Truyện ngắn: Sự hối hận muộn màng

14:04, 12/01/2025

(VLO) Một ngày lao động nặng nhọc, buổi chiều, buổi chiều tối lo cơm nước cho hai con xong, chị Huệ vùi mình vào giấc ngủ mê mệt. Đứa con gái nhỏ ngủ chung với mẹ, đứa con trai lớn ngủ trên chiếc giường nhỏ kề bên.

 

Một đêm đằm ấm với hai con rồi cũng qua nhanh. Sáng sớm chị thức dậy lo ăn sáng cho hai con rồi phải tất tả đưa con đến trường. Nhưng sáng nay vừa đi ra nhà sau, chị thấy cánh cửa bị lệch như có ai đó xô đẩy mạnh tay. Nghi ngờ có điều chẳng lành, chị chạy vào nhà trong xem lại cái tủ. Cánh cửa tủ bị bung ra và như có người khép hờ lại.

Chị lật đật kiểm tra vật dụng trong tủ và phát hiện hộp đựng nữ trang đã mất. Mấy triệu đồng cũng không cánh mà bay. Huệ mất bình tỉnh, bủn rủn cả tay chân. Đây là số tiền khá lớn trong đời chị, chị tích cóp để nuôi hai đứa con ăn học.

Chồng đã mất do tai nạn lao động, mọi gánh gia đình đè nặng trên đôi vai. Số nữ trang là tài sản, vừa là những kỷ vật quý của ngày cưới. Số tiền dành dụm của hai vợ chồng dành lo cho con giờ đã tan biến. Mọi sinh hoạt sáng nay đảo lộn.

Con ăn sáng trễ hơn, đi học trễ hơn, chị nhờ lối xóm bơi xuồng đưa con đến trường. Bà con gần đó biết tin nhà chị bị mất trộm nên kéo đến thăm hỏi. Chị nhờ người đi báo công an. Công an đến, xem xét cẩn thận từng dấu vết, từng góc ngách nhưng vẫn chưa kết luận được điều gì. Có lẽ tên trộm này là “siêu trộm”.

Mẹ chị Huệ cùng thằng con út nhà gần đó, nghe tin tất tả chạy qua. Bà mẹ vừa động viên chị vừa rơm rớm nước mắt. Buổi chiều, bà mẹ lại chạy qua, dúi vào tay chị chiếc nhẫn rồi nói:

- Mẹ không có tiền để giúp con, con cầm lấy chiếc nhẫn này, bán nó kiếm ít tiền để trang trải lo cho mấy đứa con ăn học. Mẹ già rồi, tiêu xài không bao nhiêu.

Nhìn chiếc nhẫn, chị biết đây là kỷ vật ngày cưới của mẹ với cha ngày xưa. Khi cha mất, mẹ giữ chiếc nhẫn này như bảo vật, kỷ niệm một thời son trẻ còn lưu giữ cho đến nay. Chị nhất quyết không nhận, nhưng trước ánh mắt và những lời tha thiết của mẹ, chị đành phải nhận cho mẹ vui mà trong lòng tan nát.

Sống một mình, thiếu tiền đã khổ, đừng nói chi lo cho hai đứa con ăn học với biết bao chi phí hàng ngày, hàng tháng. Chị làm phụ hồ cho một thầu xây dựng, công việc khá bấp bênh, tiền công không bao nhiêu, mà công trình xây dựng không phải lúc nào cũng có.

Bà con thương tình, mỗi người góp một ít để giúp chị đứng lên. Chị gượng gạo nhận những đồng bạc lẻ loi của bà con qua nước mắt. Không nhận cũng không được, mà nhận thì quá ngại ngùng. Với số vốn này, có người đề nghị chị làm thêm nghề để kiếm sống. Làm phụ hồ thường là chỉ có tính thời vụ, không bền vững.

Đã vậy, hai đứa con lại thường hay bị bệnh. Tiền ăn, rồi tiền trường, tiền học, sách vở… với đủ thứ chi phí, vậy mà phải trang trải thêm tiền thuốc men… với hàng trăm thứ để lo. Bản thân chị cũng thường bị đau lưng, hôm nào khuân vác nặng thì tối bị hành. Vì thương con, lo cho con, chị không quản ngại đến thân mình. Thôi thì ai thuê đâu làm đó, chẳng ngại khó khăn.

Sau sự việc đó chỉ mấy tháng thôi, nhìn gương mặt trong gương, chị thấy tuổi già đến quá nhanh, chưa chi đã hốc hác như người bệnh. Bà mẹ thì già yếu nên cũng không hỗ trợ được gì.

Đứa con trai lớn thì làm ăn xa, thỉnh thoảng gửi ít tiền về giúp mẹ. Hoàn cảnh hai mẹ con chị đều khó khăn. Hàng xóm có giúp thì cũng mức độ. Bản thân mình phải vượt qua mọi nghịch cảnh. Nhắc đến tên trộm thì bà con ai ai cũng sôi gan, nổi máu lên. Có người hăm nếu bắt được phải “xử đẹp”.

Một chị bạn thương tình, hướng dẫn chị nấu xôi bán ở chợ “chồm hổm” gần nhà. Chị bạn nói: “Tôi sẽ chỉ cho em cách nấu xôi nổi tiếng. Xôi vừa dẻo vừa thơm ngon, thơm béo mùi nước cốt dừa”.

Chị Huệ làm theo lời hướng dẫn của chị bạn thân tình. Một số chị em hỗ trợ vốn. Chị mua sắm dụng cụ, xây lò bếp để hành nghề. Chẳng bao lâu, chị cũng đã cho ra đời những mẻ xôi thơm ngon đặc biệt. Đúng là phải có bí quyết và cách nấu đặc biệt mới có được những mẻ xôi như vậy. Nguyên liệu chỉ có nếp và nước cốt dừa...

Buổi sớm đầu tiên, người quen đến mua ủng hộ. Ai cũng khen ngon. Những ngày sau đó, nhiều người biết, đến sớm để tranh thủ mua. Việc lo cho con ăn sáng thì đã có xôi, đôi ba bữa chị cũng đổi món cho con. Chèo xuồng chở con đi học thì thuê người quen cùng xóm với giá hữu nghị.

***

Thời gian thấm thoát trôi, mới đó mà đã qua rồi 3 mùa lá đổ kể từ ngày bị mất trộm. Trưa hôm đó, có một nam thanh niên khoảng trên 40 tuổi, đến trước nhà kêu chị Huệ ơi, chị Huệ ơi. Chị đi ra. Nhận thấy quen quen, dường như ở xóm bên thì phải. Sau màn chào hỏi, anh thanh niên nói:

- Khoảng năm nay, em đi làm mướn ở Vũng Tàu, cách đây khoảng hơn tháng, có người hỏi em phải ở xóm Cá, gần rạch Cá Trê không, có biết chị Huệ không, em gật đầu. Vài hôm sau, bỗng dưng có một người không quen đến trao cho em một gói quà, nhờ em gửi tận tay chị Huệ. Chuyện tuy lạ nhưng đơn giản nên em nhận chuyển dùm gói quà này.

Chị Huệ rất đổi ngạc nhiên vì có quen biết ai ở Vũng Tàu đâu. Từ chối không được, chị đành nhận. Khi khách về, chị nhìn trân trân vào gói quà. Nó chỉ lớn hơn lòng bàn tay và cao lên khoảng hơn tất.

Bao bì kín mít, có thêm mấy miếng băng keo trong dán chặt bên ngoài. Chị thận trọng dùng dao mở ra. Nằm trên cùng là một bao thơ. Chị lật đật mở ra xem. Thư đánh máy chứ không viết tay:

Gửi chị Huệ:

“Nhận thơ, nhận quà có lẽ chị ngạc nhiên lắm phải không. Không giấu gì chị, tôi là người đã từng gặp cảnh khó khăn, cùng cực, nợ nần chồng đống và quyết định bỏ xứ mà đi tìm phương cách làm ăn.

Đi làm ăn xa phải có vốn. Vậy là tôi bí quá, trong lúc cùng cực, tôi chọn nhà chị để lấy trộm số tiền vàng của chị. Rồi tôi dạt đến Vũng Tàu. Nhờ số vốn này, tôi đầu tư kinh doanh, tích cóp từ nhỏ đến lớn rồi gặp thời cơ nên dần khá lên.

Mấy tháng trước, ngồi uống cà phê với một nhóm bạn, tình cờ tôi nghe có đứa nói đến một vụ trộm mấy năm trước tại nhà chị. Nó nguyền rủa tên trộm không tiếc lời; rồi nó kể cảnh khổ của mẹ con chị khi không còn gì trong tay để sinh sống. Mấy đứa nhỏ đói ăn đói uống, còn chị thì hốc hác, bệnh hoạn. Tự dưng tôi thấy ân hận về việc làm của mình mấy năm trước.

Tôi giấu nhẹm với bạn bè chuyện đó. Món quà này người nhận chuyển dùm cũng không biết tôi là ai vì đã qua trung gian. Vì vậy, trước hết tôi xin lỗi chị, chị đừng giận và vui lòng nhận món quà này để tôi đỡ ân hận, được khuây khỏa nỗi lòng”.

Chị Huệ bật ngật, không tin đây là sự thật, lẽ nào mình đang mơ. Xưa nay có kẻ trộm nào trả lại đồ trộm cho người bị trộm; thường là nó quen tay rồi tiếp tục “hành nghề” cho đến khi nào bị bắt thì thôi.

Chị hồi hộp mở tiếp gói quà. Hộp quà bung ra, đôi bông tai sáng giới hiện ra trước mắt, đôi bông tai kỷ niệm vẫn còn nguyên như ngày nào, số nữ trang ngày cưới còn nguyên, tiếp đó và một xấp tiền mặt dày cộm. Chị vừa mừng vừa bần thần, đây là mơ hay thực?

Vậy là chị suy nghĩ, đánh giá khác về tên trộm. Tên này vẫn còn tình người, biết nghĩ đến người khác, nhất là với người mà mình đã gây khổ đau cho họ. Sự hối cải muộn màng nhưng vẫn hơn. Trái tim của nó vẫn còn đó trong nhịp đập bình thường của tình người.

PHONG LAN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh