Văn nghệ sĩ đồng thuận với chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy

05:50, 31/03/2025

(VLO) Nhắc đến thời điểm năm 1986, là nói đến thời kỳ “đổi mới tư duy” mà Đảng ta khởi động. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) Đảng có báo cáo chính trị và nghị quyết đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. “Đổi mới hay là chết” đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với Tổ quốc và Nhân dân trong giai đoạn này.

Biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TL
Biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TL

Đó là thời kỳ gần chục năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng cũng là hơn một thập niên đất nước phải đương đầu với nhiều khó khăn thử thách.

Vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa chống đói nghèo, chống bao vây cấm vận, cùng lúc là thực hiện quyền tự vệ chính đáng, bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền của dân tộc qua 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Trong đó có 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp bạn tại Campuchia.

Và trong thời khắc khó khăn ấy, những người nghệ sĩ- chiến sĩ đã đi qua 2 cuộc trường chinh với 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ giờ lại tiếp tục “xung trận”.

Họ dùng tác phẩm của mình để phản ánh hiện thực xã hội, vừa đấu tranh chống quan liêu bao cấp, chống đói nghèo cho đến chống giặc xâm lăng, chống các âm mưu của các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình”, chống phá công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng.

Ngay từ năm 1943, dưới ánh sáng của “Đề cương văn hóa Việt Nam”, đội ngũ văn nghệ sĩ đã được tôi rèn qua 2 cuộc kháng chiến, tạo dựng nên một nền văn nghệ cách mạng với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ- chiến sĩ có mặt khắp các khía cạnh đời sống xã hội, nhiều người đã anh dũng ngã xuống bên cạnh khẩu súng cùng tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) đang thực hiện dở dang… và sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất 30/4/1975, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình nhất là trong những năm đầu sau ngày giải phóng với biết bao khó khăn về chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh...

Điều may mắn là vào thời điểm các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô tan rã (1991), đâu đó có những ý tưởng muốn xóa bỏ các hội văn nghệ. Với một tầm nhìn chiến lược, Đảng ta vẫn coi VHNT là một mặt trận của công tác tư tưởng- văn hóa, là mũi xung kích hiệu quả, đưa đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với cán bộ, Nhân dân, nên đã kịp thời ban hành các nghị quyết, các đường lối chủ trương về văn hóa, văn nghệ nhằm tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Và điều vô cùng quan trọng là đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam qua “bão giông, thử thách” của các chiêu trò đòi “đa nguyên, đa đảng” vẫn kiên trung, đứng vững, luôn vững tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói “Hãy cởi trói cho văn nghệ”. Ngay sau Đại hội VI, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý VHNT và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa VHNT và văn hóa phát triển lên một bước mới”, và Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII ban hành Nghị quyết số 03 ngày 16/7/1998 “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 

Rồi 10 năm sau, ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 23 “Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”; ngày 9/6/2014 BCH Trung ương Đảng khóa XI, ban hành Nghị quyết số 33 “Về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tinh thần cốt lõi của các nghị quyết của Đảng về văn hóa, VHNT nhằm tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, VHNT là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức giữ vai trò quan trọng. “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Hiện nay ở Trung ương có Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam và ở các địa phương đều có hội VHNT với đội ngũ hơn 40.000 hội viên sinh hoạt ở các chuyên ngành.

Đội ngũ này tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ cho những nhiệm vụ chính trị của đất nước với hàng ngàn cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng, biểu diễn nghệ thuật; xuất bản báo, tạp chí văn nghệ, in ấn hàng ngàn đầu sách; tổ chức hội thảo, hội diễn nghệ thuật; tổ chức trại sáng tác, đi thực tế… phản ánh về đề tài lịch sử, truyền thống, chiến tranh cách mạng, về xây dựng NTM, biển đảo, biên giới và công cuộc đổi mới đất nước.

Thông qua sáng tác, đã giúp tuyên truyền, quảng bá tác phẩm VHNT, nâng cao nhận thức thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân, đồng thời giúp phát hiện, bồi dưỡng nhiều văn nghệ sĩ trẻ, tài năng bổ sung cho đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ tại các đơn vị, địa phương.

Trong bối cảnh hiện nay cả hệ thống chính trị đang vào cuộc thực hiện Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong lúc các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đang chủ động, khẩn trương triển khai các kế hoạch, giải pháp sắp xếp, tinh gọn bộ máy với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, thì trên không gian mạng cũng xuất hiện các luận điệu xuyên tạc, mang tư tưởng chống phá, đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy của một số đối tượng phản động, bất mãn, cơ hội chính trị,… chúng đã cắt ghép, dàn dựng, đưa nội dung xấu độc, tin giả, tuyên truyền tư tưởng phản động, xuyên tạc chống phá. Mục đích nhằm gây mất ổn định chính trị xã hội và mất đoàn kết nội bộ…

Thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, chắc chắn sẽ có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước... dôi dư, mất việc làm, ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống gia đình, trong đó chắc hẳn có đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, những người làm việc trong các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ…

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta rất nhân văn, giải quyết có lý, có tình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự xáo trộn tâm lý xã hội và cuộc sống của những đối tượng bị ảnh hưởng... vì vậy hơn lúc nào hết, đội ngũ văn nghệ sĩ phải càng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ.

Hãy luôn xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, cùng đoàn kết, nỗ lực, chung sức đồng lòng với Đảng, Nhà nước hoàn thành thật tốt chức năng, nhiệm vụ “soi đường cho quốc dân đi”, đồng thuận, ủng hộ chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Để VHNT tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả, trở thành động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vai trò văn nghệ sĩ vô cùng quan trọng, cần tiếp tục trau dồi phẩm chất “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa, VHNT với tinh thần trách nhiệm cao độ, khắc phục tình trạng nghiệp dư, đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Không nắm vững công nghệ, không đổi mới, không chuyên nghiệp hóa là thụt lùi, chắc chắn công chúng sẽ quay lưng.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân rất cần những tác phẩm VHNT có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao, và đó cũng chính là trách nhiệm chính trị và cũng là khát vọng sáng tạo, cống hiến của mỗi văn nghệ sĩ luôn đồng hành với sự phát triển đi lên của quê hương đất nước.

ANH TIẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh