Người dân sẽ được phục vụ tốt hơn

12:09, 25/03/2025

Năm 2018, trong Quyết định số 1847 về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ do Thủ tướng Chính phủ ban hành, tại Mục 4, Điều 1 có quy định về “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép), “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ), “4 có” (có lên, có xuống, có vào, có ra) đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính khi tiếp xúc, phục vụ người dân.

Các điều này không khó nhìn thấy các bảng hiệu treo trong các cơ quan, chính quyền địa phương, nhưng thực tế trong tư duy, thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự thay đổi.

Cùng với đó, một “rừng quy định” làm cho hệ thống hành chính vẫn còn rất nặng nề, đông người nhưng không chạy việc. Chưa kể, vẫn còn một số nơi, một số lĩnh vực người dân vẫn phải “xin” chớ không phải được phục vụ. Dẫn đến những tiêu cực khi có tâm lý cần nhanh, cần gấp của người dân sẽ bị… hành để vụ lợi.

Có những vấn đề mặc nhiên, chính quyền, cơ quan nhà nước phải thực hiện như là chức trách, nhiệm vụ phục vụ người dân, nhưng lại kéo dài thời gian rất vô lý.

Điển hình, làm một giấy khai sinh cho em bé trong hệ thống kết nối chuyển đổi số, người dân vẫn phải lên xuống cơ quan phường, xã rất nhiều lần hơn tháng trời. Chỉ vì lý do rất không chấp nhận được là hệ thống máy tính kết nối… bị treo.

Người dân hỏi máy bị treo từ ngoài bộ, hay sở hay tại chính quyền cơ sở thì được trả lời: Không biết! Cũng như có những loại giấy tờ đã được cơ quan nhà nước công nhận, có trong dữ liệu quốc gia, nhưng vẫn phải đi… công chứng, lại đẻ ra một hệ thống công chứng, người dân tốn tiền, tốn thời gian vì những vấn đề, trách nhiệm không thuộc về mình…

Đó là những câu chuyện điển hình về những bất cập trong hệ thống hành chính, trong văn hóa công vụ vẫn còn nặng tư duy “xin- cho”, dù nước ta đã trải qua nhiều lần cải cách thủ tục hành chính.

Xây dựng văn hóa công vụ gắn liền với nền hành chính phục vụ, tư duy phục vụ người dân của cán bộ, công chức, viên chức là một trong những mục tiêu mà Quyết định số 1847 của Thủ tướng Chính phủ hướng tới.

Và người dân tin tưởng rằng, sắp tới đây trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, người dân sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích, khi sẽ hình thành nên một thế hệ cán bộ, công chức, viên chức trong nền hành chính hướng đến phục vụ người dân.

Sự hài lòng của người dân sẽ là thước đo năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và bộ máy hành chính sẵn sàng đào thải những cán bộ, công chức, viên chức thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm. Sẽ không còn số đông người rảnh việc hưởng lương lại còn cố tình trì níu sự tiến bộ của xã hội.

Người dân tin tưởng sẽ có sự đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng văn hóa công vụ hướng đến sự hài lòng của người dân, của tổ chức.

Nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu các đơn vị, tổ chức, cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng và thực thi văn hóa công vụ, xác định rõ vai trò cán bộ, công chức, viên chức là “đầy tớ trung thành”, là “công bộc của dân”.

NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh