(VLO) Ánh nắng chói chang buổi sáng làm cho dòng sông quê càng thêm rực rỡ. Xa xa phía kia là dãy đất cù lao Dài- nơi mà tôi lớn lên với những năm tháng tuổi thơ ồn ào nhưng có nhiều điều đáng nhớ.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Từng đàn cò trắng lúc ẩn lúc hiện trên sóng nước bao la dễ làm người ta nao lòng. Bất giác trong ý nghĩ, tôi quên đi nhiệm vụ kỳ này là cùng với nhóm kỹ sư trẻ thiết kế xây mới chợ cù lao mà lòng lại rười rượi nhớ về ngôi trường mà tôi học lúc còn tuổi ấu thơ. Nơi ấy đã từng gắn bó với thầy giáo trẻ mà tôi xem như người ba thứ hai của mình.
Tiếng còi phà đã cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Theo chân mọi người tôi bước lên bờ. Lúc này chúng tôi được những người ở đây chú ý nhiều nhất, chắc họ nghĩ chúng tôi từ phương xa đến.
Tôi đứng lại và đưa mắt ngắm nhìn một hồi khung cảnh quen thuộc ngày nào. Sau bao năm xa cách, chợ cù lao bây giờ khác xưa!
Những con phố với những nhà lá thấp lè tè trước đây, bây giờ là dãy nhà cao tầng san sát mọc lên, đường sá khang trang, sạch sẽ. Đối diện với khu chợ kia là ngôi trường chúng tôi học ngày xưa. Đứng từ xa trông lại, ngôi trường không có gì thay đổi. Điều này lại gợi cho tôi nỗi nhớ về thầy.
Thầy tôi là người ở thị xã, vừa ra trường là thầy nhận phân công về đây công tác. Hồi ấy, trong ý nghĩ của chúng tôi thị xã là một nơi xa lắm và nơi ấy không phải đi lại bằng ghe xuồng như ở quê tôi mà chủ yếu đi bằng xe, người người qua lại rất đông đúc. Sau đó, tôi được mẹ cho đi một vài lần lên tỉnh và có ghé qua chợ. Tôi rợn ngợp trước phố xá, nhà và xe.
Lúc đó, tôi thầm nghĩ rằng, không biết lý do gì mà thầy lại rời chốn phồn hoa đô thị mà về với xứ cù lao thôn dã này để chúng tôi may mắn được gặp thầy. Vì thầy là một người thầy giáo trẻ nên chúng tôi rất thích thầy, tâm lý tuổi thơ mà!
Đêm nào cũng vậy, tôi cùng với chúng bạn đến nhà thầy. Nhà thầy lúc đó hẹp lắm chỉ có khoảng sân phía trước là rộng, có thảm cỏ xanh rì.
Dưới ánh đèn dầu sáng lờ mờ, chúng tôi ngồi xung quanh nghe thầy kể chuyện. Có đôi lúc thầy ngồi đánh đàn cho chúng tôi hát. Lâu dần, chúng tôi xem việc đến nhà thầy, nghe thầy kể chuyện hay được trò chuyện cùng thầy là một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Có một hôm, khi tôi vào lớp học, ba tôi đến tận lớp tìm tôi. Thầy dừng lại bảo tôi ra ngoài gặp ba. Chưa nói câu nào ba tôi đánh lấy đánh để vào người tôi. Thầy tôi thấy thế bước ra cản lại.
Tôi núp ra phía sau lưng thầy, cố bíu lấy chéo áo của thầy để tránh đòn. Thầy một tay ôm tôi một tay đỡ đòn cho tôi. Lúc đó, tôi sợ lắm chỉ biết khóc và làm thế nào để tránh đòn thôi. Thầy nói:
- Có chuyện gì thì chú cứ từ từ nói, đừng đánh em nó như thế!
Ba tôi hét lớn:
- Tôi đã không cho nó đi học nữa mà nó vẫn cãi lời tôi.
Thầy vẫn từ tốn:
- Thôi từ từ hãy giải quyết, cháu mời chú ngồi xuống uống ly trà đã, rồi chú cháu mình bàn xem có cách giải quyết nào hữu hiệu hơn lúc đó rồi sẽ liệu.
Trước thái độ nhã nhặn lịch sự của thầy, ba tôi bất đắc dĩ phải dịu giọng đi lại phía bàn trà. Lúc này, tay thầy vẫn còn nắm lấy tay tôi, tôi có cảm giác như thầy là người ba thứ hai của tôi, vì tôi tìm thấy ở thầy một sự ấm áp, êm dịu vô cùng. Thầy kéo ghế mời ba tôi ngồi. Thầy với lấy cái ly rót trà cho ba tôi uống và hỏi:
- Có chuyện gì xảy ra với em đây chú nói cho cháu biết với.
Ba tôi trố mắt nhìn vào mặt tôi:
- Tôi đã bảo nó nghỉ học, giúp tôi lo chuyện nhà cửa vì nhà quá đơn chiếc nhưng nó có nghe đâu. Hôm nay nó cãi tôi mà đi học.
Thầy ôn tồn hỏi:
- Thế gia đình ta gặp phải khó khăn gì hở chú?
Ba tôi vẫn lặp lời lúc nãy:
- Thú thật với thầy nhà tôi đơn chiếc lắm! Có một mình tôi là lao động chính. Con người ta bằng tuổi nó đã đi làm mướn, có tiền có bạc giúp đỡ ba mẹ đỡ khổ một chút có hay hơn không.
Thầy hỏi chỉ có một câu mà ba tôi nói ra một tràng rất dài, thầy vẫn kiên nhẫn nghe ba tôi nói hết rồi mới nói:
- Cháu thấy em nó hiền, lại học giỏi mà cháu thương. Hay là gia đình ta cố gắng khắc phục khó khăn tạo điều kiện cho em nó đến trường, sau này tìm được việc làm nào tốt lúc ấy em nó giúp đỡ gia đình cũng đâu có muộn.
Nói rồi, ba tôi đứng lên cầm tay tôi lôi ra ngoài, không cần nghe thầy tôi nói điều gì nữa. Tôi cố nắm tay thầy không chịu theo ba về. Thầy tôi liền bảo:
- Về với ba đi em! Ít ngày nữa ba nguôi giận, thầy sẽ thuyết phục ba cho em đi học lại.
Tôi buông tay của thầy ra, lòng đầy lo sợ.
Ngày trước, tôi không biết chuyện nên chỉ trách ba tôi. Dần lớn lên, tôi mới nhận ra nhiều điều và không trách ông ấy nữa. Tất cả cũng vì cuộc sống khó khăn, từ thực tế nhận thức của người dân quê tôi lúc bấy giờ không chú trọng đến việc học là mấy. Ba tôi là một trong những người trong số đó.
Tối đêm đó về, ba tôi không còn đánh tôi nữa nhưng mẹ và ba tôi cãi nhau dữ lắm. Mẹ giận ba nên dắt tôi về ngoại. Hồi ấy, nhà ngoại tôi cũng gần đó, nhà ngoại cũng nghèo và chỉ sống lam lũ với nghề dệt chiếu. Vì vậy dù có về với ngoại, tôi cũng vẫn không được đi học, nhưng ít ra cũng tránh được sự đối xử hà khắc của ba tôi.
Trước khi đi, tôi có xin mẹ tôi ghé qua trường để từ biệt thầy. Lúc gặp thầy, mẹ tôi cảm ơn vì thầy đã che chở, thương yêu tôi thời gian qua. Thầy đề nghị:
- Hay là thím cho cháu tiếp tục đến trường, có khó khăn gì tôi sẽ hỗ trợ.
Mẹ tôi còn ngần ngại. Lúc ấy, tôi thầm mong mẹ gật đầu thế là tôi được đi học, được gặp thầy. Tôi ngước mặt lên nhìn mẹ. Mẹ hiểu ý tôi liền nói:
- Vậy trăm sự ở đây nhờ thầy!
Thế là tôi vẫn được đi học. Từ hôm ấy, thầy thường cho tôi tập, viết, sách… và không biết bao nhiêu quần áo mà thầy xin được của người quen từ trên thị xã, những chiếc áo vẫn còn mới lắm.
Lần nào thầy về quê, tôi cũng có áo mới. Lúc ấy, tôi chỉ biết mừng chứ đâu biết rằng để giúp đỡ tôi thầy đã bớt đi đồng lương ít ỏi của thầy. Rồi thế là hàng ngày chúng tôi học tập và lớn lên bên thầy.
***
Cho đến một hôm, thầy vào lớp có vẻ buồn lắm. Thấy vậy, chúng tôi không nói tiếng nào vì sợ thấy buồn thêm. Lúc vừa xong tiết học thầy nói:
- Các em ạ, đây là tiết học cuối cùng mà thầy dạy các em vì ngày mai này thầy sẽ chuyển về quê công tác. Nhưng các em đừng buồn, các em sẽ được học thầy cô khác dạy các em. Thầy tin rằng ở thầy cô mới, các em vẫn nhận được sự yêu thương như thầy, lúc các em nhớ đến thầy, các em cố gắng học thật giỏi là thầy đã vui rồi!
Thầy chưa nói xong thì ở phía cuối lớp bắt đầu đã có tiếng thút thít rồi lan rộng ra khắp cả lớp. Thầy an ủi:
- Có dịp thầy sẽ lại về thăm các em!
Thầy xuống bên tôi xoa lên mái tóc cháy nắng của tôi, rồi thầy khẽ nói:
- Long này, em cố gắng học nhé! Thầy sẽ tiếp tục giúp em.
Hôm sau khoảng tám giờ, thầy lên đường. Bây giờ, tôi không hiểu lúc đó tại sao chúng tôi lại dám bỏ cả buổi học đến tiễn thầy. Thầy tạm biệt từng đứa học trò rồi bước xuống đò. Chiếc đò bắt đầu từ từ nổ máy rồi chạy về phía bờ Vũng Liêm.
Chúng tôi nhìn thấy bàn tay vẫy của thầy cho đến tận ngoài xa. Còn chúng tôi đứng vẫy tay tạm biệt thầy cho đến khi chiếc đò còn bé xíu rồi dần khuất ở phía mênh mông của dòng sông quê. Xa xa ngoài kia chỉ còn là những con cò cánh trắng như bàn tay thầy vẫn còn vẫy chào tạm biệt chúng tôi. Sau đó, chúng tôi chưa về vội mà ngồi nấn ná ở bến sông, mắt ai cũng đỏ hoe.
Sau những ngày về thị xã, tháng nào thầy cũng gởi thơ động viên và hỏi thăm tôi. Cho đến khi tôi vào ĐH và ra trường làm kỹ sư xây dựng…
***
Chuyến đi lần này là một sự kiện đặc biệt đối với tôi. Đang nhìn trường xưa tâm trí mơn man nhớ về thầy thì một đồng nghiệp vỗ vai tôi, kéo tôi về thực tại.
Khi công việc ở cù lao hoàn thành, tôi ghé trường cũ hỏi thông tin về thầy. Hôm đó là ngày chủ nhật, tôi và vợ cùng đi thăm lại thầy. Tôi đến đúng địa chỉ nhà và bấm chuông. Thầy ra mở cửa. Tuy thời gian cách xa nhưng thầy vẫn như ngày nào. Trong tôi bỗng bừng dậy một nỗi xúc động. “Thầy ơi! Em là thằng Long mà ngày xưa thầy đã cưu mang.
Hôm nay, em về thăm thầy. Em đã sống tốt và thành đạt như mong muốn của thầy”. Rồi bao kỷ niệm giữa thầy và trò bỗng sống dậy với những câu chuyện như vừa mới hôm qua. Bên thầy, tôi như bé lại và quay về những ngày xưa cùng chúng bạn cắp sách đến trường ở xứ cù lao miệt vườn sông nước.
Sau này, tôi sẽ kể cho con của tôi nghe chuyện về ba của nó được thầy cưu mang và đã trưởng thành như thế nào. Chắc rằng con tôi sẽ có được bài học vỡ lòng đầy ý nghĩa. Một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, mà ông bụt trong câu chuyện ấy chính là… thầy tôi!
MINH ĐIỀN (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin