TRẦN BẠCH
![]() |
Minh họa: Trần Thắng |
Nhân nghỉ lễ được mấy ngày, ông Bình tranh thủ đón xe về thăm quê. Quê ông Bình là một xóm nhỏ ở miền Tây. Xưa nghèo lắm, nay là xã NTM nâng cao. Những con đường đất năm nào đã không còn nữa mà thay vào đó là đường nhựa phẳng lỳ được mở rộng, thảm nhựa, đủ cho cả hai làn xe ô tô, đường đi lại trong xóm cũng được bê tông hóa. Nhà cửa của mọi người được xây dựng kiên cố, khang trang, có không ít nhà sắm được xe ô tô.
Những cánh đồng ở quê luôn đầy ắp nước, không còn khô hạn, thiếu lương thực như ngày trước. Cuộc sống ở xóm nhỏ đã thực sự sôi động khi người dân đã sử dụng các phương tiện hiện đại cho cuộc sống gia đình. Những đứa trẻ trong xóm không còn đen nhẻm như thuở xưa, mà đều được đi học, rồi đi làm công nhân hoặc cán bộ nhà nước. Một cuộc sống no ấm, bình yên hiện diện mỗi ngày trên quê nhà.
Sau này đi làm, có khi phải xa quê vài năm không trở về nhưng miền quê ấy bao giờ cũng thao thức, chờ đợi như tấm lòng một người mẹ luôn rộng mở chờ đón những người con trở về. Lần nào cũng vậy, khi ông Bình mới về tới đầu hè, bà Minh đã huyên thuyên trò chuyện. Bà kể về những đổi thay của quê hương mình.
Lần này cũng vậy, vừa vào tới sân nhà, bà ba Minh từ trong nhà đã đon đả:
- Thầy giáo Bình về thăm chị ba hả em?
- Dạ, em nè chị ba.
Bà Minh bước ra thềm, nắm tay ông Bình cùng bước vào nhà. Vừa đi bà vừa kể, vừa hỏi đủ điều…
***
Nhà bà Minh, cũng chính là nơi mấy anh chị em của ông Bình được sinh ra và lớn lên. Ngày đó, là căn nhà lá dừa nước, nền đất như bao ngôi nhà đơn sơ khác ở vùng này. Ông Bình có 4 anh chị em. Ông hai Hòa lấy vợ rồi về tuốt miền Đông trồng cà phê. Út An theo chồng về chợ sống nghề buôn bán. Sau khi ba má mất, anh em gom góp xây lại ngôi nhà, bà Minh ở đây lo thờ cúng.
Nơi đây, xưa là một vùng quê nghèo khó do hậu quả của cuộc chiến tranh tàn khốc để lại. Cuộc sống nghèo khó, lam lũ nơi làng quê dường như đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí của nhiều người. Bữa cơm không đủ no, tấm áo cộc xơ xác đầy miếng vá, mái nhà lá dừa nước mới mưa đã dột… những hình ảnh ấy thoáng chốc lại hiện lên trong ký ức.
Trong xóm hầu hết là bà con thân thuộc, ai cũng nghèo. Ở vùng này, người ta phân biệt một cụm dân cư này với một cụm dân cư khác là “xóm”, sau này “xóm” tương ứng với một ấp và tên xóm cũng là tên ấp hiện nay. Từ bao đời nay người dân trong xóm chỉ biết làm ruộng. Trước mặt và sau lưng nhà là những cánh đồng. Mùa mưa ngập nước, bùn lầy lội, mùa nắng thì đất nứt nẻ, lọt cả bàn chân, gió thổi rôm rạ, bụi cuốn mù mịt. Đây là vùng quê độc canh cây lúa, ngoài ra chẳng có nghề phụ gì, được mùa thì đủ ăn, mất mùa thì đói kém. Chúng tôi đã trải qua một tuổi thơ nhiều vất vả, thiếu thốn.
Nhất là những năm sau giải phóng, cho đến gần cuối những năm 1980, những năm sau chiến tranh, đất nước bị cấm vận, người dân trong xóm không mấy khi có được lương thực dư dả, bữa ăn thường là khoai, sắn nhiều hơn cơm gạo, thức ăn hàng ngày cũng chỉ có rau muống, rau lang, bầu, bí,… con cá, con cua thì bắt ngoài đồng. Nhiều bữa phải ăn muối kho quẹt. Cả xóm hầu như ít ai có xe đạp và cũng chỉ có một vài gia đình có chiếc radio để nghe tin tức thời sự. Buổi tối khoảng chừng 19-20 giờ là hầu hết các gia đình tắt đèn, chỉ là đèn dầu, đi ngủ để quên đi một ngày lao động mệt nhọc. Cuộc sống trôi qua hàng ngày với vẻ bình lặng, không có được chút sôi động.
Những lần có việc đi xa vài cây số như ra chợ xã, đến hơn chục cây số như lên chợ huyện… để thăm viếng hay mua bán ai cũng phải đi bộ. Bọn nhỏ chúng tôi rất thèm ổi, mía, mít chín, đu đủ… nhưng trong vườn nhà không bao giờ có những thứ ấy, bởi xung quanh vườn chỉ có cây tre và những cây dừa đầy vết bom đạn, gầy còm. Sau những bữa cơm chính, trẻ em hầu như không có quà cáp, thức ăn gì thêm, bởi thế đứa nào cũng khẳng khiu, đen đủi.
Giờ đây, trong một đời sống khá đủ đầy, nhớ lại chuyện ngày xửa, ngày xưa ông Bình không khỏi xót xa, cay cay nơi sống mũi. Buồn và thương nhiều lắm.
Quanh năm chỉ lo cho cái ăn, cái mặc nên việc học hành đa phần chẳng ai quan tâm. Một vài gia đình chỉ cho con em đến trường để học cho biết mặt chữ đã là tốt lắm rồi. Trường học là một ngôi nhà lá dừa nước tuềnh toàng. Bàn ghế học sinh là những thanh tre ghép lại. Tất cả là do bà con trong xóm gom góp rồi góp sức làm đó thôi. Không điện, không nước sinh hoạt, không nhà vệ sinh. Học trò thì thưa thớt, nheo nhóc, đứa nào cũng đen nhẻm, tóc tai, quần áo đều luộm thuộm, không được lành lặn.
Mọi chuyện học hành, cha mẹ đều phó thác cho thầy cô giáo. Thầy, cô giáo đa phần ở trên tỉnh về dạy học, chấp nhận kham khổ, muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, cách ly với cuộc sống thành thị bám trụ để gieo những con chữ nhọc nhằn cho các em vùng nghèo khó này. Từ nhân cách, thái độ, ứng xử, cùng lăn lộn, chia sẻ bao vất vả với người dân nơi đây. Chắc cũng chính vì vậy, khi thầy cô giáo về đây dạy học, luôn được mọi người tôn trọng.
Ngày ấy, quê tôi, người lớn lấy thấy cô giáo là hình mẫu để răn dạy con cái. Còn bọn trẻ chúng tôi luôn ước mơ được học giỏi, hiểu biết sâu rộng và được mọi người tôn trọng như thầy cô giáo. Và ước mơ trở thành thầy giáo đã nhen nhóm trong Bình từ những năm tháng tuổi thơ ấy, khi Bình say sưa lắng nghe những bài giảng của thầy cô và ngưỡng mộ sự tận tâm của họ đối với học sinh. Phong thái đĩnh đạc, dịu dàng đứng trên bục giảng, với từng lời giảng truyền cảm và ánh mắt tràn đầy yêu thương của thầy cô giáo đã in sâu vào tâm trí Bình. Bình mơ ước, một ngày nào đó, mình sẽ được đứng trên bục giảng, dùng tất cả tình yêu thương và tâm huyết để chắp cánh cho những ước mơ của từng lớp học trò bay cao, bay xa.
***
Bình được sinh ra trong những ngày chiến tranh ác liệt của Mậu Thân năm 1968. Khi đất nước thống nhất, mọi người hồ hởi xây dựng quê hương. Năm học 1975-1976, năm học chính thức đầu tiên ở quê tôi. Bình cùng với đám trẻ, nói đám trẻ chứ đủ mọi lứa tuổi, từ 6 cho đến 15, 16 háo hức đến trường làng để đăng ký học. Một số anh chị biết đọc, biết viết, thì được học lớp 2, số còn lại, trong đó có Bình, thì học lớp 1. Lớp 1 học buổi sáng, lớp 2 học buổi chiều.
Khai giảng chưa đầy 1 tháng, thì mấy anh chị lớp 2 dần bỏ học, chỉ còn 2 người, phải ghép vào học với lớp 1. Lớp 1 cũng không hơn. Ban đầu có 23 bạn, sau 1 tháng thì cũng đã nghỉ gần một nửa. Và đến hết lớp 5, lớp Bình chỉ còn có 7 bạn.
Bình học hết cấp 1 trường làng, vào cấp 2 ở trung tâm xã, xa gần 5 cây số.
- Bình, chị nghe, con chú Năm, con cô Sáu và mấy đứa học chung với em định nghỉ, không vô học cấp 2, vì xa quá. Em tính sao, Bình?
Một ngày sắp bắt đầu năm học, chị ba Minh vuốt vuốt mấy lọn tóc hoe vàng cháy nắng của Bình ân cần gặng hỏi. Bình cúi đầu, hai tay ve ve tà áo.
- Dạ, em muốn đi học tiếp. Em mơ ước sau này làm thầy giáo giống như thầy Quang, thầy Hùng vậy đó chị ba.
Giọng Bình thỏ thẻ vì sợ chị ba cho đây chỉ là giấc mơ hão huyền. Lén nhìn, thấy chị ba gật gật đầu lắng nghe, Bình mím môi nói tiếp.
- Làm thầy giáo hiểu biết hết mọi thứ, được mọi người kính trọng. Khi làm thầy giáo em sẽ về đây, về quê mình dạy cho các em nhỏ để ai ai cũng biết chữ, ai ai cũng hiểu biết khoa học, ai ai cũng thành người tốt và được kính trọng…
Nghe Bình thổ lộ, chị ba không tỏ ngạc nhiên, vì chị rất hiểu tâm tư, tình cảm của Bình.
- Em trai của chị, ước mơ của em chị ủng hộ hết mình. Nhưng em có biết, muốn làm thầy giáo thì phải học nhiều lắm, học giỏi nữa, học lên tới trên tỉnh, trên thành phố. Hoàn cảnh nhà mình, hoàn cảnh quê mình, xứ mình nghèo khó, xa xôi cách trở, muôn vàn khó khăn em có vượt qua nổi không? Chị Minh thở nhẹ, rồi nói tiếp- Nói vậy thôi, nhưng chị rất tin em trai của chị, luôn ủng hộ em, luôn ở bên em, cùng em để biến giấc mơ của em thành sự thật. Bản thân em phải nỗ lực, phải phấn đấu vượt qua hết tất cả các khó khăn, chướng ngại nghen em!
***
Không như những đứa trẻ khác, tuy nghèo khó nhưng hạnh phúc lớn nhất của Bình là được ba má cho tới trường, không phải nghỉ học sớm như các bạn cùng xóm. Trong xóm có bạn học giỏi nhưng cũng phải ở nhà chăn trâu, phụ việc đồng áng. Từ nhà đến trường, hồi học trường cấp 2 cũng như cấp 3, khoảng 6, 7 cây số, phải vượt qua 2, 3 cánh đồng. Vì phải đi bộ nên Bình phải luôn đi học sớm, lúc tờ mờ sáng là phải xong xuôi mọi việc để tới trường. Buổi trưa thường đi về tới nhà cũng vào khoảng hơn 12 giờ.
Chịu khó, chịu khổ làm việc và học tập nên Bình trúng tuyển vào trường ĐH sư phạm. Những năm đó, được tốt nghiệp cấp 3, rồi vào ĐH là niềm vui lớn, vì có năm cả huyện chỉ có một vài người đậu ĐH.
Ra trường, theo nguyện vọng, Bình được phân công về quê dạy học. Bằng năng lực, đạo đức và sự tín nhiệm Bình được điều động vào các vị trí quản lý rồi lãnh đạo trong ngành giáo dục nên phải lên tỉnh, tiếp tục xa quê.
Dù bận nhiều việc, nhưng hễ có dịp, có điều kiện là ông Bình tranh thủ về thăm quê. Nơi ấy, một thời đã nuôi dưỡng giấc mơ và biến giấc mơ của ông thành hiện thực. Thăm các anh chị, nhất là chị Minh. Chị Minh là “người bạn” luôn gần gũi, che chở, chia ngọt, sẻ bùi với ông Bình.
***
Biết hôm nay ông Bình về nên bà Minh chuẩn bị sẵn ấm trà, vì ông Bình rất thích uống trà do bà Minh pha, sau khi ông Bình hớp ngụm trà nóng, bà Mình thỏ thẻ.
- Thời của em, bọn nhỏ học biết con chữ rồi thôi. Ngày đó, nghe em tâm sự, tuy rất ủng hộ em nhưng vẫn rất lo. Nhưng em trai của chị đã làm được, giấc mơ của em đã thành sự thật! Em là thầy giáo Bình, là em trai của chị!
Bà Minh nắm chặt hai bàn tay ông Bình, hai chị em cùng cười.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin