông bà ở nhà mạnh giỏi rồi tụi nó sẽ dẫn đi đó đi đây chơi cho bõ cái tuổi già. Có con có cháu lúc về chiều ngẫm cũng sướng thiệt heng bây? Mắt bà Sáu bắt đầu kéo mây đỏ chạch, nước đọng lại rồi trào ra chan chứa khiến Vinh giật mình, hỏi: Sao Sáu khóc?
Giọng bà Sáu buồn thương, chuyện của bao lâu rồi mà tưởng như vừa mới. Bà ngước lên nhìn Vinh, kể: Đợt đó vào dịp Tết, tụi nó họp mặt nhau ăn bữa cơm trước khi ra trận. Thằng nào cũng trẻ, tướng tá cao ráo phải điệu lính.
Cười cười nói nói, đứa nào đứa nấy luôn miệng gọi “má Sáu má Sáu”, biểu má nhớ gói thêm bánh làm thêm mứt, thắng trận này tụi con về ăn Tết với bà con mình. Chắc là vui lắm. Sáu với mấy bà ở xóm nghe sướng thiệt là sướng, nhà nào cũng gom đậu gom nếp gói bánh tét. Vậy đó mà tụi nó có đứa nào về ăn đâu bây. Sáu khóc hết nước mắt.
Ông Sáu quấn thuốc gò châm lửa hút, ngọn khói bay làm cay mắt. Ông ngồi chéo nguẩy, trách bà Sáu bà nhắc chi ba cái chuyện buồn quá, nhắc chuyện con Thủy cho vui. Chớ bà nhớ không, con gái mình nó hát hay và mùi mẫn, tính đâu đã vô đào chánh đoàn cải lương Tây Đô hồi ấy.
Ông biểu: Phải nó không trúng bom hồi đưa thuốc men vào cứ có khi giờ mình đã có cháu gọi bằng cố ngoại hén bà?
Bà Sáu đưa tay quệt nước mắt, trách: Ông biểu tôi nói chuyện không vui, giờ tới ông lại...
Hai ông bà già kẻ quay đi người cúi mặt run run từng tiếng nấc. Tết với người này là đi tới với người kia lại là trở về.
Cũng như mẹ Vinh, mỗi lần năm hết Tết đến đều bùi ngùi nhắc lại những chuyện cũ càng thuộc về cố hương. Từ ngày cha đổ bệnh, bao nhiêu tiền bạc nhà cửa cũng cuốn gói đi theo, đến khi cha mất thì mẹ con Vinh cũng trắng tay phải ra ngoài thuê chỗ ở.
Chuyện buôn bán hàng họ ở chợ nặng nhọc, cũng may mà Vinh kịp lớn để đỡ đần. Vài lần cuối năm từ khu chợ Việt trở về, Vinh thấy từ mắt mẹ là đám mây hoe đỏ. Vinh biết bà thèm được trở về. Nhưng về đâu khi mà giờ ngoài Vinh ra mẹ đã chẳng còn ai thân thuộc. Mỗi năm cạn Chạp thường là mùa đông nơi xứ lạnh, hai mẹ con tự bày biện không gian sống một chút, nấu vài món quê rồi tuần tự chúc Tết nhau. Nhưng dẫu có cố gắng thể nào vẫn thấy cái Tết ấy thật vô duyên, trong thẳm sâu vẫn nhung nhớ một khoảng trời bình yên ở quê xưa chốn cũ.
Ông Tám giậm chân biểu: Vậy sao hai mẹ con không một lượt mà khăn gói về đây. Mẹ góa con côi ở xứ người sao bằng xứ mình được. Vinh ậm ờ cố giải thích về nỗi lo ngại từ khi anh Hiển mất, giữa mẹ và ông Tám đã không còn mối liên hệ buộc ràng gì. Ông Tám giận nạt: Chứ bây không phải em ruột thằng Hiển hay sao. Rồi ông giục: Mau bấm điện qua cho mẹ bây để tao nói chuyện.
*
Đòn bánh tét tròn lẳn trong tay, bà Sáu chậm rãi buộc. Bà dặn Vinh: Tối nay bây chụm bánh với Sáu nghen. Bà Sáu móm mém cười khi Vinh gật đầu với đôi mắt long lanh sáng.
Rồi một ngày, có chiếc xe con đỗ xịt trước cửa nhà ông Tám. Một người đàn bà xách vali bước xuống, nhìn xung quanh có phần ngơ ngác trước khi mau chân bước qua cổng hàng rào dâm bụt tiến đến trước mặt ông Tám vẫn thấp thỏm ngóng trông, rưng rưng trịnh trọng: Thưa tía, con mới về. Ông Tám cũng xúc động không nói nên lời, chỉ ra hiệu cho Vinh mang hành lý của mẹ vào căn buồng mà mấy ngày nay hai ông cháu đã tất tả dọn dẹp chu đáo.
Bữa cơm đoàn viên dọn ra, già trẻ lớn bé đủ mặt. Tính luôn cả ông bà Sáu, cả thảy có 5 người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin