Sông nước miệt vườn

14:04, 12/01/2025

(VLO) Chiếc bánh tráng, đòn bánh tét, tô canh cá ngát, chén mắm tép… từ khi nào đã làm nên hương vị quê nhà. Để khi lớn lên bước chân ra khỏi cái bờ rào, lại mang nỗi nhớ sông nước miệt vườn. Để mỗi khi nhớ quê ta lại thèm những món ăn quê, mỗi khi ăn món ăn quê ta lại thèm được về với sông nước miệt vườn.

Để khi lớn lên bước chân ra khỏi cái bờ rào, lại mang nỗi nhớ sông nước miệt vườn.
Để khi lớn lên bước chân ra khỏi cái bờ rào, lại mang nỗi nhớ sông nước miệt vườn.

Ghé quán ăn nhà sàn dựng ven sông, gọi món lẩu bần nấu cá ngát, cá bông lau và tôm càng sông nướng. Không chỉ được thư giãn với không gian mát mẻ, thưởng thức món lẩu cá bông lau, cá ngát, tôm càng xanh nướng mà còn được về với tuổi thơ một thời gắn bó với sông nước miệt vườn. Quá khứ với những năm tháng nghèo khó nhưng không đến nỗi quắt quay để mà thương mà mến.

Đó là mùa lúa, mùa trái cây chín, mùa nước nổi,… mang những giọt mồ hôi, mang mùi khói, những dấu chân trần in trên bãi bùn non… Cái mùi kho khô của nồi cá bống buổi hoàng hôn.

Mùi mắm tép khi giở hũ trộn với gừng, với đu đủ để kẹp với cá lóc nướng. Miếng bánh phồng mì phồng lên khi gặp than hồng. Bàn tay nào kết đọng vào món ăn dân dã, để khi lớn lên đều khao khát vị xưa.

Nồi cá bống kho là kết quả của những đứa trẻ trong cái nắng trưa oi ả.
Nồi cá bống kho là kết quả của những đứa trẻ trong cái nắng trưa oi ả.

Nồi cá bống kho là kết quả của những đứa trẻ trong cái nắng trưa hè oi ả. Bên bến sông, những đứa trẻ xôn xao, đứa đập cua cho giập, đứa bỏ vào lọp, đứa đem lọp đi đặt khi con nước vừa kịp lớn.

Đứa chạy đi bẻ vài cây mía đường, chia ra từng khúc, cầm khúc mía xước mà nghe ngọt ngào vị lam lũ, tuổi thơ của đồng đất. Hồi hộp khi giở những chiếc lọp lên với những chú cá bống nhảy xoi xói trong chiếc lọp. Lâu lâu cũng có sự thất vọng khi giở chiếc lọp lên.

Còn hũ mắm tép là kết quả của những mẻ lưới được kéo trên cánh đồng nước sau mùa gặt lúa. Trong bộ đồ ướt đẫm, lựa từng con tép trốn trong rong rêu. Cái nắng hè của tuổi thơ đầy niềm vui, với những bàn chân non dính bùn, áo ước đẫm, nụ cười tươi roi rói của tuổi hồn nhiên. Những kỷ niệm không thể nào quên, cố vướn tay vớ lại mà có được bao giờ.

Về lại với hiện tại khi nghe lên câu vọng cổ từ bàn xa xa vọng lại. Ở xứ miền Tây người không biết hát cũng thuộc một hai bài vọng cổ.

Cái điệu nhạc thể hiện tâm tư và tình cảm của cha ông sống trong cảnh tha hương, ly tán, hàng ngày phải đối mặt với thiên nhiên hoang vu và rộng lớn, cộng với độ tự do lớn, không bị ràng buộc bởi những quy chuẩn truyền thống. Cảnh không còn gì để bàn. Đã hiểu vì sao quán thu hút khách đến đây nhiều như thế.

Những giây phúc lòng lắng lại, cảm nhận thật sâu nỗi nhớ về những buồn vui và đong đầy yêu thương. Đó là lúc nghe ông lão đang ca cổ nghe mùi mẫn sao lòng. Nhiều người khen giọng ca ông mùi mẫn khi ông ca giọng nghe trữ tình, lãng mạn. Tai nghe những xóm Bún, xóm Chài cũng làm nhớ ơi xóm nhỏ quê nhà.

Hàng ngàn năm, ông bà ta chung sống với thiên nhiên, sống chan hòa bên những cánh đồng lúa, vườn cây, ven những dòng sông con rạch đã tạo nên nền văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn rất đặc trưng.

Theo thời gian những văn hóa truyền thống mai một. Dù biết rằng khó lòng mà cưỡng lại được, vì đó là quy luật tất yếu của cuộc sống nhưng sao lòng vẫn cảm thấy luyến tiếc, đôi khi hụt hẫng,... muốn lưu lại chút dư vị xưa còn vương vấn.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh