1. Trời lạnh khủng khiếp. Rừng dẻ chìm trong sương trắng đùng đục. Quảng với tôi chui vào quán nước chè của một bà cụ trạc ngoài 60 gì đó. Chúng tôi mua ấm chè và 4 chiếc kẹo dồi chó. Đó là bữa liên hoan trước khi được nghỉ phép thăm nhà để chuẩn bị đi B.
Quảng quê ở Quảng Bình nên ở lại, còn tôi sẽ về Hà Nội. Không hiểu sao đã mấy chục năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ buổi sáng ấy ở TT Mai Sưu- nơi mà chúng tôi vẫn gọi là Mai Sưu gờ rát. 4 chiếc kẹo dồi và bao thuốc Nhị Thanh, hai đứa ngồi với nhau gần cả buổi sáng.
![]() |
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Ai đời, trời lạnh dưới 10 độ mà dám đi bộ đường rừng gần 7 cây số để chỉ uống với nhau mỗi ấm trà. Tôi nhớ, Quảng đã mấy lần dúi tấm ảnh của Phụng cho tôi, nhưng tôi không nhận. Tấm ảnh khổ 4x6, chụp Phụng ngồi nghiêng, xõa tóc ôm cây đàn ghi ta.
Phía sau tấm ảnh là chữ ký của Phụng, không hề có lời đề tặng. Quảng đã viết thư về Khoa Trắc- Địa xin Phụng tấm ảnh đó. Tấm ảnh gợi tôi nhớ lại buổi chiều trong ngôi nhà trọ gần sông Công.
Bấy giờ hoàng hôn đã bảng lảng, Phụng một mình từ dưới chân dốc lên thăm tôi. Tôi ôm ghi ta đệm cho Phụng hát bài “Cây thùy dương”. Tôi đàn dở, Phụng hát cũng không lấy gì làm hay, nhưng giai điệu vẫn cứ bùng lên, bùng lên.
Chúng tôi ngồi với nhau và hát đi hát lại mỗi một bài ấy. Cho đến lúc vầng trăng e ấp nhô lên trên ngọn xoan trước cửa. Phụng rủ tôi ra bờ sông ngồi chơi. Đó là lần đầu tiên tôi ngồi với một người bạn gái. Không biết làm gì, tôi lượm một viên sỏi ném xuống nước.
Mặt sông êm ắng gợn lên những vòng tròn lan tỏa. Tôi nói: “Bản chất của vật chất là sóng”. Phụng cười: “Ừ, sóng lan tỏa”. Tôi lại ném một viên sỏi nữa xuống nước.
Thêm một vòng sóng nữa bùng lên. Phụng nói: “Bản chất của sóng là sự giao thoa”. Tôi định ném thêm lần nữa, nhưng Phụng cầm lấy tay tôi, ngăn lại. “Đừng! Đừng ném nữa! Ta đi dọc sông một lúc đi!”. Và chúng tôi cứ thế lặng lẽ đi dọc theo bờ sông bàng bạc ánh trăng. Đó là đêm trước ngày chúng tôi chia tay nhau. Phụng ở lại trường ĐH, còn tôi sẽ đầu quân cho Đoàn 568 của Quân khu Tả Ngạn.
Lên Lục Ngạn được gần 1 tháng, tôi nhận được thư của Phụng. Quảng có vẻ buồn lắm. Cho tới khi Quảng nhận được tấm ảnh của Phụng, Quảng mới nguôi được phần nào. Anh ta nói với tôi: “Rứa là hết! Chiến trường biền biệt. Rứa là hết”.
Tôi không tin lời của Quảng. Có phải ai ra trận cũng không trở về đâu. Lớp ảnh hàng không của tôi có một anh là thương binh từ mặt trận trở về. Anh ấy vẫn hát hay, đàn giỏi.
Chính anh dạy cho tôi hát bài trở về “Xô Ri En Tô”, và rất nhiều bài khác nữa. Tôi phục lăn ra, bởi không hiểu vì sao anh lại thuộc nhiều bài hát nước ngoài làm vậy. Bài “Cây thùy dương” mà Phụng hát, cũng do anh ấy dạy cho.
2. Về tới Hà Nội ngày hôm trước, hôm sau tôi đã đạp xe tới nhà Nam. Nam từ Phổ Yên mới về thăm nhà vào chiều thứ bảy. Biết tôi nóng lòng thăm bè bạn, Nam mượn người chú chiếc Simson chở tôi lên Phổ Yên. Tôi không biết chạy xe máy. Ngồi sau lưng Nam, gió liên tục quạt mái tóc của cô vào mặt tôi. Có mùi gì đấy ngây ngất như mùi hoa.
Nam mới từ Thái Lan cùng gia đình hồi hương được mấy năm. Bằng tuổi tôi, nhưng Nam tỏ ra từng trải hơn. Chính Nam là người thường rủ chúng tôi nhảy tàu đêm lúc 11 giờ về Hà Nội. Không có vé, chúng tôi phải leo lên nóc toa tàu để trốn nhân viên kiểm soát.
Thường thì tàu vẫn vào ga Hàng Cỏ lúc 3 giờ sáng. Tôi, Phụng và Nam đi bộ dọc theo đường Trần Hưng Đạo, rồi rẽ trái đến bờ Hồ ăn kem Bốn Mùa. Bao giờ cũng vậy. Dù trời rét cắt da cắt thịt chúng tôi vẫn ăn kem.
Ở Phổ Yên làm gì có kem, chỉ Hà Nội mới có kem. Mà lúc bấy giờ, lũ sinh viên chúng tôi lúc nào cũng đói, cũng thèm ăn. Đã có lúc chúng tôi rủ nhau lên rừng chặt củi gánh về bán.
Sức vóc như Quảng cũng chỉ gánh được 50 cân là cùng. Tiền bán củi chẳng được là bao, nhưng với số tiền ấy, cũng đủ để chúng tôi được một bữa đi bộ ra Phổ Yên ăn phở, uống xi rô ở cửa hàng HTX.
Hùng cũng quê ở Quảng Bình, mập đen và chắc lùi lụi. Nhiều lúc nửa đêm đói cồn bụng không ngủ được, Hùng lay tôi dậy, kéo ra nương sắn của HTX nhổ trộm.
Nhiều sinh viên cũng thường nhổ trộm sắn như vậy. Có lần chúng tôi bị du kích rượt đuổi chạy bán sống bán chết. Họ nổ súng chỉ thiên đùng đùng, nhưng chúng tôi vẫn không vứt lại những củ sắn đã nhổ được.
Đang sức ăn mà buổi trưa chỉ có 2 miếng mì luộc bằng bàn tay, buổi tối chỉ mấy trăm gam cơm nhão nhoẹt, làm sao chúng tôi lại vứt đi những củ sắn đã cầm trong tay. Phụng và Nam biết tỏng sắn nhổ trộm của HTX, nhưng vẫn thường vui vẻ thức dậy cùng ăn với chúng tôi.
Nam và tôi về tới nơi sơ tán của Khoa Trắc- Địa vào lúc 11 giờ trưa. Bà chủ nhà trọ cho biết, Phụng mới về Hà Nội vào sáng sớm. Tôi buồn muốn rụng tóc. Nhưng biết nói gì được. Nam hiểu. Nam rủ tôi lên TP Thái Nguyên. Ở đó, Nam có người bà con cũng là Việt kiều Thái Lan hồi hương về nước, nhà xây cách trung tâm thành phố vài cây số. Với tôi, đó là một ngôi nhà đẹp, bởi nó vừa có gác, vừa có ban công.
Tôi với Nam đã thức với nhau gần như trắng đêm trên cái ban công ấy. Nam cũng hát cho tôi nghe bài “Cây thùy dương”. Nam hát hay hơn Phụng, và hát được nhiều bài hát nước ngoài hơn Phụng. Dường như trong con người Nam, lúc nào cũng toát ra vẻ đẹp của sự tài hoa, từng trải.
Tôi đợi đến 2 giờ chiều nhưng Phụng vẫn không trở về trường. Nam chở tôi ra ga Phổ Yên. Chúng tôi ngồi quán uống chè ấm, chờ chuyến tàu từ Hà Nội lên vào lúc 5 giờ chiều, với hy vọng Phụng sẽ lên vào chuyến ấy. Tàu đến trễ vào lúc sáu rưỡi. Chỉ có 4 người xuống ga, nhưng tất cả đều là đàn ông. Vậy là Nam quyết định chạy luôn về Hà Nội.
Đêm có trăng. Vầng trăng như cái bánh bị cắt đôi, lúc chìm lúc ẩn trong mây. Đêm lạnh thon thót. Nam mặc áo bông màu xanh chỉ lâm, còn tôi chỉ có cái áo trấn thủ. Gió quất ràn rạt. Tôi không có găng tay, nên hai bàn tay tê cóng tới cứng đờ ra. Nam nói: “Cứ ôm chặt Nam vào sẽ ấm đấy. Đường dài những 50 cây số cơ, không khéo lại chết rét”.
Mới đầu tôi không dám, vì sợ, nhưng rồi lạnh tới mức không chịu nổi, tôi đành phải ôm lấy Nam. Nam dừng xe lại, nói: “Luồn tay vào trong áo bông ấy. Đã là lính rồi mà còn nhát. Ôm chặt vào! Chẳng ai thấy đâu mà sợ.
Chiếc Simson màu xanh lại phóng vòn vọt trong đêm.
Khoảng 10 giờ thì bắt đầu có mưa phùn lắc rắc rây hạt. Vầng trăng biến đi đằng nào. Trời tối đen như có thể cắt ra được từng miếng. Nam phải bật đèn cốt pha để chạy.
Chạy được khoảng vài cây số thì có người lính đột ngột hiện ra ở giữa đường, chặn chúng tôi lại, nói như quát: “Muốn chết hả! Không biết F111 vừa đánh Yên Viên và Long Biên chiều nay à?”.
Khi biết tôi là lính chuẩn bị đi B, anh ta cười xởi lởi: “Có thuốc cho đây xin một điếu. Rét bỏ mẹ! Hai người ghé vào đâu mà ngủ, gần sáng hẵng đi. Mà đi tắt qua Gia Lâm xuống Chương Dương ấy”.
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Gió thổi hun hút như châm kim vào mặt. Không bật đèn thì không chạy được, chúng tôi phải rà xe theo vệ đường để kiếm chỗ trú lại. Mãi mới thấy một sân kho HTX.
Ở cuối sân, giáp với góc trái nhà kho, có mấy cây rơm cao to ngồn ngộn. Nam dẫn xe vào một góc khuất, bảo tôi rút rơm trải thành một cái ổ, rồi chúng tôi cùng nằm lên đó, phủ rơm lên người mà ngủ.
Lạnh tới mức không nhắm được mắt. Tôi lạnh run từ trong bụng run ra. Nếu Nam là Phụng, chắc tôi sẽ chui vào với Nam. Nhưng Nam là bạn gái của Thành.
Thành cũng nhập ngủ cùng đợt với tôi, nhưng được điều về lực lượng pháo phòng không của Quân khu Thủ đô. Biết không thể ngủ được, tôi hỏi: “Nam này! Nếu sáng mai không qua cầu phao được thì làm thế nào?”. Nam quay hẳn người lại, nhích về phía tôi, nói: “Thì lại kiếm ổ rơm ngủ nữa chứ sao”.
Đúng lúc đó, chợt có ánh đèn pin quét loang loáng vào chiếc xe dựng sát nhà kho. Hai ba giọng con gái cất lên cùng một lúc: “Ai? Ai ở đây?”. Tôi và Nam cùng ngồi dậy. 4 cô gái mặc áo đông xuân, mũ len trùm kín đầu cùng xuất hiện. Sau khi xem kỹ giấy phép của tôi, họ mở cửa nhà kho, mời chúng tôi vào nhà. Một cô nói: “Chúng em đãi anh chị cháo hoa nhé! Chỉ có nước mắm cô đặc thôi”.
Ngọn lửa cháy rưng rức. Than củi nổ lép bép. Nồi cháo sôi ục ục. Đêm trở nên ấm áp và gần gụi. Nam hòa được ngay vào với họ. Ăn hết nồi cháo nóng bỏng, cả 5 cô gái ngồi vòng tay ôm chặt lấy nhau, cùng nhau hát hết bài này tới bài khác.
Không hiểu sao giọng hát của họ lại hòa quyện vào nhau, thanh mảnh và ngọt ngào tới xao xuyến. Màn đêm rưng rức như cũng rung ngân lên thành giai điệu. Họ sẽ hát đến sáng, nếu như không có tiếng bom dội lên khàn đục từ phía Long Biên.
Tất cả chúng tôi cùng chạy ra sân kho. Bầu trời phía Nam bựng lên những chớp sáng. Thế có nghĩa là Long Biên, là Hà Nội đã gần lắm. Một cô nói với tôi: “Chúng nó đánh cầu từ đêm qua. Đánh từ quá nửa đêm tới sáng. Anh chị chỉ qua cầu phao vào ban đêm được thôi. Sáng nay đài vừa báo cầu Long Biên đã sập một nhịp. Bom điều khiển bằng tia la de gì đó”.
Quả nhiên phải 8 giờ tối lực lượng bảo vệ mới cho chúng tôi qua cầu phao. Từng dòng người chen chúc xô lấn nhau. Bởi lẽ người ta phải dùng phà để chở người xe qua lại hai đầu cầu chỉ vươn ra khỏi hai bờ sông vài trăm mét. Ních Xơn đã tỏ ra mạnh tay hơn Giôn-Xơn trong việc quyết tâm cắt đứt mạch giao thông trên sông Hồng.
Nam chở tôi đến thẳng người nhà bác họ của Phụng, nhưng Phụng đã trở lại trường bằng việc đi nhờ xe quân sự. Bác của Phụng nói với tôi: “Em nó tranh thủ về thăm bác. 2 ngày nữa bác cũng đi B. Thằng Ních Xơn ghê lắm, lần này sinh viên các cháu ra mặt trận rất nhiều phải không?”.
3. Tiểu đoàn tôi gồm chủ yếu là sinh viên ĐH Mỏ- Địa chất, ĐH Nông nghiệp, ĐH Thể dục- Thể thao Từ Sơn. Chúng tôi hành quân vào thẳng tới Bù Đốp thì dừng lại chờ biên chế mới.
Tình cờ tôi gặp lại Quảng. Quảng thuộc phiên đoàn khác, nhưng cùng vượt Trường Sơn một lúc với phiên Đoàn 1276 của chúng tôi. Quảng nói: “Mày đúng là số con rệp. Mày về Hà Nội được hơn 1 tuần thì Phụng nó lên.
Nó gửi cho mày cuốn sổ và cây bút Kim Tinh. Có cả quà của Nam, nhưng tao chỉ giữ được cuốn sổ”. Trong cuốn sổ ấy có tấm ảnh của Phụng gửi cho Quảng- Quảng đã dán nó vào đấy.
Khi tôi sang Công-Pông-Chư-Năng chi viện cho nước bạn đánh quân Lon Non, một lần đi vác gạo, tôi gặp Hùng trong bệnh viện tiền phương của Đoàn Z56. Hùng vẫn mập mạp, vẫn chắc lùi lụi, nhưng chân phải cụt đến đầu gối.
Dứt khoát trở lại Khoa Trắc- Địa. Hùng nói: Có chi gửi cho Phụng thì đưa đây!”. Tôi đưa cho Hùng cuốn nhật ký. Hùng ngắm tấm ảnh của Phụng một lúc, rồi nói: “Giữ lấy tấm ảnh chứ gửi ra làm chi. Mi rứa là giỏi. Còn tao, lúc ở A Tô Pơ, thèm ăn cơm nếp quá, tao đổi ảnh con Thuyền cho 1 chàng Ba Na lấy 4 lon nếp rồi. Cái Thuyền chắc không chấp”.
Tôi không biết là Hùng có gặp được Phụng không. Bởi lẽ lúc trở về Hà Nội, tôi tìm đến nhà Nam thì cả nhà đã dọn đi; hàng xóm không ai biết gia đình Nam ở đâu. Qua bạn bè, tôi nghe nói Phụng đã sang Ba Cu học chuyên ngành dầu khí. Tôi muốn xin về lại trường cũ học tiếp ngành Đồ bản, nhưng Thủ trưởng Trung đoàn lại khuyên nên ở lại miền Nam.
Vốn có máu viết lách, tôi bỏ luôn trường cũ, chúi đầu theo nghiệp văn. Mãi sau này, khi gặp Quảng tôi mới biết, lấy xong bằng tiến sĩ hóa dầu, Phụng xin về Vũng Tàu công tác; đã có chồng và có 2 con. Số là lúc ra Bắc, trở về trường cũ không gặp được bạn bè cùng lớp, Quảng đâm ra chán nản, bèn trở vào Sài Gòn học ĐH chính trị.
Hè nào Quảng cũng ra Hà Nội lang thang tìm bè bạn. Lần tìm mãi, cuối cùng Quảng cũng mò ra địa chỉ của Phụng, của Nam. Nhờ vậy Quảng biết, Thành đã hy sinh ngay trong tháng 12/1972 tại trận địa tên lửa ở Hà Tây. Còn Hùng đã là giám đốc một nhà máy ở Thủ Đức, đã cưới Nam, đã có với Nam 3 đứa con. Sở dĩ Hùng phải chia tay với Thuyền, là bởi Thuyền đã lỡ có con với một anh lính pháo, ngay từ khi đang học năm thứ 4.
Khi biết rõ ngọn ngành, tôi đã 3 lần đi Vũng Tàu, nhưng cả 3 lần đều không gặp Phụng, bởi lần nào xuống, nhà Phụng cũng đóng cửa im ỉm. Hàng xóm cho biết, vợ chồng Phụng cứ như sao hôm sao mai, nay chồng đi công tác, mai vợ đi công tác; có khi cả hai cùng đi ròng rã cả tháng, con cái gửi hết về bên nội.
Quảng cho tôi biết, chồng Phụng là anh Tuấn, người thương binh học cùng lớp, đã dạy cho tôi bài “Trở về Xô Ri En Tô”. Mãi tới năm 1984 hai người mới cưới nhau. Cuốn nhật ký chiến trường của tôi, Phụng và anh Tuấn vẫn giữ trong nhà như một báu vật. Đứa con đầu của Phụng mang tên của tôi. Điều đó làm tôi đau lòng. Đơn giản là tôi không hề được như Quảng.
Tôi đã chúi mũi vào học, chúi mũi vào công việc viết lách, không hề dám bỏ ra những tháng hè như Quảng để đi tìm Phụng. Mà Quảng, cho đến tận hôm nay, vẫn chỉ sống trần trụi một thân một mình. Quảng đợi gì? Đợi ai? Tại sao Quảng lại kiên nhẫn đến thế? Chính Nam đã nói với tôi, Quảng là kẻ lãng mạn tới lì lợm của thời đại.
Bởi vì tất cả những điều đó, tôi đã tìm cách né tránh, khi biết vợ chồng Phụng nhiều lần muốn gặp tôi. Vì sao ư? Vì cái đầu cố cựu của tôi luôn bảo thủ một điều: Thời gian luôn tuôn chảy theo dòng trôi của nó.
Những gì đã qua vẫn vậy. Những gì sắp tới cũng sẽ như vậy. Không thể nào níu kéo lại được. Cũng như dòng sông Công mà tôi đã ném xuống hai viên sỏi, để tạo ra hai vòng sóng giao thoa, đến tận bây giờ, vẫn tuôn chảy về phía trước- mãi mãi về phía trước.
HỒ TĨNH TÂM (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin