Truyện ngắn:
Mẹ anh lẩm cẩm  phải không em

21:27, 09/12/2024

VÕ HOÀNG NAM

Tranh minh họa: Trần Thắng 
Tranh minh họa: Trần Thắng 


Tôi vừa bước vào phòng họp thì có điện thoại gọi, tiếng vợ với giọng càm ràm: “Anh về nhà mà xem mẹ anh quá lẩm cẩm rồi, em hết chịu nổi với mẹ anh rồi đấy”. Tôi từ tốn: “Ừ anh biết, anh đang bận họp công ty lát nữa anh về ngay”.


Đến trưa tôi về, vợ vẫn đầy hằn học: “Anh nhìn nhà cửa đi, hôm nay em sắp ngăn nắp mọi thứ đâu ra đấy thì ngày mai mẹ lại cứ bày ra đầy nhà, ai mà chịu cho nổi, em đang điên lên chịu hết nổi với mẹ anh rồi đây”. Thấy vợ vò đầu, bứt tai với một trạng thái vô cùng bực tức, tôi đi lại bên vợ lấy tay vỗ nhẹ lên bờ vai bằng giọng nhẹ nhàng: “Có lẽ vợ chồng mình phải đưa mẹ vào nhà dưỡng lão thôi em ạ! Nếu cứ như thế này thì em cũng mệt mà anh cũng mệt”.


Sau bữa cơm tối, tôi dắt tay vợ vào phòng riêng: “Em vào đây”. Tôi mở tủ lấy ra cuốn album lật giở từng bức ảnh mà tôi yêu thích rồi lấy ra một tấm hình và nhẹ nhàng nói: “Đây là tấm hình mà dì anh chụp lúc mẹ mới sinh anh ra. Dì kể lúc mẹ sắp vượt cạn, mẹ yếu lắm nên sinh rất lâu, bác sĩ hỏi mẹ: “Ca này đẻ ngược nên rất khó, khó có thể vẹn toàn cả mẹ lẫn con”.

Lúc đó tuy rất đau nhưng mẹ vẫn cương quyết: “Nhờ bác sĩ hãy cứu lấy con tôi! Chồng tôi đang ở chiến trường, hãy giữ lấy giọt máu của anh ấy!”. Em thấy mẹ anh có lẩm cẩm không? Dì còn nói mẹ yếu lắm, nếu mà cố sinh sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ đã nói như vậy rồi mà mẹ vẫn khăng khăng: “Không! Không! Con tôi phải được ra đời! Còn tôi thế nào cũng được!”. Mẹ anh là như vậy đó, có lẩm cẩm không chứ. Vợ nhìn tấm hình mà không chớp mắt, rồi quay sang nhìn tôi bằng ánh mắt như có một điều gì đó rất lạ.


Tôi cẩn thận bỏ tấm hình đó qua một bên rồi lấy tấm hình khác đưa cho vợ xem. Đây là tấm hình mà tôi đang bú mẹ: “Mẹ phải mổ đẻ nên sữa rất ít, bà nội, bà ngoại, ai cũng khuyên mẹ nên cho anh bú sữa bình để dưỡng sức nhưng mẹ một hai: “Con của con nó nhẹ cân lắm, nó cần phải được bú sữa mẹ mới tốt”. Ai khuyên gì mẹ cũng không nghe, em thấy không mẹ cố chấp không? Mẹ chỉ lo cho tính mạng của anh mà quên tính mạng của mẹ, đúng là mẹ quá lẩm cẩm phải không em? Đôi bàn tay run run của vợ khi thấy trong ảnh hai bàn tay mẹ cứ giữ chặt lấy con mình không cho ai được đụng vào.


Tôi lại lấy ra một tấm ảnh khác rồi nói: “Em xem, còn nữa đây này, đấy em nhìn đi, em có thấy mẹ lẩm cẩm chưa? Trẻ con đứa nào mà chẳng tới lúc chập chững biết đi, vậy mà mẹ cứ làm như cả thế giới này chỉ có con của bà một năm đã chập chững biết đi không bằng. Gặp ai mẹ cũng khoe là thằng cu tý nhà tôi nó đi được rồi đó. Em thấy là mẹ quá lẩm cẩm đúng không? Bức ảnh tôi đang chập chững đi về phía mẹ ở trong tấm hình, vợ tôi cứ cầm lên nhìn mãi.


Tôi nói: “Em à, từ ngày anh biết bi bô tập nói rồi gọi được tiếng mẹ, tiếp theo những ngày sau đó là chuỗi điệp khúc mẹ cứ nói: “Ôi! Cu tý gọi mẹ đi, gọi mẹ đi cu tý? Mẹ quả đúng là phiền thật em nhỉ? Tôi mỉm cười xoa nhẹ vào bức hình mà mắt ngấn lệ. Đây nữa này: “Em thấy mẹ anh có lẩm cẩm không? Nhà thì nghèo rớt mồng tơi, không có tiền sao mà chụp hình nhiều lắm thế không biết. Anh vào mẫu giáo có phiếu bé ngoan mẹ cũng chụp, rồi tiểu học, trung học nhận giấy khen, mẹ cũng chụp. Em xem đi, ảnh của anh và mẹ em xem cả năm cũng không hết, thế mới biết mẹ lẩm cẩm quá.


Lúc này vợ nhìn tôi rồi cầm một tấm hình lên nhìn rất lâu. Trong hình là tôi rất đẹp trai trong bộ đồ nhận bằng tốt nghiệp đại học. Tôi đẹp trai cao ráo, đứng bên cạnh mẹ tóc thì rối tung, rối mù còn quần áo thì đã cũ. Tôi nói: “Nhìn vào thì em mới thấy mẹ không những lẩm cẩm mà còn luộm thuộm nữa phải không em?

Vợ tôi lúc này đôi mắt đỏ ngầu, giọng đều đều nói: “Mẹ khổ quá phải không anh, vậy mà em…”, giọng vợ đứt quãng, nắm lấy tay tôi. Tôi nói: “Năm anh mới 3 tuổi, ba anh đã hy sinh ở chiến trường, lúc đó mẹ mới 23 tuổi, ai cũng bảo mẹ nên đi bước nữa nhưng mẹ cương quyết ở vậy nuôi anh ăn học đến ngày hôm nay. Đấy mẹ lẩm cẩm đến thế là cùng? Có những lúc anh định nghỉ học nhưng mẹ bắt anh phải học. Để có tiền nuôi anh ăn học, mẹ phải làm đủ nghề em ạ!

Mẹ dậy từ 2-3 giờ sáng đi phụ quán cơm, trưa thì ăn luôn ở quán để tiết kiệm tiền cho anh học thêm ngoại ngữ. Chiều về thì chạy đi giặt đồ thuê cho người ta. Tối đến mẹ lại đi làm lao công ở chợ, về đến nhà đã 11-12 giờ đêm, vậy mà mẹ không hề than vãn nửa lời. Mẹ vậy đó, em thấy mẹ có đáng thương không? Một giọt nước mắt của vợ rơi xuống trên tấm hình bà mẹ trẻ xinh đẹp cùng đứa con trai mới bi bô tập nói với khuôn mặt phúc hậu. Đến lúc con trai chuẩn bị ra trường, vẫn gương mặt ấy nhưng đã đầy những vết thời gian và gầy hẳn đi.


Tôi nắm lấy bàn tay run run của vợ. Vợ thẩn người ra, nước mắt rơi xuống ướt đẫm tay tôi. Tôi xúc động khẽ nói: “Em ạ! Mẹ anh lẩm cẩm như vậy đó. Mẹ lẩm cẩm từ khi anh mới lọt lòng cho đến khi anh chuẩn bị đón đứa con đầu lòng của vợ chồng mình mà mẹ vẫn chưa hết lẩm cẩm.

Chưa hết đâu em! Mẹ còn lẩm cẩm và làm phiền vợ chồng mình cả đời nữa đấy. Ngày mai vợ chồng mình đưa mẹ vào viện dưỡng lão em nhé. Vợ ôm chặt lấy tôi rồi khóc nức nở: “Em xin lỗi anh! Nếu không có mẹ lẩm cẩm như vậy thì em làm gì có được anh hôm nay. Em sai rồi, mong anh bỏ qua cho em! Giờ thì em hiểu ra rồi, sự lẩm cẩm của mẹ cũng chính là sự lẩm cẩm của em sau này. Vợ chồng mình không để mẹ đi đâu cả. Mẹ sẽ sống với vợ chồng mình anh ạ! Em có lỗi với mẹ nhiều lắm”.


Bỗng có tiếng vật gì đó đổ vỡ “choang”! Tôi và vợ chạy nhanh xuống bếp thì thấy mẹ đứng đó đầy vẻ lo lắng, giọng nói lắp bắp: “Mẹ xin lỗi các con, mẹ nghe các con nói thèm chè hạt sen nên mẹ đi nấu, nhưng mà…”. Giọng mẹ run run, mắt mẹ không nhìn về phía hai vợ chồng tôi. Rồi mẹ cúi xuống nhặt từng mảnh vỡ. Vợ tôi vội đến bên mẹ, giọng khẩn khoản: “Mẹ ơi! Mẹ để đó cho con, mẹ không phải làm, để vợ chồng con làm”.


Vợ tôi ôm chặt lấy mẹ mà nước mắt thấm đẫm vào vai áo bà. Mẹ nhìn tôi, tôi nhìn vợ, lòng không khỏi cảm thấy hạnh phúc. Tôi như thầm nói với mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ đã không sinh nhầm con và con cũng đã không chọn nhầm con dâu cho mẹ phải không mẹ!”.

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh