Miền Tây một thuở: Mo cau dịu dàng ký ức

05:57, 25/02/2025

(VLO) Những ký ức như sợi chỉ mỏng, vấn víu níu buộc với “thoang thoảng hương cau, ngọt mía đường”, vì đó là mùi thơm, là vị ngọt tuổi thơ.

Gìn giữ chái bếp cũng chính là gìn giữ một phần hồn quê. Ảnh minh họa
 

Những điều bình dị rất dễ đi vào thơ ca, rồi đi vào lòng người với nỗi nhớ chẳng như hương cau thoang thoảng mỗi sớm mai thức giấc, hoa cau rụng trắng lối đi. Mỗi chiều nhìn hàng cau ngả bóng dài trên những con đường, ông múc từng gàu tưới gốc cây, còn lũ trẻ đùa vui với chiếc mo cau.

Những hình ảnh và hương vị đã tạo nên quê hương chốn thanh bình. Để ai đi nơi xa ngái, lại tìm về nơi chốn thanh bình ấy, hay ngồi kể con cháu nghe, nhắc nhớ một thời cho đỡ nhớ nơi đã nặng lòng thương yêu.

Bác tôi ở xa mở lòng với tình thương bứt ruột dành cho nơi chốn thanh bình dù cuộc sống hiện đại nơi xứ người. Vì bác đã yêu cái mộc mạc chân quê với tình yêu sâu đậm.

Và không riêng gì bác, khi tuổi càng cao, nỗi nhớ càng gần và lẫn trong đó là lòng biết ơn nơi sinh ra và lớn lên. Bác nhớ hai hàng cau thẳng tắp từ lộ vào nhà, tàu cau khô rụng xuống là má bác nhặt đem vào bó chổi.

Chao ơi là thương nhớ một thời, bác nhớ nỗi nhớ nhỏ nhoi như: cây ổi sẻ nằm cạnh bờ ao thịt dày và ngọt; cây vú sữa trắng che mát khoảng rộng, để lũ bạn quanh xóm trưa hè trốn nắng bắn bi; cau có mấy cây, cây nào có tàu mo cau to… Lúc cùng mấy đứa em đi nhặt mo cau kéo. Hái lá ổi làm tiền để trả công kéo của phu kéo mo cau.

Người quặn quẹo từng khúc lòng bảo: Tôi đâu có đi đâu xa, ở ngay tại nơi mình xin ra vẫn nhớ con ngõ ngày ấy vang tiếng cười khi chơi trò chơi kéo mo cau. Cái mo cau vụt hiện trong ký ức với hình ảnh má lom khom nhặt chiếc mo cau cắt hình tròn để gài hũ mắm.

Cặm cụi ngồi lựa từng con cá trắng với dáng ngồi lành hiền. Những hũ mắm khi nhận mắm má cắt mo cau hình tròn bằng với hũ để đậy lại, tàu mo má bỏ lá, chặt khúc để gài xuống cho thật chặt.

Ngày trước nhà nào cũng thế, làm vài khạp mắm, hũ mắm cá đồng nào cá lóc, cá rô, cá sặt… để dành ăn quanh năm, suốt tháng.

Rồi người lại thêm vào để mảnh ghép ký ức một thời gắn với mo cau từ từ được ghép hoàn thiện hơn: Ba tôi làm quạt rất khéo, ông lấy cây kẹp tấm mo cho thẳng và dằn vật nặng lên vài hôm thôi là tấm mo thẳng ra.

Rồi ba cắt chiếc mo thành hình quạt, tay cầm quạt ba xếp rất khéo và cột lại thành tay cầm, không chỉ đẹp mà lúc quạt rất mát và rất chắc chắn. Mái lá vào mùa mưa dột, ba liền chặt mo cau chèn vào mái lá.

Vậy là hết dột rồi. Rồi ba còn dùng mo cau làm gàu để múc nước tưới cây, chúng tôi thì lén lấy gàu để hái mận, hái xoài… đưa lên giật cái là trái nằm trọn trong gàu. Có cái hái vậy chiếc gàu sẽ lẹ hư lắm.

Ôi! Mỗi người với mênh mang hoài nhớ. Người kể, ngày ấy các cụ ngồi kể chuyện thời khói lửa gói cơm trong mo cau. Mo cau gói cơm cho người đi xa, giữ được lâu không ôi thiu.

Mo cau gợi lại hình tượng người chiến sĩ trong ký ức của hồi bom đạn không thể nào quê của những người từng tham gia. Và mo cau gói cơm cứ truyền kể lại đời này qua đời khác nhắc nhớ công sức của người đã đổ máu xương để giành lấy hòa bình như ngày hôm nay.

Giờ hàng cau không còn nhiều như xưa, chỉ còn vài cây lẫn trong vườn. Giờ ngủ trưa mát lạnh với máy điều hòa vẫn bùi ngùi nhớ về tuổi thơ. Và đôi khi ta lại bất chợt nghe ai cất giọng hát: Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo mo cau/ Chở em khắp ngõ vườn/ Cô bé mỹ miều, cười run run bờ vai/ Tay ôm chắc vành mo/… cứ thế ký ức bỗng dịu dàng hiện lên.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh