KỶ NIỆM 260 NĂM NGÀY SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU (1765-2025):
“Bắc hành tạp lục”- một tập thơ đặc sắc, đầy chất nhân văn

12:41, 05/01/2025
Tượng đài đại thi hào Nguyễn Du tại Khu lưu niệm ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nguồn: internet
Tượng đài đại thi hào Nguyễn Du tại Khu lưu niệm ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nguồn: internet

Với những cống hiến của đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại, tháng 12/1964, tại TP Berlin (Đức) Hội đồng Hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1765-1965) cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Sau đó, BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã có Chỉ thị số 112-CT/TW ngày 26/10/1965 “Về việc kỷ niệm Nguyễn Du”.

Đây là cột mốc lớn trong việc nghiên cứu, khẳng định và tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tuy nhiên, với Nguyễn Du, ngoài thiên tuyệt bút Truyện Kiều thì một số tác phẩm thơ khác- trong đó có tập “Bắc hành tạp lục” cũng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Với “Bắc hành tạp lục”, giới học giả đã từng cho rằng, đây là tập thơ đặc sắc và đầy chất nhân văn.


Ngày 1/11/2013, tại Hà Nội, Hội Kiều học Việt Nam và Viện Văn học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức tọa đàm khoa học về tập thơ chữ Hán “Bắc hành tạp lục” của đại thi hào Nguyễn Du, nhân kỷ niệm 200 năm (1813-2013) tập thơ ra đời.

Sự kiện góp phần thúc đẩy việc UNESCO công nhận Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới trong tháng 11/2013 này. Có thể nói, “Bắc hành tạp lục” là một tập thơ đặc sắc, đầy chất nhân văn, có nhiều điều mới mẻ, những cái khác lạ làm nên một Nguyễn Du mạnh mẽ đầy tính riêng biệt, làm nên một thi nhân lớn của dân tộc.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Quang cho rằng: “Bắc hành tạp lục” viết trong thời gian ngắn nhất (từ tháng 5 năm Quý Dậu 1813 đến tháng 3 năm Giáp Tuất 1814), nhưng lại có số lượng bài nhiều nhất (132 bài). Trước đó, với 10 năm gió bụi ở Thái Bình (1786-1795), ông chỉ viết được 27 bài; 7 năm lận đận ở quê nhà (1796-1802), ông có 31 bài; 3 năm làm quan ở Bắc Hà (1802-1804), 18 bài và 16 năm làm quan ở Phú Xuân (1805-1820), ông cũng chỉ viết được 40 bài.

Có thể khẳng định đây là khoảng thời gian mà cảm xúc thơ của Nguyễn Du bùng lên mạnh nhất, phong phú nhất. Đó là điều đặc sắc thật đáng nể, đáng trân trọng. Điều đặc sắc nhưng cũng rất lạ lùng khác đó chính là, trong chuyến đi sứ đó, Nguyễn Du là Chánh sứ, nhưng toàn bộ tập “Bắc hành tạp lục” không hề có một bài nào đề cập đến nhiệm vụ chính của một vị Chánh sứ mà toát lên trong đó là những vần thơ của một nhà tư tưởng lớn mang đậm chất nhân văn. Nhà thơ coi cuộc Bắc hành là một cuộc chiến và đã dồn hết tâm huyết của mình vào những vần thơ cho cuộc chiến đó.

Ông đã gác tất cả nỗi niềm riêng, kể cả người gãy đàn ở Long Thành mà Nguyễn Du có dịp gặp lại trước cuộc hành trình đi sứ. Vâng, sử cũ chép lại rằng, khi đến thành Lạng Sơn- trạm nghỉ chân cuối cùng trên đất Việt, bắt đầu hành trình sang đất nước người, sắp lại các giấy tờ, kiểm tra lại hành lý, Nguyễn Du đã cảm thấy “bao nỗi nhớ nhung dễ bị cắt đứt; trong tráp đã có ngọn bút sắc như đao”.

Những mối tình riêng, tình cảm quê hương ruột thịt dù nồng thắm nhưng Nguyễn Du cũng tạm gác lại, tình cảm và suy nghĩ bấy giờ dồn cả vào ngọn bút- ngọn bút sắc như hình ảnh thơ thể hiện tư thế sẵn sàng, hăm hở cho một cuộc chiến không phải bằng gươm giáo mà bằng ngòi bút- bằng thơ ca, bằng nghệ thuật. Và, dù là thơ viết trên đất người nhưng cũng đậm chất nhân văn.


TS Nguyễn Thị Nương- giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, trong bài tham luận đọc ở cuộc tọa đàm ngày 1/11/2013 tại Hà Nội, đã cho rằng: Nguyễn Du viết “Bắc hành tạp lục” về đất nước Trung Hoa với “tư cách của một thi nhân”, không phải với tư cách sứ thần. “Bắc hành tạp lục” do đó có giá trị văn chương và nhân văn vượt trội trong dòng thơ đi sứ. Là Chánh sứ, Nguyễn Du tới Trung Quốc với một đoàn người, nhưng thơ ông trong  “Bắc hành tạp lục” thể hiện một người lữ hành cô độc, một mình đối diện với sự phong phú phức tạp trong tâm hồn mình.

Kể cả về tư tưởng và nhân sinh quan, Nguyễn Du cũng có cái nhìn riêng, không hòa cùng số đông, thể hiện tình thương con người và nỗi buồn nhân thế đã thành bản sắc của ông. Ông thấy Trung Quốc là đất nước tươi đẹp, trù phú như người ta vẫn nói, nhưng ông vẫn nhìn ra những nỗi thống khổ của người dân nơi đây. Nhà thơ đã thật sự xúc động và đau lòng trước hình ảnh của ông già mù hát rong còm cõi, hay những người dân lành phải đau khổ vì loạn lạc, đói kém.

Ông đã từng trằn trọc không sao chợp mắt được khi chứng kiến hình ảnh “Một mẹ cùng ba con/ Lê la bên đường nọ/ Đứa bé ôm trong lòng/ Đứa lớn tay mang giỏ/ Trong giỏ  đựng những gì?/ Mớ rau lẫn tấm cám/ Nửa ngày bụng vẫn không/ Áo quần thật lam lũ/ Gặp người chẳng dám nhìn/ Lệ sa vạt áo ướt/ …/ Lần phố xin miếng ăn/ Cách ấy đâu được mãi!/ Chết lăn rãnh đến nơi/ Thịt da béo cầy sói/ Mẹ chết có tiếc gì/ Thương con càng dứt ruột/ Nỗi đau như xé lòng/ Trông mặt trời vàng úa”. Và Nguyễn Du tự hỏi, không biết trên ngôi cao vời vợi, nhà vua có biết đến cảnh cơ cực của dân tình hay không? Nhà thơ ước ao có “ai vẽ bức tranh này để dâng lên cho nhà vua rõ”.

Những bài thơ tiếp theo trên con đường đi sứ của ông cũng giúp ta hiểu thêm, ngoài những sự bất công trong xã hội, thiên tai lụt lội, mùa màng mất mát, trên đất nước này vẫn thường xảy ra việc mất ổn định của xã hội với đói kém, đao binh, loạn lạc nhiều nơi: “Mấy trăm dặm chỗ nào cũng có binh lính/ Ðường sá bế tắc, không người đi/ Người đưa tiễn xa than dài, người đưa tiễn gần im lặng/ Tới lui đều trong tình trạng khó khăn/ Hôm qua nước Hoàng Hà dâng cao/ Năm ngày không có ăn, đậu thuyền trên bãi sông/ Hôm nay ở Vệ Châu giặc cướp chận đường/ Không biết đường trước mặt bao giờ yên” (Trở binh hành).


Một góc nhân văn khác trong “Bắc hành tạp lục”, là Nguyễn Du luôn tỏ ra kính trọng và đề cao những con người nghĩa dũng, những trung thần tiếng tăm của lịch sử Trung Hoa. Ông đã bùi ngùi, cảm xúc khi đứng trước mộ Đỗ Phủ, một nhà thơ được người Trung Hoa tôn là “Thi thánh” và bày tỏ cảm phục, trân trọng: “Thiên cổ văn chương, thiên cổ sỉ (sư)/ Bình sinh bội phục vị thường ly…” (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ).

Đọc Đỗ Phủ, Nguyễn Du thấy văn chương Đỗ Phủ là văn chương bậc thầy ngàn đời, được lưu truyền cả ngàn năm; suốt đời Nguyễn Du khâm phục và không rời xa. Bên cạnh, Nguyễn Du cũng rất kính trọng, khâm phục những con người tài hoa, trung thực. Chính Nguyễn Du đã mượn câu chuyện của trung thần Khuất Nguyên để không những phê phán xã hội Trung Hoa mà cả chốn quan trường của triều Nguyễn đầy những mưu toan quyền lợi, địa vị, mưu hại kẻ khác.

Trong bài thơ “Phản chiêu hồn”, Nguyễn Du đã khuyên hồn của Khuất Nguyên đừng trở về trần gian này nữa vì nơi đâu cũng đầy hùm sói: “Hồn ơi! Hồn ơi! Nếu cứ noi theo lối đó/ Thì sau Tam Hoàng không hợp thời nữa/ Hãy sớm thu góp tinh thần trở lại Thái Cực/ Ðừng trở lại đây nữa để người ta mai mỉa/ Ðời sau đều là Thượng Quan/ Khắp mặt đất đều là sông Mịch La/ Cá rồng không ăn, sói hùm cũng nuốt…”.

Bên cạnh sự tôn kính, ca ngợi những bậc thầy thiên hạ, hay những vị trung thần nghĩa liệt, Nguyễn Du cũng đã chỉ trích, lên án kịch liệt những kẻ gian thần, xảo trá luôn tìm cách hại người trung nghĩa; những kẻ mồm mép để mưu lợi cá nhân; hay những kẻ nịnh thần hay vẽ đường, mách nước cho vua, chúa tranh giành, gây chiến lẫn nhau làm cho xã hội thêm rối ren, loạn lạc: “Cối kia làm củi tự năm nào/ Quẩn mộ Nhạc Phi hỏi cớ sao?/ Định luận nghìn năm hay phải trái/ Đánh la một xác chẳng buồn đau/ Bề ngoài sắt thép coi ra vẻ/ Trước mặt người Kim lại cúi đầu/ Ai bảo tượng này vô tích sự?/ Loạn thần ngó thấy ớn nghìn sau” (Tần Cối tượng- Đặng Nguyên Kiệt dịch); hay: “Áo rách da cừu bỏ hướng Tây/ Triệu đường múa lưỡi với khua tay/ Tung hoành lừa phỉnh lòe vua dốt/ Phú quý khoe khoang với vợ gầy/ Sáu nước ấn phong, cồn gió cát/ Một đình thu muộn cỏ tung bay/ Kiếp người danh lợi thành vô vị/ Kim cổ ai người tỉnh giấc say” (Tô Tần đình- Nhất Uyên dịch thơ)… Có phải vậy chăng mà nhà thơ Xuân Diệu đã từng nêu cảm nghĩ của mình về tập thơ rằng: “Bắc hành tạp lục” là một tập bút ký ghi cảm tưởng dọc đường.

Nhân nhìn thấy được một di tích lịch sử nào đó ở Trung Quốc, gợi nhớ đến việc trong nước, nhớ đến những người ông tiếp xúc trong chốn quan trường, thì ông hết lời xỉ mắng, là phường xu danh trục lợi chỉ “cốt cầu phú quý để vênh vang với vợ con” (Tô Tần đình), là giới quan lại “ra ngoài ngựa ngựa, xe xe”. “Bàn bàn tán tán, như ông Cao, ông Quỳ” cốt che đậy “nanh vuốt, nọc độc” để “nhai xé thịt người ngọt xớt như đường”, trong khi đó thì Nhân dân “chỉ là những gầy gò, không ai béo tốt” (Phản chiên hồn). 


“Bắc hành tạp lục”, một tập thơ có độ dày thời gian tới 212 năm. Với độ lùi của thời gian đó, ta càng nhận thấy được những giá trị đích thực của tập thơ. Mặc dù, với bản thân tác giả, ông chỉ gọi đây là những ghi chép tản mạn trong chuyến đi sứ kéo dài gần một năm của ông. Nhưng quả thực, “hữu xạ tự nhiên hương”- tự thân giá trị và sức sống lâu bền của tập thơ đã nói lên tất cả. Nhân 260 năm ngày sinh của nhà thơ, tản mạn đôi chút về tập “Bắc hành tạp lục”- một tập thơ đặc sắc, đẫm chất nhân văn, để một lần nữa nhớ về nhà thơ, đại thi hào của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa của thế giới- một con người, một “Trái tim lớn giữa thiên nhiên/ Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa” (Bên mộ cụ Nguyễn Du- Vương Trọng).


NGUYỄN THỊ THỌ
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh